Cách chăm sóc đúng khi trẻ mắc thủy đậu để tránh bị sẹo

(CDC Hà Nam)

Thủy đậu là bệnh rất dễ lây lan, qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc do virus từ đờm dãi, nước mũi, nước bọt của người bệnh khi nói, ho, hắt hơi. Nếu chăm sóc không đúng khi trẻ mắc bệnh các mụn nước sẽ có thể viêm da bội nhiễm, để lại sẹo lõm trên da, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Thủy đậu có thể gặp các biến chứng như: Sẹo trên da, viêm da, viêm tai… thậm chí là viêm màng não, viêm não… Vì vậy, cha mẹ cần chú ý những gì để bệnh mau khỏi và không để lại biến chứng cho trẻ là vô cùng quan trọng.

Thủy đậu hay còn gọi là phỏng dạ, trái dạ là bệnh do virus Varicella Zoster gây nên. Biểu hiện của bệnh thủy đậu là xuất hiện ban đỏ mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da nên có thể thấy chúng ở nhiều mức độ khác nhau từ nốt sẩn, bọng nước trong, bọng nước đục hoặc đóng vẩy.

Bệnh thủy đậu ở trẻ vì sao dễ để lại sẹo?

Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây nên. Virus này có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu, khi bong ra tồn tại trong không khí. Bởi vậy, bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu, lây qua đường hô hấp do hít phải virus do người bị bệnh thủy đậu nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho… làm nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài.

Thông thường trẻ mắc thủy đậu có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ, bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Đặc trưng của các ban đỏ mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da, nên có thể thấy chúng ở nhiều mức độ khác nhau, từ nốt sẩn, bọng nước trong, bọng nước đục hoặc đóng vẩy.

Bệnh thủy đậu kéo dài từ 7 – 10 ngày, nếu chăm sóc, điều trị đúng sẽ không có biến chứng, các mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Nhưng ngược lại nếu chăm sóc, điều trị không đúng, các mụn nước có thể nhiễm trùng để lại sẹo, thậm chí có thể nhễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm não, viêm màng não, xuất huyết, viêm mô tế bào, viêm gan… một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Chữa thủy đậu ở trẻ như thế nào?

Câu hỏi nhiều cha mẹ băn khoăn là khi trẻ mắc thủy đậu thì cần phải làm gì? Trước hết cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để được bác sĩ thăm khám.

Việc thăm khám này để chẩn đoán chắc chắn xem trẻ có phải mắc thủy đậu không. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại nhà hay cần điều trị tại bệnh viện.

Với nguyên tắc chữa thủy đậu chủ yếu dựa vào điều trị triệu chứng, giảm sốt, giảm ngứa, ngăn không cho trẻ gãi mụn nước làm vỡ và lây lan ra thêm.

Đối với trẻ mắc thủy đậu không có biểu hiện bội nhiễm có thể điều trị tại nhà. Việc cha mẹ cần lưu ý là tuân thủ theo chỉ dẫn và phác đồ thuốc của bác sĩ, tái khám đúng lịch. Cần nhớ dùng dung dịch xanh methylen hoặc thuốc tím 1/4000 để chấm vào nốt thủy đậu trong trường hợp nốt phỏng nước bị vỡ. Do trẻ mắc thủy đậu sẽ bị ngứa và sốt, nên trong quá trình chăm sóc, điều trị tại nhà cần theo dõi trẻ kỹ, nếu trẻ có biểu hiện bất thường, cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra kịp thời.

Với trường hợp bác sĩ có chỉ định dùng thuốc điều trị thuốc kháng virus, thuốc hạ sốt, giảm đau và các vitamin… Cha mẹ cần thực hiện đúng theo lời dặn của bác sĩ. Vì tùy theo lứa tuổi và biểu hiện bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng virus cho phù hợp. Hoặc có trường hợp bội nhiễm sẽ được dùng các loại kháng sinh thích hợp.

Tuyệt đối cha mẹ không tự ý sử dụng thuốc cho trẻ, không thay đổi liều lượng, vì nếu dùng sai thuốc sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Cách chăm sóc đúng khi trẻ mắc thủy đậu

Do thủy đậu lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cách ly người bệnh cho tới khi khỏi hẳn. Nên cho trẻ ở phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly khoảng 7 đến 10 ngày, cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn.

Bên cạnh đó, việc vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% là rất cần thiết. Không kiêng tắm mà cần thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch, để tránh bội nhiễm trên da.

Cho trẻ mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng, vải mềm, thấm hút mồ hôi. Cần cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay của trẻ sạch sẽ hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ, nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.

Khi mắc thủy đậu ngoài biểu hiện sốt trẻ sẽ bị ngứa nên sẽ quấy khóc, lười ăn, các thức ăn cho trẻ cần chế biến mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.

Trường hợp trẻ sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường, nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc. Cha mẹ tuyệt đối khi tắm không chà xát mạnh, tránh làm vỡ các nốt thủy đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.

Tóm lại: Biến chứng thường gặp nhất khi trẻ mắc thủy đậu là nhiễm trùng. Khi bị nhiễm trùng, bệnh có thể để lại sẹo. Nếu tình trạng nhiễm trùng xảy ra, những vết sẹo thủy đậu không thể lành và sẽ gây mất thẩm mỹ cho trẻ. Bởi vậy, cha mẹ tuyệt đối không nên tự điều trị bệnh thủy đậu theo kinh nghiệm dân gian, không chữa theo mách bảo mà cần đến các cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ có chuyên môn thăm khám, chỉ định thuốc chữa và hướng dẫn cách chăm sóc đúng, để tránh biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ về sau.

Đinh Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Dinh dưỡng phù hợp cho người cao tuổi đón Tết

Mậu Ngọ

Nguy cơ tai biến mạch máu não ở người tăng huyết áp

CDC Hà Nam

Rửa tay đúng cách: Liều “vắc-xin” mạnh nhất chống lại bệnh tật

Ngọc Nga