Bệnh cúm mùa

(CDC Hà Nam)

Theo thông báo của Bộ Y tế, trong thời gian qua ghi nhận ra tăng các trường hợp mắc cúm tại một số địa phương trên cả nước. Hiện nay thời tiết giá rét, ẩm nồm. Người dân đi lại tăng cao trong dịp Lễ hội đầu năm 2025. Đây là những điều kiện, nguy cơ cao ghi nhận sự ra tăng trường hợp mắc cúm tại tỉnh. Nhằm cung cấp cho người dân một số kiến thức về bệnh cúm và cách phòng tránh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giới thiệu bài viết về bệnh cúm của BSCKI. Vũ Thị Lan, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút cúm gây nên và chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh lưu hành quanh năm và nhiều hơn vào mùa Đông Xuân.

Bệnh lây truyền từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng qua ho, hắt hơi của người bệnh. Ngoài ra bệnh có thể lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút và từ đó qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và gần, đặc biệt ở nơi  tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.

Một số biểu hiện của người mắc bệnh cúm mùa:

Người mắc bệnh cúm mùa có  biểu hiện sốt, sốt cao 39-400C kèm theo rét run, nhức đầu, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng cũng có thể biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, viêm não… và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.

Hiện nay đang là mùa đông xuân, thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường, tập trung đông người tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan.

Các biện pháp phòng chống:

Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, người dân cần thực hiện tốt các nội dung sau:

  1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
  2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất và thường xuyên tập thể dục, thể thao để nâng cao thể trạng.
  3. Tiêm vắc xin cúm mùa để phòng bệnh.
  4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
  5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
  6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

BSCKI. Vũ Thị Lan

Trưởng Khoa Phòng, chống Bệnh truyền nhiễm

 

Bài viết liên quan

Thủ tướng kêu gọi toàn dân phòng, chống dịch COVID-19

Ngọc Nga

Liên tục “nhớ nhớ quên quên” có thể là dấu hiệu của 8 căn bệnh này

Ngọc Nga

Gần 10 nghìn mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được lấy cho Ban bầu cử, Tổ bầu cử, lực lượng phục vụ bầu cử

Ngọc Nga