Có hay không“siêu thực phẩm”?

(CDC Hà Nam)

Thời gian gần đây, cụm từ “siêu thực phẩm” được nhiều người nói đến như là một loại thần dược có thể phòng ngừa, điều trị một số bệnh. Tuy nhiên, những thực phẩm này có thực sự “siêu” như mạng xã hội đưa tin, như mọi người lan truyền hay không?

Mỗi thực phẩm đều có chứa dinh dưỡng nhất định

Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam đã được Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế công bố năm 2017 thì mỗi một loại thực phẩm có chứa một số thành phần dinh dưỡng nhất định với số lượng và tỷ lệ khác nhau. Mỗi loại thực phẩm có ưu điểm riêng, vì vậy, người ta chia thực phẩm trong tự nhiên thành 4 nhóm thực phẩm (nhóm giàu gluxid, giàu protein, giàu lipid, giàu vitamin và muối khoáng). Vì thế, để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể, cần ăn đa dạng các loại thực phẩm ở tỷ lệ cân đối và hợp lý giữa các nhóm thực phẩm và nguồn gốc thực phẩm (động vật và thực vật).

Một trong 4 nhóm thực phẩm là nhóm giàu vitamin và muối khoáng, có các chất chống oxy hóa, chống lão hóa, có nhiều vitamin quý (vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, folat…) có giá trị lớn trong việc bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và miễn dịch trong cơ thể, có tác dụng phòng tránh bệnh ung thư. Chất chống oxy hóa giúp loại trừ các gốc tự do trước khi nó có thể làm tổn thương đến các tế bào, có tác dụng chống và ngăn ngừa ung thư. Để phòng tránh ung thư, không nên ăn quá nhiều dầu mỡ (các món xào, rán, nướng), dầu mỡ để rán chỉ dùng một lần rồi đổ bỏ, không dùng lại nhiều lần; hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư.

Nhóm rau, quả cung cấp vitamin và khoáng chất giúp cơ thể phát triển và khỏe mạnh, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi. Các loại rau lá màu xanh sẫm và các loại rau, củ quả màu vàng, đỏ là nguồn cung cấp vitamin A giúp sáng mắt, tăng sức đề kháng, đồng thời chất sắt giúp chống thiếu máu thiếu sắt, giúp tăng trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, rau, quả còn chứa nhiều chất xơ và các chất chống oxy hóa nên có tác dụng nâng cao sức khỏe và phòng chống các bệnh mạn tính không lây. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên ăn ít nhất 400gam rau, quả mỗi ngày có tác dụng phòng chống các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như các bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và ung thư đại trực tràng. Mỗi người trưởng thành mỗi ngày nên ăn tối thiểu 2-3 lưng bát con rau và 2-3 phần quả, mỗi phần rau và quả là 80g.

co-hay-khongsieu-thuc-pham-1

Để có sức khỏe tốt, nên ăn đa dạng các loại thực phẩm với tỷ lệ cân đối giữa các nhóm thực phẩm.

Với chế độ ăn uống nhiều chủng loại, nhiều màu sắc (rau xanh và hoa quả nhiều màu sắc) thì khả năng chống ung thư càng cao.

Không có “siêu thực phẩm”

Cho đến nay, các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không có bất kỳ thực phẩm nào được gọi là “siêu thực phẩm”. Vì không có một loại thực phẩm nào trong tự nhiên có đầy đủ và cân đối về các chất dinh dưỡng cần thiết theo nhu cầu của con người (ngoại trừ sữa mẹ trong 6 tháng đầu có đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ). Vì vậy, không có tiêu chí nào để xác định siêu thực phẩm.

Hiện nay, cụm từ “siêu thực phẩm” đã và đang gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng khiến họ chỉ tập trung ăn một loại thực phẩm hơn các loại khác. Hành vi ăn uống này không phù hợp với khoa học dinh dưỡng, ăn uống không đủ chất, mất cân đối và hợp lý các chất dinh dưỡng làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Không có một thực phẩm nào có đầy đủ các chất dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối và hợp lý. Mỗi loại thực phẩm có tính ưu việt riêng, có chất này nhưng thiếu chất khác. Vì vậy, việc sử dụng đơn lẻ một loại thực phẩm thường xuyên sẽ dẫn đến cơ thể bị thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Một số loại hạt, quả được quảng cáo như một loại siêu thực phẩm vì chứa nhiều chất chống oxy hóa có giá trị lớn trong việc bồi bổ sức khỏe, có tác dụng phòng tránh bệnh ung thư. Thực chất, những loại hạt và quả này cũng giống như những loại thực phẩm thông thường khác, không thể gọi là  “siêu thực phẩm”. Chúng chỉ là 1 trong 4 nhóm thực phẩm tự nhiên, không thể thay thế cho các nhóm thực phẩm khác và nó cũng không chứa đầy đủ mọi thành phần dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu của con người.

Tương tự như vậy với các loại nước đóng chai được quảng cáo như một loại nước “tự nhiên”, “kỳ diệu” hay “siêu thực phẩm’’. Theo khoa học dinh dưỡng thì giá trị các chất dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng có trong thực phẩm sẽ bị mất mát tỷ lệ thuận với thời gian mất đi theo thời gian bảo quản, chế biến. Trong khi đó, thành phần chính của nước uống đóng chai là thực phẩm. Một loại thực phẩm có thể chế biến ra các loại nước uống khác nhau tùy theo công nghệ mà đưa ra sản phẩm khác nhau, thời gian sử dụng dài hay ngắn, đồng thời có bổ sung phụ gia thực phẩm, chất bảo quản… Lưu ý, với nước trái cây đóng chai nguyên chất tức là 100% sản phẩm là thực phẩm, thời gian sử dụng ngắn, rất tốt cho sức khỏe (cam vắt, cam ép). Nhưng nếu trái cây chế biến thành nước uống đóng chai (không nguyên chất), trong quá trình chế biến có bổ sung thêm đường, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm…, nếu sử dụng nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe, dễ thừa cân béo phì.

Để có sức khỏe tốt, cần ăn phối hợp đa dạng nhiều loại thực phẩm, ăn đủ nhu cầu cơ thể, ở tỷ lệ cân đối hợp lý giữa các chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để thức ăn không được là nguồn gây bệnh; Duy trì hoạt động thể lực hợp lý, thực hiện lối sống năng động, lành mạnh…, đó là những yếu tố căn bản để có một tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe tốt.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Bài viết liên quan

Làm sao để hệ miễn dịch khỏe mạnh?

Ngọc Nga

Đến năm 2025, nâng cao năng lực y tế trường học gắn với y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe cho học sinh

hanh phan

Những nguyên tắc giúp trẻ có giấc ngủ lành mạnh

hanh phan

Để lại bình luận