Ngăn chặn hành vi gây rối ở bệnh viện
Thời gian qua, tại nhiều bệnh viện ở TPHCM và các địa phương trong nước đã liên tiếp xảy ra các vụ người nhà bệnh nhân hành xử côn đồ, đập phá thiết bị, hành hung nhân viên y tế.
Mới đây, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, ông H.N.C. (ngụ tại quận 6) đã thô bạo đánh nhân viên điều dưỡng. Video clip cho thấy một người đàn ông cao to lại vung tay đánh vào mặt nhân viên điều dưỡng là một phụ nữ nhỏ bé, không có khả năng tự vệ. Những hành vi côn đồ đó không chỉ gây tổn hại đến tinh thần, sức khỏe của nhân viên y tế, mà còn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở bệnh viện và việc điều trị cấp cứu các bệnh nhân khác.
Bác sĩ Bùi Quang King, nguyên Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, chia sẻ: “Bác sĩ trực cấp cứu tại các bệnh viện phải chịu áp lực căng thẳng, nhất là khi cấp cứu cho những nạn nhân liên quan đến các vụ đánh nhau. Có khi cả chục người hung hăng, hò hét, cầm hung khí đe dọa chúng tôi phải thực hiện cấp bách việc băng bó, điều trị cho người bị thương. Họ không cần biết rằng còn nhiều bệnh nhân khác đang nguy kịch hơn, cần cứu chữa tích cực hơn người thân hay bạn bè của họ. Những lúc như vậy, chúng tôi phải tăng cường nhân viên để xoa dịu tình hình”.
Thực tế, khu vực cấp cứu của bệnh viện là nơi dễ xảy ra va chạm giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. Cũng có nhiều khi do áp lực công việc, bác sĩ và nhân viên y tế có cách cư xử vô cảm, lời nói thiếu mềm mỏng, hách dịch. Do vậy, các bệnh viện cần giáo dục, nhắc nhở bác sĩ và nhân viên y tế thực hiện y đức, tận tình và khoa học khi làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, cần có giải pháp phối hợp giữa bệnh viện và công an địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi côn đồ của bệnh nhân, gia đình bệnh nhân. Mặt khác, nên mời các chuyên gia tâm lý và cán bộ công an hướng dẫn cho bác sĩ, nhân viên y tế về kỹ năng chia sẻ, tránh gây ức chế tâm lý không đáng có khi xảy ra tình huống như vậy, có cách giải tỏa phù hợp với các tình huống căng thẳng.
Đối với những vụ có hành vi côn đồ, hành hung nhân viên y tế, cần xử lý pháp luật nghiêm minh. Các bác sĩ và nhân viên y tế luôn là đối tượng cần được bảo vệ để họ yên tâm cứu chữa người bệnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Lần đầu tiên cứu bệnh nhân bị nang giả tụy nghiêm trọng không cần phẫu thuật
Tin từ BVĐK TW Cần Thơ cho biết, lần đầu tiên tại bệnh viện và cũng là lần đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long các bác sĩ Khoa Nội soi của bệnh viện đã can thiệp trường hợp nang giả tụy kích thước to có biến chứng chèn ép dạ dày trên cơ địa bệnh nhân yếu, suy kiệt, nhiễm trùng nặng, khó thở.
Trước đó, anh Danh Sang, 37 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang, đau bụng dữ dội vùng thượng vị, đau liên tục không giảm nên nhập viện bệnh viện địa phương điều trị. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn còn đau khắp bụng, nôn ói, mệt nhiều nên chuyển đến BVĐK TW Cần Thơ. Bệnh nhân đã từng viêm tụy cấp 7 tháng trước. Khi nhập viện, anh Sang vẫn tỉnh táo nhưng đau khắp bụng, khó thở, suy kiệt nặng, bụng chướng. CT Scan bụng có cản quang cho thấy nang giả tụy đường kính 9,5x10x 20cm chèn ép dạ dày. Xác định đây là tình trạng bệnh nhân nặng nên các bác sĩ tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa. Kết quả hội chẩn xác định nang giả tụy to có biến chứng chèn ép dạ dày. Tổng trạng toàn thân bệnh nhân suy kiệt nặng, thể trạng yếu, bệnh nhân khó thở nhiễm trùng nặng, lựa chọn tối ưu trong trường hợp này là dẫn lưu nang vào dạ dày qua nội soi. Kết quả nội soi dạ dày cho thấy, khối to chèn ép toàn bộ thân vị phía bờ cong lớn, tiến hành chọc nang ở thân vị giữa và đặt 1 stent pigtails, nhiều dịch đen chảy ra (thời gian dẫn lưu 10 phút). Sau dẫn lưu 30 phút, bệnh nhân tỉnh, sonde dạ dày ra dịch đen 500ml, bệnh nhân khỏe nhiều, hết khó thở, bụng mềm. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bộ Y tế chấn chỉnh việc giám định phơi nhiễm dioxin
Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi, Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các đơn vị nhưng các câu hỏi mà báo đặt ra vẫn chưa được giải đáp.
Trên số báo ngày 25-11, chúng tôi đã phản ánh những chuyện khó tin trong việc giám định y khoa (GĐYK) để thực hiện chế độ cho người bị phơi nhiễm chất độc hóa học (CĐHH)/dioxin. Nhiều trường hợp con đàn cháu đống thì kết luận là vô sinh, người đang là bí thư chi bộ, vừa về hưu thì “bị” kết luận là tâm thần.
Chưa trả lời nhưng có công văn chấn chỉnh trong ngành
Trước các nghi vấn trong công tác khám, GĐYK hàng ngàn hồ sơ hưởng chế độ CĐHH chưa đúng quy định, ngày 4-10, báo Pháp Luật TP.HCM đã có văn bản gửi ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), chất vấn nhưng sau nhiều lần liên hệ, đến nay Cục Quản lý khám chữa bệnh chưa có văn bản trả lời.
Tuy nhiên, ngày 25-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có văn bản gửi giám đốc Sở Y tế trên cả nước; giám đốc bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; cơ quan thường trực Hội đồng GĐYK Trung ương I, II, III và thủ trưởng y tế các bộ, ngành về việc tăng cường công tác khám, GĐYK.
Văn bản nêu: Gần đây Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phát hiện một số sai phạm, bất cập và thực hiện chưa đúng với quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Y tế tại một số hội đồng GĐYK trong việc thực hiện khám, GĐYK bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH/dioxin.
Bộ Y tế yêu cầu những ca bệnh, tật còn nghi ngờ hoặc khó chẩn đoán cần tổ chức hội chẩn chuyên môn để xác định từng bệnh, từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả chẩn đoán bệnh, tật và kết quả điều trị của mình.
Việc thực hiện chẩn đoán một số bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH/dioxin cần thực hiện nghiêm theo quyết định của bộ trưởng Bộ Y tế (Quyết định 3201/2016)… “Thủ trưởng hoặc cấp phó của đơn vị không ủy quyền cho cấp dưới ký bản tóm tắt bệnh án và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cấp giấy ra viện hoặc bản tóm tắt bệnh án điều trị nội trú hoặc ngoại trú của đơn vị mình…” – Bộ Y tế nêu rõ.
Quy trách nhiệm cho cấp dưới
Cũng theo văn bản này, Bộ Y tế yêu cầu đối với các trường hợp có giấy ra viện hoặc bản tóm tắt bệnh án điều trị với chẩn đoán mắc bệnh tâm thần có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH, hội đồng GĐYK cần nghiên cứu kỹ hồ sơ, khai thác kỹ tiền sử, bệnh sử của đối tượng. Hội đồng GĐYK chỉ kết luận bị bệnh tâm thần có liên quan đến phơi nhiễm với CĐHH/dioxin khi đối tượng có giấy tờ ghi nhận quá trình điều trị về bệnh tâm thần nêu trên liên tục trong ba năm gần đây của các cơ sở y tế.
Căn cứ hồ sơ điều trị của đối tượng và tình trạng bệnh, tật hiện có của đối tượng, giám định viên khám, xác định đúng bệnh, tật và đúng mức độ bệnh, tật cũng như tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể (suy giảm khả năng lao động) của đối tượng theo đúng quy định. Mục đích đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám, giám định của mình.
Bộ Y tế cũng giao chủ tịch hội đồng GĐYK phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận khám, giám định của hội đồng do mình làm chủ tịch.
Bộ cũng yêu cầu phối hợp chặt chẽ với công an địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công trên địa bàn, kịp thời phát hiện những việc làm sai nhằm mục đích trục lợi. “Kiên quyết đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh trước pháp luật những trường hợp cố tình làm sai quy định, vi phạm pháp luật trong việc khám, giám định để trục lợi…” – Bộ Y tế nhấn mạnh. (Pháp luật TP.HCM ngày 26/11, trang 5).