Cách kiểm soát đường huyết cho người không mắc tiểu đường

(CDC Hà Nam)

Duy trì cân nặng ổn định, không hút thuốc, tập thể dục thường xuyên, ưu tiên chất xơ giúp kiểm soát đường huyết ở mức cân bằng.

Tăng đường huyết thường liên quan đến bệnh tiểu đường. Nhưng trong một số trường hợp, người không mắc tiểu đường cũng có thể gặp tình trạng lượng đường trong máu cao. Tăng đường huyết không do đái tháo đường thường xảy khi một người gặp chấn thương hoặc sự kiện căng thẳng, người bị kháng insulin hoặc tiền tiểu đường. Một số biện pháp dưới đây có thể giúp phòng ngừa tình trạng này.

Ăn uống lành mạnh, có kế hoạch: Một người được xác định bị tăng đường huyết không do đái tháo đường nên gặp chuyên gia dinh dưỡng để được lên kế hoạch ăn uống nhằm giảm lượng đường trong máu. Chế độ ăn uống tốt cho tình trạng này là tăng lượng rau xanh, các loại ngũ cốc nguyên hạt, nguyên cám, giảm số lượng carbohydrate, hạn chế thức ăn nhanh, nhiều chất béo bão hòa…

Tập thể dục: Người lớn nên dành ít nhất 150 phút để hoạt động thể chất mỗi tuần. Các bài tập cường độ vừa phải như chạy bộ, đạp xe giúp giảm lượng đường trong máu; giữ cho lượng đường trong máu ổn định. Trẻ em nên hoạt động thể chất ít nhất 60 phút mỗi tuần. Ba mẹ cần hạn chế trẻ ngồi một chỗ quá lâu, tránh các thói quen xấu như ăn đồ ăn nhanh, lạm dụng đồ uống có ga, đồ uống nhiều đường. Việc ổn định đường huyết khi còn nhỏ sẽ tốt cho sức khỏe tổng thể khi trưởng thành.

Hạn chế hoặc không uống rượu: Nam giới có thể uống 2 ly rượu mỗi ngày. Nữ giới không uống quá một ly rượu trong ngày. Mức giới hạn này hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu. Bỏ rượu bia, chất kích thích tốt cho sức khỏe tổng thể.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Béo phì làm tăng nguy cơ đường huyết cao. Do đó, cân nặng khỏe mạnh là một yếu tố quan trọng giúp giảm lượng đường trong máu. Bạn hãy lập kế hoạch giảm cân nếu bạn thừa cân, giữ cân nặng ở mức ổn định giúp giảm nguy cơ tăng đường huyết.

Không hút thuốc: Nicotine và các hóa chất khác trong thuốc lá làm tăng nguy cơ tổn thương phổi. Các chất này cũng khiến lượng đường trong máu tăng cao và khó kiểm soát. Do đó, bạn nên hạn chế đến các khu vực có khói thuốc lá, bỏ thuốc nếu đang hút.

Tăng đường huyết ở người không mắc tiểu đường khá giống với tăng đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường. Triệu chứng phổ biến, bao gồm khát nước nhiều hơn, đi tiểu thường xuyên, buồn nôn, mờ mắt hoặc mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân, tăng cảm giác đói… Tuy nhiên, triệu chứng tăng đường huyết ở người không mắc tiểu đường thường mơ hồ, ít được chú ý và khó nhận biết hơn.

Tăng đường huyết ở người không mắc tiểu đường có thể dẫn đến một số biến chứng như tổn thương thần kinh, tổn thương động mạch và mạch máu, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, tổn hại hệ thống miễn dịch làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Để điều trị tình trạng này, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng insulin hoặc một số dạng thuốc điều chỉnh để cân bằng lượng đường trong máu. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Ngọc Nga

Cách khắc phục thoái hóa cột sống cổ

Ngọc Nga

Cách phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ ở người nhiễm HIV

Ngọc Nga