Nguy cơ có thể gặp khi dùng nhiều thuốc
Tác dụng phụ của thuốc
Thuốc luôn là con dao hai lưỡi. Bên cạnh tác dụng trị bệnh (tác dụng chính) thì thuốc có thể gây ra một số bất lợi cho người sử dụng (tác dụng không mong muốn). Điều này có thể xảy ra ngay cả ở liều điều trị và không lường trước được, vì nó còn phụ thuộc vào cơ địa, bệnh lý… của từng người bệnh. Đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao mà người hai người cùng dùng một thuốc mà một người gặp bất lợi còn người kia thì không.
Các tác dụng không mong muốn (đã biết) thường được liệt kê trong tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc hoặc thông tin ngay trên nhãn của hộp thuốc.
Chỉ dùng thuốc khi được bác sĩ khám bệnh và kê đơn.
Tương tác thuốc
Tương tác thuốc xảy ra khi dùng cùng lúc hai thuốc trở lên. Tương tác thuốc này có thể tốt (có lợi trong điều trị bệnh), có thể không tốt (bất lợi) và đây là một trong những vấn đề cần quan tâm trong dùng thuốc ở đối tượng này.
Có thể thấy, tình trạng sử dụng đồng thời nhiều thuốc cùng với những thay đổi về dược động học và dược lực học khiến người cao tuổi có nguy có cao gặp phải các tương tác bất lợi.
Tương tác bất lợi này có thể làm gia tăng tác dụng phụ, tăng độc tính của thuốc… gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Những điều cần lưu ý để dùng thuốc an toàn
Để dùng thuốc được an toàn và có thể phòng ngừa những bất lợi do dùng thuốc gây ra, người cao tuổi cần lưu ý:
Khi có bệnh cần phải đi khám để được dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của mình, tránh tự ý dùng thuốc theo mách bảo, dùng theo đơn thuốc cũ… Vì nhiều khi hai người bệnh tuy có cùng triệu chứng song lại là hai bệnh khác nhau. Cơ địa của mỗi người khác nhau nên có khi cùng một bệnh mà thuốc dùng lại không giống nhau là vậy.
Khi đi khám bệnh, người bệnh cần nói rõ cho bác sĩ biết về các triệu chứng (diễn biến) bệnh tật của mình, các bệnh mắc kèm và các thuốc mình đang dùng (kể cả thuốc chữa bệnh đông y hoặc tây y và thuốc bổ như vitamin…), đã từng bị dị ứng với thuốc nào (nếu có), và cả những thói quen ăn uống trong sinh hoạt hàng ngày như hút thuốc, uống rượu, cà phê… (các chất này có ảnh hưởng tới việc dùng thuốc). Bác sĩ sẽ căn cứ vào các đặc điểm trên sẽ cân nhắc khi kê đơn, lựa chọn thuốc làm sao vừa đạt được mục đích điều trị bệnh hiện tại, vừa tránh hoặc hạn chế sự tương tác bất lợi của các thuốc khi dùng cùng hoặc sẽ có những lời khuyên hữu ích giúp người bệnh dùng thuốc hiệu quả hơn…
Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.
Khi được bác sĩ kê đơn, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định. Tránh những trường hợp thấy bệnh giảm đi (tưởng khỏi) tự ý bỏ thuốc hoặc giảm liều dùng (điều này hay xảy ra ở những người mắc bệnh mạn tính như bệnh tăng huyết áp, viêm khớp… ), sẽ làm cho bệnh không khỏi, thậm chí nặng hơn nguy hiểm đến tính mạng. Ngược lại thấy bệnh lâu khỏi lại sốt ruột tự ý tăng liều dùng, sẽ gây quá liều dẫn tới tình trạng ngộ độc thuốc ở người già. Trong quá trình dùng thuốc phải luôn luôn nghe ngóng cơ thể, xem bệnh tiến triển thế nào (tốt hơn hay xấu đi) đặc biệt nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường (có thể là do tác dụng phụ của thuốc hay các triệu chứng xấu đi của bệnh) đều phải liên hệ chặt chẽ với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý kịp thời, thích hợp.
Trước khi dùng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm với thuốc. Điều này sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về loại thuốc mà mình sử dụng; nhận diện được những bất lợi có thể xảy ra và cách phòng hoặc khắc phục những bất lợi của thuốc…
Cần tái khám đúng hẹn, đặc biệt đối với người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, các bệnh về tim mạch, xương khớp… Mục đích của tái khám là để đánh giá hiệu quả điều trị của đơn thuốc đã dùng như thế nào, mức độ chuyển biến bệnh ra sao? Có những trường hợp qua việc tái khám, bác sĩ có thể phải thay đổi liều lượng thuốc, hoặc phải thay đổi thuốc (nếu cần) cho phù hợp hơn với tình trạng diễn biến của bệnh…
DS Hoàng Thu Thủy