Biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu

(CDC Hà Nam)

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu (tên khoa học là Corynebacterium diphtheria) gây ra.

Những ai dễ mắc bệnh bạch hầu?

Ai cũng có thể mắc bạch hầu nếu có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu, đi du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu nhưng chưa được tiêm phòng vaccine dễ mắc bệnh hơn.

Đối với trẻ sơ sinh có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang con nên không mắc bệnh nhưng miễn dịch bảo vệ này sẽ mất đi khi trẻ 6 tháng – 1 tuổi nên trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu không tiêm vaccine. Sau khi mắc bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời tuy nhiên với những nhóm người suy giảm miễn dịch tỉ lệ tái nhiễm bệnh khoảng 2 – 5%.

Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vaccine thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vaccine lên đến 97% nhưng giảm dần theo thời gian, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh bạch hầu.

Biểu hiện bạch hầu

Bệnh Bạch hầu thường khởi đầu như một đợt cảm lạnh thông thường, viêm họng, viêm amidan, hay viêm thanh quản, và đôi khi bệnh này cũng biểu hiện như một bệnh nhiễm trùng da.

Người bệnh sẽ bị viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm. Khi khám thấy có giả mạc. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Ca bệnh xác định chẩn đoán nhờ phân lập vi khuẩn bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm lâm sàng lấy từ mô bệnh.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Tất cả các biến chứng của bệnh bạch hầu kể cả tử vong đều là hậu quả của độc tố. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.

Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường rất xấu, tỉ lệ tử vong rất cao.

Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.

Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi. Tử vong vào khoảng 5 đến 10% có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng bằng cách nào?

Để phòng bạch hầu cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa được bằng biện pháp tiêm phòng vaccine. Tại Việt Nam hiện nay không có vaccine riêng lẻ phòng bệnh bạch hầu, chỉ có những vaccine phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu như:

  • Vaccine 3 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà.
  • Vaccine 4 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt.
  • Vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt – viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB.
  • Vaccine 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt – viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB – Viêm gan B.

Tóm lại, để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé tránh những biến chứng do bệnh bạch hầu gây nên, các thai phụ cần giữ vệ sinh cá nhân tốt, thường xuyên rửa tay, tránh tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh và tiêm ngừa bệnh theo đúng khuyến cáo của cán bộ y tế. Không quá lo lắng, không tự ý dùng thuốc và tiêm bất kỳ loại thuốc gì khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Đinh Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Kiểm soát tăng huyết áp buổi sáng

Ngọc Nga

NGÀY QUỐC TẾ NGƯỜI HIẾN MÁU

Ngọc Nga

Kế hoạch Đáp ứng với từng cấp độ dịch COVID-19 của ngành Y tế

CDC Hà Nam