Hơn 2 tháng qua Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Không ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân nặng nhất đã từng phải thở máy, chạy ECMO tim phổi thì nay cũng đã chuyển biến tốt và tập đi lại giao tiếp bằng lời nói… Trong khi dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến không ngừng thì Việt Nam lại “an toàn” trong đại dịch. Cuộc sống bình thường mới của người dân Việt Nam đang là niềm mơ ước của nhiều nước.
Bộ Y tế cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 tại bản tin 9h hàng ngày.
Tính đến 9h ngày 17/6/2020, theo thống kê của worldometers.info:
* Thế giới: 8.256.659 người mắc; 445.957 người tử vong.
– 215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc COVID-19.
– Việt Nam đứng thứ 156/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á.
* Việt Nam: 335 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong.
Trong đó:
– Số ca bình phục: 325
– 10 ca bệnh đang được điều trị.
Số TH nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay | Số TH nhiễm phát hiện tại cộng đồng | Số TH đang được cách ly tập trung | Số TH được cách ly tại nhà và theo dõi y tế |
195 | 140 | 6.248 | 921 |
1. Từ ngày 16/4 đến nay: Đã 62 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tính đến 9h ngày 17/6: Việt Nam có tổng cộng 195 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
2. Số ca bình phục trong ngày: 2
3. Số ca tử vong: 0
4. Số ca tiến triển tốt:
– Số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 0 ca.
– Số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2: 4 ca.
5. Số ca nặng: 01
6. Số người cách ly: 7.250
– Cách ly tập trung tại bệnh viện: 81
– Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.248
– Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 921
7. Số trường hợp mắc nhập cảnh được quản lý ngay: 195
8. Số trường hợp mắc được phát hiện tại cộng đồng: 140, trong đó:
– 34 trường hợp xâm nhập từ nước ngoài được phát hiện tại cộng đồng;
– 28 trường hợp lây nhiễm từ trường hợp xâm nhập được phát hiện tại cộng đồng;
– 78 trường hợp lây nhiễm tại cộng đồng.
9. Nhận xét
Đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 325/335 bệnh nhân, chiếm 97% tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam, trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. 10 bệnh nhân COVID-19 còn lại của nước ta đang được điều trị tại các cơ sở y tế đa số có sức khỏe ổn định.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 132.985 trường hợp mắc COVID-19 và 6.294 ca tử vong. Diễn biến dịch đang trái chiều giữa các châu lục, và nguy cơ về làn sóng dịch thứ hai ngày càng hiển hiện. Trong khi ở Châu Âu đang có xu thế “hạ nhiệt” thì bão dịch lại hoành hành ở Mỹ Latinh, đặc biệt là Brazil và Mỹ. Còn Châu Á, nơi khởi phát đại dịch cuối năm 2019, cũng đang thật đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ hai, khi hàng loạt ca COVID-19 mới được phát hiện tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…Ấn Độ đang trở thành tâm dịch mới của châu lục khi ghi nhận số ca mắc bệnh và tử vong tăng vọt.
Tại Việt Nam, đã hơn 2 tháng không ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, cuộc sống bình thường mới của người dân Việt Nam đã diến ra được hơn 1 tháng Trong cơn bão dịch, Việt Nam vẫn đang đứng vững và là “tấm gương sáng chói và hy vọng”, “Nguồn động viên lớn lao” trên thế giới trong công cuộc phòng chống dịch COVID -19.
Trước diễn biến của tình hình dịch bệnh thế giới và Việt Nam, tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức vào chiều nay, 16/6, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ trình Quốc hội các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm, quyết tâm đạt cao nhất các mục tiêu đề ra. Do đó, nhiệm vụ của công tác truyền thông là tiếp tục để người dân không chủ quan với bệnh dịch, đồng thời phấn đấu thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Cả nước tiếp tục bước vào giai đoạn phát triển mới. Tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; thực hiện biện pháp cách ly phù hợp đối với người nhập cảnh, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới, không chỉ là nhằm các mục tiêu phát triển kinh tế mà còn vì các mục tiêu chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là với các đối tác quan trọng, các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Thực hiện tốt việc bảo đảm an sinh xã hội, chú ý bảo đảm việc làm, hỗ trợ đối với người nghèo, không để bất cứ người dân nào bị đói, đứt bữa, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Về tình hình điều trị BN91:
Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã tròn 3 tháng điều trị (hiện là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta). Hiện, đến chiều ngày 16/6, BN91 đã cai thở máy ngày thứ tư, Tuy nhiên, Bệnh nhân còn cần thêm thời gian để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động, trong quá trình hồi phục có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.
Sức cơ của bệnh nhân cải thiện đáng kể. Bệnh nhân đã rút được ống nuôi ăn, tự ăn uống qua miệng. Đây là bước tiến lớn vì những ngày trước đó anh phải ăn qua đường nuôi ăn.
Chức năng thận của bệnh nhân đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt, men tụy bình thường.
Bệnh nhân hiện đã ngưng toàn bộ các loại kháng sinh, chỉ còn thuốc kháng nấm, giảm đau, kháng đông dự phòng huyết khối đường uống xarelto. Hiện tại bệnh nhân tiếp tục được tập vật lý trị liệu ngày 2 lần. Điều chỉnh bù nước điện giải và săn sóc vết loét vùng cụt.
Khuyến cáo:
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tiếp tục thực hiện 6 biện pháp bảo vệ trong phòng, chống dịch COVID-19:
– Vệ sinh tay
– Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi
-Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay
– Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.
-Giữ khoảng cách tối thiểu 1m
– Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật/bề mặt hay được chạm vào.
Theo ncov.moh.gov.vn