Bữa cơm gia đình – nền tảng của hạnh phúc và sức khỏe

(CDC Hà Nam)

Đối với mỗi gia đình Việt Nam, bữa cơm không đơn giản chỉ là cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn là cơ hội để mọi thành viên trong gia đình có thời gian chăm sóc, chia sẻ cùng nhau buồn vui trong cuộc sống. Tuy nhiên, làm thế nào để có bữa cơm đong đầy hạnh phúc và đảm bảo sức khỏe cho gia đình lại đang là mối quan tâm của nhiều chị em phụ nữ.

Gắn kết yêu thương

Với sự phát triển của xã hội, ăn uống không chỉ là nhu cầu cơ bản của con người mà còn đem lại giá trị tinh thần to lớn. Các món ăn ngày càng được đầu tư về chất lượng dinh dưỡng, tính thẩm mỹ, tạo cảm giác ngon miệng, đẹp mắt cho người dùng. Với bữa cơm truyền thống của gia đình Việt, ngoài cung cấp dinh dưỡng nuôi sống cơ thể thì đó còn là cơ hội để các thành viên có dịp ngồi với nhau để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, những kinh nghiệm sống, giáo dục đạo đức, lối sống và cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Chị Nguyễn Thị Chinh, ở Phường Liêm Chính (TP. Phủ Lý) lập gia đình 10 năm, dù công việc của hai vợ chồng bận rộn, nhưng bản thân vẫn duy trì việc nấu ăn. Chị quan niệm, ăn cơm là dịp để người lớn chia sẻ về các hoạt động trong ngày, với trẻ nhỏ, qua bữa cơm có thể rèn luyện những đức tính như: văn hóa ứng xử khi ngồi trong bữa cơm, nhường nhịn, dành những miếng ngon cho người khác, tập những thói quen tốt trong khi ăn…  Vì vậy, chị thường xuyên nói về ý nghĩa của mâm cơm sum họp với các con. Chia sẻ thêm, chị Chinh cho hay: Chồng chị làm việc trong quân đội, dù bận rộn nhưng hễ có cơ hội là anh lại tranh thủ về ăn cơm với vợ con. Anh cũng khéo tay và hay trổ tài nấu nướng. Mỗi lần anh vào bếp, tôi và các con rất vui vì có người chồng, người cha tâm lý, biết san sẻ việc nhà.

Để duy trì bữa cơm gia đình, giữ gìn không khí ấm áp yêu thương là việc hết sức quan trọng và cần thiết, đòi hỏi mỗi thành viên phải có ý thức trách nhiệm chủ động sắp xếp thời gian để trở về nhà trước giờ ăn cơm cùng tham gia vào chuẩn bị bữa ăn. Trong đó, người chồng phải thể hiện được vai trò trụ cột, quan tâm, trân trọng bữa cơm gia đình và tham gia cùng vợ chuyện bếp núc để niềm hạnh phúc bình dị của gia đình được nhân đôi. Đặc biệt, việc cả nhà ăn cơm cùng nhau, tạo cho trẻ cảm nhận được sự đầm ấm của gia đình, sự hấp dẫn từ những món ăn… Đó là những chất xúc tác để mỗi thành viên trong gia đình luôn cảm thấy bữa ăn thật sự là khoảng thời gian hạnh phúc không thể bỏ qua. Và mong muốn trở về bên mâm cơm cùng gia đình sau một ngày mệt mỏi, để tìm những giây phút bình yên bên người thân.

Ông Trần Văn Chiến ở phường Quang Trung (TP. Phủ Lý) cho biết: Dù các con đã lập gia đình riêng nhưng cuối tuần chúng đều về thăm và nấu cơm ăn cùng tôi. Chưa cần đến lúc quây quần bên mâm cơm, mà chỉ với không khí bận rộn cùng nhau vào bếp nấu ăn mọi thành viên đã cảm thấy vui và hạnh phúc.

Không cần “mâm cao, cỗ đầy”, bữa cơm gia đình cần được chế biến từ thực phẩm sạch, có đủ thành phần dinh dưỡng và ngon miệng. Cũng là cơm ấy, thịt ấy, cá ấy, rau quả ấy… nhưng nếu khéo chế biến gia giảm và tăng thêm tính thẩm mỹ trong việc chế biến món ăn, sẽ làm bữa cơm ngon hơn, giúp cho mọi thành viên gắn kết với nhau hơn.

Đảm bảo sức khỏe

Ngày nay, khi cuộc sống đã thay đổi, từ chỗ lo “ăn no, mặc ấm”, thì giờ đây chúng ta luôn nghĩ cách để “ăn ngon, mặc đẹp”. Vì lẽ đó, bữa cơm gia đình đã không còn quá đạm bạc, việc ăn uống sao cho ngon miệng, hợp khẩu vị và đủ chất là điều quan tâm hàng đầu của người nội trợ.

Chị Nguyễn Ngọc Anh ở Phường Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý), cho biết: “Để nấu một bữa cơm, tôi phải biết rõ sở thích của mọi người trong gia đình, lên thực đơn thật khéo, đảm bảo dinh dưỡng và không trùng các món đã nấu ở những bữa trước. Việc chọn thực phẩm tốn nhiều thời gian, nhất là hiện nay nhiều loại nguyên liệu chất lượng kém, không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan trên thị trường. Khi chế biến phải đảm bảo vệ sinh, món ăn được trình bày đẹp mắt, kích thích vị giác. Với người vợ, người mẹ, nấu ăn ngon là cách tốt nhất để giữ “lửa”, vun vén hạnh phúc gia đình.

Cũng thường xuyên duy trì việc nấu ăn cho gia đình, chị Phạm Thị Hằng ở xã Liêm Tuyền (TP. Phủ Lý) cho biết: Tuy tôi không thường xuyên nấu những món ăn cầu kỳ đắt tiền, nhưng khi đi chợ tôi luôn quan tâm đến sở thích của chồng, con. Theo chị Hằng, một bữa ăn đủ chất và ngon miệng không nhất thiết phải là đồ đắt tiền. Quan trọng là trách nhiệm tình cảm của người phụ nữ dành cho chồng cho con qua những bữa cơm nóng hổi, tươm tất.

Việc chuẩn bị mâm cơm, cùng nhau dùng bữa là giây phút để các thành viên trong nhà gắn bó với nhau. Đây cũng là cơ hội để người nội trợ thể hiện tình yêu đối với người thân thông qua món ăn. Bên cạnh đó, việc dùng cơm nhà còn giúp gia đình tiết kiệm, đảm bảo sức khỏe. Theo BSCKI. Nguyễn Trung Kiên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Một một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng là bữa ăn bảo đảm có đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Qua đó, mới cung cấp cho nhu cầu của cơ thể về năng lượng và tính cân đối, hợp lý các chất dinh dưỡng. Vì vậy, mỗi gia đình cần sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, khuyến khích lựa chọn thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh, chú ý uống đủ nước v.v. Bác sĩ Kiên cho biết thêm: bữa ăn hàng ngày có đầy đủ các thành viên trong gia đình – là nơi để gắn kết tình yêu thương, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, tạo không khí vui vẻ, trẻ em sẽ học được nhiều điều hơn về phép lịch sự trong ăn uống, về thói quen ăn uống lành mạnh và cách kiểm soát khẩu phần ăn của mình.

Có thể thấy, bữa cơm gia đình tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng lại chính là nơi gắn kết các thành viên, là nơi giữ “lửa” hạnh phúc. Bởi vì bữa cơm gia đình tuy không có nhiều món ăn cầu kỳ đắt tiền, nhưng phụ nữ trong gia đình, trước hết là người vợ, người mẹ luôn quan tâm đến sở thích của chồng con. Đó chính là biểu hiện của sự quan tâm, chăm sóc cũng như đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Hà Nam: Tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19

Ngọc Nga

Nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá

CDC Hà Nam

Bộ Y tế ban hành Quy định về đánh giá mức độ nguy cơ trong phòng chống dịch COVID-19.

admin

Để lại bình luận