Điểm báo ngày 21/10/2019

(CDC Hà Nam)
Đừng đánh cược tính mạng cho phẫu thuật thẩm mỹ; Tái sử dụng đơn thuốc: Hiểm họa khôn lường; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống ung thư…

 

Hà Nội yêu cầu thu hồi hai loại thuốc điều trị ung thư không rõ nguồn gốc

Sở Y tế Hà Nội vừa yêu cầu các cơ sở y tế trong ngành rà soát, thu hồi ngay một loại thuốc chống ung thư vú và một thuốc điều trị ung thư phổi không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa có văn bản số 4538/SYT-NVD thông báo về thuốc Arimidex 1mg và thuốc Iressa 250mg không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng thuốc, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn không được sử dụng thuốc Arimidex 1mg, thuốc Iressa 250mg không rõ nguồn gốc xuất xứ; tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc rõ ràng.

Sở Y tế cũng yêu cầu Phòng y tế các quận, huyện, thị xã của thành phố thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý không mua bán, sử dụng thuốc Arimidex 1mg, thuốc Iressa 250mg không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Được biết, thuốc Arimidex là thuốc có tác dụng chống ung thư vú ở phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh và cải thiện hệ miễn dịch. Thuốc Iressa 250mg là thuốc được sử dụng trong điều trị ung thư phổi.Các thuốc Iressa 250mg và Arimidex 1mg không rõ nguồn gốc xuất xứ, vỉ thuốc khác biệt so với thuốc cùng tên đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.  (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Tái sử dụng đơn thuốc: Hiểm họa khôn lường

Đơn thuốc do bác sĩ kê chỉ có giá trị một lần tại thời điểm người bệnh được khám, chẩn đoán bệnh. Thế nhưng, không ít bệnh nhân lại sử dụng đơn thuốc đó cho bản thân ở những lần mắc bệnh kế tiếp. Thậm chí, tình trạng đơn thuốc của người này cho người khác mượn, thay vì đi khám bệnh để được bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thuốc cũng diễn ra phổ biến. Thói quen này đang gây ra những hiểm họa khôn lường.

Nhiều hậu quả khi tự chữa bệnh

Tại thời điểm này, Bệnh viện Da liễu trung ương đang tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang. Điều đáng bàn, trước khi đến bệnh viện, đa phần người bệnh bị nhầm lẫn với bệnh viêm da do vi rút varicella zoster (gây bệnh zona) và tự mua thuốc điều trị, nhưng không khỏi. Thậm chí, một số trường hợp khi nhập viện đã ở trong tình trạng tổn thương da rất nặng, phải điều trị dài ngày.

Theo bác sĩ Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới (Bệnh viện Da liễu trung ương), zona là bệnh do vi rút và viêm da tiếp xúc do côn trùng phải được điều trị theo phương pháp khác nhau. Thế nhưng, khi đến đây, nhiều bệnh nhân cho biết, người quen của họ từng mắc zona và được chữa khỏi. Do vậy, khi thấy có những biểu hiện tổn thương trên da giống với zona, họ mượn đơn rồi mua thuốc tự chữa. Sử dụng thuốc điều trị zona chữa viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không những làm tổn thương da nặng thêm, mà khi tùy tiện uống loại thuốc này trong thời gian kéo dài sẽ gây nhiễm độc gan.

Đặc biệt, có trường hợp bệnh nhân bị viêm da cơ địa gây chàm đến bệnh viện khám và được chữa khỏi. Sau một thời gian, bệnh nhân này bị nhiễm nấm. Thấy biểu hiện trên da giống với khi bị chàm, người này đã tự chữa bằng đơn thuốc cũ và sau đó phải nhập viện, vì điều trị mãi không khỏi. “Tỷ lệ bệnh nhân tái sử dụng đơn thuốc, khiến bệnh nặng thêm trước khi nhập viện chiếm khoảng 30%” – bác sĩ Đào Hữu Ghi nhấn mạnh.

Một đơn thuốc cần phải có đủ các thông tin: Tên tuổi, giới tính, địa chỉ người bệnh; tên, chữ ký của bác sĩ kê đơn; các xét nghiệm cận lâm sàng, phân loại bệnh tật, phác đồ điều trị. Ngoài ra, trong đơn thuốc phải có tư vấn, căn dặn của bác sĩ về từng loại thuốc, cách dùng, cách ăn uống, nghỉ ngơi… và khi nào người bệnh cần tái khám.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay rất khó tìm thấy đơn thuốc đúng như thế. Còn người bệnh thì dễ dãi trong việc dùng đơn thuốc cũ, mượn đơn thuốc của người khác và dễ dàng ra hiệu thuốc mua được cả thuốc nằm trong diện phải được kê đơn, có chỉ định của thầy thuốc. Bác sĩ Dương Đức Hùng cho biết, trung bình mỗi năm, Khoa Điều trị tích cực của bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân nặng bị ngộ độc do tự mua thuốc chữa bệnh.

Tình trạng tái sử dụng đơn thuốc cũng là thói quen thường gặp ở nhiều bà mẹ. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo: “Tỷ lệ phụ huynh tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ tại nhà trước khi đưa tới bệnh viện chiếm từ 80% đến 90%. Trẻ bị ho, sốt có thể là biểu hiện của những bệnh hô hấp thông thường. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ kê các thuốc điều trị triệu chứng, không cần dùng đến kháng sinh. Sau đó, trẻ tiếp tục bị bệnh với các biểu hiện ho, sốt nhưng lại là triệu chứng của bệnh viêm phổi. Lúc này, nếu cha mẹ cho trẻ dùng đơn thuốc cũ, không có kháng sinh điều trị, thì bệnh của trẻ có thể chuyển biến nặng nhanh chóng. Nguy hiểm hơn, nếu cứ thấy trẻ ho, hắt hơi, sổ mũi mà cha mẹ tự ý cho dùng kháng sinh, thì chắc chắn sẽ gia tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc”.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Medlatec tiếp nhận bệnh nhân B.T.H. (22 tuổi ở tỉnh Hòa Bình) nhập viện trong tình trạng sốt cao, tiểu buốt. Trước đó khoảng một tuần, khi xuất hiện tình trạng sốt cao, rét run, đau tức hố thắt lưng lan xuống hạ vị phải, bệnh nhân H. đã đi khám và được bác sĩ kê đơn thuốc uống trong 5 ngày. Thế nhưng, sau khi uống thuốc được 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt tăng, rét run nhiều, đau đầu, buồn nôn, nên đã đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec.

Tại đây, sau khi khám và tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ Bùi Văn Hải, chuyên khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, bệnh nhân H. bị viêm bể thận do Ecoli. Nguyên nhân, do trước đây, bệnh nhân này tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị, dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh, khiến vi khuẩn nhờn thuốc với nhiều loại kháng sinh, khiến quá trình điều trị khó khăn hơn.

Kiểm soát chặt việc bán thuốc theo đơn

Để tránh những hậu quả đáng tiếc khi tái sử dụng đơn thuốc, bác sĩ Đào Hữu Ghi, Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới (Bệnh viện Da liễu trung ương) khuyến cáo, mỗi đơn thuốc chỉ để điều trị bệnh ở thời điểm đó. Ngay cả đối với bệnh mạn tính, dù là bệnh cũ tái phát, nhưng ở thời điểm khác mức độ bệnh đã khác, thể trạng của người bệnh cũng khác, vì thế bắt buộc phải đến cơ sở y tế khám để bác sĩ cho đơn thuốc mới. Hơn nữa, thuốc uống dù đúng bệnh, nhưng phải có liều lượng nhất định, sử dụng đúng lứa tuổi, cân nặng, kể cả thuốc bổ. Nếu uống quá liều lượng sẽ làm trầm trọng bệnh, gây ra bệnh khác cho cơ thể. Kể cả thuốc bôi da cũng phải sử dụng theo đúng lứa tuổi. Bởi, cùng một bệnh, nhưng đối với trẻ em và người lớn bôi thuốc khác nhau. Hơn nữa, cùng một bệnh, nhưng tùy vào vị trí tổn thương trên cơ thể mà bác sĩ chỉ định các loại thuốc bôi khác nhau.

Còn theo ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hậu quả của việc tái sử dụng đơn thuốc không chỉ “nhãn tiền”, mà còn tác động lâu dài đến sức khỏe.

“Hiện vấn đề kháng thuốc kháng sinh là vấn đề trầm trọng và được cảnh báo là nguy cơ lớn thứ 2, sau biến đổi khí hậu. Hằng năm trên thế giới có gần 1 triệu người tử vong do kháng thuốc, chi phí cho kháng thuốc rất cao. Việt Nam cũng là một trong những nước có tình trạng kháng thuốc trầm trọng. Nếu cứ sử dụng thuốc tùy tiện, nhất là thuốc kháng sinh, thì trong tương lai không xa, bệnh đơn giản cũng khiến con người tử vong nhanh hơn cả ung thư” – ông Cao Hưng Thái nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại nhiều nước, các dược sĩ không bán thuốc cho những đơn thuốc kê trước đó từ 3 tháng đến 6 tháng. Thế nhưng, theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tại Việt Nam, người dân sử dụng đơn thuốc cũ hoặc không cần trình đơn thuốc cũng dễ dàng mua được thuốc, ở bất cứ hiệu thuốc nào. Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội đang tăng cường kiểm tra hoạt động kết nối mạng, cập nhật cơ sở dữ liệu của các nhà thuốc, quầy thuốc. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở nào vi phạm bán thuốc không theo đơn, bán thuốc không đúng đơn thuốc, Sở Y tế sẽ xử lý nghiêm.

“Khi bị bệnh người dân bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn khám và có chỉ định điều trị cụ thể, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, ông Trần Văn Chung lưu ý. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống ung thư

Ngày 20-10, Bệnh viện K tổ chức lễ phát động nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống ung thư và tầm soát ung thư vú miễn phí cho chị em nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10).

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, tại Việt Nam, có hơn 70% bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Càng phát hiện muộn thì việc điều trị càng phức tạp, tốn kém và hiệu quả càng thấp. Riêng với ung thư vú là bệnh dễ phát hiện nhất thì cũng có tới 50% chị em đi khám ở giai đoạn muộn. Trong khi nếu phát hiện sớm, hơn 95% các trường hợp ung thư vú điều trị sẽ khỏi bệnh.

GS.TS Trần Văn Thuấn cho rằng, cần tăng cường các biện pháp chẩn đoán sớm ung thư, càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và đơn giản. Trước hết, người dân nên có thói quen khám sức khỏe định kỳ; duy trì lối sống lành mạnh, tránh xa thuốc lá, không uống rượu bia, đồ uống có cồn, duy trì cân nặng hợp lý, có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn thịt chế biến sẵn, hãy sử dụng kem chống nắng và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng gay gắt. Bên cạnh đó, thường xuyên luyện tập thể dục đều đặn để góp phần phòng ngừa ung thư.

Tại buổi lễ, Bệnh viện K đã tổ chức khám sàng lọc ung thư vú miễn phí cho 300 phụ nữ, đồng thời đạp xe diễu hành trên nhiều tuyến phố Hà Nội nhằm kêu gọi người dân nâng cao kiến thức phòng, chống ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. ((Hà Nội mới, trang 2).

 

Cần sớm ban hành Luật không khí sạch!

Các chuyên gia cho rằng, nếu người dân biết “đòi hỏi”, cơ quan chức năng phải xây dựng thêm nhiều công viên cây xanh, có chính sách khuyến khích trồng cây hay ban hành luật về không khí sạch…

TP.HCM còn ít cây xanh quá!

Chia sẻ tại hội thảo “Hiểu về ô nhiễm không khí” vừa tổ chức tại TP.HCM vào cuối tuần qua, bà Hoàng Thị Minh Hồng, giám đốc tổ chức Change chia sẻ: “Sài Gòn còn ít công viên cây xanh quá! Các chung cư, cao ốc mọc lên san sát trong khi cây xanh rất ít”. Bà Hồng nói thêm, các nhà đầu tư đều ngần ngại khi rót vốn vào một địa phương hay quốc gia có không khí bị ô nhiễm (viết tắt là ô nhiễm). Như tại Trung Quốc, khi ô nhiễm đến mức nghiêm trọng, Chính phủ đã phải ban hành luật để các nhà máy phải di dời ra khỏi nội thành, hạn chế phương tiện cá nhân… nhằm cải thiện chất lượng không khí.

“Dân Sài Gòn phải biết đòi hỏi thêm đi, thêm nhiều công viên cây xanh nữa thay vì các cao ốc, chung cư cao tầng… Ở New York, ở những khu gọi là “đất vàng” nhưng là công viên cây xanh nên bất khả xâm phạm”, bà Hồng đề xuất.

Cần sớm ban hành Luật không khí sạch

Theo TS. Trần Ngọc Đăng, giảng viên bộ môn Sức khỏe Môi trường (khoa Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM), một nghiên cứu mới đây đã công bố, bụi mịn có khả năng xuyên vào nhau thai, ảnh hưởng đến thai nhi, gây sinh non, gia tăng khả năng sinh nhẹ cân, sẩy thai… Ngoài ra, trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm đối tượng mà cha mẹ cần phải lưu tâm vì cơ thể trẻ rất nhạy cảm với không khí. Nếu trẻ sớm tiếp xúc với không khí ô nhiễm, khi lớn, phổi sẽ không bình thường.

Trước những tác động nguy hiểm của không khí ô nhiễm đến sức khỏe, PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn phó chủ tịch Hội nước và Môi trường TP.HCM cho rằng, từ khi tham gia vào mạng lưới không khí sạch tại Việt Nam, ông cũng như các chuyên gia khác trong lĩnh vực môi trường luôn muốn Quốc hội ban hành Luật không khí sạch. “Các chuyên gia môi trường đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị về bộ luật này nhưng đến vẫn chưa được Quốc hội quan tâm”, ông Tuấn nhấn mạnh. “Tôi đã từng cho sinh viên làm đề tài so sánh các điều khoản về không khí trong Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam với Luật không khí sạch của Hoa Kỳ. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã từng nghiên cứu về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy ban hành Luật không khí sạch”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn còn lo ngại các giải pháp bảo vệ môi trường hiện nay chỉ được thực hiện “nửa vời”. Như việc kiểm định xe máy. Tại TP.HCM, năm 2007, Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM đã tổ chức ngày hội kiểm định xe máy nhưng từ đó đến nay, vấn đề kiểm định xe máy vẫn chưa thực hiện. Hay như việc nâng cao chất lượng xăng dầu, giảm khí thải nhằm cải thiện chất lượng môi trường. Vào năm 2001, Việt Nam đã có chiến dịch loại bỏ xăng có chì. Chất lượng không khí tại TP.HCM và các vùng lân cận sau đó được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia, xăng của Việt Nam chứa hàm lượng diesel quá cao, sản sinh ra lượng bụi mịn PM1.0 có tác hại nguy hiểm hơn cả bụi mịn PM2.5!

“Chúng ta đã ban hành nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng không khí nhưng không đủ mức quyết liệt để ngăn chặn. Các hành động hiện nay chỉ tạm thời. Về lâu dài, cần có giải pháp tổng hợp và quyết tâm cao mới có thể thực hiện được”, ông Tuấn kết luận. (Nông thôn Ngày nay, trang 5).

 

Vui buồn khi đi khám bệnh từ thiện

Tham gia hoạt động thiện nguyện, nhiều đoàn bác sĩ, y tá đang công tác tại các bệnh viện, phòng khám ở TPHCM đã đi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Qua những chuyến đi đã có nhiều kỷ niệm vui buồn…

1. Đoàn bác sĩ Hội Chữ thập đỏ quận 3 đến khám bệnh, cấp phát thuốc, tặng quà cho đồng bào dân tộc Ja rai, Ba na ở xã Buôn Triết, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk). Đến nơi, hơn 7 giờ, trời đã gay gắt nắng. Bà con đứng ngồi chật kín sân UBND xã. Các thành viên trong đoàn nhanh chóng đưa máy móc, thuốc men và quà tặng xuống xe, chuyển về hội trường. Đúng 7 giờ 30 phút, các thầy thuốc tiến hành công việc.

Nghe tiếng trẻ ê a đánh vần tại nhà trẻ gần UBND xã Buôn Triết, ông Huỳnh Công Triệu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận 3, trưởng đoàn, liền mang túi bánh kẹo qua điểm trường, phát quà tận tay cho các bé. Ánh mắt bé nào cũng sáng rỡ. Nhận quà xong, lớp như ong vỡ tổ, các bé vừa chạy ra khỏi lớp vừa reo hò. Cô hiệu trưởng phải 2 tay nắm giữ 2 đứa nhỏ, vừa thở vừa nói: “Lúc nãy, tụi em quên báo cho anh biết. Có tặng quà thì gửi cho trường để đến lúc ra về tụi em sẽ chia cho các cháu. Mấy đứa nhỏ ở đây ngộ lắm! Hễ nhận được quà là tụi nó hớn hở bỏ chạy ngay về nhà để… khoe với cha mẹ”. Hay chuyện, các thành viên trong đoàn ai cũng xúc động, chút quà nhỏ đơn sơ nhưng cũng mang niềm vui đầy ắp đến với các bé dân tộc thiểu số vùng cao.

2. Một lần, đoàn các thầy thuốc đến làng phong Ia H’long (xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Dù khởi hành rất sớm, nhưng do đường xuyên rừng khó khăn, cách trở, nên gần 8 giờ mới đến được điểm khám bệnh. Nhiều người bệnh đứng ngồi lố nhố ở ngoài sân chờ đoàn. Trời nắng gay gắt, nhiều người tập trung ở bóng mát của cây hay vào nhà bạt, vậy mà có ông cụ bị bệnh phong, mù cả hai mắt vẫn ngồi ngoài sân, không chịu vào nhà. Các thành viên trong đoàn đến mời cụ vào, nhưng nói gì cũng không chuyển. Một đoàn viên của xã đi ngang, thấy vậy liền nói nhỏ: “Ông cụ người dân tộc thiểu số, các chú nói tiếng Kinh, ông đâu có hiểu”. Bị bệnh phong đâu còn cảm giác nóng lạnh, nên cụ cứ ngồi ngoài nắng, các thầy thuốc liền mời cụ vào khám ưu tiên. Mọi người trong đoàn nhìn nhau nói nhiều người bệnh khổ quá, càng thấy việc thiện nguyện của mình là việc rất có ý nghĩa, nên làm.

3. Người dân tộc thiểu số rất chất phác, thật thà. Có giấy mời đi khám bệnh, nhận quà là cả gia đình gác lại việc nương rẫy, đi bộ cả chục cây số đến địa điểm tập trung. Dù nắng gắt, họ cứ thế ngồi sắp hàng, chờ gọi tên. Các bác sĩ giỏi ngoại ngữ nhưng không thể nào đọc đúng tên bà con, nên cầm cả chục phiếu khám bệnh, gọi tên cả chục lần, mà không thấy ai bước vô. Thí dụ tên viết là Cư M’ga mà đọc Cư-mờ-ga là sai, gọi đúng phải là Cư-mờ-nga. Các bác sĩ lúng túng, phải nhờ các công an viên, xã đội, đoàn thanh niên… gọi giùm. Nghe gọi đúng tên, bà con đứng dậy vô rần rần. Khám bệnh xong, nhận quà, bà con cũng không vội về, mà ra sân mở ra xem.

Chỗ khám bệnh cách quốc lộ 14 hơn 20km, nhưng nơi đây vẫn là vùng sâu vùng xa vì hộp sữa giấy vẫn là thứ gì đó rất lạ lẫm với các cháu nhỏ. Mấy cháu cầm hộp sữa lắc lắc, rồi cắn, xé hộp và tu ừng ực có vẻ thích thú. Rồi mỗi đứa chia nhau một gói mì tôm, cứ thế mà nhai, không cần mang về trụng nước. Lo nhất là mấy đứa thấy hộp cốm thuốc bổ, vội moi, trút ra nhai. Các bác sĩ phát hiện, phải vội vàng rượt theo bắt tụi nhỏ uống nhiều nước để giải bớt. Ai cũng vừa buồn cười vừa se lòng khi thấy đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng.

4. Dân vùng sâu ĐBSCL cũng rất chất phác, thật thà. Lần đó, đoàn của Hội Mắt kính TPHCM đến khám mắt, cấp mắt kính miễn phí cho bà con ở huyện Vàm Rầy (tỉnh Kiên Giang). Sau khi đo mắt, ông Sáu Kỹ đến khu vực chọn mắt kính, thấy cái kính gọng đồi mồi đẹp quá, ông Sáu Kỹ chọn ngay. Đeo mắt kính vào, cầm tờ báo SGGP đọc, ông Sáu Kỹ khoái chí cười khà khà: “Rõ lung linh tụi bây ơi! Vậy là từ đây tao không còn phải nhíu con mắt lại để lặt rau, làm cá, đọc báo”.

Chưa đầy mười phút sau, ông Sáu Kỹ trở lại. Chưa thấy mặt người đã nghe thấy tiếng ông la oang oang: “Tụi mày có đưa lộn hay đổi kính của tao không? Hồi nãy thấy rõ, sao bây giờ chói lòa. Chạy ngoài đường xém bị xe đụng”. Cầm tờ giấy khám bệnh, ông Lê Văn Bồng, Phó Chủ tịch Hội Mắt kính TPHCM, lấy thêm một mắt kính khác và giải thích cho ông Sáu Kỹ: “Người lớn tuổi thường bị cận và viễn. Đại để là nhìn xa cũng mờ mà gần cũng không tỏ. Cái này là kính viễn dùng để đọc báo mà. Còn đây mới là kính đi đường. Ông phải nhớ đeo đúng kính mới có tác dụng”. Ông Bảy vui mừng, hân hoan cảm ơn các bác sĩ. Thông thường mỗi người được tặng một cái kính, nhưng trường hợp này thì… vui vẻ chiều thôi. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Nối cánh tay bị đứt lìa cho nam công nhân

Ngày 19/10, Bệnh viện TW Quân đội 108 (BV 108) cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa nối thành công cánh tay đứt lìa cho nam bệnh nhân H.V.N (40 tuổi, ở Quảng Ninh), bị tai nạn lao động do dây tời cuốn.

Đến bây giờ, anh H.V.N vẫn không khỏi bàng hoàng khi nhớ về cảnh mình bị dây tời cuốn văng cánh tay phải. Lúc đó vết thương rất nặng, cánh tay đứt lìa hoàn toàn, mất máu nhiều, nhưng may mắn, ngay sau khi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cánh tay đứt rời đã được bảo quản đúng cách, sau đó anh được chuyển đến BV 108.

Tại BV108, bệnh nhân nhanh chóng được tiếp nhận và thăm khám. Kíp phẫu thuật gồm BS Vũ Hữu Trung và các cộng sự của Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp “trồng nối” cánh tay phải cho bệnh nhân bằng kỹ thuật vi phẫu.

Ca phẫu thuật căng thẳng kéo dài trong suốt 5 giờ. Nhờ hệ thống kính hiển vi vi phẫu tiên tiến nhất, các bác sĩ có thể phóng to và thực hiện những kĩ thuật vi phẫu phức tạp mà mắt thường không nhìn thấy được. Việc khâu nối lại mạch máu và các dây thần kinh cho anh N. là thao tác cực khó, ngoài yêu cầu sự khéo léo, tập trung cao độ, ca mổ cũng cần phải được tổ chức thực hiện theo các trình tự hợp lí để rút ngắn thời gian, tái cấp máu cho cánh tay đứt rời sớm nhất có thể.

Với vi phẫu thuật, mọi “phép màu” đều có thể xảy ra. Dưới bàn tay của các bác sĩ Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu, nhiều trường hợp đứt rời chi thể, hay những tổn thương liệt hoàn toàn hoặc liệt gần hoàn toàn chi trên đã được “hồi sinh”, trả lại chức năng vận động và khả năng hòa nhập cuộc sống.

Theo BS Vũ Hữu Trung, vi phẫu khâu nối và chuyển ghép thần kinh, mạch máu là những kỹ thuật phức tạp, cuộc mổ luôn kéo dài, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có sức khỏe, sự bền bỉ và cả sự khéo léo, tinh tế. Nhờ sự phát triển của vi phẫu thuật, có thể trả lại chức năng vận động cho người bệnh. Chẳng hạn liệt đám rối thần kinh cánh tay, những tổn thương thần kinh ngoại vi, hay những trường hợp đứt rời hoặc khuyết hổng phần mềm chi thể sau những chấn thương nặng, đặc biệt là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động.

Kỹ thuật vi phẫu rất khó thực hiện và yêu cầu trang thiết bị hiện đại, vì vậy tại Việt Nam ít cơ sở y tế có thể làm được, dẫn tới cơ hội chữa bệnh cho người bệnh còn nhiều hạn chế. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Cậu bé mỉm cười sau 2 năm hôn mê

Bé trai ở Hòa Bình nhập viện khi mới hơn 14 tuổi, gần 2 năm qua cháu hoàn toàn hôn mê, sống thực vật do biến chứng viêm não Nhật Bản. Hai ngày nay cháu đột nhiên mỉm cười…

Các bác sĩ đang tràn trề hi vọng cháu bé hoàn toàn hôn mê trong thời gian qua có thể phục hồi được não, nói được trở lại.

Bất ngờ “thức tỉnh”

Bác sĩ Hoàng Công Tình – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, người trực tiếp điều trị cho cháu bé – cho biết trước khi được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cháu đã có 6 tháng điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội). Sau 6 tháng điều trị cháu vẫn không bỏ được máy thở, gần như rơi vào trạng thái sống thực vật: liệt tứ chi, mở mắt tự nhiên nhưng vô hồn, thở phụ thuộc vào máy thở nhân tạo.

“Hơn một năm nay kể từ khi chuyển về khoa chúng tôi, bệnh của cháu vẫn không khá lên bao nhiêu, đôi mắt vẫn vô hồn, vẫn phải phụ thuộc vào máy thở. Dù biết bệnh cháu khó nhưng các bác sĩ vẫn tích cực điều trị, và gia đình cháu, một gia đình rất nghèo, sống trong vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình, vẫn không hết hi vọng” – bác sĩ Tình cho biết.

Và sáng thứ sáu vừa qua, khi các bác sĩ đến thăm, điểm bệnh ở từng buồng bệnh, thật bất ngờ cháu bé đã có những tiến triển nhất định: có thể nhận biết được xung quanh, làm được các động tác theo hướng dẫn của các bác sĩ như nhắm mắt, mở mắt, đưa mắt sang trái, sang phải, há miệng, thè lưỡi, và đặc biệt khi các bác sĩ hướng dẫn cháu cười, cậu bé đã cười rất tươi.

Nỗ lực để cậu bé có cơ hội

Theo bác sĩ Tình, y văn đã từng ghi nhận những trường hợp tỉnh lại sau thời gian dài sống thực vật, gần đây ở Hà Nội đã có một cậu bé như vậy. Nhưng đây vẫn là những ca bệnh hiếm gặp.

“Nếu cháu bé bỏ được thở máy thì cháu sẽ nói được, nhưng những biểu hiện của cháu từ ngày thứ sáu vừa qua và trong hai ngày nay cho thấy não cháu đã có những dấu hiệu phục hồi. Với những bệnh nhân rơi vào tình trạng sống thực vật thì việc não phục hồi là điều quan trọng nhất. Kể cả sau này cháu có bị liệt thì não cháu vẫn nhận biết được” – bác sĩ Tình nói.

Một bác sĩ từng trực tiếp điều trị cho cháu giai đoạn cháu ở Bệnh viện Nhi T.Ư chia sẻ bệnh nhân viêm não Nhật Bản biến chứng có khi cần thời gian rất lâu mới hồi phục, trong đó những yêu cầu về dinh dưỡng, phục hồi chức năng vô cùng quan trọng. Đây là bệnh nhân đầu tiên được điều trị và chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phục hồi được não bộ sau khi hôn mê tới gần 2 năm và rơi vào sống thực vật.

Bác sĩ Tình cho biết hiện các bác sĩ chưa đánh giá được khả năng phục hồi của cháu bé, nhưng trước hết đang cố gắng để cháu có thể tự thở được, từ đó có thể rút nội khí quản, cháu có thể nói được. Sau đó tính đến phục hồi các chức năng khác.

“Khi cậu bé cười tươi vào sáng thứ sáu vừa qua, chúng tôi đã rất bất ngờ, trong niềm vui có xen lẫn sự hồi hộp và hạnh phúc. Hạnh phúc vì một bệnh nhân nằm yên lặng gần 2 năm đã có những dấu hiệu thức giấc. Giờ đây, cả chúng tôi và gia đình cháu bé đều có quyền hi vọng những cơ may lớn hơn cho cháu” – bác sĩ Tình nói.

Được biết trong hơn 1 năm cháu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và trước đó nữa là 6 tháng ở Bệnh viện Nhi T.Ư, đã có nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ cho cháu, đến bây giờ vẫn có những người tiếp tục hỗ trợ để cháu bé có thể phục hồi, tất cả đều đang cùng hi vọng… (Tuổi trẻ, trang 13).

 

Đừng đánh cược tính mạng cho phẫu thuật thẩm mỹ

Phẫu thuật thẩm mỹ trở thành một nhu cầu lớn trong xã hội, tuy nhiên, liên tiếp thời gian qua đã xảy ra nhiều sự cố, thậm chí đã có nạn nhân tử vong, thương tật liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ.

Liên tục xảy ra những tai biến đáng buồn của phẫu thuật thẩm mỹ

Những ngày gần đây, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh liên tục xảy ra nhiều vụ tai biến dẫn đến chết người sau phẫu thuật làm đẹp. Ca tử vong mới nhất được báo cáo trong ngày 18/10. Trước đó, vào khoảng 8 giờ ngày 17/10, một phụ nữ (33 tuổi) đến Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas (phường 12, quận 10, TP. Hồ Chí Minh) để phẫu thuật đặt túi nâng ngực. Sau khi thực hiện khám và xét nghiệm tiền mê theo quy định, bệnh viện này phẫu thuật theo nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, đến 20 giờ 45 phút thì bệnh nhân đột ngột khó thở, mạch nhanh, huyết áp hạ. BV Thẩm mỹ Emcas đã hồi sức tích cực và chuyển bệnh nhân đến BV Nhân dân 115, song đến ngày 18/10, bệnh nhân đã tử vong.

Cũng tại TP. Hồ Chí Minh, trước đó vài ngày, một phụ nữ 59 tuổi sau khi căng da mặt tại BV Thẩm mỹ Kangnam (quận 3) đã xảy ra tai biến, được chuyển cấp cứu trong đêm tại BV Nhân dân 115 rồi qua BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong vào đêm 14/10.

Vào đầu tháng 10/2019, các bác sĩ của BV Thanh Nhàn cũng tiếp nhận cấp cứu một nữ bệnh nhân 28 tuổi bị ngất xỉu, co giật sau khi hút mỡ để cấy nâng ngực tại Thẩm mỹ viện QT T.A (Kim Ngưu, Hà Nội).

Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội của Thẩm mỹ viện QT T.A về nâng ngực bằng mỡ tự thân không đụng dao kéo với nhiều hình ảnh đẹp nên đã quyết định lựa chọn. Khi đến thẩm mỹ viện, nhân viên tư vấn nói, thẩm mỹ viện sẽ hút mỡ ở bụng, cánh tay, rồi từ đó lấy mỡ tự thân này cấy vào để nâng vòng 1. Họ cũng cho biết, việc cấy mỡ tự thân rất lành, an toàn. Do vậy, sau khi làm xong có thể về luôn. Chi phí cho ca của bệnh nhân này là 22 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau gần 5 giờ đồng hồ thực hiện các thủ thuật hút mỡ, ly tâm lọc mỡ và tiêm mỡ tự thân vào 2 ngực, bệnh nhân đã mệt, khó thở, co giật và ngất xỉu vài lần, cho nên nhân viên trực của thẩm mỹ viện mới vội vàng đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại BV Thanh Nhàn. Tại đây, bệnh nhân được nhận định dấu hiệu ngộ độc thuốc tê, rối loạn tuần hoàn não. “Thật không ngờ chỉ vì làm đẹp mà suýt mất mạng. Sự việc hoàn toàn không như những gì thẩm mỹ viện tư vấn. Chứ biết thế này, em đã không quyết định nâng ngực”, nữ bệnh nhân nói.

Trước đó, cũng tại Khoa Cấp cứu – BV Thanh Nhàn, các bác sĩ đã tiếp nhận 1 nữ bệnh nhân trong tình trạng ngất xỉu và co giật sau khi thực hiện hút mỡ bụng, mỡ bắp tay, phẫu thuật cắt mỡ, da thừa vùng bụng. Bệnh nhân này cũng may mắn được cấp cứu kịp thời. Cần sáng suốt trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống về vấn đề này, ThS.BS. Vũ Trung Trực – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt – tạo hình – thẩm mỹ, BV Việt Đức cho biết, tai biến gặp nhiều nhất trong thẩm mỹ vẫn là tai biến nội khoa, tức là không phẫu thuật. Có nghĩa là người có nhu cầu làm đẹp sẽ đến các trung tâm quảng cáo làm đẹp để thực hiện các kỹ thuật tiêm các chất như chất làm đầy vào cơ thể.  Tuy nhiên, kể cả những kỹ thuật này vẫn phải được thực hiện tại các cơ sở đảm bảo, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Còn tai biến phẫu thuật thẩm mỹ do can thiệp liên quan đến trung phẫu như hút mỡ bụng để nâng ngực, đặt túi ngực… thì ít xảy ra thường xuyên hơn, nhưng  thời gian qua, Khoa Phẫu thuật hàm mặt – tạo hình – thẩm mỹ cũng đã tiếp nhận cấp cứu, “sửa sai” nhiều trường hợp biến chứng do nâng ngực bằng filler (chất làm đầy), bơm mỡ nhân tạo, phổ biến nhất là thủng lỗ dò ở mũi, ngực do quá trình vô trùng không tốt khi tiêm, một số ít trường hợp bị mù mắt do tiêm sai vị trí…

Do đó, BS. Trực khuyến cáo các chị em đang có ý định làm đẹp hãy lựa chọn các cơ sở đã được cấp phép, đồng thời tìm hiểu thật kỹ về phương pháp đó và những nguy cơ mà mình có thể gặp phải để đưa ra những lựa chọn phù hợp. Tại cơ sở này, khách hàng cần tìm hiểu xem người thực hiện kỹ thuật mình định làm có được cấp phép hành nghề hay không. Tiếp đến, để giảm thiểu nguy cơ rủi ro thì khi đi làm thẩm mỹ nếu liên quan đến trung phẫu, khách hàng cần tìm hiểu xem tại cơ sở đó có bác sĩ gây mê hồi sức không, các trang thiết bị máy móc ra sao, các thuốc sử dụng trong gây mê hồi sức, các thuốc sử dụng cho quá trình phẫu thuật có đảm bảo hay không?

Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần tìm hiểu kỹ về quy trình thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ mà mình cần thực hiện của cơ sở đó có đảm bảo hay không rồi hãy quyết định thực hiện. “Bản thân phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng cũng như các phẫu thuật khác nói chung đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dị ứng thuốc, chảy máu, nhiễm trùng… Nhưng nếu như thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở đã được cấp phép, có đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị thì nguy cơ sẽ ít đi”, BS. Trực nhấn mạnh.

Ngoài ra, BS. Trực cũng cho rằng, hiện nay, việc tìm kiếm thông tin về làm đẹp vô cùng đơn giản. Do đó, người có nhu cầu thẩm mỹ làm đẹp cần phải tỉnh táo trong lựa chọn cơ sở để thực hiện làm đẹp, tránh “tiền mất, tật mang”. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Phẫu thuật điều trị ung thư thực quản bằng nội soi

Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 vừa phẫu thuật điều trị ung thư thực quản bằng phương pháp nội soi 2 đường bụng ngực cho bệnh nhân N.V.M. Nhờ ưu điểm của phương pháp mới ít xâm lấn nên bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sức khỏe và được ra viện sớm.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn – Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện TW Quân đội 108  thông tin, phương pháp điều trị ung thư thực quản phổ biến hiện nay là phẫu thuật nội soi theo đường ngực, để cắt toàn bộ thực quản. Sau đó mổ mở hoặc mổ nội soi, để cắt một phần dạ dày, tạo thành ống cuốn rồi nối với thực quản ở phần cổ, để phục hồi lưu thông tiêu hóa.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, phương pháp này rất phức tạp, lại có nhiều hạn chế. Đầu tiên, các bác sĩ phải mổ mở ổ bụng, khiến bệnh nhân phải chịu dau đớn với một vết mổ dài. Trong khi đó, phương pháp mới sẽ khắc phục được những hạn chế của các phương pháp đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Bệnh nhân không còn đường mở bụng nên chỉ còn một đường mở duy nhất tại cổ, nên thời gian hồi phục nhanh do các vết mổ nhỏ, hạn chế gây tổn thương tới các cơ quan còn lành lặn khác, giúp hạn chế tai biến, mất an toàn người bệnh.

Nhờ phương pháp phẫu thuật mới, ông M. đã hồi phục nhanh, được ra viện sớm. Bệnh nhân cần đi khám định kỳ 3 tháng/lần để theo dõi sức khỏe. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/9/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 07/12/2022

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 18/2/2019

Ngọc Nga

Để lại bình luận