Nguyên nhân do đâu?
Xuất huyết giảm tiểu cầu là tình trạng xuất huyết do tiểu cầu bị phá hủy quá nhiều ở máu ngoại vi hoặc giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương. Căn bệnh này khá nguy hiểm, phức tạp, thường phải điều trị lâu dài và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu xảy ra ở nhiều lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên, đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em và người trẻ tuổi, nữ giới bị bệnh nhiều hơn nam giới.
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là một bệnh lý có tên gọi là ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (immune thrombocytopenic purpura – ITP), trước đây gọi là ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Người ta không biết được nguyên nhân chính xác gây ra ITP, chỉ biết rằng nó xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy đi chính các tiểu cầu trong máu.
Hình ảnh người bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.
Ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có tính chất gia đình, nhưng nhiều yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc phải. Điều trị có thể làm cải thiện tình trạng giảm tiểu cầu trong ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch.
Ngoài ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch còn có các nguyên nhân khác gây ra giảm tiểu cầu như: Nhiễm siêu vi (như sởi, Parvovirus, siêu vi viêm gan C, Epstein-Barr, HIV); Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống; Bệnh bạch cầu dòng lympho mạn tính; Ban xuất huyết giảm tiểu cầu do thuốc gây ra; Nhiễm khuẩn huyết; Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (H. Pylori) – loại vi khuẩn sống trong dạ dày.
Một số loại thuốc cũng có thể gây ra tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu, thuốc chống kết tập tiểu cầu (không gây giảm tiểu cầu nhưng gây xuất huyết), thuốc chống động kinh, kháng sinh. Heparin – một loại thuốc chống đông máu hoặc do phẫu thuật cầu nối động mạch vành tim. Xạ trị lên tủy xương.
Các bệnh lý như: Ung thư máu như bệnh bạch cầu hoặc u lympho; Tổn thương tủy xương, như bị độc tố do uống quá nhiều rượu; Thiếu vitamin B12 hoặc vitamin B9 (acid folic); Bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp… có thể gây xuất huyết giảm tiểu cầu.
Ở một số thai phụ cũng bị tình trạng này, khoảng 5% phụ nữ khỏe mạnh bị giảm tiểu cầu trong thai kỳ và tình trạng thường sẽ cải thiện sau khi sinh. Nhưng giảm tiểu cầu khi mang thai có thể gặp ở các bệnh lý nguy hiểm hơn như tiền sản giật hoặc hội chứng HELLP (tán huyết, giảm tiểu cầu, tăng men gan).
Dấu hiệu nhận biết xuất huyết giảm tiểu cầu
Trong đa số trường hợp, người bệnh dễ bị chảy máu ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng như: chấm xuất huyết ngoài da, bầm da, chảy máu nướu răng, chảy máu mũi, rong kinh, tiểu máu, ói máu, xuất huyết não… và thông thường, giảm tiểu cầu sẽ không biểu hiện triệu chứng trừ khi tiểu cầu giảm nhiều. Các triệu chứng thường gặp nhất là thường gặp chảy máu mũi hoặc nướu răng. Phụ nữ có thể bị rong kinh, cường kinh. Có thể thấy máu trong phân hoặc nước tiểu.
Xuất hiện đốm đỏ ở da: gọi là đốm xuất huyết dưới da, thường gặp ở dưới chân, bàn chân nhiều hơn. Nếu xuất huyết dưới da nhiều, thay vì đốm xuất huyết thì nó sẽ trở thành mảng xuất huyết nhìn tương tự như vết bầm khi bị đánh. Dân gian gọi chó ma cắn thật ra là vì mảng xuất huyết dưới da. Khó cầm máu khi có vết thương chảy máu.
Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp, cơ thể người bệnh sẽ có thể bị xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi va chạm rất nhẹ. Các trường hợp xuất huyết nặng bao gồm: xuất huyết tiêu hóa (ói ra máu), xuất huyết đường niệu (tiểu đỏ), xuất huyết não màng não (tai biến)… Tuy nhiên, tỷ lệ xuất huyết não màng não rất thấp, chỉ khoảng 0,5-1% người bệnh.
Vì vậy, khi người dân thấy những triệu chứng nghi ngờ thì hãy đến các cơ sở y tế để kiểm tra số lượng tiểu cầu, loại trừ xuất huyết do giảm tiểu cầu, tìm nguyên nhân và điều trị sớm, triệt để, tránh xảy ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Các thành phần cấu tạo máu.
Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Việc điều trị người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế vận động mạnh, hạn chế chơi những môn thể thao có tính đối kháng và va chạm nhiều. Theo dõi kinh nguyệt đối với trẻ em gái đến tuổi dậy thì, nếu lượng máu kinh nhiều, nên báo với bác sĩ để có điều trị thích hợp. Khi bị một bệnh lý khác như huyết khối tĩnh mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp…, người bệnh cần phải sử dụng thuốc kháng đông phải khai rõ tình trạng bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu và thuốc đang sử dụng nếu có với bác sĩ.
Khi người bệnh cần nhổ răng, làm thủ thuật xâm lấn hoặc phải phẫu thuật cũng cần khai rõ tiền sử bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu của mình. Phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ nếu tình trạng bệnh chưa ổn định thì nên tránh mang thai vì có thể không an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Điều quan trọng nhất là người bệnh phải tái khám và tuân thủ điều trị vì tính chất nguy hiểm và dễ tái phát của bệnh cũng như các tác dụng phụ thường gặp của thuốc.
BS. Trần Thị Thiên (Suckhoedoisong.vn)