Sáu nhóm giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh
Các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh rủi ro cho người bệnh, như: Y lệnh không rõ ràng, môi trường nhiễm khuẩn… Vì vậy, việc bảo đảm hoạt động KCB an toàn là rất quan trọng. Bộ Y tế đã đưa ra sáu nhóm giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất các sai sót và ngăn chặn kịp thời các sự cố y khoa xảy ra, bảo đảm an toàn người bệnh (ATNB).
Hiện nay, tất cả người bệnh khi đến bệnh viện hay các cơ sở y tế để KCB đều “trăm sự” nhờ vào các y sĩ, bác sĩ và mong muốn được chăm sóc, điều trị an toàn, được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất. Các thầy thuốc cũng luôn đặt ATNB lên hàng đầu, không để xảy ra các tổn thương bất ngờ ngoài những diễn tiến bệnh lý. Bởi vì, bất cứ công đoạn nào của quy trình KCB cũng chứa đựng các nguy cơ ảnh hưởng người bệnh. Khi xảy ra sự cố, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân; nhất là người bệnh, có thể chịu những hậu quả khó lường. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, hướng dẫn và nhiều quy định được ban hành về ATNB cho các bệnh viện thực hiện, như: Tăng cường hệ thống chính sách, văn bản pháp quy về ATNB; thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm ATNB và nhân viên y tế; thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa…
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý KCB cho biết, bảo đảm ATNB và an toàn phẫu thuật là mục tiêu “sống còn” của hệ thống y tế Việt Nam khi lấy người bệnh làm trung tâm. Ngành y tế đã triển khai các thông tư và hướng dẫn bảo đảm ATNB khi đến các cơ sở y tế và bảo đảm an toàn khi tham gia phẫu thuật. Các quy định đòi hỏi cán bộ y tế không những phải bảo đảm ATNB mà còn cần đáp ứng sự hài lòng cho người bệnh. Theo đó, sáu nhóm giải pháp bảo đảm ATNB được nhiều cơ sở y tế ưu tiên áp dụng nhằm giảm đến mức thấp nhất các sai sót và ngăn chặn kịp thời sự cố y khoa từ khâu thiết lập hệ thống đến các quy trình quản lý. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần xác định bàn giao người bệnh chính xác từ tên, tuổi, giới tính cụ thể và ưu tiên cho người bệnh tự xác định tên mình. Tuyệt đối không dựa vào số phòng, số giường để xác định người bệnh. Ngoài ra, cần tăng cường giao tiếp hiệu quả cải thiện thông tin giữa nhân viên y tế và người bệnh. Riêng những nơi cấp cứu không tránh khỏi y lệnh miệng, người cho y lệnh phải rõ ràng, dứt khoát. Khâu dùng thuốc đặc biệt chú ý hướng dẫn người bệnh cần chi tiết, đầy đủ, nhất là trong tình trạng kinh doanh thuốc tràn lan hiện nay. Dùng thuốc phải đúng bệnh, tác dụng, mức độ an toàn cao, tác dụng phụ thấp, giá rẻ và phù hợp cơ địa người bệnh. Khi giao thuốc cho người bệnh phải kiểm tra, đối chiếu rõ ràng, tốt nhất nên để người bệnh dùng thuốc trước sự có mặt của nhân viên y tế. Ngoài ra, các cơ sở y tế ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực KCB cũng làm giảm sai sót.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới: Sự cố y khoa do chăm sóc không an toàn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu thế giới; có tới 14,3% chi phí tại bệnh viện là để khắc phục hậu quả của những sự cố y khoa. Đáng chú ý, mỗi năm có hơn một triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật. Vì vậy, cần tránh nhầm lẫn trong phẫu thuật, phẫu thuật phải đúng vị trí, phương pháp, theo đúng quy trình. Áp dụng các biện pháp tránh nhầm tên người bệnh, đánh dấu vị trí phẫu thuật, tránh phẫu thuật sai vị trí; kiểm tra lần cuối cùng người bệnh và vị trí phẫu thuật trước khi rạch da. Sử dụng bảng kiểm trong quá trình phẫu thuật. Mặt khác, bệnh viện và các cơ sở KCB là môi trường dễ bị nhiễm khuẫn, gây ảnh hưởng tới người bệnh nhập viện, do đó cần phải giảm tình trạng nhiễm trùng bệnh viện.
Vì vậy, áp dụng sáu nhóm giải pháp nêu trên sẽ giúp người bệnh không chỉ an toàn trong quá trình chăm sóc, điều trị mà còn giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm bớt rủi ro và nguy hại, bảo đảm an toàn cho người bệnh (Nhân dân, trang 5).
Đà Nẵng: Liên tiếp 3 sản phụ gặp tai biến nghi do thuốc gây tê
Sở Y tế Đà Nẵng xác nhận, một sản phụ đã tử vong và một sản phụ khác rơi vào tình trạng nguy kịch sau ca mổ lấy thai tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng. Đại diện Sở Y tế thành phố cho biết, qua xem xét các quy trình về khám chữa bệnh, đơn vị đã đặt nghi vấn đối với loại thuốc gây tê nên đã niêm phong lấy mẫu gửi ra Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Dự kiến kết quả có trong 7-10 ngày tới…
Về phía Sở Y tế Đà Nẵng, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, có mời các chuyên gia gây mê Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, Trung tâm Kiểm nghiệm cùng các phòng chức năng của sở đến làm việc để làm rõ nguyên nhân vụ việc (Lao động, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 11).
Chủ động trước dịch bệnh mùa đông – xuân
Thời tiết mùa đông – xuân luôn tiềm ẩn những yếu tố thuận lợi để nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển. Do đó, ngay tại thời điểm này, ngành Y tế đã lên kế hoạch ứng phó trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nếu chủ quan, không vào cuộc quyết liệt, thì càng giáp Tết, công tác chống dịch sẽ càng vất vả.
Nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát
Theo Bộ Y tế, trong 10 tháng của năm 2019, cả nước đã ghi nhận hơn 67.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, với 2 trường hợp tử vong; 510 trường hợp mắc viêm màng não do vi rút, với 12 trường hợp tử vong; 25 trường hợp mắc viêm màng não do não mô cầu, có 1 trường hợp tử vong; hơn 6.700 trường hợp mắc sởi, có 3 trường hợp tử vong; hơn 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 50 trường hợp tử vong… So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc của hầu hết dịch bệnh truyền nhiễm đều có xu hướng giảm. Riêng dịch bệnh sốt xuất huyết có số mắc tăng gấp 3 lần và dịch bệnh tay chân miệng có số mắc tăng 0,5%.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, dù một số bệnh như ho gà, bạch hầu, sởi… có số mắc giảm, song vẫn xuất hiện các ổ dịch tản phát. Một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng…, tuy đã được khống chế, nhưng số mắc hiện vẫn ở mức cao.
Hơn nữa, theo quy luật hằng năm, thời điểm đông – xuân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời tiết lạnh, ẩm cùng với nhu cầu đi lại, buôn bán gia cầm tăng nhanh cũng kéo theo nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: Cúm mùa, cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, thủy đậu, viêm màng não do não mô cầu…
Hiện tại, thời tiết đang vào mùa đông, không thuận lợi cho muỗi phát triển, nên số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong những tuần gần đây. Nếu như trong tháng 10-2019, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận hơn 800 ca sốt xuất huyết/tuần, thì từ đầu tháng 11-2019 đến nay, còn 600-700 ca/tuần.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội lưu ý, hiện số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận vào tất cả các tháng trong năm, cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 11. Đặc biệt, tại những nơi có công trình đang xây dựng, hay khu thuê trọ đông người, điều kiện vệ sinh môi trường kém, rất thuận lợi để muỗi sinh sản, phát triển và truyền bệnh. Vì vậy, người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống sốt xuất huyết nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung.
Cùng với sốt xuất huyết, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, bệnh viện đang điều trị cho khoảng 20 ca bệnh sởi, ho gà, cúm có biến chứng nặng, trong đó có một số trẻ chưa được tiêm phòng. Những bệnh truyền nhiễm này có tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp, qua tiếp xúc.
Riêng với bệnh cúm, mức độ mắc bệnh ở mỗi người sẽ khác nhau. Ở người khỏe khi mắc cúm chỉ xuất hiện những triệu chứng đơn giản như hắt hơi, sổ mũi. Thế nhưng, với những người có sức đề kháng kém, khi mắc cúm sẽ bị các mức độ nặng hơn: Viêm mũi họng, viêm phổi, viêm cơ tim…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại, vào mùa đông – xuân, các vi rút cúm mùa như: Cúm A/H1N1, cúm B và cúm A/H3N1 được xem là bệnh thông thường, ai cũng có thể mắc, nhưng có một tỷ lệ nhỏ diễn tiến bệnh nặng lên, gây suy hô hấp, thậm chí tử vong, nhất là khi người bệnh mắc các bệnh lý mạn tính khác kèm theo. Cùng với đó, dịch bệnh sởi cũng là mối lo ngại trong mùa đông – xuân, nhưng hiện tỷ lệ tiêm vắc xin sởi ở một số vùng chưa cao.
Sẵn sàng các biện pháp chống dịch
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng cho rằng, để chủ động ứng phó với dịch bệnh, ngành Y tế các địa phương cần tập trung vào hoạt động giám sát, truyền thông, quản lý và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để bùng phát, lan rộng. Mặt khác, tăng số ngày tiêm chủng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, đồng thời triển khai các điểm tiêm chủng lưu động, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95%.
Trong công tác điều trị, các cơ sở y tế có trách nhiệm tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thực hiện phòng, chống nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh… Bộ Y tế tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Còn tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, hệ thống y tế dự phòng của thành phố được tổ chức tập huấn giám sát, điều tra, xử lý các dịch bệnh mùa đông – xuân cho cán bộ y tế các tuyến.
Riêng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã kiện toàn 5 đội chống dịch cơ động và ở trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cũng có ít nhất 2 đội chống dịch cơ động, sẵn sàng phối hợp, tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại địa phương.
Để nâng cao thể trạng, theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, mọi người cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Nên ăn thức ăn nóng, ấm, không cho trẻ ăn thức ăn lạnh để tránh mắc các bệnh đường hô hấp.
Ngoài ra, các gia đình tăng cường cho trẻ ăn các loại thực phẩm, trái cây giàu vitamin C và bổ sung nước thường xuyên. Đặc biệt, không cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp và chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng các bệnh đã có vắc xin như: Sởi, quai bị, rubella, cúm, não mô cầu, thủy đậu… (Hà Nội mới, trang 5).21