Điểm báo ngày 14/1/2020

(CDC Hà Nam)
Nỗ lực giúp bệnh nhân đón tết, vui xuân; Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2020; Ngành Y tế với kỳ vọng vươn tầm thế giới: Bài cuối: Nâng chất lượng để “hút” người bệnh…

Tăng cường công tác cấp cứu, khám chữa bệnh Tết Nguyên đán

Chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra; Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh là nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 19-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 3-1-2020 của Bộ trưởng Y tế về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, để bảo đảm tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt bảo đảm thường trực bốn cấp: trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính – hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ. Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Có kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; Sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.

Các đơn vị cần chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra; Có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, bảo đảm tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch.

Các cơ sở y tế phải tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh: Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh. Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Trong dịp Tết Nguyên đán, như mọi năm, các đơn vị tổ chức thăm hỏi và đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, đặc biệt chú ý người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách. Chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hòa nhã. Thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật.

Trong suốt kỳ nghỉ Tết, các đơn vị nghiêm túc thực hiện công tác thông tin báo cáo trực tuyến hàng ngày: tình hình cấp cứu, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc trong dịp Tết theo hệ thống báo cáo trực tuyến của Cục Quản lý khám chữa bệnh.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất việc chuẩn bị và thực hiện thường trực của một số bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ và bệnh viện ở các địa phương trước và trong dịp Tết. (Nhân dân, trang 8).

Cùng chủ đề Báo Nông thôn ngày nay, trang 2: “Sẵn sàng phục vụ, chủ động trực tết”

 

Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2020

Chiều 13-1-2020, theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 6 -1 đến 12-1-2020, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 39 ca sốt xuất huyết. Như vậy, từ ngày 1-1 đến 12-1-2, Hà Nội đã ghi nhận 77 ca sốt xuất huyết, giảm mạnh so với những tháng cuối năm 2019. Ngoài ra, tuần qua, thành phố cũng ghi nhận trường hợp mắc sởi đầu tiên trong năm 2020.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, so với đầu năm 2019, các dịch bệnh đầu năm 2020 đều giảm mạnh. Hiện Hà Nội cũng chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc viêm phổi cấp do chủng vi rút mới corona ở Trung Quốc.

Dù vậy, vào thời điểm mùa đông – xuân, thời tiết ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh, như: Sởi, thuỷ đậu, cúm, viêm phổi, ho gà… lây lan và bùng phát mạnh. Do đó, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thực hiện tốt công tác giám sát dịch, đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên.

Riêng với việc phòng, chống bệnh sởi, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động hơn nữa trong việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Cụ thể, chủ động đưa trẻ từ đủ 9 tháng tuổi đến các điểm tiêm chủng thường xuyên hằng tuần tại xã, phường, thị trấn để tiêm vắc xin sởi mũi 1. Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại vắc xin sởi mũi 2. Đối với các trẻ lớn trên 5 tuổi chưa được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, kể cả người lớn chưa bị mắc bệnh sởi, phụ nữ chuẩn bị mang thai trước ba tháng cũng cần tiêm bổ sung vắc xin sởi để phòng bệnh cho cá nhân, cho con và cho cộng đồng. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Ngành Y tế với kỳ vọng vươn tầm thế giới:Bài cuối: Nâng chất lượng để “hút” người bệnh

Không chỉ thu hút người nước ngoài tới chữa bệnh, mà còn kéo ngược những người Việt có điều kiện ra nước ngoài quay trở lại chữa bệnh trong nước. Đây chính là mục tiêu đặt ra trong dự án “dây rút ngược” của ngành Y tế. Để làm được điều đó, trong năm 2020, Bộ Y tế hướng tới nâng cao toàn diện chất lượng lâm sàng và chất lượng dịch vụ tại một số bệnh viện.

Thiếu dịch vụ chất lượng cao

Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, nhiều bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện tư nhân đã, đang được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ngang tầm với khu vực và thế giới. Hiện cả nước đã có khoảng 50 bệnh viện đạt chất lượng tốt theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế. Ngoài ra, có 4 bệnh viện đạt Chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng về y tế của Hoa Kỳ (JCI).

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá, dù đã có sự tiến bộ rõ rệt, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có bệnh viện công lập nào đạt chứng nhận chất lượng cấp quốc tế. Hơn nữa, việc đánh giá chất lượng độc lập, công bố kết quả ở cấp độ quốc gia hoặc “gắn sao” cho bệnh viện cũng chưa được triển khai. Do chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận quốc tế nên người nước ngoài, nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện công lập sẽ không được các hãng bảo hiểm của nước ngoài chi trả. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát nhanh của Cục Quản lý khám, chữa bệnh thực hiện vào tháng 8-2019 tại 329 bệnh viện cho thấy, số bệnh viện có khu hoặc khoa điều trị quốc tế chất lượng cao chỉ chiếm 5,5% và số bệnh viện có khu hoặc khoa điều trị theo yêu cầu chiếm 22,2%.

Xuất phát từ thực tế điều trị cho những bệnh nhân nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức đã chia sẻ về những vướng mắc, khiến bệnh nhân người nước ngoài không tiếp tục ở lại bệnh viện điều trị, sau khi phẫu thuật ổn định. Đó là Việt Nam chưa có cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế, chưa có cơ chế thanh toán toàn diện cho người có bảo hiểm y tế quốc tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, trong năm 2019, có một trường hợp bệnh nhân người Mỹ muốn đến Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức điều trị. Thế nhưng, cũng như nhiều bệnh viện công khác, tại đây chưa thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế quốc tế. Vì vậy, bệnh nhân người Mỹ này phải sang Bangkok (Thái Lan) để thực hiện ca phẫu thuật. Một thời gian sau, người này quay trở lại Việt Nam, vì bị biến chứng sau ca phẫu thuật. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức cấp cứu. Sau khi mổ xong, bệnh nhân này lại quay sang Thái Lan để được chăm sóc y tế.

“Thái Lan có cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế quốc tế. Thêm vào đó, người nước ngoài họ thường yêu cầu dịch vụ chăm sóc toàn diện, cơ sở dịch vụ chất lượng phải tốt… như ở nước họ, nên không chấp nhận điều kiện hiện có của bệnh viện Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho hay.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam thông tin, ngay cả những người Việt Nam có điều kiện kinh tế họ cũng chọn ra nước ngoài chữa bệnh, dù bệnh đó trong nước hoàn toàn chữa được. Hơn nữa, ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém, cao gấp 4-10 lần ở Việt Nam. Đây là điều mà nhiều nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội, bác sĩ trăn trở, tìm lời giải.

Chúng tôi đã mang thắc mắc này hỏi những người có người thân ra nước ngoài chữa bệnh. Anh Nguyễn Anh Dũng (48 tuổi ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) có vợ bị ung thư đại tràng đang điều trị tại Singapore cho biết, ngoài yếu tố sính ngoại, nhiều người bệnh lựa chọn ra nước ngoài còn do bệnh viện nước ngoài làm tốt hơn bệnh viện trong nước về các vấn đề dịch vụ y tế, như: Dinh dưỡng cho người bệnh, hỗ trợ tâm lý… trong quá trình điều trị.

Cấp bách nâng chất lượng dịch vụ

Hiện tại, một số bệnh viện đã chú ý đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Đơn cử, tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai (Hà Nội), ngay khi bước vào khu vực quầy đón tiếp, người bệnh sẽ bắt gặp nụ cười ấm áp của đội ngũ nhân viên lễ tân. Họ sẽ hướng dẫn bệnh nhân lấy số, đăng ký khám và giải đáp mọi thắc mắc trong quá trình khám, chữa bệnh. Không chỉ vậy, bệnh viện còn cho đặt một cây đàn Piano tại khu vực chờ khám.

Bác sĩ Tăng Đức Cương, Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện cho biết, khi đến bệnh viện, người bệnh không chỉ được điều trị về thân bệnh, mà còn được điều trị về tâm bệnh. Khi nghe tiếng đàn, tâm trạng người bệnh sẽ thư thái, nhẹ nhàng hơn. “Song hành với việc nâng cao chất lượng chuyên môn, bệnh viện luôn quan tâm đến tăng cường chất lượng dịch vụ, làm sao để người bệnh đến đây không cảm thấy bức bối, căng thẳng”, bác sĩ Tăng Đức Cương nói.

Còn theo GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, thời gian tới, bệnh viện sẽ chủ động kết hợp với các công ty bảo hiểm giới thiệu bệnh nhân nước ngoài điều trị tại bệnh viện, đồng thời xây dựng những gói dịch vụ chất lượng cao, phù hợp với người nước ngoài. Tại cơ sở 2 của bệnh viện ở tỉnh Hà Nam sẽ xây dựng Khoa Quốc tế có 200 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế và phát triển hệ thống điều trị theo yêu cầu với việc tận dụng đội ngũ chuyên gia, những người có trình độ, được đào tạo bài bản ở các nước có nền y học hiện đại và tiếp tục trang bị thêm các máy móc bảo đảm đồng bộ. Mặt khác, bệnh viện tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, xây dựng đề án “hút” bệnh nhân ngoại và người có điều kiện trong nước để thực hiện chủ trương “dây rút ngược” là việc hết sức cần thiết và cấp bách. Khi đề án được triển khai sẽ tạo động lực nâng cao toàn diện chất lượng lâm sàng và chất lượng dịch vụ của một số bệnh viện, giảm “chảy máu ngoại tệ”. Để “hút” người bệnh, cả bệnh viện công lập và ngoài công lập cần phải tạo được uy tín bằng việc làm tốt chuyên môn, lấy bệnh nhân làm trung tâm, chứ không phải chỉ quảng cáo, “đánh bóng” tên tuổi.

“Các bệnh viện phải thực hiện khẩu hiệu lấy người bệnh làm trung tâm, chăm sóc toàn diện, thay đổi tư duy phục vụ từ người bảo vệ, người tiếp tân, điều dưỡng cho đến bác sĩ điều trị…”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 8).

 

Giám sát chặt bệnh viêm phổi cấp

Ngay những ngày đầu năm 2020, Bộ Y tế liên tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới thuộc họ coronavirus từ Trung Quốc xâm nhập nước ta, cùng với đó là hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới.

Bộ Y tế lo ngại, sự giao lưu, đi lại, thương mại giữa các nước ngày càng gia tăng sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy về dịch bệnh xâm nhập vào nước ta qua cửa khẩu; vì vậy, các địa phương cần có phương án chủ động phòng ngừa tại cộng đồng.

Lo ngại dịch bệnh xâm nhập dịp tết

Theo cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (Bộ Y tế), tính đến ngày 10-1, tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đã ghi nhận 59 trường hợp mắc viêm phổi cấp, trong đó trường hợp tử vong đầu tiên là một đàn ông 61 tuổi, thường xuyên đến mua hàng tại chợ Huanan ở Vũ Hán (nơi có nhiều trường hợp mắc bệnh được ghi nhận) và có tiền sử bị u ổ bụng, bệnh gan mạn tính. Kết quả xét nghiệm cho thấy có tới 41 trường hợp dương tính với chủng virus mới của coronavirus (bao gồm cả trường hợp tử vong). Việc xác định ban đầu về chủng virus mới trong thời gian ngắn là kết quả đáng ghi nhận và chứng minh khả năng kiểm soát các ổ dịch của Trung Quốc. Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã xét nghiệm và loại trừ các nguyên nhân gây bệnh viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân tại TP Vũ Hán như SARS, MERS-CoV, cúm mùa, cúm A, adenovirus và một số tác nhân gây bệnh viêm phổi thông thường khác. Coronavirus là một họ lớn của virus có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, như các trường hợp cảm lạnh thông thường hoặc trường hợp bệnh MERS và SARS. Một số chủng có thể lây truyền dễ dàng từ người sang người, trong khi đó một số chủng khác thì không.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết từ năm 2014 đến nay, Bộ Y tế đã và đang duy trì hoạt động giám sát chặt chẽ nhiều loại bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV, Ebola, SARS, cúm A/H7N9… “Tính đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi trên thế giới, cũng chưa ghi nhận trường hợp có biểu hiện tương tự như bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán hiện nay, việc giao lưu, đi lại, thương mại giữa các nước ngày càng gia tăng, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta qua các cửa khẩu”, ông Đặng Quang Tấn cảnh báo.

Siết chặt từ cửa khẩu

Trước nguy cơ dịch bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc lây lan và xâm nhập vào nước ta qua khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc, hiện ngành y tế tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… đang đẩy mạnh hoạt động giám sát, kiểm dịch y tế biên giới.

Tỉnh Lạng Sơn là nơi có nhiều cửa khẩu lớn cùng nhiều đường mòn, lối mở có lượng người, hàng hóa từ phía Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn. Ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế tỉnh Lạng Sơn, cho biết chỉ riêng tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có 11 cán bộ kiểm dịch viên, cùng 3 máy kiểm tra thân nhiệt gắn camera hồng ngoại, nên tất cả 100% hành khách đều phải qua máy kiểm tra; đồng thời đơn vị củng cố phòng cách ly ở cửa khẩu, kiện toàn đội phản ứng nhanh cùng các phương án phòng chống dịch được khởi động lại.

Tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt người xuất nhập cảnh. Trạm kiểm dịch y tế cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã chủ động triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đông đảo người dân và khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu những thông tin về dịch viêm phổi cấp. Cửa khẩu cũng đã được lắp máy đo thân nhiệt nhằm phát hiện các trường hợp bất thường về sức khỏe liên quan đến dịch bệnh.

Trong khi đó, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch tại sân bay quốc tế Nội Bài, đảm bảo đầy đủ các phương tiện bảo hộ và trang thiết bị cần thiết phục vụ việc phòng chống dịch. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho hay hiện đã triển khai 5 máy đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh và quá cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài, nhất là những hành khách đến từ vùng đang lưu hành dịch bệnh viêm phổi cấp tại Trung Quốc. “Những trường hợp bị sốt đều được điều tra dịch tễ để không bị bỏ sót. Người có tiền sử đi từ vùng có dịch về sẽ được cách ly, theo dõi chặt. Chúng tôi tổ chức thường trực 24/24 giờ, có đội phản ứng nhanh để xử lý nếu có trường hợp nghi ngờ…”, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết. Đồng thời Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu trung tâm y tế các quận huyện, thị xã giám sát chặt chẽ trường hợp có biểu hiện hoặc nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng, cơ sở y tế.

Tại TPHCM, hiện ngành y tế TP đã triển khai các biện pháp đáp ứng nguy cơ xâm nhập ca bệnh từ Trung Quốc. Các đơn vị chức năng của ngành y tế đang theo sát và chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng phù hợp với từng tình huống. Cụ thể: Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM đã triển khai hoạt động giám sát tại các cửa khẩu của thành phố, gồm sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Tân Thuận, Cát Lái, Khánh Hội… Tiến hành khám lâm sàng và tìm hiểu các yếu tố dịch tễ, nhằm phát hiện trường hợp nghi ngờ để cách ly và điều trị kịp thời, không để bệnh lây lan vào nội địa. Đến nay, tại các cửa khẩu của TPHCM chưa phát hiện ca bệnh nghi ngờ nào.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, song song với các hoạt động tại cửa khẩu, nhiều đơn vị y tế trong TP cũng đã có các bước chuẩn bị đáp ứng theo từng tình huống bệnh xảy ra. “Với kinh nghiệm đối phó dịch SARS năm 2003, MERS-CoV 2014, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các trung tâm y tế quận huyện, bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, thuốc men, vật tư hóa chất, trang thiết bị… đáp ứng khi có ca bệnh. Đặc biệt, trong dịp tết sắp tới, các đơn vị phải nâng cao cảnh giác, phát hiện sớm trường hợp bệnh nghi ngờ, thực hiện báo cáo và triển khai các biện pháp cách ly, điều trị, giám sát người tiếp xúc theo quy định”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết.

Tăng cường kiểm dịch y tế

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, trong đó ghi nhận các bệnh nguy hiểm như dịch Ebola tại Cộng hòa Congo, MERS-CoV tại một số quốc gia khu vực Trung Đông; bệnh bại liệt tại Philippines, Myanmar, Trung Quốc; sốt vàng da tại một số quốc gia khu vực Nam Mỹ và châu Phi; dịch tả tại Sudan…

Để chủ động phát hiện sớm, ngăn chặn trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm qua các cửa khẩu, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành tăng cường công tác kiểm dịch y tế, phòng chống dịch bệnh lan truyền qua cửa khẩu, thực hiện nghiêm túc các hoạt động kiểm dịch y tế vùng biên giới. Thực hiện việc kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh, quá cảnh và hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh truyền nhiễm; phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (nếu có), cách ly và xử lý kịp thời; đồng thời báo cáo đến các cơ quan quản lý để phối hợp chỉ đạo giải quyết. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan tại cửa khẩu tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm, gia cầm nhập lậu, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vận chuyển qua biên giới và chủ động triển khai những biện pháp phòng chống hiệu quả, cập nhật kế hoạch đáp ứng các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp tại khu vực cửa khẩu để sẵn sàng đáp ứng trong các trường hợp cần thiết và có kế hoạch, phân công cán bộ, tổ chức trực đầy đủ trong thời gian vui tết. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 1: “5 biện pháp đối phó với dịch viêm phổi “lạ” từ Trung Quốc”

 

Gia hạn hỗ trợ thuốc Glivec và Tasigna cho bệnh nhân ung thư

Báo SGGP số ra ngày 6-1 có bài “Bệnh nhân lao đao vì hết thuốc ung thư viện trợ” phản ánh liều dùng thuốc Glivec của nhiều bệnh nhân từ 1-1-2020 đến nay đã được chỉ định giảm gần 50% ngày uống thuốc trong tháng.

Các bệnh nhân có nhu cầu phải đi mua thuốc bên ngoài thị trường với giá cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc này là từ ngày 31-12-2019, nguồn thuốc tài trợ (theo dự án do 3 bên: nhà sản xuất thuốc, Quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế, hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân) đã hết hiệu lực.

Trong khi thời gian qua, thuốc Glivec chủ yếu thông qua các chương trình viện trợ tại 7 bệnh viện, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM và Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Trước thực tế này, mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Y tế thống nhất gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna, là loại thuốc nhắm đích điều trị cho bệnh nhân mắc chứng bạch cầu mạn dòng tủy hoặc u đường tiêu hóa có di căn. Theo đó, để giải quyết tình hình cấp bách trước mắt, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã thống nhất gia hạn thực hiện chương trình hỗ trợ thuốc Glivec, Tasigna cho bệnh nhân trong 2 tháng kế tiếp là tháng 1 và 2-2020.

Đây là thời gian chờ sửa Thông tư 30/2018/TT-BYT về “điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham BHYT”, theo hướng nhà sản xuất sẽ giảm giá thuốc xuống còn 65% so với hiện nay và phía BHYT sẽ nâng tỷ lệ chi trả lên 80%-100% tiền thuốc, phần còn lại bệnh nhân phải đồng chi trả.

Hiện nay, cả nước có gần 3.000 bệnh nhân đang sử dụng loại thuốc Glivec và Tasigna, với chi phí phía BHYT chi trả từ 225-413 triệu đồng/bệnh nhân/năm và gần 1.500 bệnh nhân được hãng thuốc cấp miễn phí. Sau khi liên ngành BHXH Việt Nam và Bộ Y tế cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn nêu trên, bệnh nhân đang điều trị ung thư bạch cầu mạn dòng tủy tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và một số bệnh viện đã nhận được thuốc Glivec.

Theo các bác sĩ, trong điều trị cho bệnh nhân mắc chứng bạch cầu mạn dòng tủy hoặc u đường tiêu hóa có di căn, thuốc Glivec hiện không có thuốc thay thế. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể trì hoãn sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hoặc uống giảm liều. Mức độ ảnh hưởng của việc ngưng hoặc giảm thuốc sẽ tùy thuộc vào tình trạng từng bệnh nhân nên bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc việc ngưng, giảm liều hay tạm dùng thuốc khác thay thế. (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Gần 100 học sinh và giáo viên nhập viện khi đang đi du lịch

Sáng 13-1, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh thông tin chính thức về vụ hàng loạt học sinh và giáo viên thuộc trường THCS Chu Văn An-Thành phố Tây Ninh bị ngộ độc thực phẩm (NĐTP) phải nhập viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Quận 11.

Cho tới sáng  13-1, tại khoa Tiêu hoá của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh vẫn còn 6 trường hợp học sinh phải nằm theo dõi thêm và 1 trường hợp nặng nhất sau khi được điều trị ổn định tại Khoa hồi sức tích cực, đang chuẩn bị được chuyển về Khoa Tiêu hoá của BV. Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh, trong ngày 12-1, từ 9 h sáng tới 18 h, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận 68 học sinh của trường THCS Chu Văn An, Tây Ninh bị NĐTP trong quá trình đến tham quan tại Khu  công viên nước Đầm Sen.

Trường THCS Chu Văn An có tổ chức cho 810 học sinh và giáo viên thuộc các khối lớp 5- 6-7-8 đi tham quan Khu Du lịch Đầm Sen vào sáng 12-1. Lúc 5 h 30 phút sáng cùng ngày, mỗi học sinh và giáo viên được Công ty Du lịch ký hợp đồng với Nhà trường có phát 1 suất ăn sáng là hộp xôi gà. Các Giáo viên và học sinh cho biết, hộp xôi gà gồm có xôi nếp, 2 miếng gà chặt và trộn lẫn gà xé.

Suất ăn này do công ty du lịch đặt một cơ sở cung ứng cho đoàn tham quan. Khoảng 9h 30, một nhóm học sinh đầu tiên đã có dấu hiệu  NĐTP với những triệu chứng như chóng mặt, ói… Sau đó, số học sinh có triệu chứng tương tự tăng dần trong đoàn. Cuộc tham quan buộc phải ngừng lại.

Có 30 trường hợp đầu tiên được nhập Bệnh viện Q.11 do Công ty Du lịch Đầm Sen dùng ô tô đưa tới. Tới khoảng 12 h cùng ngày, một số em có triệu chứng nặng hơn đã được gia đình chở qua Bệnh viện Nhi đồng 1. Trong khoảng thời gian từ 12h tới 18h, Khoa Cấp cứu của BV Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận lần lượt 68 bệnh nhi.

Số người nhập viện quá 20 người nên dù là chủ nhật, BV Nhi Đồng 1 đã huy động toàn lực lượng của nhiều chuyên khoa tiếp nhận, chăm sóc cho bệnh nhi. Qua theo dõi có 3 bệnh nhi có triệu chứng ói nhiều, được đưa vào truyền dịch tại khoa Cấp cứu. Hai phòng lưu bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu chuyên sử dụng cho trường hợp cấp cứu hàng loạt cũng đã được sử dụng hết. Trong số 68 học sinh nhập viện Nhi đồng 1, có một em bị truỵ mạch. Ngay sau đó đã được chuyển tiếp vào khoa Hồi sức tích cực theo dõi.

Tính cho tới chiều tối 12-1, sau khi điều trị và sàng lọc bệnh kỹ, BV đã cho xuất viện khoảng 40 em. Tới 21 h khuya thì qui trình  lọc bệnh nhi cũng đã xong. Cho tới sáng 13-1, trong khoa hồi sức tích cực của BV vẫn còn 1 trường hợp duy nhất bị truỵ mạch nhưng đã tạm ổn, chuẩn bị được chuyển sang theo dõi tại khoa Tiêu hoá cùng 6 em khác đang nằm tiếp tục theo dõi tại khoa Tiêu hoá.

BS Đinh Tấn Phương cho biết, các em được xuất viện đều ổn định. Qua quá trình thăm hỏi bệnh nhi, nghi vấn món ăn gây NĐTP là món xôi gà ăn từ 5h 30 sáng. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm từ mẫu (ói) thức ăn để tìm tác nhân cần làm thêm và việc này thuộc trách nhiệm của Phòng Điều tra NĐTP của Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh. Các bác sĩ nghi ngờ tác nhân gây nên vụ NĐTP này có thể do vi khuẩn, vi rút hoặc nhiễm hoá chất, dư lượng kim loại nặng nhiễm trong món xôi gà.

Ngoài ra, nghi vấn tác nhân còn nằm ở bàn tay của người chế biến. Vì 810 người ăn món xôi gà vào sáng 12-1, nhưng số bị NĐTP chỉ khoảng 100 người. Riêng trường hợp 1 học sinh bị truỵ mạch (nặng nhất), có kết quả chẩn đoán là: NĐTP gây “Sốc giảm thể tích”, rất may là không bị sốc nhiễm trùng. (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Công tác Dân số Hà Tĩnh: Nỗ lực thực hiện giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII ban hành ngày 25/10/2017 đã nêu rõ: “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển”. Song Hà Tĩnh vẫn là tỉnh có quy mô dân số lớn, mức sinh cao, chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh lớn nên trong năm 2019 và những năm tới vẫn phải chú trọng thực hiện song song hai mục tiêu đó là: Nỗ lực giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Khó khăn, thách thức

Ngay từ năm 2006, nước ta đã đạt mức sinh thay thế (bình quân 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) và công tác dân số đang hướng đến việc nâng cao chất lượng dân số, chất lượng sống một cách bền vững thì Hà Tĩnh vẫn là một trong số ít tỉnh có mức sinh cao của cả nước. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2018 của Hà Tĩnh là 2,9 con/phụ nữ và có sự khác nhau rõ rệt giữa khu vực thành thị với nông thôn: Thành thị 2,49 con/phụ nữ, nông thôn 3 con/phụ nữ.

11 tháng đầu năm 2019, số trẻ được sinh ra là con thứ 3 trở lên là 4.957 cháu, tương ứng tỷ lệ sinh trên 2 con là 30,8%; tỷ số giới tính khi sinh cao hơn so với mức sinh học tự nhiên, 110,7 bé trai/100 bé gái. Tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang sinh con thứ ba trở lên tăng, đã tác động tiêu cực đến việc thực hiện chính sách dân số trên địa bàn tỉnh.

Dân số Hà Tĩnh tại thời điểm 01/4/2019 là 1.288.866 người, chiếm hơn 1,3% dân số cả nước, đứng thứ 25 trên toàn quốc về quy mô dân số. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước năm 2018 là 719.203 người, chiếm 56,3% trong tổng số dân số toàn tỉnh. Người 60 tuổi trở lên tại Hà Tĩnh là 229.638 chiếm 17,99% tổng dân số; tuổi thọ trung bình năm 2018 là 72,7 năm, trong đó nam là 70,1 và nữ là 75,4. Như vậy, Hà Tĩnh chưa có cơ cấu dân số vàng nhưng đã bước sâu vào già hóa dân số (giai đoạn già hóa dân số khi số người trên 60 tuổi chiếm trên 10% tổng dân số).

Hệ thống làm công tác dân số từ huyện đến cơ sở đang được giải thể, sáp nhập nên một số cán bộ dân số có biểu hiện dao động về tư tưởng, chưa thực sự yên tâm công tác, vì thế việc triển khai thực hiện công tác dân số tại địa phương còn nhiều khó khăn.

Giải pháp, hành động

Quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, đặc biệt là Nghị quyết 21-NQ/TW đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi tầng lớp nhân dân.

Phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu dân số năm 2019 và Chương trình hành động số 955-CTr/TU ngày 16/3/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số, đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội. Giảm mức sinh, phấn đấu đưa về mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh đạt mức cân bằng tự nhiên; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội của tỉnh.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, vận động và giáo dục, nội dung phải chuyển mạnh sang chính sách Dân số và Phát triển.

Đẩy mạnh xã hội hoá công tác dân số, tích cực huy động sự đóng góp của toàn xã hội, khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ tích cực, tham gia có hiệu quả công tác này. (Gia đình & Xã hội, trang 1).

 

Phạt 3 công ty dùng hóa chất tẩy rửa làm nước mắm

Ba công ty sản xuất nước mắm ở Vĩnh Long và An Giang bị phạt trên 780 triệu đồng vì làm nước mắm từ hóa chất tẩy rửa. Sự việc được phát hiện từ giữa năm 2019 nhưng đến nay mới được công bố…

Thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa cho biết đã phạt hành chính trên 780 triệu đồng đối với 3 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH CBTP Hòa Hiệp, Công ty TNHH thực phẩm Tấn Phát (tỉnh Vĩnh Long), Công ty TNHH MTV Điều Hương (tỉnh An Giang) do hành vi sử dụng nguyên liệu là hóa chất công nghiệp (soda Na2CO3) để sản xuất nước mắm. Riêng Công ty cổ phần chế biến thủy hải sản Liên Thành (TP.HCM) bị phạt 6 triệu đồng do vi phạm về điều kiện sản xuất.

Theo đó, thanh tra Bộ Nông nghiệp và an ninh kinh tế Bộ Công an đã tiến hành thanh tra sản xuất nước mắm tại An Giang, Vĩnh Long và TP.HCM, kết quả phát hiện các cơ sở trên có những vi phạm trong vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt trong đó là sử dụng hóa chất tẩy rửa để sản xuất nước mắm.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến – chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – các doanh nghiệp kể trên đã sử dụng nguyên liệu đầu vào là “nước hoa cà” và nước bột ngọt để cho chạy qua hệ thống xác cá, trong đó “nước hoa cà” (hay còn gọi là dịch chấm hoặc nước mắm bán thành phẩm) được làm bằng cách sử dụng Soda công nghiệp trung hòa axít trong bột ngọt và bổ sung dịch chưng cất đầu tôm để tăng độ đạm.

Loại soda được sử dụng là soda Ash Light – Na2CO3, là hóa chất dùng trong công nghiệp sản xuất chất tẩy rửa (như xà phòng), dệt nhuộm, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm. Qua kiểm tra cho thấy các công ty này đã mua số lượng soda lớn về sản xuất nước mắm, với công thức sản xuất 800 lít “nước mắm” độ đạm 25-35% gồm: đun trong 40-50 giờ 17.000 lít hỗn hợp có 95% là dịch bột ngọt có vị chua, 5% dịch nước tôm, 120kg Soda. Kết quả ngoài 800 lít nước mắm, còn thu được 700 lít muối kết tủa.

Trong thời gian thanh tra, đoàn thanh tra đã yêu cầu cả 3 công ty kể trên tạm dừng sản xuất, trả lại toàn bộ lượng soda đã nhập và phạt hành chính các công ty này. Các nước mắm bán thành phẩm được làm từ soda đã được chuyển sang sử dụng cho gia súc. Mặc dù các công ty đã bị xử phạt, nhưng vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phát hiện từ giữa năm 2019 nhưng không công khai để người dân biết và chọn mua nước mắm.

Sự việc mới được biết đến sau khi thông tin được đưa ra tại hội nghị của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 10-1 vừa qua. (Tuổi trẻ, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 7: “Công bố 3 doanh nghiệp dùng soda công nghiệp làm nước mắm”

 

Vụ buôn lậu thuốc bắc từ Trung Quốc: Bắt hai cán bộ hải quan Lạng Sơn

Ngày 13.1, nguồn tin Thanh Niên cho biết, trong quá điều tra vụ án buôn lậu xảy ra tại Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CO3) đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Chu Bá Toàn, Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Cửa khẩu Chị Ma, Lạng Sơn và Hoàng Thanh Sơn, công chức hải quan thuộc Chi cục hải quan Cửa khẩu Chi Ma, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 360 bộ Luật hình sự năm 2015.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, C03 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lâm Đình Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Đức Linh và các đối tượng liên quan là Lâm Đình Hưng, Trần Văn Quang, Nguyễn Văn Khanh và Nguyễn Thị Ngân, cùng về tội buôn lậu quy định tại điều 188 bộ luật Hình sự năm 2015. Do thời điểm khởi tố bị can, Lâm Đình Hoài bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can này.

Trước đó, ngày 4.12.2019, tại khu vực Cửa khẩu Chi Ma thuộc huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), C03 phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện và bắt quả tang Trần Văn Quang (người làm thủ tục hải quan) và Nguyễn Văn Khanh (lái xe), nhập khẩu và vận chuyển hàng hóa là dược liệu qua biên giới, nhưng mở tờ khai để thông quan dưới dạng hàng hóa là hoa quả khô.

Từ kết quả bắt quả tang và lời khai của 2 đối tượng nêu trên, C03 đồng loạt tổ chức khám xét khẩn cấp phương tiện, văn phòng làm việc và kho hàng của hai anh em Lâm Đình Hưng, Lâm Đình Hoài (ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) và các đối tượng có liên quan. Theo đó, C03 thu giữ 2 xe đầu kéo và 2 rơ moóc; khoảng trên 100 tấn hàng hóa là dược liệu; khoảng 20 thùng hồ sơ, tài liệu có liên quan.

Mở rộng chuyên án, ngày 9.12.2019, C03 phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bắc Ninh và Công an TP.Hà Nội tổ chức khám xét khẩn cấp đối với 6 cửa hàng buôn bán dược liệu y học cổ truyền tại thôn 7 và thôn 8, xã Ninh Hiệp, thu giữ trên 4 tấn dược liệu các loại không có hóa đơn, chứng từ và một số hồ sơ tài liệu có liên quan.

Đến ngày 11.12.2019, C03 tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu, công an các tỉnh Nam Định, Nghệ An và TP.HCM tổ chức khám xét khẩn cấp đối với 5 điểm tiêu thụ dược liệu là các cửa hàng buôn bán dược liệu y học cổ truyền, thu giữ hơn 5 tấn dược liệu các loại không có hóa đơn chứng từ và một số hồ sơ tài liệu có liên quan trong đường dây.

C03 đang mở rộng điều tra, xác minh, truy tìm tài sản thu lợi bất chính và làm rõ hành vi, vai trò của một số đối tượng liên quan trong đường dây này. (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Nỗ lực giúp bệnh nhân đón tết, vui xuân

Tết Nguyên đán Canh Tý đã cận kề. Tết là ngày sum họp, vui vẻ nên với những bệnh nhân đang phải điều trị trong bệnh viện (BV) càng sốt ruột, lo lắng. Những ngày này, nhiều BV đã có những hoạt động nhằm chia sẻ và đem lại niềm vui ấm áp cho bệnh nhân dịp tết đến, xuân về.

Bệnh nhân tíu tít đi chợ “0 đồng”

Tại phiên chợ 0 đồng của BV quận Thủ Đức, TP.HCM, ngày 12/1, ông M.M (65 tuổi, trú tại phường Bình Triệu, Thủ Đức) cho biết, ông bị tai nạn giao thông nên bị liệt từ nhỏ, dịp này ông phải nhập viện để điều trị viêm mô tế bào bàn chân. Đến với phiên chợ 0 đồng, ông cảm thấy rất vui vẻ và có ý nghĩa. “Nằm bẹp trong BV khi tết nhất rộn ràng bên ngoài, những bệnh nhân như chúng tôi rất sốt ruột. Được tham dự phiên chợ với nhiều món quà tặng có ý nghĩa, được ngắm không khí tết tưng bừng, chúng tôi cũng vợi bớt nỗi buồn” – ông M cho biết.

Bệnh nhân không được mua nhiều món hàng 0 đồng, đồng thời được tham gia nhiều hoạt động như tư vấn dinh dưỡng, chụp hình, vẽ tranh, cắt tóc, gội đầu, quần áo, thưởng thức cháo dinh dưỡng… miễn phí. Tại phiên chợ cũng có hoạt động trao xe lăn cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn…

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân – Giám đốc BV quận Thủ Đức cho biết: “Đây là phiên chợ 0 đồng lần 5 mà BV đã tổ chức để đem lại niềm vui cho bệnh nhân trong dịp tết đến. Năm nay, BV đã kêu gọi được khoảng 480 triệu đồng (bao gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm) để có được nhiều món quà ý nghĩa cho bệnh nhân”.

Cũng trong ngày 12/1, BV Việt Đức (Hà Nội) đã tổ chức một chuyến xe chở hơn 200 bệnh nhân nghèo đến tham dự phiên chợ 0 đồng do nhóm thiện nguyện Ngôi trường ước mơ và Những người bạn tổ chức tại Công viên Thống Nhất. Đây là năm thứ 4 liên tiếp chương trình được tổ chức với số “khách hàng đi chợ” lên tới khoảng 3.000 người. Họ là những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn mắc các bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại các BV và những người không nơi nương tựa, người vô gia cư ở Hà Nội…

Mỗi người nghèo, bệnh nhân đến đây đều được mua 10 món hàng 0 đồng. Các mặt hàng đậm chất tết cổ truyền của dân tộc như: bánh mứt kẹo, nước ngọt; trái cây, hoa, lá dong, rau củ; đồ ăn chín (bánh chưng, bánh giò); gia vị, dầu ăn, nước mắm; đồ khô (măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, hành tỏi…); ngũ cốc (gạo, đỗ..); đồ gia dụng; quần áo, chăn màn; đồ trang trí tết…

Đảm bảo thường trực 4 cấp tại bệnh viện

PGS – TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, để đảm bảo cho người dân ăn tết vui tươi, an toàn, Tết Canh Tý 2020, Bộ Y tế đề nghị các BV trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị thực hiện bảo đảm thường trực 4 cấp (trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính – hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ). Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Có kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết. Ngoài ra, các BV, Sở Y tế cần chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra.

Mùa xuân “nở rộ” trong bệnh viện

Tết Canh Tý 2020 cận kề, BV Chợ Rẫy (TP.HCM) đã gây ấn tượng mạnh với bệnh nhân và người dân khi “thắp sáng” BV bằng những thảm hoa màu sắc rực rỡ. Đường hoa dài khoảng 200m, mỗi khoa, phòng phụ trách một đoạn, các bác sĩ, điều dưỡng chia nhau trang trí tiểu cảnh với nhiều loài hoa, vật trang trí tượng trưng cho Tết cổ truyền của dân tộc như hoa mai, hoa cúc, bánh chưng, bánh tét. Hàng ngày, họ cũng bớt thời gian ra chăm bón, tưới tắm để giữ cho hoa luôn khoe sắc.

Đặc biệt, nhiều nhân viên y tế đã tự tay viết nhiều lời chúc cho các bệnh nhân được khỏe mạnh, hạnh phúc, sớm được ra viện để sum họp với gia đình. Đường hoa xuân được tổ chức từ 7/1 đến 28/1 (tức mùng 4 tết) để mang lại tết ấm, xuân vui cho bệnh nhân phải điều trị trong BV.

Còn tại BV Nhi T.Ư, nhiều ngày nay, các bác sĩ, nhân viên y tế của BV cùng các nhóm thiện nguyện đã mang mùa xuân đến cho từng góc buồng bệnh, từng cánh cửa phòng bệnh bằng cách đặt các chậu hoa tươi, dán các đề can hình chuột, hoa đào, hoa mai… Các bệnh nhi không phải nằm buồn trong phòng bệnh mà cũng được tham gia vào nhiều hoạt động đầy màu sắc tết như trang trí “nhà cửa, cắm hoa… Những đôi tay chằng chịt kim truyền run run dán giấy, những mái đầu rụng gần hết tóc của các em cúi sát vào hít ngửi hoa khiến người lớn nhói lòng. Nhưng điều đó cũng không ngăn được nụ cười rạng rỡ, ngây thơ, hớn hở của các em khi thấy tết đang đến thật gần… Sắc xuân tươi thắm đã xua đi cái giá lạnh của mùa đông, nỗi đau đớn của bệnh tật và đem lại nhiều niềm vui, hy vọng…

Ông Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết, dự kiến trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, BV sẽ có khoảng 1.000 bệnh nhi đón tết tại bệnh viện. BV sẽ tổ chức nhiều hoạt động, tặng quà để động viên các em và gia đình. Ngoài công tác bảo đảm chữa trị cho các bệnh nhân nội trú, công tác trực cấp cứu cũng luôn sẵn sàng 24/24 giờ. Dịp tết năm nay, BV sẽ mở thêm các phòng khám để đáp ứng nhu cầu cấp cứu người bệnh. (Nông thôn ngày nay, trang 1).

Bài viết liên quan

CẬP NHẬT TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT nCoV ĐẾN 14 Giờ 00, ngày 30/01/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 04/8/2022

hanh phan

Điểm báo ngày 05/12/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận