Điểm báo ngày 13/5/2019

(CDC Hà Nam)
Cứu sống thai phụ sản giật ngừng tuần hoàn khi chuyển dạ; Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kêu gọi: Đã uống rượu bia thì không lái xe; Trong tuần này, Bệnh viện K sẽ cung cấp đủ thuốc generic chứa hoạt chất Pemetrexed cho bệnh nhân…

 

Khởi tố nhóm đối tượng hành hung bác sĩ

Ngày 11-5, Trung tá Nguyễn Hữu Cường – Phó trưởng Công an thành phố Vinh cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Dũng (SN 1969), Nguyễn Văn Thủy (SN 1963) và Nguyễn Thanh Đa (SN 1970) đều có hộ khẩu thường trú tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An cùng về tội Gây rối trật tự công cộng (Điều 318 – Bộ Luật Hình sự). Hiện 3 bị can được tại ngoại, song bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo cơ quan điều tra, đêm 11-2-2019, một nam bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An đang làm thủ tục cho một nữ bệnh nhân tại khoa ra bệnh viện ở Hà Nội chữa trị.

Trong quá trình này, người nhà của bệnh nhân yêu cầu phải có bác sĩ đi cùng hộ tống bệnh nhân ra Hà Nội, song nam bác sĩ đã giải thích theo quy định của bệnh viện thì không có bác sĩ đi cùng bệnh nhân vì đã có nhân viên y tế được đào tạo đi cùng trên xe vận chuyển.

Dù được giải thích nhưng người nhà nữ bệnh nhân không đồng ý và bắt ca trực cử bác sĩ đi cùng họ. Do không được đáp ứng yêu cầu, một số người đã chửi bới nhân viên ca trực gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới việc điều trị của khoa.

Đặc biệt, nhóm người này đã dùng tay tát nam bác sĩ đang làm thủ tục cho bệnh nhân, ném máy đo huyết áp vào người bác sĩ này.

Tiếp nhận vụ việc, Đội hình sự Công an TP Vinh vào cuộc xác minh, thu thập chứng cứ lời khai của nhân chứng và nạn nhân.

Ngày 26-2, Nguyễn Văn Dũng (SN 1969), Nguyễn Văn Thủy (SN 1963) và Nguyễn Thanh Đa (SN 1970) cùng đến Công an TP Vinh đầu thú, thừa nhận hành vi phạm tội.

Vụ án đang tiếp tục được hoàn tất hồ sơ. (Công an Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Khởi tố 3 đối tượng hành hung bác sĩ”

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kêu gọi: Đã uống rượu bia thì không lái xe

Sáng 12/5, tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, hàng nghìn người dân đã xuống đường đi bộ đồng hành xung quanh Hồ Hoàn Kiếm nhằm kêu gọi thay đổi nhận thức và hành động “Đã uống rượu bia – Không lái xe”. Đây là hoạt động do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, UBND thành phố Hà Nội với sự đồng hành của Báo Giao thông, Nhà hát kịch Việt Nam và Cộng đồng cựu học sinh Trung học Phổ thông thành phố Hà Nội khóa 1991-1994 (gọi tắt là Cộng đồng 91 – 94) tổ chức với sự tham gia của rất đông người dân thủ đô.

Tới dự cuộc đi bộ tập thể có Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến.

Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi hành động  ngăn chặn, kéo giảm tai nạn giao thông do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra. Ngoài ra, thông qua hoạt động đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, Ban tổ chức mong muốn truyền tải thông điệp hãy uống có trách nhiệm vì đằng sau tay lái của mình là cuộc sống của mình và những người xung quanh.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, từ chỗ mỗi năm có gần 12.000 người chết vì tai nạn giao thông, đến năm 2018, con số này đã giảm còn trên 8.000 người. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, kết quả trên không cho phép chúng ta quên rằng mỗi ngày tai nạn giao thông vẫn cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình, người thân và cộng đồng. “Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra, điển hình là 2 vụ tai nạn giao thông ngày 22/4 và 1/5/2019 tại Hà Nội, đã cướp đi 3 người mẹ, đã khiến cho 5 cháu nhỏ đang hạnh phúc ấm êm trong vòng tay mẹ bỗng trở nên bất hạnh, côi cút, vĩnh viễn không còn mẹ!”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng kêu gọi người dân hãy cương quyết không uống rượu bia nếu bạn là người phải lái xe sau bữa ăn. Không mời, không ép bạn bè, người thân uống rượu, bia nếu biết rằng họ phải lái xe sau bữa ăn. Hãy từ chối, cương quyết từ chối ngồi lên xe ô tô hay mô tô mà người lái xe vừa uống rượu, bia. Những người chủ nhà hàng, quán nhậu hãy hỏi để biết và cung cấp đồ uống không có cồn cho khách hàng phải lái xe sau bữa ăn.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nói, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để giảm tai nạn giao thông. Trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 tình hình tai nạn giao thông đã giảm trên tất cả các tiêu chí, tuy nhiên trong thời gian gần đây các vụ tai nạn giao thông có liên quan tới uống rượu bia khiến dư luận xã hội bức xúc. Người đứng đầu thành phố Hà Nội kêu gọi người dân đã uống rượu bia không lái xe, đeo dây an toàn khi lái xe, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. .., kêu gọi người dân thủ đô thực hiện văn hóa trong tham gia giao thông.

Tham dự cuộc đi bộ đồng hành gồm rất đông người dân thủ đô, các thành viên của Nhóm cựu học sinh PTTH 91- 94 Hà Nội với trang phục có dòng chữ “Đã uống không lái – Đã lái không uống” hoặc các logo cảnh báo  không uống rượu bia khi tham gia giao thông được dán trên áo những người tham gia. Tại sự kiện đi bộ đồng hành, ban tổ chức phát miễn phí 1 triệu sticker  cho những người tham gia đi bộ, và để dán lên xe ô tô như một lời cam kết Đã uống rượu bia -Không lái xe”.

Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng  cho biết, sự kiện này là một sự phối hợp tuyệt vời giữa cộng đồng 91-94 và sự hưởng ứng và vào cuộc của các cơ quan chức năng trước lời kêu gọi có thiết thực của cộng đồng.  Bởi sau sự ra đi vì tai nạn giao thông của 2 cô gái trong cộng đồng 91-94 mà nguyên nhân là do lái xe sử dụng rượu bia, nhóm 91-94 phát động phong trào không uống rượu bia khi tham gia giao thông…

Tại sự kiện này còn diễn ra các hoạt động cộng đồng như: Tham gia trò chơi thực tế ảo mô phỏng trạng thái lái xe khi say xỉn bằng sa hình và kính mắt chuyên dụng; Nhảy flashmob hưởng ứng lời kêu gọi; Trải nghiệm và chụp ảnh check-in tại con đường bánh xe ước vọng (con đường được sắp xếp và trang trí từ hơn 300 chiếc vỏ lốp được gắn Sticker mang thông điệp “Đã uống rượu bia – Không lái xe”); Thi trắc nghiệm giao thông nhận phần thưởng mũ Bảo hiểm đạt chuẩn; Các gia đình sẽ giao lưu cùng các nghệ sĩ nổi tiếng về những kiến thức an toàn giao thông…

Đặc biệt, mỗi người tham dự đều chụp ảnh và đăng lên tài khoản Facebook cá nhân một thông điệp kêu gọi bạn bè, người thân cùng hành động “Đã uống rượu bia – Không lái xe” hoặc “Đã uống, không lái – Đã lái, không uống”.

Ngày 10/5, Thủ tướng Chính phủ đã ra văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp  ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông do các hành vi vi phạm nồng độ cồn và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc với nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề gắn với các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về ma túy và nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; ra quân thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe trong các dịp nghỉ lễ dài ngày, các thời kỳ cao điểm về hoạt động lễ hội, du lịch tại từng địa phương; cương quyết xử lý, trấn áp các hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ; bảo đảm các điều kiện trang thiết bị, vật dụng phục vụ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn và chất ma túy; chủ động phối hợp với cơ quan báo chí để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật và ủng hộ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Trong tuần này, Bệnh viện K sẽ cung cấp đủ thuốc generic chứa hoạt chất Pemetrexed cho bệnh nhân

Liên quan đến tình trạng thiếu thuốc generic chứa hoạt chất Pemetrexed điều trị ung thư tại Bệnh viện K do nhà thầu chậm cung ứng thuốc, Ngày 10/5/2019, Bệnh viện K đã làm việc với Bộ Y tế có đại diện các Vụ/Cục và các đơn vị liên quan gồm: Vụ Kế hoạch tài chính, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, Vụ Truyền thông thi đua khen thưởng, về việc cung ứng thuốc chứa hoạt chất Pemetrexed.

Tại buổi làm việc, Công ty TNHH dược phẩm và TTBYT Hoàng Đức (nhà thầu cung ứng thuốc) cho biết đang khẩn trương hoàn thiện hợp đồng với cơ sở y tế trên cả nước để thực hiện việc cung ứng theo kết quả đấu thầu.

Sau khi trao đổi, thống nhất các nội dung đã làm việc để giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại Bệnh viện K, trên cơ sở ý kiến của đại diện các Vụ/Cục nêu trên, cuộc họp đi đến kết luận với một số nội dung cụ thể như sau:

Đối với nhà thầu là Công ty TNHH dược phẩm và TTBYT Hoàng Đức đã có công văn số 10/2019/HĐ-TTMSQG ngày 10/5/2019 về việc đảm bảo cung ứng thuốc trên cả nước theo kết quả đấu thầu.

Vụ Kế hoạch Tài chính đã trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bảo đảm cho Bệnh viện K có đủ cơ số thuốc trong thời gian nhà cung ứng với Bệnh viện K thực hiện hợp đồng.

Bệnh viện K chỉ cần thuốc Pemetrexed 500mg (do Công ty TNHH dược phẩm và TTBYT Hoàng Đức cung cấp) và chưa cần thuốc Pemetrexed hàm lượng 100mg. Liên quan đến tình trạng này, Bệnh viện K cho biết, trong ngày 10/5/2019, Bệnh viện K đã được Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bằng hình thức mua sắm trực tiếp để đáp ứng đủ thuốc cho công tác điều trị của Bệnh viện trong thời gian tới. Như vậy, ngay trong tuần này, Bệnh viện K cam kết sẽ cung ứng đầy đủ thuốc generic chứa hoạt chất Pemetrexed cho bệnh nhân. Bệnh viện K cũng cho biết, đang khẩn trương ký hợp đồng với nhà thầu để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho bệnh nhân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi có BHYT

Chiếm trên 11% trong tổng số đối tượng tham gia BHYT, người cao tuổi là một trong những nhóm đối tượng được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe thông qua việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên.

Cùng với đó là việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các điều kiện để người cao tuổi dễ dàng tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT…

Là nhóm đối tượng đã suy giảm nhiều về thể lực sau thời gian dài lao động và cống hiến, người cao tuổi là nhóm có tần suất khám chữa bệnh (KCB) và chi phí KCB bình quân cao hơn các nhóm đối tượng khác do bệnh ở tuổi già chủ yếu là các bệnh mạn tính (như tim mạch, huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, thoái hóa khớp…) phải điều trị suốt đời và điều trị nhiều bệnh cùng lúc; tính chất bệnh nặng… Thời gian qua, quỹ KCB BHYT đã bảo đảm tốt quyền lợi cho người cao tuổi có BHYT.

Cụ thể, năm 2017, có 52,8 triệu lượt KCB của người cao tuổi (chiếm tỷ lệ 31,4% số lượt KCB trên toàn quốc) với chi phí là 35.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,2% tổng chi toàn quốc). Năm 2018, ước tính có khoảng 57 triệu lượt KCB của người cao tuổi (chiếm tỷ lệ khoảng 34% số lượt KCB trên toàn quốc).

Với đặc điểm thể chất, người cao tuổi cần có những dịch vụ y tế đặc thù phù hợp với mô hình bệnh tật là các bệnh mạn tính, cần được điều trị theo dõi tại tuyến y tế gần nơi cư trú – đó là các trạm y tế xã phường. Đồng thời, cần có các chuyên ngành riêng điều trị các bệnh lý của người cao tuổi. Vừa qua, Bộ Y tế đã triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại Trạm y tế xã theo Thông tư 39, Danh mục thuốc điều trị các bệnh tại tuyến y tế cơ sở được mở rộng. Bộ Y tế cũng đang triển khai mô hình bác sĩ gia đình sẽ giúp cho việc theo dõi điều trị các bệnh của người cao tuổi tại nhà được tốt hơn. Một số bệnh viện đã triển khai các khoa, các trung tâm điều trị các bệnh liên quan đến người cao tuổi: đột quỵ, Alzheimer…

Hiện nay, gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Triển khai Thông tư này giúp cho người tham gia BHYT, trong đó có người cao tuổi được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản này ngay tại nơi sinh sống, tránh tình trạng quá tải đối với tuyến trên khi chỉ điều trị các bệnh thông thường.

Các bệnh mạn tính cũng được triển khai, tập huấn chuyển giao từ các bệnh viện, thực hiện cung ứng thuốc theo gói dịch vụ y tế cơ bản tại Trạm y tế xã, giúp người cao tuổi thuận lợi hơn trong KCB, kịp thời điều trị các bệnh mạn tính cũng như các bệnh của người cao tuổi gần nơi cư trú, đồng thời giúp giảm chi phí cơ hội do đi lại, vận chuyển… cho người cao tuổi và gia đình.

Bảo đảm tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, việc mở rộng, sớm hoàn thành tỷ lệ bao phủ BHYT đến 100% đối tượng này có ý nghĩa quan trọng. Hiện nay, người cao tuổi đang tham gia BHYT theo các đối tượng: Người cao tuổi trên 60 tuổi, vẫn đang làm việc tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp: người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHYT cho người cao tuổi; Người cao tuổi thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình… tham gia BHYT theo nhóm đối tượng hộ gia đình; Người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên được ngân sách nhà nước cấp thẻ BHYT.

Tại một số địa phương đã cấp ngân sách mua thẻ BHYT cho người cao tuổi từ 75 đến dưới 80 tuổi. Thời gian tới, để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với người cao tuổi, cần có giải pháp huy động sự hỗ trợ từ các nguồn khác hoặc có lộ trình giảm dần độ tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí cho người cao tuổi…

Để thuận tiện khi KCB BHYT và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn đối với người cao tuổi, hiện nay, đối tượng này được đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện thuận tiện với nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB. Người cao tuổi được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến Trung ương khi có khả năng đáp ứng được việc tiếp nhận đăng ký KCB ban đầu. Riêng đối với người cao tuổi trên 80 tuổi được đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương…

Như vậy, dịch vụ khám chữa bệnh BHYT đối với người cao tuổi ở nước ta hiện nay ngày càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần phải được nghiên cứu khắc phục, tạo thuận lợi hơn nữa cho người bệnh cao tuổi, nhất là tuyến y tế cơ sở tại các vùng nông thôn… (Sức khỏe & Đời sống, trang 7)

 

Ăn chung bát đũa, uống chung cốc có lây virus viêm gan B?

Nhiều gia đình có người bị viêm gan B đã cách ly hoàn toàn người bệnh với sinh hoạt chung hàng ngày: Ăn mâm riêng, quần áo giặt riêng… Điều này có đúng?

15-20% dân số nhiễm virus viêm gan B

Viêm gan B là bệnh lý về gan khá phổ biến do siêu vi viêm gan B (HBV) gây nên. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B cao, chiếm 15-20% dân số, tương đương khoảng 15-18 triệu người. Điều này đe dọa không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm lớn.

Bệnh có 2 quá trình diễn biến là cấp tính và mãn tính. Bệnh viêm gan B cấp tính thường mắc phải sau 6 tháng kể từ khi virus xâm nhập vào cơ thể. Người lớn có sức đề kháng tốt bị nhiễm HBV có khả năng tự khỏi và tạo miễn dịch với bệnh.

Đại đa số các ca viêm gan B ở Việt Nam là viêm gan mạn tính. Bệnh thường do nhiễm HBV kéo dài cả đời, kèm theo các yếu tố tác động không tốt đến gan (rượu, bia, thức ăn bẩn…) sẽ biểu hiện thành bệnh. Việc bị nhiễm viêm gan B mạn tính hay không có phụ thuộc vào độ tuổi lúc bạn bị nhiễm. Có khoảng 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV sẽ diễn biến mạn tính, ngược lại chỉ có 5% đối với người lớn. Viêm gan B mạn tính là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Điều đáng nói là 90% trường hợp mắc viêm gan B diễn tiến âm thầm nên dễ bị bỏ qua, khi bệnh nhân có triệu chứng thường đã ở giai đoạn muộn.

GS Nguyễn Văn Mùi, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, thông tin, viêm gan B có đường lây nhiễm giống với HIV nhưng khả năng lây lan của HBV cao gấp 50 – 100 lần virus HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa.

Thống kê tại Việt Nam cho thấy, 90% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm viêm gan B mạn tính. Bệnh càng dễ lây lan hơn khi nhiều bệnh nhân không hề biết mình bị nhiễm virus viêm gan B, khiến việc can thiệp điều trị bị trễ, lây lan cho chính người thân của họ.

Khi mang bầu bé thứ hai được 12 tuần, chị Hải Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) đi khám thai và rất ngạc nhiên khi biết mình bị viêm gan B, dù theo chị cả gia đình không ai bị, lần mang thai trước kết quả xét nghiệm chị và con trai cũng không bị. Đi kiểm tra chéo, xét nghiệm ở vài nơi, câu trả lời vẫn là “dương tính”. “Đến khi theo lời khuyên của bác sĩ, về giục chồng đi kiểm tra, hoá ra tôi bị lây bệnh từ chồng. Chính anh cũng không biết. Điều tôi lo nhất là đang mang thai, làm sao để con mình không bị lây của mẹ”, chị Hải Anh tâm sự.

Viêm gan B là căn bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ mắc cao, dễ lây truyền song đến nay nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, do đó tỉ lệ mắc mới viêm gan B ở nước ta vẫn ở mức cao, thêm 30.000 ca mỗi năm. Ngược lại, có những quan niệm sai lầm trong việc “sống chung” với viêm gan B, khiến cộng đồng “cách ly” người bệnh.

Không dùng chung bàn chải đánh răng

Viêm gan B có khả năng lây qua 3 con đường: Đường tình dục; từ mẹ sang con; lây nhiễm qua đường máu khiến virus tấn công vào cơ thể người lành và gây bệnh.

Điều đó có nghĩa là nếu quan hệ tình dục không an toàn, không có bao cao su bảo vệ, virus viêm gan B có thể lây truyền qua tinh dịch, máu. Việc sử dụng chung các vật dụng có khả năng nhiễm cao như bơm kim tiêm, dao, kéo… với người bị nhiễm bệnh cũng là vật trung gian truyền bệnh.

Các chuyên gia khẳng định viêm gan B không lây truyền qua việc ăn uống và sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Trẻ bú sữa mẹ cũng không bị lây nhiễm, hay các hoạt động như ôm hôn, bắt tay, hắt hơi. Do đó, không nên kỳ thị với những người mắc bệnh viêm gan B xung quanh bạn.

Tuy nhiên, cũng liên quan đến sinh hoạt hàng ngày, các chuyên gia cho biết, dù viêm gan B không lây theo đường ăn uống giống viêm gan virus A, E nên khi ăn chung không bị lây truyền, nhưng bệnh lây theo đường máu nên người trong gia đình không được dùng dao cạo râu và bàn chải đánh răng chung với người có nhiễm virus viêm gan B.

Một sai lầm khác trong phòng và điều trị bệnh viêm gan B người dân Việt Nam thường mắc phải, là thấy có những gia đình nhiều thành viên bị bệnh, nên nghĩ đây là bệnh di truyền. Trong khi đó, các bác sĩ khẳng định đây là bệnh truyền nhiễm không phải bệnh di truyền. Tuy nhiên, nếu mẹ bị nhiễm bệnh sẽ có nguy cơ cao lây truyền sang con trong quá trình sinh đẻ. Có thể hạn chế tới 95% nguy cơ này nếu dự phòng đúng cách như tiêm vaccine phòng bệnh.

Nhiều người nghĩ người mắc viêm gan B phải đau vùng hạ sườn phải, ăn uống không ngon, vàng da vàng mắt, sụt cân trông thấy… Nhưng PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định hầu hết bệnh nhân bị viêm gan virus B mạn tính không có biểu hiện ra ngoài, mặc dù bệnh vẫn tiến triển âm thầm dẫn tới xơ gan và ung thư gan. (Gia đình & Xã hội, trang 7)

 

Bắc Kạn: 4 người nhập viện do ăn nhầm lá ngón

Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn cho biết, khoảng 20h, ngày 11-5, có 4 bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp, tim đập nhanh, có người ngừng tuần hoàn, nếu không xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Sau một thời gian xử lý, chữa trị, hiện nay sức khỏe các bệnh nhân đã dần hồi phục, tiên lượng khá.

4 người cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn bị ngộ độc lá ngón, trong đó có 3 người cùng một gia đình tại thôn Nà Khuổi, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể và một người khách của gia đình.

Người nhà của gia đình các nạn nhân cho biết, ngày 11-5, gia đình nạn nhân hái rau rừng về nấu canh nhưng đã hái nhầm lá ngón. Sau khi dùng bữa, cả 4 người đều bị ngộ độc, nôn mửa và đau đầu. Người nhà đưa 4 người lên Trung tâm Y tế huyện Ba Bể cấp cứu nhưng do tình trạng quá nặng, nên đưa về Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn cứu chữa. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Cứu  sống thai phụ sản giật ngừng tuần hoàn khi chuyển dạ

Tuổi cao, có tiền sử tiền sản giật, sản phụ vào viện trong tình trạng sản giật, suy hô hấp, ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ đã phải báo động đỏ nhiều khoa phòng cùng tiến hành hồi sức cấp cứu và may mắn cứu sống được cả hai mẹ con.

ngừng tim , suy hô hấp , huyết áp không đo được

Chị Hạnh (Phú Thọ) mang thai khi tuổi đã ngoài 40 nên chị đăng theo dõi và sinh tại BV Hà Nội. Tuy nhiên gần đến ngày dự kiến sinh, chị có dấu hiệu đau bụng và được gia đình nhanh đưa vào Trung tâm Sản Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng có dấu hiệu chuyển dạ, kèm theo huyết áp tăng cao.

Sau một thời gian ngắn theo dõi chuyển dạ, sản phụ Hạnh được chỉ định mổ cấp cứu ngay trong đêm nhập viện. BSCKII. Nguyễn Tiến Công,Trưởng khoa Sản thường – người trực tiếp phẫu thuật cho chị Hạnh chia sẻ: “Sản phụ có tiền sử tiền sản giật trong quá trình mang thai, tuy nhiên người bệnh chủ quan và không sử dụng biện pháp điều trị nào. 1 giờ sau khi nhập viện, sản phụ xuất hiện nhiều cơn co tử cung, huyết áp tâm thu tăng lên đến 190mmHg, đó là một dấu hiệu hết sức nguy hiểm nên chúng tôi nhanh chóng chỉ định mổ cấp cứu lấy thai”.

Khi vừa lên bàn mổ, sản phụ bắt đầu xuất hiện cơn sản giật, toàn thân co giật liên tục, tinh thần hoảng loạn, khó thở, suy hô hấp và ngừng tuần hoàn.

ThS.BS Cao Việt Hưng,Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc cho biết thêm: “Một ê kíp bác sĩ các khoa đã phối hợp hết sức nhịp nhàng vừa phẫu thuật lấy thai, vừa tích cực tiến hành các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn cho sản phụ gồm có: Xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản để thông khí nhân tạo, dùng các thuốc trợ tim và vận mạch. Đến 23h55 phút, cháu bé đã chào đời an toàn. Trong khi sản phụ Hạnh vẫn trong tình trạng nguy hiểm, xuất hiện những cơn rung thất sau ngừng tim, mạch và huyết áp chưa thể đo được. Chúng tôi vẫn tiếp tục xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sốc điện khử rung tim”. Sau 45 phút cấp cứu tích cực, 2 lần sốc điện, tim của sản phụ đã đập trở lại, huyết áp đo được tại thời điểm đó là 90/60 mmHg, tình trạng oxy máu ổn định. Sản phụ được đưa về khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để tiếp tục điều trị.  Ngày 3/5/2019, sau 5 ngày điều trị, sức khỏe của cả hai mẹ con chị Hạnh đã ổn định và được ra viện.

tiền sản giật gây nhiều biến chứng

ThS.Cao Việt Hưng cho biết, tiền sản giật (hay nhiễm độc thai nghén) là tình trạng rối loạn nguy hiểm thường gặp đối với phụ nữ mang thai sau tuần thứ 20. Các biểu hiện của tiền sản giật có thể kể đến như: cao huyết áp, có protein trong nước tiểu, phù hai chân, nhức đầu hoa mắt chóng mặt…Đến nay, nguyên nhân gây ra tiền sản giật vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, một vài giả thuyết cho rằng có thể là do sự mất cân bằng prostaglandin, một chất giúp thư giãn và duy trì hoạt động co bóp của các cơ trơn, đóng vai trò quan trọng trong sự vận động co lại của mạch máu.

Tiền sản giật gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé, như làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con thiếu cân. Đặc biệt, tiền sản giật có thể dẫn đến tình trạng sản giật, trong đó sản phụ bị co giật, mất ý thức, có thể hôn mê nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, tiền sản giật còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm sau sinh, bao gồm hội chứng HELLP, băng huyết sau sinh, đông máu nội quản rải rác, phù phổi cấp, tai biến mạch máu não, tổn thương thận nghiêm trọng, bệnh thận mạn tính,…

Vì vậy, phụ nữ mang thai, nhất là vào giai đoạn sau của thai kỳ, càng gần lúc đến ngày dự tính sinh thì cần phải đặc biệt chú ý các dấu hiệu bất thường và có chế độ thăm khám thai hợp lý tại bệnh viện. Bên cạnh đó, các sản phụ nên thường xuyên kiểm tra huyết áp ngay tại nhà để sớm phát hiện các triệu chứng, từ đó cấp cứu và chữa trị tiền sản giật kịp thời, giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc. (Khoa học & Đời sống, trang 15)

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/10/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 19/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/6/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận