Điểm báo ngày 25/10/2019

(CDC Hà Nam)
Kiện bệnh viện đòi bồi thường 1.000 đồng và xin lỗi; Cảnh giác với sốt xuất huyết khi vào mùa cao điểm; Không để bệnh bạch hầu lan rộng…

Kiện bệnh viện đòi bồi thường 1.000 đồng và xin lỗi

Gia đình bệnh nhân khởi kiện Bệnh viện FV do bức xúc với thái độ của bệnh viện và cho rằng quá trình điều trị có sai sót dẫn đến bệnh nhân tử vong.

Ngày 22/10, TAND quận 7, TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ đòi bồi thường thiệt hại giữa ba nguyên đơn là các ông Nguyễn Hồng Điểu, Nguyễn Bình Khiêm và bà Nguyễn Mộng Hoàng (đại diện là ông Lê Văn Vui) và bị đơn là Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (BV FV, có chi nhánh tại quận 7, TP.HCM).

Bệnh nhân chết, gia đình đòi bồi thường… 1.000 đồng

Theo đơn kiện và trình bày tại tòa của phía nguyên đơn, ngày 18/2/2011, bà Nguyễn Thị Cận (84 tuổi) bị ngã gãy xương đùi và được gia đình đưa đến điều trị tại BV FV. Trong quá trình điều trị, tình trạng suy thận mạn tính của bệnh nhân ngày càng nghiêm trọng, sức khỏe yếu dần. Sau đó bà Cận được chuyển sang BV Chợ Rẫy để điều trị nhưng tình trạng vẫn rất xấu. Gia đình tiếp tục xin chuyển bà sang Viện Tim TP.HCM nhưng ngày 20/3/2011 bệnh nhân đã tử vong do sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng.

Gia đình bà Cận đã khởi kiện BV FV yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng. Sau đó nguyên đơn thay đổi nội dung khởi kiện, yêu cầu tòa buộc bị đơn phải bồi thường 1.000 đồng thiệt hại và cải chính một phần nội dung trong một bài viết liên quan đến vụ việc đăng trên một tờ báo.

Về nguyên nhân cái chết của bà Cận, đại diện nguyên đơn cho rằng bà bị thận mạn tính, việc BV FV chạy thận không hiệu quả đã dẫn đến bị một loạt biến chứng và tử vong. Cụ thể, cả kết luận giám định của Sở Y tế và Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM xác định việc chạy thận có sai sót, điều trị không hiệu quả…

Lập luận của phía bị đơn

Đại diện phía bị đơn trình bày bệnh nhân nhập viện trong tình trạng gãy xương đùi trái, chấn thương gây đau đớn. Phía bệnh viện có giải thích là không có chạy thận thường niên nhưng gia đình vẫn đồng ý điều trị. Bác sĩ thăm, khám chỉ định phẫu thuật và thống nhất với gia đình bệnh nhân là chạy thận trước khi mổ để đảm bảo an toàn. Kết quả, trong khi mổ và sau khi mổ đều tốt.

Trước đó BV Chợ Rẫy đã từ chối phẫu thuật cho bệnh nhân vì tình trạng sức khỏe quá xấu và đang suy thận mạn tính giai đoạn cuối, bệnh nhân lại bị cao huyết áp và thiếu máu cơ tim.

Cũng theo phía bị đơn, sau ba lần chạy thận, quá trình chụp X-quang phát hiện tình trạng bệnh nhân quá tải dịch. BV FV đã trao đổi với người nhà bệnh nhân thực hiện chạy thận lần thứ tư để giảm quá tải dịch. Tuy nhiên, gia đình đã từ chối và kiên quyết đưa bệnh nhân qua BV Chợ Rẫy để tiếp tục chạy thận. Lúc xuất viện, tình trạng bệnh nhân ổn định, hô hấp tốt, không than đau, không có nguy cơ tử vong.

Đối với yêu cầu đòi bồi thường 1.000 đồng, bị đơn không chấp nhận vì cho rằng không có cơ sở nào xác định việc điều trị của BV FV có sai sót, không hiệu quả và là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân tử vong. Cụ thể, theo Công văn số 612 ngày 4/6/2018, Hội đồng chuyên môn – Cục Quản lý khám chữa bệnh của Bộ Y tế kết luận quá trình thăm khám, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc của BV FV là đúng với quy định chuyên môn và không có sai sót. Đồng thời quá trình chạy chận nhân tạo có ứ dịch nhưng không phải là nguyên nhân gây tử vong.

Về việc nguyên đơn yêu cầu công khai xin lỗi, BV FV cho rằng không có căn cứ cho rằng bệnh viện trả lời không đúng sự thật. Bệnh viện đã căn cứ vào tình trạng thực tế của bệnh nhân và quá trình điều trị thể hiện trong hồ sơ bệnh án để trả lời cho gia đình bệnh nhân. Vì vậy, bệnh viện không chấp nhận yêu cầu xin lỗi của nguyên đơn.

“Kiện vì… thái độ”

Tại tòa, đại diện nguyên đơn cho rằng lý do khởi kiện là vì “lỗi thái độ” của bị đơn. Gia đình bệnh nhân không đồng ý với phương pháp điều trị là đưa thêm một lượng nước vào người bệnh nhân vì cơ thể không bài tiết được.

Tuy nhiên, BV FV vẫn giữ phương pháp điều trị này. Nguyên đơn khẳng định những sai sót này là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân tử vong.

Tại tòa, HĐXX đã làm rõ một số vấn đề nhằm giải quyết những mâu thuẫn giữa hai bên để hòa giải, đồng thời đánh giá những tình tiết làm chứng cứ để giải quyết vụ án.

Một bệnh nhân vừa thua kiện BV FV 13,9 triệu đồng

Trước đó, ngày 21/10, TAND quận 7 cũng đã xử sơ thẩm vụ đòi bồi thường thiệt hại giữa BV FV (nguyên đơn) và bà C. (bị đơn). Tuyên án, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của BV FV, buộc bà C. phải bồi thường 13,9 triệu đồng về tổn thất tinh thần, buộc bị đơn công khai xin lỗi bệnh viện trên ba tờ báo.

Bà C. bị kiện do đã đăng bài viết trên Facebook có nội dung khẳng định chính bệnh viện đã có thiếu sót trong điều trị khiến bà bị hư thai. Thông tin này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội với hơn 3.000 lượt theo dõi, 4.500 lượt thích và nhiều lời bình luận tiêu cực. Sau đó, BV FV công khai một số thông tin liên quan đến bệnh tình của bà C. cùng cách thức điều trị.

BV FV khởi kiện yêu cầu bà C. phải bồi thường chi phí hơn 1,3 tỷ đồng để xử lý khủng hoảng truyền thông do bài viết mà bà này gây ra. Bà C. phản tố đòi bồi thường hơn 143 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó tòa đã ra phán quyết như trên.

Trao đổi với PV, bà C. cho biết khi nào nhận được bản án của tòa sẽ xem xét để đưa ra quyết định có kháng cáo hay không. (Pháp luật TP. HCM, trang 6).

 

Hà Nội chuẩn bị tổ chức thi tuyển gần 4.500 viên chức ngành y tế

Dự kiến từ ngày 11-11 tới đây, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành y tế Hà Nội sẽ bắt đầu tiếp nhận phiếu đăng ký dự thi tuyển viên chức năm 2019, với số chỉ tiêu được UBND TP Hà Nội cho tuyển dụng đợt này là 4.447 người. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền vừa ký ban hành kế hoạch tổ chức triển khai Quyết định số 5019/QĐ-UBND ngày 12-9-2019 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch thi tuyển viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Y tế năm 2019.

Theo đó, trong đợt thi tuyển viên chức lần này, ngành y tế Hà Nội được tuyển dụng 4.447 chỉ tiêu.

Cụ thể, có 2.142 chỉ tiêu thi tuyển vào các chức danh nghề nghiệp hạng III (yêu cầu trình độ đào tạo từ đại học trở lên); 2.288 chỉ tiêu thi tuyển vào các chức danh nghề nghiệp hạng IV (yêu cầu trình độ từ cao đẳng, trung cấp trở lên); và 17 chỉ tiêu thi tuyển vào các chức danh nghề nghiệp khác áp dụng trình độ cao đẳng trở lên.

Sở Y tế Hà Nội thông báo, đối tượng dự thi là người có quốc tịch Việt Nam, cư trú tại Việt Nam; từ 18 tuổi trở lên; có phiếu đăng ký thi tuyển; có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp yêu cầu của vịt trí việc làm cần tuyển (y, dược); đủ sức khỏe để thực hiện công việc.

Dự kiến thời gian tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển từ ngày 11-11 đến 11-12-2019, tại các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng.

Hình thức thi theo 2 vòng, vòng 1 là thi trắc nghiệm trên máy tính, vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.

Thời gian tổ chức thi dự kiến hoàn thành trong quý I/2020. (Hà Nội mới, trang 5).

Cảnh giác với sốt xuất huyết khi vào mùa cao điểm

Thời điểm này đang là cao điểm của mùa dịch bệnh sốt xuất huyết. Để đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài, thành phố đã huy động mọi nguồn lực, tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch sốt xuất huyết.

Vẫn diễn biến phức tạp 

Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong những tuần gần đây, số ca mắc mới sốt xuất huyết được ghi nhận trên toàn thành phố vào khoảng 800 ca/tuần. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận gần 8.000 ca mắc sốt xuất huyết nhưng chưa có trường hợp tử vong. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, như: Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Oai, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, theo chu kỳ đỉnh dịch sốt xuất huyết thường diễn ra vào tháng 10 và 11 hằng năm. Do đó, dự báo những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể tăng. Thêm vào đó, các yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, mật độ dân cư cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ…

Qua giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết của Sở Y tế Hà Nội tại một số xã, phường có tình hình dịch phức tạp đều ghi nhận chỉ số côn trùng truyền bệnh còn cao. Trong khi đó, hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy chưa hiệu quả. Nguyên nhân chính là các xã, phường chưa thành lập đội xung kích hoặc đội xung kích đã thành lập nhưng hoạt động không thường xuyên, thiếu kinh phí hoạt động. Bên cạnh đó, việc phun hóa chất tại các ổ dịch còn chưa triệt để, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ hộ gia đình được phun hóa chất còn thấp do hộ gia đình đi vắng hoặc không hợp tác với nhân viên y tế. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, mặc dù được tuyên truyền, hướng dẫn nhưng người dân còn thờ ơ, chưa tự thực hiện diệt bọ gậy trong chính hộ gia đình của mình mà còn trông chờ vào nhân viên y tế.

Cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, bác sĩ Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lưu ý về việc phân tuyến điều trị sốt xuất huyết để hạn chế chi phí cho người bệnh và giảm quá tải bệnh viện. Riêng với các trường hợp bệnh nhẹ, được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở thì cần phải được theo dõi chặt chẽ và phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo (sốc) xảy ra để xử trí kịp thời. Với người bệnh, nếu được chỉ định điều trị ngoại trú, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ. Khi có một trong các dấu hiệu sau: Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù giảm sốt hoặc hết sốt; không ăn, uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không đi tiểu trên 6 giờ; biểu hiện hành vi thay đổi lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì thì cần tái khám ngay để nhập viện điều trị kịp thời.

Quyết tâm khống chế dịch bệnh

Thành phố Hà Nội đang đặt ra mục tiêu, phấn đấu hết tháng 11-2019 sẽ khống chế được dịch bệnh sốt xuất huyết. Do đó, ngay tại thời điểm này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát dịch, triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất. Mặt khác, huy động cán bộ y tế đáp ứng tối đa cho công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các ổ dịch có diễn biến kéo dài.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, để phát hiện sớm bệnh nhân, các đơn vị cần tăng cường điều tra, giám sát phát hiện bệnh nhân tại khu vực có ổ dịch, đồng thời tổ chức giám sát tại các cơ sở y tế ít nhất 3 lần/tuần. Cùng với đó,  thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp bệnh nhân xuất hiện đầu tiên tại các khu vực chưa có ổ dịch. Phối hợp với các cơ sở điều trị, bệnh viện trên địa bàn thu thập vận chuyển mẫu bệnh phẩm bệnh nhân sốt xuất huyết về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội để xét nghiệm chẩn đoán. Đồng thời, bảo đảm khoanh vùng ổ dịch xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế, phun hóa chất ít nhất 90% số hộ trong khu vực ổ dịch…

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, trong tháng 10 và tháng 11-2019, tại các xã, phường tiếp tục triển khai các chiến dịch diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất. Ngoài ra, tổ chức tập huấn lại và thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của mạng lưới cộng tác viên, đội xung kích tại các xã, phường. Riêng các xã, phường đang có ổ dịch hoặc liên tục xuất hiện thêm những bệnh nhân mới, hằng tuần sẽ tổ chức diệt bọ gậy, phun hóa chất. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường. Dự kiến, sẽ có 86 chiến dịch vệ sinh môi trường và 40 chiến dịch phun hóa chất diện rộng được thực hiện tại 15 quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng. Tại các tổ dân phố cần tổ chức họp để thông báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và trách nhiệm của người dân trong phòng chống dịch bệnh. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Không để bệnh bạch hầu lan rộng

Hiện nay tại một số địa phương của 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi xuất hiện một số ca mắc bệnh bạch hầu. Ngành y tế của 2 địa phương này đang khẩn trương vào cuộc khống chế.

Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện 11 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 2 ca tử vong. Hiện nay, ngành y tế đang tăng cường các giải pháp để bệnh này không lây lan ra cộng đồng. Các ca bệnh bạch hầu được phát hiện tập trung ở các huyện miền núi như: Sơn Hà (7 ca), Sơn Tây (3 ca) và Tây Trà (1 ca). Ngành y tế đã và đang tập trung xử lý ổ dịch và triển khai tiêm phòng cho người dân để ngăn dịch bệnh bùng phát tại các địa bàn có người mắc bệnh.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, Hồ Minh Nên cho biết: Trung tâm đã cấp gần 2 nghìn liều vắc-xin phòng bạch hầu cho huyện Sơn Hà. Huyện đã tiến hành tiêm phòng đợt 1 cho người dân và học sinh ở các địa phương có trường hợp mắc bệnh, gồm các xã: Sơn Bao, Sơn Hạ, Sơn Thượng và thị trấn Di Lăng.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, Sở Y tế đã chỉ đạo các địa phương miền núi tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh mới và người lành mang trùng; đồng thời triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tổ chức tiêm vắc-xin cho người dân tại khu vực xảy ra ổ dịch; nhanh chóng rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm vét vắc-xin phòng bệnh.

Hiện tại, Viện Pasteur Nha Trang cùng ngành y tế triển khai tiêm bổ sung vắc-xin cho đối tượng từ 5 – 40 tuổi ở các huyện Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà. Riêng huyện Sơn Hà, do nguồn vắc-xin chưa đủ nên trước mắt sẽ tiêm phòng cho người dân vùng có nguy cơ xuất hiện ca bệnh mới phát sinh; đồng thời đề nghị cấp thêm vắc-xin để tiêm phòng cho người dân ở tất cả các địa phương trên địa bàn.

Tại tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Văn – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Sở Y tế đã tiếp nhận thông tin về 2 trường hợp có biểu hiện giống bệnh bạch hầu là em L.V.T.H. (14 tuổi) và N.V.A.T. (6 tuổi, cả hai đều ở xã Duy Nghĩa, H. Duy Xuyên, Quảng Nam). “Ngay sau khi nhận được thông tin thì lãnh đạo sở, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và y tế địa phương đã đến nhà của em học sinh này để kiểm tra thực tế và tuyên truyền cho gia đình, hàng xóm gần đó các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để sớm đến cơ sở y tế kiểm tra nếu phát hiện”. Được biết, từ ngày 11/10 đến nay em Võ Văn Ng. được điều trị cách ly tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, hiện sức khỏe đã dần ổn định, tuy nhiên qua kiểm tra xét nghiệm máu thì vẫn còn những chỉ số chưa được tốt.

Để ngăn chặn kịp thời bệnh có thể lây lan ra cộng đồng, toàn bộ học sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi và người dân ở gần nơi em Ng. cư trú đã được uống phòng vắc-xin, bên cạnh đó lực lượng chức năng cũng đã cho tẩy độc, khử trùng các khu vực nghi ngờ có mầm bệnh. Ban chỉ đạo phòng chống dịch cũng đã được thành lập sau cuộc họp giữa Sở Y tế với các ngành chức năng địa phương do ông Nguyễn Văn Văn làm trưởng ban.

Ông Nguyễn Văn Văn cho biết: Chúng tôi đã tổ chức đoàn đi giám sát, điều tra lại ca bệnh này từ đâu ra bởi địa bàn này có công tác tiêm chủng khá tốt. Liệu rằng có phải do em đó tiếp xúc với những người đi làm việc, sinh sống các tỉnh khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh khác đang có bệnh bạch hầu về hay không để biết nguyên nhân chính xác phục vụ công tác chống dịch. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6). 

 

Ðăk Nông: Trung tâm y tế Ðăk R’Lâp khi nào ổn định?

Nhiều người dân và bệnh nhân ở Đăk Nông bức xúc trước tình trạng Trung tâm Y tế huyện Đăk R’Lâp (tỉnh Đăk Nông) ban hành quyết định điều động cán bộ chưa tuân thủ nguyên tắc và quản lý chuyên môn y tế trên địa bàn còn nhiều bất cập.

Luân chuyển liên tục!?

Theo phản ánh của nhiều bác sĩ, bệnh nhân ở Trung tâm Y tế huyện Đăk R’Lâp: Đây vốn là vùng đông dân cư, lượng bệnh nhân hàng ngày đến cơ sở y tế nhiều, đội ngũ bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm rất tận tình. Thế nhưng, một số người kinh nghiệm mỏng, không có thành tích nghề nghiệp lại liên tục được giao phụ trách, quản lý các khoa, phòng quan trọng.

Điển hình là trường hợp bà Trương Huyền Trang (sinh năm 1990), có trình độ điều dưỡng trung cấp. Cuối năm 2012 bà Trang bắt đầu được nhận vào làm nhân viên điều dưỡng của Bệnh viện đa khoa Đăk R’Lâp (nay sáp nhập thành Trung tâm Y tế huyện Đăk R’Lâp). Tháng 4/2017, ông Phạm Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk R’Lấp ban hành quyết định giao bà Trang phụ trách thủ kho. Chưa ấm chỗ, tháng 10/2017, bà Trang tiếp tục được giao phụ trách Khoa Điều dưỡng, điều hành mọi hoạt động của khoa này. Tháng 6/2018 lại nhận quyết định phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp và Vật tư thiết bị y tế. Tháng 11/2018 lại nhận quyết định phụ trách điều hành Phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ – Điều dưỡng.

Ông Phạm Khánh Tùng còn bị nhiều bác sĩ phản ánh ban hành nhiều quyết định khác gây bức xúc. Như, tháng 4/2019 Trung tâm Y tế Đăk R’Lâp ký hợp đồng với Đỗ Thị Thanh Dung (sinh năm 1990), chưa quen việc ở đơn vị thì ngày 18/9/2019, bà Dung được ông Nguyễn Khánh Tùng ban hành quyết định số 7821 bổ nhiệm Phó trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, trường hợp dược sĩ Trần Mạnh Thông cũng được ông Tùng liên tục ban hành nhiều quyết định gây bức xúc.

Sẽ chấn chỉnh, thu hồi quyết định sai

Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đăk Nông cho biết: Sở đã nắm được các bức xúc ở Trung tâm Y tế Đăk R’Lâp. Cũng đã lập đoàn kiểm tra, thanh tra một cách cẩn trọng để chấn chỉnh kịp thời. Trước mắt đã thấy nhiều quyết định giao trọng trách cho điều dưỡng Trương Huyền Trang là sai quy trình, quy định. Sẽ thu hồi các quyết định sai đó. Các trường hợp khác sẽ tiếp tục xem xét.

Về việc một số phòng khám chui vô tư hoạt động, ông Hùng cho biết: Đã cho mời nhiều phòng khám lên làm việc, tiến hành các bước xử lý liên quan. Phòng khám nào không đủ tiêu chuẩn thì nhất định không cho hoạt động. Việc có nhiều phòng khám không phép ở huyện Đăk R’Lâp như nhân dân phản ánh là đúng. Ngay trong tháng 10 này, Sở sẽ tiến hành xử lý.

Trong thời gian tới, để không xảy ra các bức xúc lớn ảnh hưởng đến người bệnh, ngành y tế cũng sẽ liên tục thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở khám bệnh. Có bất thường là kiểm soát ngay. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6).

 

Bệnh viện ‘nghìn tỷ’ vừa sử dụng đã xuống cấp

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lạng Sơn 700 giường do đội vốn, điều chỉnh dự án, kéo dài gần 10 năm vừa đưa vào sử dụng đã bộc lộ bất cập: Nhiều trang thiết bị cũ, hỏng không sử dụng được. Bệnh viện xây dựng trên diện tích 25 ha ở thôn Đại Sơn, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn với quy mô 700 giường bệnh do Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư.

Theo báo cáo của Sở Y tế Lạng Sơn, dự án BVĐK này được khởi công xây dựng từ năm 2010, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2015 nhưng liên tục “lỡ hẹn”. Đến nay, sau gần 10 năm với 8 lần phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, số vốn đội lên khoảng 194 tỷ đồng.

Đầu tháng 10/2019, BVĐK tỉnh Lạng Sơn chính thức đưa vào hoạt động. Khi tiếp nhận công trình, cán bộ, nhân viên BVĐK đã vấp phải nhiều bất cập, khó khăn vì nhiều hạng mục công trình hỏng hóc, xuống cấp trầm trọng.

Bác sỹ Phan Thanh Huy, Giám đốc BVĐK Lạng Sơn cho biết: Do công trình kéo dài lại để không nên các ổ khóa, cửa ra vào, cửa sổ đã hoen ố, hỏng. Hệ thống điện, cấp thoát nước cũ, xuống cấp rất nhiều.

“Nhiều hạng mục bất hợp lý, như trong phòng cấp cứu không lắp điều hòa, nhưng ở hành lang lại lắp nhiều cái. Phòng mổ chưa được chống bức xạ nên chúng tôi buộc phải đập đi làm lại…”, bác sỹ Huy giãi bày.

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, tại khoa sản ở tầng 7, trong phòng lưu trú của bệnh nhân các cánh cửa bong tróc. Trong “phòng theo dõi sơ sinh non tháng”, trần nhà rơi rụng các tấm thạch cao, lộ ra hệ thống ống dẫn nước hoen gỉ, nước chảy tí tách xuống sàn nhà có mùi khó chịu. Cán bộ bệnh viện phải để một cái chậu nhựa đón đựng nước.

Các bác sỹ khoa sản kể: Thang máy cũ, đi rung lắc rất sợ. Sáng 18/10, lãnh đạo khoa cùng khoảng 20 bệnh nhân bỗng nhiên bị nhốt hơn 30 phút vì thang máy bị “đơ”, không di chuyển và mở cửa được. Chính vì việc này làm cán bộ trễ giờ giao ban, còn bệnh nhân thì một phen kinh hãi.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng hành chính BVĐK Lạng Sơn cho biết, sợ nhất là hệ thống vệ sinh bị tắc. Đã nhiều lần, phân trào ra phòng bệnh nhân, phòng làm việc, ra cả hành lang gây ô uế, ảnh hưởng môi trường.

Theo bác sỹ Phan Thanh Huy, Giám đốc BVĐK Lạng Sơn, đơn vị cũng đã làm văn bản kiến nghị về những tồn tại, bất cập kể trên và mong tỉnh cần đầu tư tập trung kinh phí để tiến hành cải tạo, sửa chữa lại. “Chúng tôi mong dự án giai đoạn 2 BVĐK sớm được triển khai nhằm có những thiết bị mới, tiên tiến, xứng tầm với bệnh viện mang tiếng hiện đại bậc nhất này”, bác sỹ Huy nói. (Tiền phong, trang 10).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 09/01/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 20/10/2021

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 14/6/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận