Hiện nay, bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng số ca mắc tại nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, một số nước như Philippines, Malaysia dịch sởi đã xuất hiện trên diện rộng. Tố chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao… Để người dân có thể nhận biết và phòng ngừa được bệnh sởi, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BS Trần Đắc Tiến – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa bác sĩ! Bác sĩ có thể cho độc giả biết bệnh sởi là gì và tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện nay như thế nào ?
TS.BS Trần Đắc Tiến: Qua tổng hợp và theo dõi của chúng tôi thì trong một vài năm trở lại đây chưa ghi nhận dịch sởi trên địa bàn tỉnh, chỉ ghi nhận nhận các trường hợp mắc rải rác như: Năm 2023: Ghi nhận 01 trường hợp. Năm 2024: Ghi nhận 80 trường hợp. Từ đầu năm 2025 đến nay, đã ghi nhận 132 trường hợp mắc/nghi mắc sởi; với một vài ổ dịch xảy ra tại cơ sở giáo dục. Trong gần 140 trường hợp mắc và nghi mắc sởi. Hầu hết các trường hợp mắc sởi đều chưa đến tuổi tiêm vắc xin sởi, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi; lứa tuổi tập trung chủ yếu nhóm 4 tháng đến 9 tuổi và nhóm 3 tuổi đến 13 tuổi và nhóm từ 18 tuổi đến dưới 35 tuổi.

PV: Vậy những biểu hiện của bệnh sởi như thế nào, thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Đắc Tiến: Đối với bệnh sởi điển hình thì diễn biến 04 giai đoạn: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Một số biểu hiện thường gặp của bệnh sởi thời kỳ khởi phát và toàn phát: Có sốt nhẹ hoặc vừa sau đó sốt cao, viêm xuất tiết mũi hỏng mắt, chảy nước mắt, mũi, ho mắt có rỉ, sưng nề mi mắt sau 1-2 ngày xuất hiện hạt trắng nhỏ như đầu ghim trong niêm mạc má phía trong miệng chuyên ngành gọi là hạt Koplik, có thể ghi nhận một số hạch bạch huyết vùng dưới hàm. Tiếp theo đó có ban nhỏ hơi nổi gờ trên mặt da, giữa các ban là khoảng da lành mọc theo thứ tự sau tai lan ra mặt, lan ngực tay, lan đến lứng chân ban mọc khoảng 4- 6 ngày rồi bay theo thứ tự, khi ban mọc thì sốt giảm dần. Nếu ban mọc đường tiêu hóa thì gây rối loạn tiêu hóa ỉa lỏng, ban mọc đường hô hấp gây ho, viêm phế quản.

PV: Vâng! Có thể thấy một trong nhưng biểu hiện của bệnh sởi là xuất hiện nốt ban đỏ rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh sốt phát ban thông thường. Vậy làm thế nào có thể phân biệt được đâu là bệnh sởi, đâu là sốt phát ban, thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Đắc Tiến: Như tôi có trao đổi ở trên: Ban của bệnh sởi là sần gồ trên mặt da, ban mọc và bay theo thứ tự từ sau tai, lan ra mặt, ngực bụng và toàn thân khi bay thì để lại vết thâm trên da còn gọi là “vằn da hổ”. Còn ban của sốt phát ban có dạng mịn và sáng ít gồ lên mặt da, ban mọc đồng loạt khắp cơ thể, sau khi lặn ban thường không để lại sẹo hoặc vết thâm. Ngoài da bệnh sởi còn kèm theo triệu chứng ho, chảy nước mũi, mắt đỏ.

PV: Như chúng ta đã biết: Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên, lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp. Vậy thời gian ủ bệnh sởi trong vòng bao lâu, thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Đắc Tiến: Thời gian ủ bệnh của bệnh sởi hay còn gọi là thời gian nung bệnh thường khoảng 7 đến 21 ngày; trung bình là 10 ngày. Trong giai đoạn này người bệnh không có biểu hiện gì.
PV: Thưa bác sĩ! Trong điều kiện dịch bệnh sởi đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước như hiện nay thì đối tượng nào dễ mắc bệnh sởi?
TS.BS Trần Đắc Tiến: Nhóm người chưa được tiêm vắc xin phòng sởi, chưa có miễn dịch với bệnh sởi đặc biệt là trẻ nhỏ, nhóm người làm việc học tập khu tập trung đông người khi tiếp xúc với nguồn lây. Trẻ nhỏ ở đây cần lưu ý trước đây có các tài liệu nói rằng chỉ là trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, bây giờ thì dịch sởi đã gặp ở trẻ 4 tháng tuổi đến 15 tuổi.

PV: Vâng như vậy thì tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ cao mắc sởi là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi không có miễn dịch từ mẹ truyền sang và chưa đến tuổi tiêm vắc xin; người đã tiêm vắc xin phòng sởi nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch; những người chưa mắc sởi hoặc tiêm vắc xin phòng sởi trước đây. Vậy nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sởi có thể gây những biến chứng nguy hiểm nào và hậu quả để lại ra sao, thưa bác sĩ?
TS.BS Trần Đắc Tiến: Một số biết chứng thường gặp của bệnh sởi: Biến chứng Hô hấp: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản phổi; Biến chứng về thần kinh: Viêm não viêm màng não; Biến chứng tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, viêm ruột và noma mà trong dân gian gọi là cam tẩu mã. Đây là biến chứng ít gặp nhưng nguy hiểm. Do bội nhiễm xoắn khuẩn vincent gây viêm họng miệng, hoại tử làm thủng thành trong miệng mũi lan lên não, có thể gây tử vong… Biến chứng tai mũi họng: viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai xương chũm. Ngoài ra sởi gặp phụ nữ mang thai gây biến chứng xảy thai, sinh non, thai chết lưu, trẻ sinh ra có nguy cơ mắc sởi, viêm phổi, viêm gan cấp, viêm não cấp.

PV: Thưa bác sĩ! Hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh sởi. Vậy người mắc sởi có thể điều trị tại nhà không?
Người mắc sởi có thể điều trị và theo dõi tại nhà nếu mắc nhẹ và không có biến chứng và cần được bác sỹ tư vấn kỹ lưỡng về chăm sóc tại nhà. Nếu người bệnh có các biểu hiện sau: Sốt cao kéo dài, khó thở, đau đầu, hoặc các biểu hiện bất thường khác phải đưa đến ngay cơ sở y tế.
PV: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sởi ở nhiều địa phương trong cả nước, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đã chủ động có những biện pháp gì để kiểm soát, không để bùng phát lây lan?
TS.BS Trần Đắc Tiến: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam đã tham mưu Sở Y tế bàn hành kế hoạch phòng chống dịch sởi, trực tiếp ban hành kế hoạch, văn bản chỉ dạo hướng dẫn các địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch sởi, đặc biệt chỉ đạo địa phương triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin sởi cho trẻ 6 tháng – 10 tuổi, Tiêm chủng thường xuyên đảm bảo an toàn hiệu quả, Phối hợp tuyên truyền cho nhân dân về phòng tránh dịch sởi, vận động nhân dân tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi. Tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh, hướng dẫn xử lý ca bệnh, hướng dẫn cách ly, khử khuẩn bề mặt…

PV: Thưa TS.BS Trần Đắc Tiến, có ý kiến cho rằng: Hiện nay biện pháp phòng sởi phổ hiến và hiệu quả nhất đó là tiêm phòng vắc xin. Điều đó có đúng không?
TS.BS Trần Đắc Tiến: Chắc chắn đúng, vì tính cảm nhiễm của bệnh sởi rất cao tỷ lệ mắc bệnh có thể lên tới 100% ở người chưa có miễn dịch với bệnh sởi (đó là chưa được tiêm phòng bệnh sởi hoặc chưa mắc sởi).
PV: Vâng, xin cảm ơn TS.BS Trần Đắc Tiến về cuộc trao đổi này!