Trẻ đi học sẽ phải có giấy chứng nhận tiêm chủng đầy đủ

(CDC Hà Nam)

Dự kiến, từ năm học 2019 – 2020, trẻ nhập học mẫu giáo cần có giấy chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Quy định này dự kiến được thí điểm tại Hà Nội vào cuối năm 2019.

Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, còn là trách nhiệm của gia đình với cộng đồng
Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, còn là trách nhiệm của gia đình với cộng đồng

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân và chỉ khi được triển khai trên diện rộng mới có tác dụng tạo ra hàng rào bảo vệ cho cả cộng đồng, cũng như phát huy hết hiệu quả: Khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng đạt trên 90-95%, thì dù mầm bệnh xâm nhập, nhưng cũng không thể lan rộng do có ít đối tượng bị nhiễm bệnh.

Còn theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, mặc dù hiện nay tỷ lệ tiêm chủng trên cả nước đã đạt trên 95%, nhưng hằng năm vẫn còn hàng chục nghìn trẻ chưa được tiêm chủng, hoặc tiêm chưa đầy đủ.

Ngoài những trẻ sống trong vùng khó khăn chưa thuận lợi tiếp cận dịch vụ tiêm chủng, có không ít trẻ chưa được tiêm do cha mẹ có quan điểm chống vaccine, thuận theo tự nhiên… khiến trẻ nhiễm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, ho gà và từ đó có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.

Bên cạnh đó, hiện vẫn có tình trạng trì hoãn, không tiêm chủng ngay cả khi con ốm nhẹ. Đây là nguyên nhân chính khiến trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chậm lịch.

“Cha mẹ từ chối tiêm chủng với quan điểm ‘thuận theo tự nhiên’ là thiếu trách nhiệm với con mình và đi ngược lại với quyền lợi chung của cả cộng đồng, là quan niệm phiến diện, sai lầm”, GS Đặng Đức Anh, Trưởng ban Điều hành Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia nhìn nhận.

GS Đặng Đức Anh cho biết, vaccine là một trong những sản phẩm có độ an toàn cao nhất qua quá trình nghiên cứu hàng chục năm, thử nghiệm lâm sàng và kiểm định chất lượng, tính an toàn nghiêm ngặt trước được cấp phép lưu hành. Tất cả các lô vaccine đều được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng.

Nếu ngừng tiêm hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua sẽ bị phá vỡ và đặt tình nước ta quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây: Virus bại liệt xâm nhập và lưu hành, gây dịch với hàng chục nghìn ca mắc, hàng nghìn ca di chứng tàn tật vĩnh viễn và tử vong mỗi năm; bệnh uốn ván sơ sinh gần như không còn xuất hiện sẽ quay trở lại với tỷ lệ tử vong chiếm trên 50%.

Bà Dương Thị Hồng cũng cho biết, để đảm bảo trẻ được bảo vệ trước các dịch bệnh nguy hiểm bằng tiêm chủng đầy đủ, dự kiến trong năm 2019 – 2020, với sự hỗ trợ của WHO, ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục triển khai thí điểm thực hiện quy định trẻ đi học mẫu giáo cần có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Đồng thời xây dựng kế hoạch để các trạm y tế xã thực hiện tổ chức tiêm bổ sung cho trẻ chưa chưa tiêm chủng đầy đủ trong các buổi tiêm chủng thường xuyên.

Trẻ được tiêm vaccine đang giảm

Báo SGGP trích dẫn thông tin từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vaccine 5 trong 1 (ngừa các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B) trong chương trình thấp hơn so với mong muốn.

Yêu cầu đặt ra là từ 95% trẻ trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vaccine 5 trong 1, tương đương mỗi tháng cần đạt 8%, nhưng hiện tại tỷ lệ tiêm chỉ đạt 4-7%/tháng, tùy địa phương.

Với tiến độ tiêm như hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine 5 trong 1 cả năm 2019 ước chỉ đạt 80%. Do đó các địa phương cần tăng cường tiêm bù cho những trẻ chưa được tiêm vaccine, để đạt tỷ lệ 95% như đề ra – PGS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ tiêm vaccine 5 trong 1 thấp là do nhiều gia đình lo ngại phản ứng sau tiêm và một phần do thiếu hụt nguồn cung ứng vaccine ComBE Five trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, từ cuối tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã đưa thêm một loại vaccine 5 trong 1 mới có tên DPT-VGB-Hib (SII) do Viện Huyết thanh Ấn Độ cung cấp vào tiêm chủng mở rộng tại 6 địa phương (Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thừa Thiên – Huế, Bến Tre và Kon Tum), nên hiện tình trạng thiếu vaccine đã được khắc phục. Đến thời điểm này, có 14.000 trẻ được tiêm vaccine SII, các mũi tiêm đều an toàn, chỉ ghi nhận các ca phản ứng nhẹ.

Cùng với tỷ lệ tiêm vaccine 5 trong 1 đang thấp, còn khá nhiều trẻ trong cộng đồng chưa được tiêm vaccine phòng sởi, trong khi dịch sởi vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Tương tự bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản cũng đang gia tăng, nhưng hầu hết ca mắc đều chưa tiêm đầy đủ vaccine.

Đặc biệt, tỷ lệ trẻ tiêm vaccine phòng viêm gan B sơ sinh cũng còn rất thấp, chỉ đạt 14% và ước đạt hơn 70% cả năm 2019.

(Nguồn: chinhphu.vn)

Bài viết liên quan

Nhận biết cách phòng bệnh ung thư vú

Ngọc Nga

Hà Nam ghi nhận 01 bệnh nhi dương tính với SARS-COV-2

admin

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thông báo kết quả xét nghiệm nước Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam tháng 02/2022

Mậu Ngọ

Để lại bình luận