Ai không nên ăn quả sấu?

(CDC Hà Nam)

Sấu là một loại quả đặc trưng theo mùa với người dân miền Bắc thường được sử dụng để nấu canh hoặc ngâm đường làm nước giải khát mùa hè hay làm ô mai. Tuy nhiên, có những người không nên ăn sấu hoặc các món chế biến từ quả sấu.

 Công dụng của quả sấu

Ngoài công dụng trong chế biến bữa ăn hằng ngày, các món nước giải khát, quả sấu còn là vị thuốc chữa bệnh. Theo Đông y, quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua, ngọt, tính mát, có công năng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm, sử dụng trị nhiều bệnh chứng như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa…

Theo tài liệu Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam cho biết 100g sấu (tính phần ăn được) có các thành phần dinh dưỡng chính sau:

  • Nước: 94,7g
  • Năng lượng: 38 Kcal
  • Protein: 1,3 g
  • Carbohydrate: 8,2 g
  • Chất xơ: 2,7 g
  • Photpho: 44 mg
  • Canxi: 135
  • Vitamin C: 3 mg.

 Ai không nên ăn sấu?

Sấu xanh rất chua nên những người mắc bệnh các bệnh lý dạ dày tá tràng nên tránh dùng quả sấu tươi hoặc các đồ uống, món ăn có nhiều sấu. Khi đang đói cũng không nên ăn sấu bởi lượng axit trong sấu sẽ gây sẽ hại dạ dày và cồn cào.

Ngoài ra, trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng nên hạn chế sử dụng quả sấu vì hệ tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi tính axit trong sấu.

Nước sấu ngâm đường là thức uống hấp dẫn nhất là khi hè về. Tuy nhiên, việc uống nước sấu ngâm đường cũng nên điều độ. Nếu kéo dài việc uống một lượng nước đường quá nhiều vào cơ thể sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, béo phì, tim mạch… Nhất là với những người có bệnh đái tháo đường nên hạn chế uống các loại nước có ngâm đường.

Cách chọn, bảo quản sấu ăn cả năm

Mùa sấu chỉ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Mùa sấu non bắt đầu từ đầu tháng 5 dương lịch. Khoảng tầm cuối tháng sau, đầu tháng 7, sấu bắt đầu chín bánh tẻ. Đây là thời điểm sấu ngon nhất để cất trữ, bảo quản sử dụng lâu dài cho cả năm.

Chọn sấu tươi mới hái: Sấu tươi ngon là những quả sấu mới được hái, phần cuống còn nguyên nhựa, quả có màu xanh tươi, không bị thâm.

Nên chọn sấu quả bánh tẻ vừa già tới, màu xanh thẫm, cùi dày, vỏ hơi sần. Không nên chọn những quả thâm, bị dập nát hoặc không nên chọn quả sấu non. Quả sấu non (có vỏ xanh nhạt, hạt mềm) hoặc không nên chọn quả sấu quá già (hạt to, thịt sấu mỏng).

Nên cạo sạch vỏ sấu trước khi cho vào ngăn đá tủ lạnh bảo quản. Nếu sấu không cạo vỏ thì khi cho thẳng vào nấu canh sẽ có vị chát của vỏ. Không nên để sấu trong ngăn đá rồi sau đem rã đông mới cạo vỏ thì sấu nhũn, khó làm. Nếu ngại gọt vỏ, bạn có thể tìm đến hàng chuyên cạo vỏ sấu rất nhanh và đều nhau.

Sau khi gọt vỏ và rửa sạch, để ráo nước, chia sấu ra làm nhiều túi nhỏ vừa với một lần nấu và cho vào ngăn đá tủ lạnh. Với cách bảo quản này, sấu sẽ vẫn tươi ngon trong một thời gian khá dài.

Lưu ý, không nên cho tất cả sấu vào chung một túi rồi để vào tủ lạnh. Nếu để cả túi to, mỗi lần mở túi lấy sấu ăn, một lượng hơi ẩm lớn sẽ thâm nhập vào túi khiến cả khối sấu sẽ dính chặt vào với nhau, khó lấy ra từng quả để nấu. Hoặc bạn có thể hút túi chân không để bảo quản sấu. Với cách làm này, bạn sẽ dê dàng khi lấy sấu ăn mà không sợ các quả sấu dính vào nhau.

Với sấu chín, quả sẽ không còn nhựa, nên bạn không cần cắt cuống hay cạo vỏ mà chỉ việc rửa sạch để ráo nước rồi đem bảo quản giống sấu xanh.

Cách làm nước sấu

Chọn sấu tươi, bánh tẻ như đã nói ở trên. Sau khi cạo sạch vỏ sấu, bạn rửa sạch sấu lại với nước lạnh rồi dùng dao khía 1 đường tròn quanh quả sấu rồi cho thau nước muối pha loãng khác và để ngâm tầm 30 phút.

Tiếp đó, đun sôi một nồi nước rồi cho sấu vào chần qua khoảng từ 30 giây – 1 phút cho tới khi quả sấu hơi ngả màu xanh úa thì tắt bếp. Sau đó, đổ sấu vào ngâm trong nước lạnh khoảng 5 phút nữa rồi vớt sấu ra rổ cho nguội hẳn và để ráo nước.

Cho 1/2 lượng sấu vào chậu thau, sau đó đổ 1/2 (500gr) lượng đường và lên, sau đó bạn phủ lên tiếp nửa lượng sấu và trên cùng là nửa lượng đường còn lại.

Để chậu sấu được đậy kín rồi đặt ở nơi khô ráo khoảng 1 ngày để cho đường tan hết thành nước và sấu ngấm vị ngọt. Chắt hết nước đường ngâm sấu ra một chiếc nồi hoặc chảo.

Sau đó, thêm vào 1 ít muối và đun sôi lên, thả thêm 3 củ gừng cắt lát vào nồi nấu chung cho thơm. Đun sôi nước sấu khoảng 3 phút cho sôi lên thì bạn tắt bếp. Chuẩn bị một cái hũ nhựa/ thủy tinh sạch, chần sơ qua nước sôi, tiếp đó cho toàn bộ quả sấu vào.

Khi nước đường ngâm sấu đã nấu nguội hẳn thì bạn múc vào hũ đựng sấu và ngâm khoảng 3 – 4 ngày là có thể dùng được.

Hồng Hạnh

Bài viết liên quan

Triệu chứng bệnh cảm lạnh

Ngọc Nga

Sai lầm khi kết hợp quả dưa chuột với một số thực phẩm có thể gây đau bụng

CDC Hà Nam

Tác dụng phụ của nước cam nếu uống sai cách

Ngọc Nga