Hậu quả của béo phì tới sức khỏe

(CDC Hà Nam)
Béo phì được định nghĩa là những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. BMI được tính toán dựa trên cân nặng và chiều cao của một người.

Béo phì ngày càng trở nên phổ biến và đáng lo ngại bởi những nguy cơ lớn cho sức khỏe.

Nguyên nhân gây bệnh

Mất cân bằng năng lượng: Là nguyên nhân thường gặp nhất gây thừa cân và béo phì. Thừa cân và béo phì xảy ra khi năng lượng mà bạn ăn vào nhiều hơn năng lượng mà bạn tiêu thụ. Nhiều người ăn những suất ăn khổng lồ ở nhà hàng, nơi bán đồ ăn nhanh, bữa ăn gia đình. Những bữa ăn này có thể bằng nhu cầu của 2 người và thậm chí là nhiều  hơn. Ăn quá nhiều tức là năng lượng vào của bạn quá lớn. Theo thời gian, nó sẽ gây tăng cân nếu bạn không có chế độ tập luyện hợp lý.

Lối sống ít hoạt động: Một trong những lý do mà mọi người ít vận động là do ngồi trước tivi và máy tính để làm việc, học tập và giải trí. Trên thực tế, nếu ngồi xem tivi trên 2 giờ mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ thừa cân và béo phì. Những lý do khác của lối sống tĩnh tại bao gồm: ngồi trên ôtô thay vì đi bộ, ít hoạt động do yêu cầu của công việc hoặc ở nhà do sự tiện lợi của công nghệ hiện đại…

Béo phì ngày càng trở nên phổ biến và đáng lo ngại bởi những nguy cơ lớn cho sức khỏe.

Béo phì ngày càng trở nên phổ biến và đáng lo ngại bởi những nguy cơ lớn cho sức khỏe.

Môi trường và điều kiện sống: Môi trường sống tại các đô thị lớn hiện tại không ủng hộ các thói quen sống tốt cho sức khỏe, trên thực tế, nó còn tạo thuận lợi cho béo phì. Một vài lý do có thể kể đến là: Thiếu vỉa hè và không gian an toàn để tập luyện. Không có vị trí để đỗ xe, lề đường, các phòng tập có giá cả hợp lý… khiến nhiều người gặp khó khăn để hoạt động thể thao. Nhiều người không có thời gian để vận động vì công việc kéo dài nhiều giờ.

Yếu tố di truyền: Thừa cân và béo phì có khuynh hướng di truyền. Bạn sẽ có nguy cơ cao bị thừa cân nếu cha hoặc mẹ hay cả hai bị thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, nếu bạn có thói quen ăn uống lành mạnh và tập luyện thường xuyên thì nguy cơ cũng giảm đi.

Các vấn đề sức khỏe: Một vài vấn đề liên quan đến hormon có thể gây thừa cân, béo phì, ví dụ như suy giáp, hội chứng Cushing và hội chứng buồng trứng đa nang.

Do dùng thuốc: Một số thuốc có thể gây tăng cân như corticoid, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống động kinh. Các thuốc này làm chậm quá trình đốt cháy calo của cơ thể, làm tăng cảm giác ngon miệng và gây giữ nước. Tất cả những yếu tố này dẫn đến tăng cân.

Béo phì là nguyên nhân của nhiều bệnh

Bệnh xương khớp: Với khối lượng mỡ khổng lồ thực sự là sức ép lớn lên bộ xương khớp. Người thừa cân, béo phì dễ bị thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức triền miên do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên xương khớp. Khớp gối, cột sống tổn thương sớm nhất. Người thừa cân béo phì dễ mắc bệnh gout.

Bệnh lý tim mạch: Người béo phì thường đi kèm với bệnh rối loạn lipid máu hay thường gọi là bệnh mỡ trong máu hoặc cholesterol cao. Khi cholesterol cao gây xơ hóa lòng mạch máu, tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Mặt khác, ở người béo phì, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể và lâu dài gây quá tải cho tim, do đó, ở người béo phì dễ mắc các bệnh về tim mạch. Hiện tại, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch đang đứng đầu trong các nguyên nhân, trong đó rất nhiều ca là biến chứng của bệnh béo phì.

Bệnh đái tháo đường: Bệnh béo phì có liên quan mật thiết với bệnh tiểu đường type 2 do gây đề kháng insulin (hormon điều hòa đường huyết và đưa nhanh glucose vào tế bào để sử dụng) nên là nguyên nhân trực tiếp gây ra đái tháo đường type 2 ở người béo phì.

Béo phì gây suy giảm trí nhớ: trẻ thừa cân béo phì thường có chỉ số thông minh thấp hơn trẻ có cân nặng bình thường. Người lớn bị béo phì có nguy cơ bị Alzheimer cao hơn so với người bình thường.

Bệnh lý đường hô hấp: Hoạt động của cơ hoành, khí phế quản của người béo phì thường hạn chế do “mỡ bám”, người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, ngừng thở khi ngủ; béo phì càng nặng, rối loạn nhịp thở càng nhiều.

Rối loạn nội tiết do thừa cân béo phì: Phụ nữ béo phì thường bị rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang, khó có thai, nguy cơ vô sinh cao. Nếu có thai, nguy cơ đẻ khó, con dễ bị rối loạn chuyển hóa. Nam giới béo phì thường yếu sinh lý, nguy cơ vô sinh.

Tác động tâm lý: Thừa cân, béo phì khiến cơ thể trở nên quá khổ, vì vậy, chủ nhân luôn có cảm giác tự ti, cho rằng mình không hấp dẫn khi mất đi sự thon thả và những đường cong. Người thừa cân, béo phì thường mất tự tin trong giao tiếp, ngại xuất hiện trước đám đông, căng thẳng, kém linh hoạt trong cuộc sống hàng ngày… làm giảm sút hiệu quả công việc…

Dễ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa: Do béo phì làm cho lượng mỡ dư bám vào các quai ruột gây táo bón, dễ sinh ra bệnh trĩ. Sự ứ đọng phân và các chất thải độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa dễ sinh bệnh ung thư đại tràng. Lượng mỡ dư tích tụ ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh xơ gan… Rối loạn chuyển hóa mỡ sinh ra sỏi mật.

Béo phì và nguy cơ ung thư: Một số nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa béo phì và ung thư như: thực quản, ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư gan mật và ung thư tuyến tiền liệt.

Lời khuyên của thầy thuốc
Để giảm tác hại của thừa cân béo phì lên gánh nặng bệnh tật, mục tiêu giảm cân là cần thiết, tuy nhiên, với mỗi người, cần lựa chọn cho mình biện pháp phù hợp, khoa học. Việc giảm cân không đúng cách sẽ khiến cơ thể không giảm được cân mà còn gây hệ lụy xấu cho sức khỏe. Đặc biệt, người bệnh không tự ý dùng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc sẽ tác động xấu lên các hệ cơ quan khác của cơ thể, rất nguy hiểm.

(Theo suckhoedoisong.vn)

 

 

Bài viết liên quan

Những đảng viên ngành y trên tuyến đầu chống dịch Covid-19

Ngọc Nga

Những cô giáo tình nguyện trong các khu cách ly tập trung

Ngọc Nga

Siết chặt kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit xét nghiệm Covid-19

Mậu Ngọ

Để lại bình luận