Triệu chứng của bệnh sỏi mật
80% các trường hợp sỏi mật không có triệu chứng, đặc biệt là sỏi túi mật. Một số người có thể thấy xuất hiện các dấu hiệu mơ hồ như chán ăn, sợ mùi dầu mỡ hoặc đắng miệng, khô họng, buồn nôn, đầy trướng, chậm tiêu sau mỗi bữa ăn. 20% còn lại có triệu chứng khi đã bị biến chứng, với các dấu hiệu: Đau bụng: Đau do sỏi mật thường khởi phát sau bữa ăn nhiều dầu mỡ, hoặc vào ban đêm khiến bạn mất ngủ. Vị trí đau ban đầu có thể hạ sườn phải, sau đó lan ra bả vai phải và ra sau lưng. Cơn đau có thể âm ỉ nhưng cũng có thể rất dữ dội, kéo dài vài giờ cho đến vài ngày. Sốt: Sốt có thể xảy ra trước, hoặc sau cơn đau, kéo dài vài giờ, có khi vài tuần, hàng tháng. Vàng da: Vàng da, vàng mắt xảy ra sau đau và sốt 1 – 2 ngày do sỏi gây tắc mật, kèm theo ngứa, nước tiểu vàng, phân bạc. Vàng da mất đi chậm hơn so với đau và sốt.
Để chẩn đoán bệnh, ngoài 3 triệu chứng điển hình (đau, sốt, vàng da), cần xét nghiệm công thức máu (bạch cầu tăng cao), xét nghiệm sinh hóa gan mật (bilirubin tăng cao), xét nghiệm nước tiểu. Bên cạnh đó cần siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
Nguyên nhân hình thành sỏi mật
Có trong dịch mật, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là sự mất cân bằng do sản xuất, vận chuyển dịch mật trong gan – nơi tiết ra dịch mật, ứ trệ dịch mật kéo dài, viêm đường mật và nhiễm khuẩn dịch mật. Ngoài ra, yếu tố cơ địa cũng là một trong những nguyên nhân gây sỏi mật rất khó tác động. Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển sỏi mật bao gồm: Chức năng gan suy giảm (gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, tăng men gan…) làm giảm chất chất lượng dịch mật; Thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu; Chế độ ăn uống ít calo, nhiều chất béo bão hòa, ít chất xơ và rau xanh; Lối sống ít vận động khiến dịch mật bị ứ trệ tạo điều kiện thuận lợi cho cholesterol kết tủa; Sử dụng thuốc tránh thai dài ngày; Sử dụng thuốc hạ cholesterol (hạ mỡ máu) làm tăng đào thải cholesterol trong dịch mật.
Biến chứng do sỏi mật
Sỏi có thể gây tắc nghẽn dịch mật thành từng đợt, nếu kéo dài sẽ dẫn đến viêm đường mật, túi mật (90% bệnh nhân bị sỏi đường mật nhập viện là do viêm đường mật, túi mật) cấp hoặc mạn tính, viêm tụy cấp, nặng hơn nữa là sốc do nhiễm trùng đường mật, hoại tử túi mật, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết… Nếu không xử lý cấp cứu nhanh chóng, kịp thời, thậm chí có thể gây tử vong.
Sỏi gan có thể gây ứ mật trong gan, gây áp-xe gan, xơ gan và cuối cùng dẫn đến suy gan làm giảm khả năng chuyển hóa trong cơ thể.
Nguyên tắc điều trị
Khi nghi ngờ bị sỏi mật cần đi khám bệnh để được xác định trên cơ sở các kết quả thu được, bác sĩ sẽ có hướng điều trị. Điều trị sỏi mật trước tiên là điều trị nội khoa (dùng thuốc), ngay cả khi có viêm nhiễm đường mật, nhất là đối với người cao tuổi, sức khỏe yếu. Nếu điều trị nội khoa không khỏi, có thể phải hội chẩn để điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) nhằm hạn chế biến chứng. Ngày nay, mổ lấy sỏi mật bằng phương pháp nội soi có nhiều ưu điểm.
Phòng ngừa sỏi mật
Chế độ ăn uống lành mạnh: Thói quen ăn uống đóng vai trò rất quan trọng giúp bạn phòng bệnh và tăng cường sức đề kháng. Để ngăn ngừa bệnh sỏi mật, hãy luôn nhớ ăn đủ bữa và cân đối dinh dưỡng theo những lưu ý sau đây: Ăn đủ bữa: Bạn không nên nhịn đói hoặc bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng vì thói quen này có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật; Đảm bảo dinh dưỡng: cân đối dinh dưỡng và hạn chế thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, các loại thịt đỏ. Hãy ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi và uống đủ nước mỗi ngày.
Thói quen vận động: Cần duy trì thói quen vận động để tăng cường sức khỏe và giữ cân nặng hợp lý: Thường xuyên tập thể dục: Bạn có thể chọn những bài tập đơn giản nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga… Giữ cân nặng hợp lý: Nếu bạn thừa cân, đừng nôn nóng giảm cân cấp tốc mà phải thực hiện giảm từ từ vì sụt cân nhanh có thể làm tăng nguy cơ sỏi túi mật. Mức giảm khoảng 0,5 – 1kg mỗi tuần là hợp lý nhất.
BS. Nguyễn Thị Phương