Điểm báo ngày 19/7/2019

(CDC Hà Nam)

  Bệnh viện K phát triển mô hình chuỗi bệnh viện chuyên sâu; Lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu

Bệnh viện K phát triển mô hình chuỗi bệnh viện chuyên sâu

Sáng 18-7, Bệnh viện K, Bộ Y tế đã tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập (17-7-1969 – 17-7-2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba. Tới dự lễ kỷ niệm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng các thế hệ thầy thuốc của bệnh viện.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, bệnh ung thư ngày càng có xu hướng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Ở Việt Nam, mỗi năm 165.000 ca mắc mới và hiện có trên 300.000 bệnh nhân đang sống chung với ung thư. Tình trạng này đặt ra cho ngành y tế nói chung và chuyên ngành ung bướu nói riêng những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề. “Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước về phòng chống ung thư, thời gian tới, Bệnh viện K cần phải tiếp tục phấn đấu để sớm trở thành trung tâm hàng đầu trong khu vực về điều trị ung bướu, là điểm đến tin cậy không chỉ đối với người bệnh mà còn với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế…”- Thủ tướng nêu rõ.

Trước tình hình bệnh ung thư gia tăng và phức tạp, Thủ tướng chỉ rõ Bệnh viện K cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm, lấy hiệu quả điều trị, lấy sự hài lòng của người bệnh là thước đo giá trị, là mục tiêu phấn đấu”. Bên cạnh đó, bệnh viện cần tiếp tục cùng ngành y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh, sàng lọc phát hiện sớm ung thư, để người dân hiểu rõ rằng “ung thư biết sớm trị lành”. Đồng thời phát huy hiệu quả của các trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chỉ đạo tuyến, đặc biệt là chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới. Chú trọng hợp tác quốc tế, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong công tác đào tạo đội ngũ thầy thuốc và nghiên cứu điều trị ung thư.

Thủ tướng cũng đề nghị Bệnh viện K chủ động sáng tạo trong việc triển khai Đề án tự chủ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nghiên cứu phát triển mô hình chuỗi bệnh viện chuyên sâu, góp phần quan trọng giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân và gia đình, giảm nhu cầu người dân ra nước ngoài chữa bệnh và thu hút người nước ngoài điều trị tại bệnh viện. Bởi hiện nay, mỗi năm người Việt Nam bỏ ra hơn 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh, trong đó phần lớn là để chữa trị ung thư.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Ba tặng Bệnh viện K. (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Tiền phong, trang 2; Lao động, trang 2; Thanh niên, trang 3; Nhân dân, trang 2).

 

Lấy sự hài lòng của người bệnh làm mục tiêu

Chiều 12-1, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017, với hơn 700 điểm cầu từ tuyến xã, huyện đến thành phố trực thuộc trung ương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại diện các bộ, ngành và trên 12.000 đại biểu của cả nước tham gia.

Y tế cơ sở chưa “hút” được người bệnh

Đánh giá những kết quả của Ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, thời gian qua toàn ngành đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để giảm quá tải bệnh viện (BV), nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đưa vào sử dụng nhiều công trình, BV. Đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở thông qua mở rộng mạng lưới BV vệ tinh đến tất cả 63 tỉnh, thành phố với 22 BV hạt nhân và 98 BV vệ tinh, đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao gói kỹ thuật, thực hiện nghĩa vụ luân phiên cán bộ y tế.

Dù đã đầu tư nâng cao chất lượng y tế cơ sở, song người đứng đầu Ngành Y tế thẳng thắn thừa nhận, vẫn còn có sự chênh lệch lớn về chất lượng dịch vụ y tế và các chỉ số về sức khỏe của người dân giữa các vùng, miền. Riêng tuyến y tế cơ sở không thu hút được người bệnh. Hoạt động y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa được củng cố và phát triển, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, nhân lực còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng nên người dân chưa tin tưởng, vượt tuyến, gây quá tải ở tuyến trên.

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đề cập, cùng với tuyến y tế cơ sở, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình hoạt động hiệu quả có thể xem là “người gác cổng” cho hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Từ kết quả hoạt động của các phòng khám bác sĩ gia đình trên địa bàn Hà Nội cho thấy, mô hình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải BV tuyến trên. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, mô hình bác sĩ gia đình còn gặp khó khăn do thiếu nguồn nhân lực.

“Bộ Y tế và Bộ Tài chính cần sớm ban hành cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở, đồng thời tăng tỷ lệ kinh phí cho y tế cơ sở, dành 50% quỹ BHYT sử dụng cho y tế cơ sở và có cơ chế tài chính cho người trực tiếp tham gia mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Mặt khác, Bộ Y tế sớm có phần mềm quản lý sức khỏe để quản lý đồng bộ, thống nhất các chỉ số sức khỏe cho nhân dân và ban hành quy chế chuyển tuyến cho hoạt động của phòng khám bác sĩ gia đình”, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề xuất.

Sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu số một

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những thành tựu mà Ngành Y tế đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh, trong năm qua, Ngành Y đã không để dịch lớn xảy ra, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế tiếp tục được nâng cao; đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhiều kỹ thuật cao vào khám và điều trị cho người dân, thực hiện thành công nhiều ca mổ khó, đặc biệt số người tham gia BHYT đã về đích sớm 4 năm so với kế hoạch đề ra… Thủ tướng đã gọi những người thầy thuốc là “những chiến sĩ thầm lặng” trên mặt trận bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời cho rằng, các cán bộ y tế cần nỗ lực hơn nữa để phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của mỗi cán bộ y tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý Ngành Y tế còn để tồn tại tình trạng quá tải ở các BV, xảy ra những sự cố đáng tiếc, tình trạng độc quyền trong cung cấp dịch vụ tại BV, chưa đào tạo được đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp, cải cách thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, việc xây dựng BV tuyến trung ương chậm tiến độ, đặc biệt vẫn còn một bộ phận cán bộ y tế vô cảm với nỗi đau của người bệnh… Thủ tướng đề nghị Ngành Y tế tiếp tục đổi mới, với trọng tâm là y tế cơ sở, hướng tới việc chăm sóc cho từng người dân, lấy sự hài lòng của người bệnh là mục tiêu quan trọng nhất…

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Ngành Y tế cần công khai kết quả đánh giá BV để cơ quan bảo hiểm và người dân được biết cũng như lựa chọn, đồng thời phối hợp với Bộ GD-ĐT tập trung xây dựng và hoàn thiện mô hình đổi mới toàn diện đào tạo bác sĩ đa khoa, điều dưỡng và dược theo hướng hội nhập khu vực và thế giới, cung cấp nhân lực tốt cho khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra 12 câu hỏi cho Ngành Y. Trong những câu hỏi đó, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề, nếu y tế cơ sở hoạt động không hiệu quả thì xây dựng nhiều BV tuyến trung ương cũng sẽ không giải quyết được. Vì sao ai cũng muốn lên tuyến trên khám chữa bệnh. Đó là những điều gợi mở để Ngành Y nghiên cứu, thực hiện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động mọi mặt trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. (Hà Nội mới, trang 2; Công an nhân dân, trang 1).

 

Chẩn đoán và điều trị viêm gan B theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế

Viêm gan virut là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến toàn cầu, do virut HBV gây ra, nếu không được điều trị và kiểm soát tốt có thể gây ra tổn thương gan, hủy hoại tế bào gan…, là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan.

Theo Báo cáo Toàn cầu về Viêm gan virut 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính năm 2015, thế giới có khoảng 257 triệu người nhiễm HBV mạn và 884.400 người đã tử vong, phần lớn do các biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan. Viêm gan virut B vẫn là gánh nặng toàn cầu dù tỷ lệ nhiễm đang giảm đi nhờ các chương trình vắc-xin và điều trị thuốc kháng virut.

Nhiều người không biết mình mắc bệnh

Tại nước ta, khoảng 7,8 triệu người nhiễm virut viêm gan B (tỷ lệ cao nhất nhì khu vực) nhưng chỉ 1,3 triệu người biết tình trạng nhiễm virut viêm gan B của bản thân; còn lại là chưa biết do chưa từng đi khám và xét nghiệm. Diễn biến của bệnh viêm gan B thường thầm lặng, ít có biểu hiện triệu chứng, người bệnh thường thấy bản thân khỏe mạnh, vẫn sinh hoạt và lao động bình thường nên chủ quan không khi khám bệnh và điều trị. Vì vậy, số người Việt Nam bị viêm gan b được chẩn đoán và điều trị chỉ có khoảng 44.000 vào năm 2015.

Đường lây của virut viêm gan B

Virut viêm gan B có mặt ở trong tất cả các dịch cơ thể nhưng nó chỉ lây lan qua tiếp xúc máu trực tiếp, quan hệ tình dục không được bảo vệ và mẹ truyền sang con khi mang thai hoặc khi sinh. Cụ thể, có thể bị virut viêm gan B do: mẹ truyền viêm gan B cho con khi sinh nở hoặc trong quá trình mang thai; không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị viêm gan B; dùng chung dụng cụ khi tiêm chích ma túy, dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu, nhíp, dụng cụ cắt móng tay, móng chân (bấm móng tay…) với người bị viêm gan B; xăm mày, xăm môi, xăm cơ thể, xỏ lỗ tai…; quan hệ bằng miệng khi có vết thương, vết loét, viêm, nhiệt miệng; có tiền sử truyền máu và các chế phẩm của máu; tiếp xúc với máu của người nhiễm virut viêm gan B qua vết thương hở; sử dụng dịch vụ y tế không được đảm bảo: làm răng, nạo hút thai, cắt bao quy đầu, nội soi đường tiêu hóa… Viêm gan virut B không lây qua ăn uống, không lây khi dùng chung bát đũa, không lây qua ôm hôn, không lây qua hắt hơi, muỗi đốt.

Điều trị viêm gan B cần đúng cách

Nếu người lớn mắc viêm gan B cấp thì khả năng tự hồi phục và đào thải virut là 95%. Vì vậy, người mắc viêm gan B cấp phần lớn không cần dùng thuốc kháng virut (trừ một số trường hợp đặc biệt có suy gan nặng). Người mắc viêm gan B cấp có men gan cao cần nghỉ ngơi, dùng các thuốc hỗ trợ gan theo chỉ định của bác sĩ hoặc nhập viện nếu cần.

Trường hợp mắc viêm gan B mạn, việc điều trị sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ tiến triển đến xơ gan và ung thư gan trong tương lai, tăng tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Biện pháp chính để điều trị viêm gan B mạn là uống thuốc kháng virut. Đây là loại thuốc có tác dụng làm giảm sự nhân lên của virut viêm gan B, vì vậy sẽ bảo vệ tế bào gan khỏi bị hư hại nhiều hơn. Việc uống thuốc kháng virut sẽ kéo dài rất lâu, rất nhiều năm, thậm chí cả đời với những người đã bị xơ gan. Người bệnh không nên tự ý ngừng uống thuốc kháng virut khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Việc tự ý ngừng thuốc kháng virut có thể gây viêm gan B bùng phát, suy gan và có thể tử vong. Uống thuốc kháng virut viêm gan B không đều, thường xuyên quên thuốc sẽ giúp cho virut quen với thuốc và dẫn đến kháng thuốc (nhờn thuốc). Gan của người bệnh vì vậy vẫn bị tổn thương và vẫn có nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.

Một biện pháp nữa để điều trị viêm gan B mạn là tiêm các thuốc để tăng cường hệ miễn dịch và làm cho virut không hoạt động như: Peg-Interferon, Interferon, thymosin alpha… Tuy nhiên, các thuốc này khá nhiều tác dụng phụ và hiện tại không sẵn có tại Việt Nam.

Cập nhật hướng điều trị mới từ Bộ Y tế

Hiện tại, Bộ Y tế đang dự thảo hướng dẫn điều trị viêm gan virut B năm 2019 cho các nhân viên y tế. Hướng dẫn này sẽ có vài điểm mới thay đổi và cập nhật hơn so với hướng dẫn năm 2014 về chỉ định điều trị, các thuốc điều trị và thời gian điều trị. Do tỷ lệ kháng của một số thuốc kháng virut như lamivudine, adefovirs cao nên hướng dẫn mới năm 2019 sẽ loại bỏ 2 thuốc này trong chỉ định điều trị đầu tay viêm gan virut B mạn. Thay vào đó, hướng dẫn mới sẽ có thêm một loại thuốc kháng virut mới là tenofovir alafenamide 25mg ít độc tính với thận và xương trong danh mục thuốc điều trị viêm gan B mạn. Hướng dẫn mới cũng có những đề cập chi tiết cụ thể hơn về vấn đề dự phòng lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con, giúp cho các nhân viên y tế dễ dàng áp dụng trong quá trình khám và điều trị người bệnh.

Lời khuyên của bác sĩ

Do vấn nạn lạm dụng rượu bia, ăn các thực phẩm độc hại, tỷ lệ mắc bệnh lý gan mật ở Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là viêm gan B, mọi người dân cần đi kiểm tra tình trạng nhiễm virut viêm gan B bằng xét nghiệm HBsAg, đặc biệt là nữ giới trong lứa tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai.

Bệnh nhân mắc viêm gan B mạn, không bị tăng men gan và không bị xơ gan cần tập thể dục và thể thao hàng ngày, hạn chế tối đa rượu bia và đồ uống có cồn vì rượu bia có thể làm tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan. Ngoài ra, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng hợp lý, giảm mọi căng thẳng (stress), mọi áp lực liên quan đến công việc, cuộc sống, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều theo nhu cầu của cơ thể.

Bệnh nhân đang bị tăng men gan cần nghỉ ngơi tuyệt đối, tạm nghỉ tập thể thao và tránh xa các căng thẳng, áp lực trong thời gian tăng men gan, uống thuốc và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 4.

 

Hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo giá dịch vụ

Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh khẩn trương kiểm tra rà soát các chi phí khám chữa bệnh BHYT theo giá dịch vụ, xác định số tiền được thanh toán, số tiền không chấp nhận thanh toán để thực hiện thanh toán bổ sung các chi phí chưa được cơ quan BHXH thanh toán vào kỳ quyết toán của năm 2019.

Bảo hiểm Xã hội đang triển khai hướng dẫn đối với các cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương trên cả nước về việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) theo giá dịch vụ.

Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/5/2019 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2019 về việc giải quyết khó khăn vướng mắc trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh nghiên cứu, thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 3385/BYT-KH-TC của Bộ Y tế.

Trong đó lưu ý một số nội dung về chi phí liên quan đến định mức tính giá tạm thời chưa thanh toán năm 2017, 2018.

Cụ thể, về chi phí liên quan đến định mức tính giá tạm thời chưa thanh toán năm 2017, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, tổng chi phí cơ quan bảo hiểm xã hội tạm thời chưa chấp nhận thanh toán với cơ sở khám chữa bệnh năm 2017 là hơn 2.200 tỷ đồng.

Trong đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị chưa chấp nhận thanh toán chi phí năm 2017 số tiền là hơn 738 tỷ đồng.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh kiểm tra, rà soát lại chi phí. Trước khi thực hiện thanh toán có biên bản xác nhận số tiền chưa được cơ quan BHYT thanh toán, số tiền đã được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán, số tiền trùng lặp giữa Phụ lục 02a hoặc Phụ lục 02b với Phụ lục 01 và số tiền ngày giường nằm ghép không thanh toán (nếu có).

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội các tỉnh cần xác định các trường hợp người bệnh nằm ghép để thanh toán theo đúng quy định tại Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế – Tài chính. Việc xác định số ngày giường người bệnh nằm ghép căn cứ vào số người bệnh nằm điều trị nội trú trong ngày (bao gồm cả người bệnh BHYT và người bệnh dịch vụ) và số giường bệnh thực kê tại từng thời điểm tại mỗi khoa phòng điều trị, BHXH các tỉnh yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh cung cấp và xác nhận trong biên bản số ngày giường của người bệnh dịch vụ làm căn cứ tính toán, xác định ngày giường nằm ghép của người bệnh BHYT.

Đối với chi phí liên quan đến định mức tính giá chưa thanh toán năm 2018 và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị các tỉnh, thành phố phải phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh tổng hợp, rà soát ký biên bản xác nhận số tiền chưa thanh toán liên quan đến định mức tính giá chưa thanh toán năm 2018 và theo hướng dẫn tại Công văn số 288/BHXH-CSYT ngày 25/01/2019, Công văn số 1088/BHXH-CSYT ngày 05/4/2019 của BHXH Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương phải khẩn trương kiểm tra rà soát các chi phí nêu trên, xác định số tiền được thanh toán, số tiền không chấp nhận thanh toán, đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, thực hiện thanh toán bổ sung các chi phí chưa được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán vào kỳ quyết toán của năm 2019. (An ninh thủ đô, trang 8).

 

63% thuốc sử dụng ở các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện là thuốc nội

Bộ Y tế đã tổ chức tổng kết thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, nằm trong chuỗi hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/07/2009 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, mục tiêu đặt ra trong Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là đến năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện.

Để đạt mục tiêu đó, thời gian qua, Bộ Y tế đã đề ra 4 nhóm giải pháp cơ bản, góp phần làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng, doanh nghiệp và cán bộ y tế, giúp tỷ lệ và giá trị thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ngày càng tăng.

Cụ thể, hết năm 2018, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước ở tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, nếu tính cả tuyến huyện và tuyến tỉnh thì tăng lên 63,53%. Trên 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước.

Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương cũng đã có tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao và đạt mục tiêu đề ra, như Bệnh viện Trung ương 71 Thanh Hóa, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện C Đà Nẵng.

Hay tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quy Hòa…đều đạt tỷ lệ từ 30,43% đến 52,8% về giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trên tổng giá trị sử dụng thuốc trong năm 2018.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất thuốc, hiện cả nước hiện có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.

Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược – Bộ Y tế cho biết, Bộ đã ban hành danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu giá trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu nếu trong nước đã sản xuất được cùng loại.

Theo đó, thuốc sản xuất trong nước được phân nhóm để được đấu thầu riêng, đồng thời được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật. “Với chính sách này, trong tương lai gần thuốc sản xuất tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ” – ông Cường nói. (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Biểu dương cán bộ công đoàn và gia đình tiêu biểu ngành y tế năm 2019

Ngày 17/7, tại Hà Nội, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam đồng thời biểu dương cán bộ công đoàn và gia đình tiêu biểu ngành Y tế năm 2019.

Dự lễ có ông Bùi Văn Cường – Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo công đoàn 11 ngành trung ương…

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, với chủ đề “Mỗi công đoàn cơ sở – Một lợi ích đoàn viên” và thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, BCH công đoàn cơ sở trong toàn ngành đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo.

Cụ thể, ngoài các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo không khí vui tươi cho cán bộ, công nhân, viên chức lao động; các tổ chức công đoàn ngành Y tế các cấp còn biểu dương các gương người tốt việc tốt, vinh danh các cá nhân, tập thể, gia đình tiêu biểu.

Ngoài ra, các tổ chức công đoàn các cấp còn tổ chức tuyên truyền, đối thoại chính sách, thăm tặng quà, hỗ trợ các cơ chế chính sách, chăm lo cho người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, quan tâm kịp thời tại các đơn vị có cán bộ y tế bị bạo hành, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên để kịp thời phản ánh, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, giám sát thực hiện chính sách pháp luật đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động.

Với một ngành đặc thù có 500.000 đoàn viên ngành Y tế trong cả nước, có trách nhiệm không nhỏ trong việc chăm lo, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho 90 triệu dân. Ngành Y tế là một ngành đặc thù với chuyên môn cao, đòi hỏi kỹ thuật sâu, trách nhiệm cao liên quan đến tính mạng từng người dân, làm việc với áp lực lớn trong môi trường chưa được an toàn, nguy cơ có nhiều rủi ro nghề nghiệp và bệnh nghề nghiệp cao.

Hầu hết đoàn viên công đoàn ngành y tế đều là các lao động giỏi trong các lĩnh vực, luôn luôn cố gắng, vượt mọi khó khăn đặc thù của ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhiều cán bộ y tế mắc bệnh hiểm nghèo vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện tốt phong trào đổi mới phong cách thái độ phục vụ trong ngành y tế.

Vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn viên công đoàn và người lao động Y tế cả nước nhiều năm qua đã nỗ lực, tận tụy, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ, đạt nhiều thành tựu quan trọng, quyết liệt đổi mới phong cách thái độ phục vụ, nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Hoàn thành và vượt các chỉ tiêu mà Đảng và Nhà nước giao về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, được các tầng lớp nhân dân và người lao động cả nước đánh giá cao.

Thi đua lập thành tích chào mừng 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, đoàn viên các cấp đã được khuyến khích khả năng sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật để nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng điều trị bệnh nhân, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi, đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh…

Công đoàn Y tế Việt Nam đã phát động trong hệ thống cán bộ công đoàn “tham mưu giỏi, cải tiến nhiều, trách nhiệm cao” vì đoàn viên công đoàn ngành y tế, đổi mới phương thức hoạt động công đoàn cấp trên phục vụ cấp dưới, công đoàn cấp dưới chăm lo thiết thực cho đoàn viên, tăng cường công tác truyền thông và phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương để chăm lo và bảo vệ đoàn viên ngành y tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đánh giá cao hoạt động Công đoàn ngành Y tế đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời yêu cầu công đoàn ngành cần thực hiện tốt hơn nữa trong việc là đại diện chăm lo bảo vệ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của y, bác sĩ, cán bộ, người lao động. Chăm lo lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động một cách thiết thực, cụ thể. Thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục, chủ trương nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là quy định của ngành về vấn đề y đức để mỗi đoàn viên, người lao động trong ngành Y tế thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền”… Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ y bác sĩ giỏi, tinh thông nghiệp vụ để chăm lo cho nhân dân… (Gia đình & Xã hội, trang 2).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 09/6/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/7/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 16/3/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận