Điểm báo ngày 31/5/2019

(CDC Hà Nam)
Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ký quy chế phối hợp chăm sóc sức khoẻ người lao động; Gần 81% người bệnh nội trú hài lòng về chất lượng phục vụ khám chữa bệnh

Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ký quy chế phối hợp chăm sóc sức khoẻ người lao động

Chiều 30.5, Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và ký kết phối hợp công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe công nhân viên chức lao động

Duy trì tập thể dục giữa giờ, dinh dưỡng hợp lý trong bữa ăn của người lao động

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, các lãnh đạo Phòng, Ban của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Cục, Vụ của Bộ Y tế.

Theo đó, hai bên cùng phối hợp tốt trong hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho công nhân, viên chức, lao động; Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đồng thời phối hợp tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho công nhân, viên chức,lao động; xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, ngành Y tế vững mạnh.

Tại lễ ký kết, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, việc phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Y tế nhằm nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó có đoàn viên, Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc phối hợp còn tạo ra sức mạnh trong thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị cũng như việc xây dựng tổ chức công đoàn Việt Nam và ngành y tế vững mạnh.

Để đạt được mục tiêu mong muốn, trong thời gian tới, hằng năm có kế hoạch về các hoạt động, rà soát đánh giá cụ thể xuyên suốt giữa 2 ngành. Trước mắt ngay trong năm 2019, hai bên phối hợp tổ chức chương trình thể dục giữa giờ cho công nhân lao động với số lượng công nhân lao động lớn ở nhiều cơ sở…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, công nhân viên chức lao động là lực lượng quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong khi đó ngành y tế chịu trách nhiệm phục vụ, chăm lo sức khỏe nhân dân. Vì vậy, chương trình ký kết này vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Bộ Y tế cũng đặt ra một mục tiêu cần triển khai ngay như rèn luyện cơ thể, duy trì tập thể dục giữa giờ, dinh dưỡng hợp lý như bữa ăn của người lao động, phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu bia, khám sàng lọc sớm các bệnh… để nâng cao sức khỏe cho công nhân viên chức lao động. Bộ Y tế cũng rà soát những nơi có đông công nhân lao động để phối hợp tổ chức khám sức khỏe ngoài giờ.

Về nội dung tuyên truyền, hai bên đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao của công nhân viên chức lao động; các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan đến chính sách pháp luật lao động, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe như: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, các Luật BHYT, Khám chữa bệnh, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng chống HIV/AIDS, Luật An toàn vệ sinh lao động…

Phát động chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019

Chiều cùng ngay, Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn đã tổ chức họp báo công bố chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” năm 2019.

Thông tin tại buổi họp báo cho biết, bạo hành nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện đang là nỗi ám ảnh của nhiều y, bác sĩ, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác cứu chữa người bệnh. Để nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ nhân viên y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Công đoàn Y tế Việt Nam và Tạp chí Lao động và Công đoàn đã tổ chức Chương trình truyền thông “Bảo vệ Blouse trắng”

Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” là một trong những nội dung nằm trong hoạt động phối hợp giữa Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe công nhân viên chức lao động năm 2019.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra lời kêu gọi, mong muốn các cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, mỗi người dân cùng chung tay ủng hộ để đội ngũ y, bác sĩ yên tâm tập trung sức lực và trí tuệ chăm sóc người bệnh.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi chính các đồng nghiệp trong ngành y hãy tham gia chương trình này để tự bảo vệ mình, bảo vệ ngành y tế và hơn hết là bảo vệ các bệnh nhân đang được chăm sóc hàng ngày, để toàn xã hội thêm thấu hiểu, chia sẻ và trân trọng nghề y cao quý.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng kêu gọi mỗi cán bộ nhân viên ngành y cùng hưởng ứng chương trình bằng việc nâng cao ý thức, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của mình để chăm sóc tốt hơn cho người bệnh.

Theo PGS. TS Phạm Thanh Bình- Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, chương trình được tổ chức nhằm tạo sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý và báo chí; tạo sự đồng thuận, cảm thông, chia sẻ của toàn xã hội đối với những khó khăn vất vả, những hy sinh thầm lặng của cán bộ, nhân viên ngành Y. Tuyên truyền, đề xuất xây dựng chính sách nhằm chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên công đoàn ngành Y tế cả nước.

Khẳng định thêm vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ của Công đoàn Y tế Việt Nam đối với công chức viên chức lao động trong toàn ngành.

Đồng thời thông qua chương trình để phát hiện gương người tốt, lan tỏa hình ảnh đẹp, chân thực của đội ngũ công chức viên chức lao động ngành y tế dù có nhiều áp lực về công việc nhưng vẫn vượt qua làm tốt trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2, Lao động, trang 5).

 

Gần 81% người bệnh nội trú hài lòng về chất lượng phục vụ khám chữa bệnh

Kết qủa khảo sát gần 7.600 người bệnh tại 60 bệnh viện trên toàn quốc năm 2018 do Bộ Y tế và Tổ chức sáng kiến Việt Nam cho thấy gần 81% người bệnh hài lòng khi đến bệnh viện.

Tại hội thảo công bố kết quả chỉ số hài lòng của người bệnh Việt Nam năm 2018 do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Việt Nam tổ chức diễn ra sáng ngày 30/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết chỉ số hài lòng của người bệnh Việt Nam năm 2018 đã tăng từ 3,98/5 lên 4,04/5 so với năm 2017, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú đạt mức 80,8%.

“Yếu tố được hài lòng nhiều nhất là thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế (4,13/5) trong khi chi phí khám chữa bệnh là yếu tố có mức độ hài lòng thấp nhất (3,78/5). Gần một nửa người bệnh và gia đình được phỏng vấn cảm nhận mức độ chi trả thêm bằng tiền túi là ít (45%) trong khi 59% cho biết không phải trả thêm từ tiền túi do được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết.

Ngoài ra, theo khảo sát này, có 9,5% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có chi phí ngoài cho nhân viên y tế, nhưng có tới 84,5% ý kiến cho rằng việc “cảm ơn” bác sĩ là thể hiện sự biết ơn chứ không phải để mong muốn có dịch vụ tốt hơn.

Khảo sát được thực hiện với trên 7.500 người bệnh và người nhà bệnh nhân sau khi xuất viện ở 60 bệnh viện công tại 23 tỉnh, thành trên cả nước năm 2018. Đây là năm thứ 2 khảo sát được thực hiện thông qua ứng dụng công nghệ di động, điện toán đám mây cho phép thu thập, phân tích dữ liệu.

Phương pháp và kết quả nghiên cứu chỉ số hài lòng người bệnh được thảo luận và hoàn thiện dựa trên nhiều cuộc tham vấn sâu rộng với các chuyên gia của Bộ Y tế, lãnh đạo và cán bộ phòng quản lý chất lượng các bệnh viện, tham vấn người bệnh và người nhà bệnh nhân.

“Trong số 60 bệnh viện khảo sát, có 13 bệnh viện được người bệnh hài lòng nhất và thuộc nhóm xếp hạng rất tốt, chiếm 21,7% số bệnh viện được khảo sát, 26 bệnh viện người bệnh hài lòng và được xếp hạng tốt, chiếm 43,3%, còn lại 21 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng khá, chiếm 35%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh năm 2018 số bệnh viện được mở rộng khảo sát nhiều hơn hai lần so với năm 2017”- PGS. T Lương Ngọc Khuê nói.

Qua khảo sát ghi nhận các bệnh viện đã có nhiều thay đổi, dần dần đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho rằng y đức của bác sĩ không chỉ là vấn đề “dạ”, “vâng” mà còn phải bao gồm cả việc nâng cao chất lượng y thuật y học. Do đó, trong tương lai những bệnh viện có chỉ số hài lòng cao sẽ được quỹ BHYT chi trả mức viện phí cao hơn.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, khảo sát hài lòng người bệnh đã được các bệnh viện thực hiện tích cực hàng năm. Các ý kiến của người bệnh đã được lắng nghe, ghi nhận. Kết quả khảo sát tương đối phù hợp với chất lượng bệnh viện. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Hà nội mới, trang 1; Tiền phong, trang 6; Nhân dân, trang 5; Công an nhân dân, trang 1).

 

Chung tay vì môi trường không khói thuốc lá

Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) năm nay với chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về những tác hại khủng khiếp mà thuốc lá gây ra cho sức khỏe con người. Thế nhưng, dù đã có rất nhiều cảnh báo, thậm chí cả quy định, tình trạng hút thuốc lá ở nơi công cộng, chỗ bị cấm vẫn diễn ra phổ biến. Vì vậy, bài toán phòng, chống tác hại của thuốc lá chỉ được giải quyết khi có sự chung tay của cộng đồng xã hội.

Khói thuốc – chất độc

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới có hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá chiếm đến 96,8%.

PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết, đối tượng mắc ung thư phổi chủ yếu ở lứa tuổi trên 50, nhưng tại bệnh viện đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời còn rất trẻ. Đơn cử như trường hợp một trẻ 15 tuổi đã tử vong do ung thư phổi sau 2 năm điều trị. Cháu bé mắc ung thư phổi có bố hút thuốc lá trung bình mỗi ngày hút một bao khiến cháu bị ảnh hưởng (gọi là hút thuốc lá thụ động). “Gần như tất cả các trường hợp mắc ung thư phổi đều liên quan đến hút thuốc lá. Với trẻ em, phụ nữ tuy không hút trực tiếp, nhưng thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc từ những người thân trong gia đình hoặc môi trường xung quanh”, PGS.TS Lê Văn Quảng thông tin.

Bác sĩ Nguyễn Phương Anh, Bệnh viện Phổi trung ương chia sẻ, nhiều nghiên cứu cho thấy, nguy cơ bị ung thư phổi của những người hút thuốc cao gấp 10 lần so với những người không hút. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc chứa chất độc cao gấp 21 lần so với khói từ người hút thở ra…

Theo WHO, không có mức an toàn nào của phơi nhiễm khói thuốc thụ động và khói thuốc được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, trong khói thuốc, có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất được xếp vào loại gây ung thư. Khói thuốc lá vẫn có thể tồn tại trong không khí ngay cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Đáng chú ý, khói thuốc sẽ gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10m. Do đó, ngay cả khi ở rất xa thì người hút thụ động vẫn gặp những nguy cơ về sức khỏe không kém những người đang hút thuốc.

Dẫn một nghiên cứu gần đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay, Việt Nam có 33 triệu người không hút thuốc, nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.

Bỏ thuốc lá ngay ngày hôm nay

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực từ năm 2013) đã quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, gồm có cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, bến xe… Tại Điều 22 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14-11-2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi như hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá ở những địa điểm được phép hút… Thế nhưng, đến nay, sau 6 năm, cả nước mới có khoảng 40 trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng bị xử lý, cho thấy quy định chưa được thực thi hiệu quả. Nguyên nhân là do thẩm quyền xử lý vi phạm thuộc cơ quan thanh tra y tế, nhưng lực lượng này quá mỏng, trong khi tình trạng vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng lại phổ biến.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá của thành phố, việc mua – bán thuốc lá quá dễ dàng cũng khiến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá gặp nhiều khó khăn. Do đó, để thực thi có hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Trước hết, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá của thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với tình trạng hút thuốc nơi công cộng, nơi làm việc.

“Mặt khác, thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học, khách sạn, nhà hàng… Bên cạnh đó là việc tuân thủ ban hành nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá trong kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị…”, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền cũng đề nghị, các cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, xem xét không cấp giấy phép bán lẻ thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc như: Khách sạn, nhà hàng… Xây dựng làng văn hóa – sức khỏe với việc hình thành cộng đồng dân cư không có người hút thuốc lá; xây dựng mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc”…

Hà Nội cũng sẽ tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ thanh tra viên, tuyên truyền viên tại cơ sở. Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm về kinh doanh thuốc lá; giám sát việc thi hành quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng…

Trong khi đó, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị, nếu bạn yêu bản thân, yêu gia đình và cộng đồng xung quanh, hãy ngừng hút thuốc lá ngay từ hôm nay. Tại lễ mít tinh Ngày thế giới không thuốc lá 31-5, Bộ Y tế kêu gọi bỏ thuốc lá, nhằm ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của các bệnh do hút thuốc gây ra, vì sức khỏe của bản thân mỗi người và cả cộng đồng. (Hà nội mới, trang 1).

 

Công bố chỉ số hài lòng người bệnh 2018: Người bệnh “chán” nhất là nhà vệ sinh bệnh viện

Ngày 30.5 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố báo cáo chỉ số hài lòng người bệnh (PSI) năm 2018.

Đây là năm thứ hai, khảo sát được thực hiện với trên 7.500 người bệnh và người nhà bệnh nhân sau khi xuất viện ở 60 bệnh viện công tại 23 tỉnh, thành trên cả nước năm 2018.

Theo khảo sát này, so với năm 2017, các chỉ số về trình độ, tay nghề chuyên môn của thầy thuốc, kết quả điều trị, thái độ giao tiếp với bệnh nhân, giường và chăn ga gối nệm của bệnh viện, giải thích tình trạng bệnh và điều trị, nhà vệ sinh bệnh viện, kết quả khảo sát mới cho thấy người bệnh đã “hài lòng” hơn.

Khảo sát này cho thấy hai chỉ số có mức độ hài lòng kém nhất là giá viện phí và nhà vệ sinh bệnh viện. Chỉ số được đánh giá tốt nhất là trình độ thầy thuốc.

Chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 4,04/5, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt mức 80,8% so với kỳ vọng.

Trong số 60 bệnh viện khảo sát, có 13 bệnh viện được người bệnh hài lòng nhất và thuộc nhóm xếp hạng rất tốt, chiếm 21,7%, 26 bệnh viện người bệnh hài lòng và được xếp hạng tốt, chiếm 43,3% còn lại 21 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng khá, chiếm 35%.

So sánh với kết quả khảo sát gần 3.000 bệnh nhân nội trú ở 29 bệnh viện công năm 2017, Chỉ số hài lòng người bệnh (PSI) năm 2018 đã có sự cải thiện theo hướng tích cực. Chỉ số PSI 2018 đạt 4,04/5  so với PSI 2017 đạt 3,98/5 (tương ứng với mức độ hài lòng đạt mức 80,8% ở năm 2018 so với mức 79,6% ở năm 2017). Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh năm 2018, số bệnh viện được mở rộng khảo sát nhiều hơn hai lần so với năm 2017.

Đáng chú ý, có nhiều chỉ số khảo sát có kết quả kém hơn khảo sát tương tự thực hiện năm 2017 như chỉ số cấp phát, hướng dẫn sử dụng thuốc, thông tin về thuốc và chi phí điều trị, hỏi và gọi được nhân viên y tế, sơ đồ biển báo trong bệnh viện.

Đặc biệt, viện phí là chỉ số người bệnh kém hài lòng nhất trong khảo sát này (viện phí mới tăng từ 2018). Chỉ số “nhà vệ sinh bệnh viện” tuy có thay đổi theo hướng tích cực hơn lần khảo sát trước, tuy nhiên, chỉ số này vẫn xếp ở nhóm cuối trong bảng chỉ số.

Nhóm khảo sát cũng cho biết có 9,5% người bệnh thừa nhận đưa “phong bì” cho bác sĩ, nhưng 85% trong số này cho rằng họ gửi quà biếu để thể hiện sự cảm ơn bác sĩ chứ không vì cần ưu tiên về dịch vụ.

Ông Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng khảo sát hài lòng người bệnh đã được các bệnh viện thực hiện tích cực hàng năm. Các ý kiến của người bệnh đã được lắng nghe, ghi nhận. Kết quả khảo sát tương đối phù hợp với chất lượng bệnh viện. (Lao động, trang 1).31

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 06/01/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/6/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận