Điểm báo ngày 16/1/2020

(CDC Hà Nam)
 Hai bệnh nhân viêm phổi cấp từ Vũ Hán đến Việt Nam: Bộ Y tế nâng mức cảnh báo; Hoàn thiện cơ chế quản lý chất lượng trang thiết bị y tế; ‘Ngủ đông’ cứu sống bệnh nhân ngưng tim

 

Hai bệnh nhân viêm phổi cấp từ Vũ Hán đến Việt Nam: Bộ Y tế nâng mức cảnh báo

Trước tình hình diễn biến phức tạp của các trường hợp viêm phổi cấp do chủng virus mới corona (nCoV) tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, chiều 15/1, Bộ Y tế có cuộc họp khẩn tìm cách phòng, chống dịch này xâm nhập vào Việt Nam..

3 kế hoạch ứng phó

“Hệ thống giám sát bệnh TN của Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp (quốc tịch Trung Quốc, cư trú tại thành phố Vũ Hán nhập cảnh vào Việt Nam) có biểu hiện sốt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng qua máy đo thân nhiệt từ xa và đã được cách ly, theo dõi chặt chẽ”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông báo tại cuộc họp. Trong đó, một bệnh nhân sinh năm 1997, sốt cao từ ngày 13/1. Các nhân viên nhanh chóng đưa bệnh nhân này đi cách ly, theo dõi chặt chẽ tại Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân thứ hai sinh năm 2016, sốt nhẹ khoảng 37,5 độ C.

Hiện, thân nhiệt của cả 2 bệnh nhân đã trở lại bình thường, tiếp tục được theo dõi chặt chẽ tại Đà Nẵng. Các mẫu bệnh phẩm đã được lấy gửi về Viện Pasteur Nha trang để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; lập danh sách những người tiếp xúc gần để theo dõi sức khỏe; Bộ Y tế đã tổ chức Đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Đà Nẵng để tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Sáng nay (16/1) Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đi kiểm tra Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư ở Hà Nội về công tác chuẩn bị thu dung, khám chữa bệnh cho người mắc viêm phổi do virus corona mới. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới gây ra nhưng nguy cơ dịch bệnh này lây truyền vào nước ta là hoàn toàn có thể do sự giao lưu thương mại, đi lại của người dân 2 nước là rất lớn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán tới đây.

Do đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương có các cửa khẩu lớn, giáp với Trung Quốc trong tháng 1 và 2. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh xâm nhập và sẵn sàng điều trị, quản lý tốt các trường hợp bệnh ngay khi phát hiện.

Phát biểu tại buổi họp khẩn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết, Bộ đã có kế hoạch, phương án ứng phó với dịch bệnh. Trong đó đưa ra ba tình huống về dịch bệnh này tại Việt Nam và lên kế hoạch ứng phó với từng tình huống.

Tình huống thứ nhất, khi chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam sẽ phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân về Việt Nam từ vùng có dịch bệnh để cách ly, theo dõi.

Tình huống thứ hai, khi đã xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam, các cơ quan chuyên môn sẽ khẩn trương khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

Tình huống thứ ba, khi dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, các cơ quan chuyên môn được giao đảm trách nhiệm vụ sẽ khẩn trương đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời và dập dịch.

Hiện tất cả các cửa khẩu đã tăng cường công tác giám sát hành khách đến từ vùng có dịch, chuẩn bị các kế hoạch ứng phó, phòng cách ly tạm thời, các trang thiết bị thiết yếu phòng, chống dịch.

Đáng chú ý, để chủ động ứng phó với dịch bệnh, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng của Bộ Y tế tại Cục Y tế dự phòng và 4 Viện Vệ sinh dịch tễ Pasteur.

Ðủ năng lực chẩn đoán coronavirus mới

Về năng lực chẩn đoán virus corona mới của Việt Nam, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, cho biết, Viện đã xây dựng được phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, có phòng an toàn sinh học cấp 3 đối phó với virus mới này để tránh lây sang cán bộ y tế. “Viện đã thành lập nhóm chuyên gia sẵn sàng để thực hiện xét nghiệm nếu có bệnh nhân.

Tuy nhiên, cái khó là hiện nay chưa có mồi đặc hiệu và chứng dương đặc hiệu để xác định được virus corona mới này cụ thể là gì. Viện đang đợi Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp”, ông Dương cho hay.

Hiện nay, trên thế giới chỉ có WHO và CDC Hoa Kỳ mới có khả năng tìm ra mồi đặc hiệu, chứng dương và các vật liệu di truyền của virus mới. TS Dương thông tin thêm, ngay khi cuộc họp khẩn đang diễn ra, Viện đã nhận đươc trình tự gene đặc hiệu của loại virus mới này do WHO gửi.

Với trình tự gene này, khi Viện nhận mồi đặc hiệu, chứng dương và vật liệu di truyền do WHO gửi thì các nhà khoa học của Viện sẽ nhanh chóng giải mã được loại virus mới này trong vòng 24 giờ. Các quốc gia trên thế giới đều đang đợi thông tin này từ WHO để tiến hành các xét nghiệm sinh học phân tử nhằm tìm ra chính xác loại virus corona mới này là gì để có hướng điều trị tốt nhất.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, không có thuốc đặc trị bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới mà chỉ điều trị triệu chứng như với SARS và MERS, những bệnh do virus họ corona gây ra. Bộ Y tế sẽ ban hành phác đồ điều trị virus corona mới trong hôm nay. Đồng thời, Cục sẽ theo dõi sát thông tin của các nhà chuyên môn từ Trung Quốc và WHO để cập nhật điều trị. Ông Khoa khuyến cáo người dân không quá hoang mang về dịch bệnh, nhưng phải thực hiện những biện pháp phòng chống lây nhiễm.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM (Bộ Y tế), nhận định: “Sự biến đổi của corona virus không nhiều, kể cả khi lây sang người. Độc lực của virus không cao vì đến nay trường hợp duy nhất tử vong ở Trung Quốc là trên nền bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Nếu có lây truyền từ người sang người thì cũng ở mức hạn chế”.

Khuyến cáo phòng bệnh

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, khi cần phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Mỗi người phải giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, những người trở về từ Vũ Hán hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố này trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời (Tiền phong, trang 6)

 

Hoàn thiện cơ chế quản lý chất lượng trang thiết bị y tế

Trang thiết bị y tế là loại hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, cơ chế quản lý chất lượng mặt hàng này ở nước ta chưa chặt chẽ, cần được thực hiện ở đầy đủ các khâu, từ nghiên cứu sản xuất, nhập khẩu đến khai thác sử dụng. Trang thiết bị y tế (TTBYT) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh; là một yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác y tế. TTBYT là một trong ba yếu tố (cùng đội ngũ nhân lực và thuốc) quyết định hiệu quả, chất lượng của công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Do vậy, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, dự phòng, cần khẩn trương kiện toàn ba yếu tố nêu trên. Nếu như nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực (bằng đào tạo, bồi dưỡng); quản lý chất lượng thuốc đã có Luật Dược và cần quy định bổ sung, cập nhật các quy định nếu cần thiết thì TTBYT vẫn còn khá nhiều khoảng trống.

Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về quản lý chất lượng TTBYT, Bộ Khoa học và Công nghệ mới quy định một số thiết bị đo nhóm hai sử dụng trong y tế phải kiểm định về đo lường (bao gồm: Nhiệt kế y học, áp kế, huyết áp kế, máy điện tim, điện não và quy định về kiểm định an toàn bức xạ). Nghị định 36/NÐ-CP về quản lý thiết bị y tế và Nghị định 169/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 36/NÐ-CP đã bổ sung nội dung kiểm định an toàn và tính năng kỹ thuật thiết bị y tế, thiết bị y tế loại B,C,D là thiết bị nhóm hai theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nhiều chuyên gia lĩnh vực này chỉ rõ, theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, hoạt động kiểm định chất lượng phải dựa theo Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Nhưng đến nay, Bộ Y tế chưa xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thiết bị y tế.

Về nguyên tắc, TTBYT phải được quản lý chất lượng cả ba giai đoạn theo Công ước quốc tế ASEAN về quản lý Trang thiết bị y tế (AMDD) như sau: Giai đoạn tiền thị trường (là giai đoạn nghiên cứu thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, chứng nhận hợp chuẩn hợp quy, thử tiền lâm sàng, thử lâm sàng, hoàn thiện công nghệ, sản xuất ra sản phẩm TTBYT); giai đoạn thị trường (TTBYT lưu thông trên thị trường); giai đoạn hậu thị trường (giai đoạn đầu tư, mua sắm, khai thác sử dụng TTBYT tại các đơn vị sử dụng). Hiện nay, nước ta cũng thực hiện quản lý chất lượng ở cả ba giai đoạn, nhưng ở mức khác nhau. Giai đoạn tiền thị trường cũng chưa có đơn vị nào tổ chức thử nghiệm, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; TTBYT nghiên cứu sản xuất chưa được đánh giá theo bộ quy tắc thiết yếu (19 quy tắc) trong đó có sáu quy tắc bắt buộc để bảo đảm tính đặc thù về an toàn và tính năng hoạt động của TTBYT. Ở giai đoạn thị trường, đã có sự tham gia của Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Bộ Y tế (Bộ Y tế hiện cấp phép nhập khẩu TTBYT theo đơn hàng, chưa áp dụng số đăng ký lưu hành). Hiện tất cả TTBYT loại B-C-D (nhóm hai theo quy định tại Nghị định 36-NÐ-CP) chưa được kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Giai đoạn hậu thị trường, hiện mới có sáu loại TTBYT (trong số hơn 10 nghìn chủng loại TTBYT đang khai thác sử dụng tại các cơ sở y tế) được quy định phải kiểm định về đo lường và an toàn bức xạ; chưa có quy định về quản lý chất lượng các loại TTBYT còn lại.

Nghị định 36/NÐ-CP đã ban hành và thống nhất quản lý về TTBYT hài hòa cơ bản với các quy định của AMDD. Theo đó, TTBYT được chia làm bốn nhóm theo nguy cơ rủi ro (nhóm A: rủi ro thấp; nhóm B: rủi ro trung bình – thấp; nhóm C: rủi ro trung bình – cao và nhóm D: rủi ro cao). Mức độ tăng cường quản lý sẽ tăng lên theo mức độ rủi ro của sản phẩm. Về cơ bản, các TTBYT muốn được lưu hành trên thị trường cần chứng minh tính an toàn và các nguyên tắc thiết yếu bảo đảm sự an toàn và tính năng cơ bản. Ðể chứng minh việc phù hợp nguyên tắc thiết yếu, các thiết bị y tế cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc phải chứng minh được tính an toàn, phù hợp qua các hoạt động kiểm tra, so sánh đánh giá, kiểm nghiệm và thử nghiệm lâm sàng. Ðây là nội dung chính của hoạt động quản lý chất lượng TTBYT và là khâu quan trọng nhất trong bước quản lý tiền thị trường sản phẩm TTBYT đồng thời là tiền đề để hậu kiểm. Tại hầu hết các quốc gia hiện nay, việc đánh giá chất lượng TTBYT để phục vụ công tác quản lý tiền thị trường do các tổ chức chuyên môn thực hiện. Các tổ chức đánh giá chất lượng TTBYT đóng vai trò phối hợp cơ quan chức năng qua các hoạt động đánh giá kỹ thuật và phân loại rủi ro.

Từ phân tích nêu trên, các chuyên gia trong lĩnh vực TTBYT cho rằng cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng TTBYT đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Cần quy định rõ hoạt động quản lý chất lượng trang thiết bị; hoạt động kiểm định kỹ thuật về an toàn và tính năng TTBYT làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng TTBYT đa tầng. Ban hành danh mục TTBYT cần kiểm định ngay; xây dựng các quy trình kỹ thuật kiểm định; tổ chức đào tạo nhân lực kiểm định cho hệ thống; giúp Bộ Y tế về chuyên môn kỹ thuật trong tổ chức đào tạo, đào tạo lại và giám sát kỹ thuật đối với toàn bộ hệ thống. Trong đó, xây dựng, phát triển hệ thống quản lý chất lượng TTBYT đa tầng là phù hợp. Ðồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm thử nghiệm – chứng nhận – kiểm định – giám định kỹ thuật về an toàn và tính năng TTBYT (Nhân dân, trang 5).

 

‘Ngủ đông’ cứu sống bệnh nhân ngưng tim

Ngưng tim, ngưng thở kéo dài dẫn đến chết não, hồi sức có thể cứu sống bệnh nhân nhưng sau đó họ “ngu ngơ” hoặc sống đời sống thực vật.

Kỹ thuật hạ thân nhiệt để cứu não sau ngưng tim nhằm cứu sống bệnh nhân đang được áp dụng thành công tại Việt Nam.

Mới đây, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân (BN) L.P.K (29 tuổi, ngụ TX.Điện Bàn, Quảng Nam) mắc bệnh Brugada gây rối loạn nhịp tim, trụy tim, ngưng thở, nguy cơ tổn thương não, chết não. Lập tức các bác sĩ (BS) khoa hồi sức tích cực chống độc (HSTCCĐ, BV này) áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt ngoại biên (làm lạnh từ bên ngoài vào) giúp hạ và giữ thân nhiệt của BN ở

33 độ C. Ở nhiệt độ này, gần như mọi hoạt động chuyển hóa của cơ thể, đặc biệt là tế bào não được đưa về mức thấp nhất, được ví như những chú gấu “ngủ đông”.

Ca thứ hai được BV Đà Nẵng cứu sống bằng kỹ thuật này là N.T.T (17 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) bị ngừng tim, hôn mê, ngưng tuần hoàn (do viêm cơ tim cấp).

Cách nay 2 tháng, một người đàn ông 35 tuổi ở TP.HCM, đang trực bỗng ngưng tim, ngưng thở do rối loạn nhịp tim, 30 phút sau đã được đưa đến BV Nhân dân Gia Định. BN được hồi sức có nhịp tim lại và trong 4 giờ đã hạ nhiệt độ xuống 33 độ C, được giải quyết tình trạng loạn nhịp. Ở nhiệt độ 33 độ C, sau 24 giờ, BN được làm ấm dần lên; 2 tuần sau BN xuất viện.

Trước đó, sáng sớm 12.6.2018, nam BN T.T.T (54 tuổi, Việt kiều Mỹ) đang tập thể dục ở TP.HCM, đột ngột đau ngực trái dữ dội, kèm khó thở, vã mồ hôi, được đưa vào BV đa khoa khu vực Thủ Đức cấp cứu, 10 phút sau nhập viện, BN đột ngột ngưng tim. Lập tức, BN được hồi sức tim phổi, sốc điện…, sau 30 phút BN hồi phục tuần hoàn. BV đã hội chẩn và báo động đỏ liên viện đến BV Nhân dân Gia Định, các BS nhận định đây là trường hợp nhồi máu cơ tim tối cấp, tiên lượng nặng, cần chuyển BV Nhân dân Gia Định để tái thông mạch vành. Khi BN vừa đến Khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định thì ngưng tim lần 2. Các BS hồi sức tim phổi; kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy BN bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước. Chỉ trong vòng 77 phút từ khi đến BV Nhân dân Gia Định, BN đã được đặt stent (thời gian vàng tối đa là 90 phút).

Mặc dù đã được đặt stent tái thông mạch vành nhưng BN vẫn còn sốc tim, tình trạng còn rất nặng nên BS cho đặt dụng cụ hỗ trợ tăng sức cơ bóp tim. Dù vậy, BN tiếp tục ngưng tim lần 3 ngay trên bàn mổ. Sau 30 phút hồi sức thì tuần hoàn BN mới trở lại. BN được chuyển qua đơn vị chăm sóc mạch vành, đặt máy hạ thân nhiệt chỉ huy từ 37 độ C xuống 33 độ C và duy trì trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ thì nhiệt độ BN được đưa trở về bình thường, tri giác đã tỉnh táo… Ông T. sau đó trở về Mỹ. Ca Việt kiều Mỹ được cứu sống thành công của BV Nhân dân Gia Định được các đồng nghiệp ở Mỹ đánh giá cao và BV Nhân dân Gia Định được giới thiệu là điểm đến của du khách Mỹ khi du lịch tại Việt Nam nếu gặp vấn đề ngưng tim, ngưng thở.

TS-BS Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa HSTCCĐ (ICU), BV Nhân dân Gia Định, cho biết ngày 6.11.2017, BV chính thức áp dụng kỹ thuật này. Ca đầu tiên cứu sống thành công là một nam BN trẻ bị rối loạn nhịp tim, bệnh lý tim mạch hiếm. Đến nay BV đã thực hiện 27 ca, kết quả cho thấy hồi phục não 100%, không tai biến. Hiện nay, đây là kỹ thuật thường quy của BV Nhân dân Gia Định.

“Đến nay BV Nhân dân Gia Định đã điều trị, cứu sống 27 BN bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt, giúp BN không phải sống đời thực vật, cho thấy việc đầu tư máy móc, phương tiện cho kỹ thuật này của BV là đúng đắn, mang ý nghĩa nhân văn hơn là bài toán kinh tế”, TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định nói.

BV Bạch Mai (Hà Nội) là BV đầu tiên trong nước áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt điều trị các BN ngừng tuần hoàn, cứu sống ca bệnh đầu tiên vào tháng 6.2015. Mới đây, BV đã cứu sống BN là học sinh nam, 13 tuổi, bị ngưng tim tại trường trong khi chơi bóng, được chuyển đến BV trong tình trạng hôn mê sâu.

Theo TS-BS Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, sau khi bị ngừng tim, BN được cấp cứu thành công, tim đã đập trở lại, có mạch và huyết áp nhưng BN vẫn không tỉnh, thì sẽ tiến hành phương pháp làm hạ nhiệt độ cơ thể BN. Các biện pháp thông thường như chườm đá, truyền nước lạnh… có thể áp dụng, tuy nhiên sẽ không kiểm soát được nhiệt độ một cách chính xác

Tại Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, các BS đã sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt nội mạch tiên tiến, với một thiết bị hạ thân nhiệt đặc biệt, đưa một ống thông chuyên biệt vào mạch máu của BN và qua đó tiến hành hạ thân nhiệt điều trị. Thông thường quá trình điều trị sẽ đưa nhiệt độ cơ thể BN xuống 33 độ C (ở người bình thường thân nhiệt 36,5 – 37 độ C). Sau đó máu sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong 24 giờ để giúp cho các tế bào não hồi phục. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm BN theo chương trình rất chặt chẽ nâng dần nhiệt độ BN với mức 0,25 độ C/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Chi, khi nhiệt độ BN hạ xuống, não sẽ bớt phù hơn, bớt viêm và tưới máu não, cung cấp ô xy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não từ đó các tế bào não sẽ hồi phục rất ngoạn mục.

TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết thêm, kỹ thuật hạ thân nhiệt là kỹ thuật tiên tiến, được chỉ định cho những BN ngưng tuần hoàn hô hấp cấp, khiến máu không được bơm lên não, não không được cung cấp ô xy, gây tổn thương tế bào não… “Kỹ thuật này giúp ngăn tổn thương não do thiếu ô xy, bảo vệ tế bào não và tăng khả năng phục hồi cho người bệnh”, TS-BS Lê Đức Nhân nói.
BS Nguyễn Văn Đồng (Khoa HSTCCĐ, BV Đà Nẵng), người thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt ở cả 2 bệnh nhân K. và T. nói trên, cho biết bằng hệ thống hạ thân nhiệt, nhiệt độ BN được kiểm soát ổn định quanh mức 33 độ C trong 24 giờ đầu để tránh gây tổn thương não. Sau đó nâng dần nhiệt độ cơ thể BN về mức bình thường. Hai BN K. và T. hiện đã qua cơn nguy kịch và phục hồi tốt, đặc biệt là não không bị tổn thương.

Theo TS-BS Lê Đức Nhân, để thực hiện được kỹ thuật hạ thân nhiệt, đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về cấp cứu ngoại viện, nội viện. Hiện tại, các chỉ định hạ thân nhiệt tại BV Đà Nẵng đều áp dụng đối với BN ngừng tuần hoàn hô hấp do bệnh lý có thể xử lý và điều trị được như viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim… Khi muốn điều chỉnh nhiệt độ xuống thấp 33 độ C sẽ phải kèm theo một loạt thay đổi nguy hiểm của cơ thể về chuyển hóa, đông máu và suy đa tạng. Kỹ thuật phức tạp này đòi hỏi sự đồng bộ, chặt chẽ cả về kiểm soát chức năng tạng phủ BN, hệ thống máy móc hiện đại, phát hiện sớm các biến chứng để kịp xử lý; các BS được đào tạo bài bản.

“Tạm thời 2 ca thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt đầu tiên sẽ được BV Đà Nẵng miễn phí toàn bộ chi phí kỹ thuật, vật tư thuốc men liên quan”, TS-BS Lê Đức Nhân cho biết (Thanh niên, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 17/5/2019

CDC Hà Nam

Người dân cần chủ động phòng tránh bệnh đau mắt đỏ

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 10/6/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận