BỆNH SỞI – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

(CDC Hà Nam)

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… có thể gây nên tử vong.

Triệu chứng của bệnh Sởi

Bệnh Sởi lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện. Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người (nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư…) nên bệnh dễ mắc thành dịch.

Trẻ nhiễm bệnh Sởi có thời gian ủ bệnh từ 07- 21 ngày, sau đó có thể có đầy đủ các triệu chứng như sau: Sốt cao > 39°C; Viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng; Chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt; Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.

Tác hại của bệnh Sởi đối với sức khỏe trẻ em

Mặc dù là bệnh lý lành tính, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng nguy hiểm sau:

– Viêm phế quản, viêm tai giữa cấp: Đây là những biến chứng thường gặp nhất khi trẻ bị bệnh sởi

– Viêm phổi nặng: Trẻ có thể bị sốt cao, nhiễm trùng, bạch cầu tăng, nghe phổi thấy ran nổ, hình ảnh X-quang hiển thị các nốt mờ rải rác ở hai trường phổi

– Viêm não – màng não: Đây là biến chứng ảnh hưởng lên hệ thống thần kinh trung ương có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong. Các biểu hiện bao gồm: Co giật, sốt cao, đái dầm, bí tiểu, rối loạn ý thức, hôn mê

– Biến chứng tiêu hóa: Viêm ruột với biểu hiện tiêu chảy thường nặng nề hơn so với các loại tiêu chảy khác…

– Suy dinh dưỡng hậu Sởi

Cách phòng ngừa và điều trị bệnh Sởi cho trẻ em

Bệnh Sởi ở trẻ em có thể điều trị khỏi nếu chăm sóc đúng cách:

– Cách ly trẻ

– Ngay khi nghi ngờ trẻ mắc sởi, cần cách ly trẻ ở phòng riêng để tránh nguy cơ lây bệnh cho những trẻ khác và những người thân trong gia đình.

-Vệ sinh thân thể và môi trường sống

Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định từ bác sĩ, ba mẹ cần chăm sóc răng miệng, tay chân cho bé hàng ngày. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc cần vệ sinh nhẹ nhàng tránh bị nhiễm khuẩn, lở loét. Sử dụng khăn mềm, lau cho bé bằng nước ấm, dùng khăn mặt riêng và khăn lau người riêng. Mỗi ngày nên cho bé súc miệng bằng nước muối 1 – 2 lần và nhỏ mắt thường xuyên 3 – 4 lần.

Ngoài ra, ba mẹ nên cho bé nghỉ ngơi trong phòng riêng, kín gió, thoáng mát, sạch sẽ. Chăn, gối bé cùng cần được giặt giũ và phơi khô. Đồ dùng cá nhân của bé cũng nên được vệ sinh thường  xuyên.

Chế độ dinh dưỡng: Khi bị sởi, bé thường mệt mỏi nên có thể lười ăn. Vì vậy, mẹ nên cho bú nhiều với trẻ nhỏ hoặc ưu tiên cho bé ăn những món ăn dạng lỏng như cháo, súp để con dễ tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn. Trong chế độ của trẻ bị Sởi, nên chú trọng đến những thực phẩm giàu caroten và protid, cho trẻ uống nhiều nước để đảm bảo cơ thể luôn đủ nước, có thể thay thế bằng các loại nước ép trái cây hoặc dung dịch oresol trong trường hợp trẻ sốt cao và bị tiêu chảy.

Bệnh sởi ở trẻ em có thể gây sốt nhẹ hoặc cao, có thể dùng thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp để giúp con hạ sốt. Khi thấy trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp thì có thể kết hợp dùng các loại thuốc kháng sinh. Tuy nhiên cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Hiện nay, phương pháp phòng ngừa cho trẻ hiệu quả và an toàn nhất đó là tiêm vắc xin. Bộ Y tế khuyến cáo, trẻ từ 9 tháng tuổi cần được tiêm phòng ngừa sởi đơn hoặc vắc xin 3in1, kết hợp Sởi – Quai bị – Rubella sớm.

Thanh Huyền tổng hợp

Bài viết liên quan

Dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi cần biết

Ngọc Nga

Các loại thực phẩm giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt

Ngọc Nga

Mùa nắng nóng, nên coi chừng đột quỵ do nhiệt

Ngọc Nga