Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm bệnh nhân ung thư
Ngày 14-1, Đoàn đại biểu Văn phòng Chủ tịch nước do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu phối hợp với Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư “Ngày mai tươi sáng” đến thăm và tặng quà những bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM.
Tại Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM, TS-BS Phạm Xuân Dũng – Giám đốc BV cho biết, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho khoảng 8.600 bệnh nhân ung thư ngoại trú và hơn 800 bệnh nhân nội trú. Trong đó có khoảng 500 trẻ em điều trị ngoại trú và khoảng 100 trẻ em điều trị nội trú.
Trong khoảng thời gian Tết Canh Tý 2020, BV tạo điều kiện cho bệnh nhân được về quê đón Tết nhưng vẫn có khoảng 200 bệnh nhân do hoàn cảnh đi lại khó khăn hoặc bệnh quá nặng phải ăn Tết ở BV. “Với những bệnh nhân về quê trong dịp này chúng tôi tổ chức xe đưa họ về tận nhà; còn những bệnh nhân không về quê đón Tết, chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động chăm lo Tết, tặng quà để họ không có cảm giác buồn tủi khi phải đón Tết xa nhà”, bác sĩ Phạm Xuân Dũng cho hay.
Cũng theo TS-BS Phạm Xuân Dũng, năm 2019 vừa qua, tại BV Ung Bướu, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng 7%. Những năm qua, hướng tới hiệu quả hơn trong công tác điều trị, BV đã ngày càng đảm bảo các phương pháp điều trị chuyên sâu (phẫu trị, hóa trị, xạ trị), các biện pháp chẩn đoán bệnh, giải phẫu bệnh hiện đại có ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt là các kỹ thuật mới được áp dụng, không chỉ chữa trị mà đảm bảo thẩm mỹ và đảm bảo các chức năng vận động, chức năng sinh học cho người bệnh. Bên cạnh đó, BV cũng đã triển khai các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, hành chính… nỗ lực giảm tải và ngày càng hướng đến hài lòng người bệnh. BV đã đẩy mạnh công tác chăm sóc giảm nhẹ tại nhà, hỗ trợ điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại.
Ngoài ra, BV cũng đã và đang tập trung vào các hoạt động tư vấn tầm soát, phát hiện sớm bệnh ung thư, giúp người bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời.
Biểu dương những nỗ lực của tập thể y bác sĩ BV Ung bướu TPHCM trong công tác điều trị, chăm lo cho bệnh nhân ung thư, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hy vọng trong năm mới BV sẽ tiếp tục áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhằm điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân ung thư, đồng thời làm tăng tỷ lệ hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ y tế.
Thăm và động viên tinh thần đến với các bệnh nhân, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng với đại diện Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư “Ngày mai tươi sáng” đã trao tặng 100 phần quà Tết, mỗi phần trị giá hơn 1 triệu đồng cho các bệnh nhân và bệnh nhi ung thư đang điều trị nội trú tại BV Ung bướu.
Tại BV Thống Nhất, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao những kết quả mà BV Thống Nhất đã đạt được trong thời gian qua. Trong đó, nổi bật là đã làm tốt trách nhiệm với bệnh nhân, bệnh nhân được thăm khám, điều trị với chất lượng tốt nhất, các phương pháp điều trị mới giúp bệnh nhân được điều trị tốt hơn, hiệu quả hơn.
Ân cần thăm hỏi, động viên tinh thần các bệnh nhân đang điều trị tại BV, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao tặng 100 phần quà cho 100 bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại BV. Đồng thời, gửi lời chúc sức khoẻ đến toàn bộ cán bộ, công nhân viên đang công tác tại BV nói riêng và toàn bộ CBCNV đang công tác trong ngành y tế tại TPHCM nói chung đón một cái tết đầm ấm, hạnh phúc. (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Nhân dân, trang 1).
Không được từ chối, xử trí chậm trễ cho người bệnh trong dịp Tết
Ngày 13/1, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các bệnh viện đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong dịp tết Nguyên đán, đặc biệt tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh: Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh.
Để bảo đảm tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị bảo đảm thường trực 4 cấp: trực lãnh đạo, xử lý thông tin Đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính – hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ.
Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Có kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; Sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra. Có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch.
Đồng thời tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh: Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh… (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2020
Theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ ngày 6 -1 đến 12-1-2020, trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 39 ca sốt xuất huyết. Như vậy, từ ngày 1-1 đến 12-1-2, Hà Nội đã ghi nhận 77 ca sốt xuất huyết, giảm mạnh so với những tháng cuối năm 2019. Ngoài ra, tuần qua, thành phố cũng ghi nhận trường hợp mắc sởi đầu tiên trong năm 2020.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, so với đầu năm 2019, các dịch bệnh đầu năm 2020 đều giảm mạnh. Hiện Hà Nội cũng chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ mắc viêm phổi cấp do chủng vi rút mới corona ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, vào thời điểm mùa đông – xuân, thời tiết ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh, như: Sởi, thuỷ đậu, cúm, viêm phổi, ho gà… lây lan và bùng phát mạnh. Do đó, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành thực hiện tốt công tác giám sát dịch, đặc biệt là giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
WHO theo dõi chặt chẽ vi rút corona mới sau khi phát hiện tại Thái Lan
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 13/1 thông báo đang theo dõi chặt chẽ chủng virus corona mới phát hiện tại Trung Quốc sau khi trường hợp đầu nhiễm virus này bên ngoài Trung Quốc được xác nhận ở Thái Lan.
Chủng virus corona mới lần đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, sau khi bùng phát dịch viêm phổi lạ ở thành phố này với hàng chục người nhiễm dịch.
Ủy ban Khẩn cấp thuộc WHO, gồm các chuyên gia y tế và dịch tễ học, đang xác định liệu dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc có phải là tình huống khẩn cấp về y tế đối với cộng đồng quốc tế hay không để đưa ra khuyến cáo ngăn chặn virus lây lan qua biên giới.
Tính đến ngày 12/1, tại thành phố Vũ Hán có 41 người được chẩn đoán nhiễm chủng virus này, trong đó 1 người tử vong.
Trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đã được ghi nhận ở Thái Lan. Bệnh nhân là một phụ nữ Trung Quốc đến từ thành phố Vũ Hán đi du lịch Thái Lan.
Khi tới sân bay Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok ngày 8/1, người này ngay lập tức phải nhập viện do có những triệu chứng nhiễm bệnh như sốt cao và ho. Các xét nghiệm đối với bệnh nhân này đã cho kết quả dương tính với virus trên.
Nhóm virus corona thường được tìm thấy ở chim và các động vật có vú, các chủng virus giống nhau về hình thái và cấu trúc hóa học. Virus corona chủng OC43 và virus corona chủng 229E gây ra các bệnh hô hấp thông thường như cảm lạnh, cúm.
Tuy nhiên có những chủng gây bệnh nặng hơn như chủng corona gây hội chứng hô hấp cấp (SARS) hay chủng gây hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS). Tuy nhiên, đây không phải là những chủng virus gây ra dịch viêm phổi lạ hiện nay tại Vũ Hán./. (Tiền phong, trang 6).