Người điều hành nghỉ hưu, Bệnh viện Chợ Rẫy “vắng” giám đốc
Tin từ Bộ Y tế ngày 2/9 cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký quyết định cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bắt đầu từ ngày 1/9 đối với PGS- BS Nguyễn Văn Khôi- Phó giám đốc phụ trách quản lý, điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy. Theo quyết định, ngoài thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, bác sĩ Khôi có trách nhiệm bàn giao nhiệm vụ cùng giấy tờ, tài liệu liên quan theo quy định. Ngoài ra, Bộ này cũng đã có thông báo về việc nghỉ hưu của Phó giám đốc Nguyễn Văn Khôi theo quy định từ ngày 1/11/2019. Như vậy, sau gần 1 năm phụ trách, điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy thay bác sĩ Nguyễn Trường Sơn- giám đốc bệnh viện được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Y tế, đến nay bệnh viện này lại “vắng” giám đốc.
Trước đó, ngày 16/8 Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã chính thức “bác” phương án nhân sự của Bệnh viện Chợ Rẫy trong đề án tự chủ bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ thông qua tháng 5 vừa qua. Theo đó, bác sĩ Nguyễn Văn Khôi- phụ trách quản lý, điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ không thuộc “trường hợp đặc biệt” được giữ lại làm Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện 2 năm theo đề án thí điểm tự chủ bệnh viện dù Bệnh viện Chợ Rẫy đã có công văn gửi Ban cán sự Đảng và Bộ trưởng Bộ Y tế về “đề xuất kéo dài thời gian đối với Chủ tịch Hội đồng quản lý bệnh viện” này.
Trước đó, Đảng ủy và Ban giám đốc bệnh viện này “nhất trí” đề nghị thành phần Hội đồng quản lý bệnh viện, trong đó Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Tổng giám đốc bệnh viện thêm 2 năm từ 11/2019-11/2021 là GS-TS Nguyễn Văn Khôi – phó giám đốc phụ trách quản lý, điều hành. Tuy nhiên, Nghị quyết yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản lý phải là “giám đốc đương nhiệm” trong khi bác sĩ Khôi được Bộ Y tế ra thông báo nghỉ hưu từ tháng 11/2019 tới (Tiền phong, trang 3).
Bảo hiểm y tế thương mại – Lấp đầy những khoảng trống
Cả nước hiện có khoảng 85 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, người dân có BHYT khi đi khám, chữa bệnh vẫn phải bỏ tiền chi trả các dịch vụ y tế không thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT. Hơn nữa, không ít dịch vụ mà BHYT chi trả vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, quyền lợi của người dân, nhất là với đối tượng thu nhập cao.
Do đó, phát triển BHYT thương mại không chỉ lấp đầy những khoảng trống của BHYT hiện nay, mà còn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh.
Nhu cầu cao
Mặc dù tham gia BHYT, nhưng hàng năm, chị Lê Thị Hường (giám đốc một công ty du lịch) vẫn bỏ ra gần 100 triệu đồng/năm mua gói bảo hiểm sức khỏe từ một doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh cho mọi người trong gia đình, để phòng khi đau ốm nằm viện không phải chịu gánh nặng tiền bạc. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hường cho biết: Có BHYT nhưng rất ít khi tôi sử dụng khi đến khám bệnh vì thủ tục phiền hà và chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng tốt. Trái ngược với gói bảo hiểm sức khỏe, tôi và những người thân trong gia đình nếu không may ốm đau, có thể lựa chọn được những bệnh viện và dịch vụ theo yêu cầu mà không phải lo nghĩ về thuốc men, chi phí điều trị…
Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, hiện nay người có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh phải chi trả các dịch vụ không thuộc phạm vi chi trả của Quỹ BHYT, bao gồm: thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật ngoài danh mục; khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, dịch vụ y tế dự phòng; sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sức khỏe sinh sản; điều trị tật khúc xạ, sử dụng kính mắt, răng giả… Cùng với đó, người bệnh còn phải cùng chi trả 5% – 20% tổng chi phí khám chữa bệnh. Về khám chữa bệnh trái tuyến tỉnh, trung ương, người bệnh phải chi trả 100% chi phí ngoại trú, cùng chi trả đối với một số loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và phần chi phí chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu. Do vậy, với quy định hiện nay về khám chữa bệnh BHYT đang có những ảnh hưởng, ràng buộc không nhỏ đối với người có thu nhập cao, muốn khám chữa bệnh theo yêu cầu với chất lượng và dịch vụ y tế cao nhất.
Trong khi đó, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết thực tế hiện nay nhiều người đã mua BHYT nhưng có nguyện vọng tham gia các dịch vụ y tế cao hơn như: giường bệnh theo yêu cầu, bác sĩ theo yêu cầu, các dịch vụ y tế khác theo yêu cầu. Tuy nhiên, gói dịch vụ y tế cơ bản của BHYT hiện chưa có quy định chi trả các dịch y tế theo yêu cầu. Trong khi với các gói dịch vụ đa dạng khác nhau, BHYT thương mại đã thực hiện được việc kết nối quyền lợi của người tham gia với mức đóng và hưởng tương xứng. “Về cơ bản, người tham gia BHYT thương mại đóng 1 triệu đồng, sẽ có quyền lợi tương ứng tối đa với 1 triệu đồng. Nhưng với BHYT, người bệnh đóng 100.000 đồng nhưng mức hưởng lại tùy thuộc tình trạng bệnh…”, ông Phạm Lương Sơn chỉ rõ.
Kết nối liên thông với BHYT
Một số chuyên gia y tế cho rằng, trong bối cảnh BHYT nhà nước chỉ đáp ứng được những dịch vụ y tế cơ bản, người bệnh vẫn phải bỏ tiền túi ra chi trả những dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thì việc phát triển BHYT thương mại là cần thiết, góp phần lấp đầy khoảng trống của BHYT nhà nước; đồng thời đóng góp vào cơ chế tài chính chung, bảo vệ người dân khỏi rủi ro về chi tiêu y tế khi không may đau ốm. Lãnh đạo Vụ BHYT cho biết, nhằm đa dạng các gói BHYT và tăng cường liên kết giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại, tới đây, Bộ Y tế sẽ cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại tham gia BHYT xã hội, cung cấp các sản phẩm ngoài phạm vi quyền lợi của BHYT. Doanh nghiệp BHYT thương mại có thể triển khai các gói sản phẩm như: chi trả bảo hiểm cho danh mục thuốc, vật tư ngoài chi trả BHYT; thiết kế gói quyền lợi bổ sung cho chi phí cùng chi trả, phần chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Đại diện Bộ Y tế cho rằng khi có hai nguồn BHYT nhà nước và BHYT thương mại sẽ tạo nguồn tài chính bền vững và ổn định cho người tham gia. Điều kiện hoạt động của bệnh viện cũng sẽ đáp ứng tốt hơn. “Hiện nay trên thế giới, nhiều tổ chức BHYT tư nhân, thương mại triển khai các gói y tế bổ sung. Ở Australia, BHYT chi trả 75% – 80% chi phí khám chữa bệnh của người dân, nên tổ chức thương mại tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm này cung cấp các gói y tế bổ sung với 20% chi phí còn lại. Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể thiết kế được loại hình BHYT thương mại này với các gói bổ sung, gói nâng cao, gói sản phẩm theo yêu cầu”, ông Lê Văn Khảm chia sẻ. Đồng thời ông cho rằng, để kiểm soát chất lượng của BHYT thương mại, cần phải có thêm quy trình trong kết nối liên thông giữa BHYT nhà nước và BHYT thương mại, từ đó nâng cao vai trò của ngành y tế trong kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế thuộc gói BHYT thương mại (Sài Gòn giải phóng, trang 4).
TP.HCM chưa xài hết hơn 228 tỉ đồng kết dư BHYT
UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Tài chính, báo cáo về việc sử dụng số tiền hơn 228 tỉ đồng được trích lại từ kết dư quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015 của TP. Theo đó, ngày 29.12.2016 BHXH VN có công văn thông báo 20% số kinh phí kết dư bảo hiểm y tế (BHYT) dành cho khám chữa bệnh (KCB) chưa sử dụng hết năm 2015 của TP.HCM với số tiền hơn 228 tỉ đồng.
Theo các quy định hiện hành, trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ghi trong thông báo của BHXH VN, phần kinh phí được để lại địa phương chưa sử dụng hoặc không sử dụng hết, BHXH cấp tỉnh chịu trách nhiệm thu hồi và chuyển về BHXH VN để nộp vào quỹ dự phòng.
Như vậy theo quy định, thời hạn sử dụng quỹ kết dư BHYT năm 2015 của TP là đến hết ngày 29.12.2017. UBND TP chỉ đạo giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH, Sở Tài chính TP tham mưu việc thực hiện, trình UBND TP xem xét, quyết định. Với số tiền trên, TP.HCM lên kế hoạch đưa vào quỹ KCB cho người nghèo TP trên 51,7 tỉ đồng, số còn lại trên 176,3 tỉ đồng dành cho TTBYT.
Trong 51,7 tỉ đồng, TP.HCM đã thanh toán cho hỗ trợ 30% mức đóng mua thẻ BHYT cho các thành viên thuộc hộ nghèo nhóm 3a, hộ cận nghèo TP năm 2017 là hơn 27 tỉ đồng. Số tiền chưa sử dụng hết cho khoản này là hơn 24 tỉ đồng TP đã nộp vào quỹ dự phòng của BHXH.
Về khoản hơn 176,3 tỉ đồng mua sắm TTBYT, Sở Y tế đã họp và thống nhất thông qua cấu hình, tính năng kỹ thuật của 98 loại TTBYT (bao gồm cả xe cứu thương), dự kiến tổ chức đấu thầu mua sắm do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế (gọi tắt ban quản lý) để thực hiện đấu thầu mua sắm tập trung… Ngày 19.1.2018, ban quản lý đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp lắp đặt TTBYT và xe cứu thương thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm TTBYT. Đến ngày 25.1.2018 ban quản lý đã hoàn tất ký kết thỏa thuận khung mua sắm tập trung với các nhà thầu được lựa chọn của 4 phần thuộc gói thầu, bao gồm: thiết bị phòng mổ; thiết bị phòng khám và xe cứu thương; thiết bị điều trị; thiết bị chẩn đoán.
Do đã hết thời gian theo quy định sử dụng quỹ kết dư, UBND TP đã có văn bản gửi BHXH VN về gia hạn thời gian mua sắm TTBYT đến hết ngày 31.1.2018 để hoàn tất việc đấu thầu mua sắm. Ngày 31.1.2018, BHXH VN có công văn trả lời UBND TP: “BHXH VN đã có công văn xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Tài chính cho phép kéo dài thời gian sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT 2015 cho các địa phương. BHXH VN sẽ thông báo để UBND TP biết và thực hiện sau khi có ý kiến trả lời của Bộ Y tế, Bộ Tài chính”.
Ngày 23.1.2018, ban quản lý có quyết định về phê duyệt nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật đối với thiết bị X-quang của gói thầu và chỉ có một nhà thầu đáp ứng. Từ đây, một công ty khác có văn bản kiến nghị kết quả dự thầu và đề nghị làm rõ quá trình chấm thầu của ban quản lý. Mặc dù được trả lời nhiều lần nhưng công ty này chưa đồng ý và tiếp tục kiến nghị. Ngày 6.3.2018, Sở Y tế đã có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH VN xin gia hạn thời gian sử dụng nguồn kinh phí kết dư quỹ BHYT năm 2015 đến hết ngày 31.5.2018. Sau đó, ban quản lý đã có quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu phần 2.
Ngày 2.8.2018, UBND TP có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH để xin tiếp tục gia hạn đến hết ngày 31.12.2018. Tuy nhiên, do UBND TP.HCM chưa nhận được văn bản chấp thuận gia hạn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH VN nên chưa có cơ sở để BHXH TP chuyển tiền thanh toán cho các đơn vị thụ hưởng để mua sắm TTBYT. Vì vậy các đơn vị thụ hưởng chưa thể thực hiện việc ký hợp đồng cung ứng TTBYT với các nhà thầu trúng thầu (Thanh niên, trang 13).