Hút thuốc lá –  Nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

(CDC Hà Nam)

 

Hút thuốc lá là nguyên nhân không những gây ung thư phổi mà nó còn gây ra nhiều bệnh phổi khác nữa, điển hình như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh, trong số bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính, có đến trên 90% bệnh nhân có thời gian dài hút thuốc lá, thuốc lào.

Bệnh nhân Trần Văn Tùng, quê ở xã Đồng Hóa (huyện Kim Bảng), năm nay 59 tuổi, đang được điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết, ông mắc bệnh gần 5 năm nay. Ban đầu, khi cơ thể có những dấu hiệu khó thở, mệt mỏi, ông Tùng chủ quan cho đó là do mệt, làm việc quá sức nên không đi khám. Đến khi bị ho kéo dài, kèm theo chứng khó thở và khạc nhiều đờm vào mỗi buổi sáng, ông mới đi viện khám thì tình trạng bệnh đã ở mức nặng.

Tại bệnh viện, được các bác sĩ khám bệnh, tư vấn về tác hại của việc hút thuốc đối với bệnh phổi, ông mới bỏ dứt điểm được thuốc lá mà ông đã nghiện trên nhiều năm nay. “Thời trẻ tôi hút nhiều thuốc lắm, mỗi ngày từ hơn 1 bao đến 2 bao, chủ quan có nghĩ đến bệnh tật như thế này đâu. Từ đầu năm 2019 đến nay, tôi đã phải nhập viện 4lần, mỗi đợt điều trị từ 18-20 ngày. Hiện sức khỏe yếu, thường xuyên khó thở, nên được về nhà vài ngày là lại cấp cứu vào viện điều trị… Nếu biết tác hại của thuốc lá như thế này, thì bỏ sớm ngày nào tốt ngày ấy…” – ông Tùng than thở.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh phổi cho biết: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng bệnh lý ở phổi, với sự giới hạn thông khí không thể phục hồi hoàn toàn gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi, làm bệnh nhân khó thở. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một trong những bệnh gây tàn phế và có tỷ lệ tử vong cao, số người mắc bệnh và tần suất tử vong đang có chiều hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chiếm trên 50% số bệnh nhân nhập viện, với độ tuổi từ trên 40 trở lên, trong đó hầu hết có nguyên nhân từ hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm và cả người làm lâu dài những nghề nghiệp tiếp xúc với khói, bụi.

Điều đáng nói, qua sàng lọc tại cộng đồng hàng năm, tỷ lệ phát hiện bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở nam giới cao tuổi khá cao. Nhiều người bị bệnh này thường coi thường việc đến cơ sở y tế để điều trị, chỉ đến khi bệnh diễn tiến nặng mới nhập viện nên nguy cơ tử vong cao. Còn có nhiều người bệnh, chỉ đi khám một lần, sau đó tự điều trị ở nhà, những lần tái phát bệnh sau đó, họ vẫn dùng đơn thuốc cũ mà bác sỹ kê trước đó. Do vậy, khi bệnh nặng hơn mà bệnh nhân vẫn điều trị theo đơn thuốc cũ khiến cho bệnh càng nặng hơn, gây tốn kém cho bệnh nhân bởi chi phí điều trị khá cao.

Để phòng bệnh một cách tốt nhất, người dân cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, có cách điều trị phù hợp, tránh tình trạng khi bệnh nặng mới đi. Bởi không giống như một số bệnh, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có nguyên nhân rõ ràng, liên quan trực tiếp đến hút thuốc lá. Do đó, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là không hút thuốc lá hoặc bỏ ngay việc hút thuốc. Với những người mắc bệnh, ngoài việc bỏ hút thuốc, cần tránh những nơi mà những người khác hút thuốc, vì khói thuốc cũng góp phần tổn thương phổi thêm, gây bệnh nặng hơn.

Trước những nguy hại của khói thuốc lá, để bảo vệ sức khỏe của mình, người dân cần nâng cao nhận thức, tránh xa thuốc lá và khói thuốc lá, tạo môi trường sống sạch đẹp, bầu không khí trong lành, đồng thời quan tâm tập luyện thể thao, giữ gìn thân thể khỏe mạnh, phòng chống được các loại bệnh tật.

Mậu Ngọ

 

Bài viết liên quan

Hút thuốc lá – Một trong những nguyên nhân gây suy thận

CDC Hà Nam

Bảo vệ đôi mắt khỏi tác hại của thuốc lá

Mậu Ngọ

Tăng cường công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Mậu Ngọ

Để lại bình luận