Khẩn trương phòng bệnh tay chân miệng mùa khai trường, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên

(CDC Hà Nam)

Các cơ sở giáo dục cần có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Ngay từ đầu năm học mới, tổ chức thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Ngày 23/8/2019, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng dịp khai trường.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ với phương châm truyền thông đi trước một bước, lấy phòng bệnh là chính; triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện ăn chín, uống chín, ở sạch, bàn tay sạch và sử dụng đồ chơi sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh tay chân miệng bằng nhiều hình thức và theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

khan-truong-phong-benh-tay-chan-mieng-mua-khai-truong-rua-tay-bang-xa-phong-thuong-xuyen-1

Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để phòng bệnh tay chân miệng. Ảnh minh họa.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình.

Yêu cầu các cơ sở giáo dục có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; ngay từ đầu năm học mới, tổ chức thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Các đơn vị sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ cho việc chẩn đoán, thu dung, điều trị bệnh nhân và xử lý ổ dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi ghi nhận trường hợp mắc bệnh và khu vực có ổ dịch cũ.

Bệnh Tay – Chân – Miệng là bệnh truyền nhiễm lưu hành tại 63 tỉnh, thành phố, xảy ra quanh năm và thường ghi nhận số mắc tăng cao vào các tháng 9, 10, 11. Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2019 đến nay, số mắc bệnh tay chân miệng tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018, ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Nam và một số tỉnh khu vực miền Trung như: Đồng Nai, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Dương, Bạc Liêu, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.

Trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tay chân miệng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng số mắc tại các địa phương do trẻ em, học sinh tập trung trở lại vào năm học mới, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo, đặc biệt tại các trường mầm non, cơ sở giáo dục đào tạo.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Bài viết liên quan

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi thế nào? Trẻ từng là F0 có nên tiêm?

hanh phan

Tác hại của rượu bia ảnh hưởng đến sức khỏe con người

Ngọc Nga

Biến chứng ít biết của các cục máu đông

CDC Hà Nam

Để lại bình luận