Trẻ sơ sinh được tính từ lúc sinh ra cho đến khi được 4 tuần tuổi. Trong giai đoạn này, bé chưa phân biệt được ngày và đêm, cứ bú thật no và tã sạch là ngủ. Bé bú mẹ càng nhiều thì càng kích thích mẹ ra sữa.
Bé ngủ khoảng 16 đến 18 giờ và đi tiểu tiện, đại tiện từ 10 đến 20 lần mỗi ngày. Cảm giác an toàn bên mẹ, được nghe giọng nói thân thuộc của cha mẹ mỗi khi thức dậy sẽ mang lại cảm giác hạnh phúc cho bé.
Chăm sóc trẻ sơ sinh
Trong giai đoạn 4 tuần đầu, cha mẹ lưu ý chăm sóc:
– Ôm con da kề da trong ít nhất 90 phút sau sinh;
– Hỗ trợ con bú ngay sau khi còn nằm trên ngực mẹ;
– Trẻ sinh non cố gắng áp dụng da kề da càng nhiều càng tốt;
– Cho trẻ bú theo nhu cầu;
– Để nhiệt độ phòng 27-28 độ C.
– Đội mũ, đi tất chân cho trẻ;
– Kiểm tra trẻ có bị lạnh không bằng cách sờ bàn chân, nếu trẻ lạnh phải ủ ấm ngay;
– Thay tã, bỉm ngay sau khi trẻ đại, tiểu tiện để tránh nhiễm lạnh.
Các vắc-xin trẻ sơ sinh sẽ được tiêm
Để đạt hiệu quả phòng ngừa bệnh tật, trẻ sơ sinh cần được tiêm 3 mũi sau càng sớm càng tốt.
– Vitamim K1 liều 1 mg; liều 0,5 mg cho trẻ có cân nặng < 1500g – tiêm ngay sau sinh;
– Vắc-xin phòng lao – trong vòng 1 tháng đầu sau sinh;
– Vắc-xin viêm gan B – trong vòng 24 giờ sau sinh.
Thực tế, với những trẻ sinh ra có đủ sức khỏe, phát triển ổn định, không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt thì thường được tiêm phòng lao ngay ngày đầu tiên sau sinh. Tuy nhiên thời gian gần đây, một số cơ sở y tế đã ngừng tiêm phòng lao sau sinh và đưa chương trình tiêm phòng lao về y tế tuyến xã, phường.
Với những trẻ sinh non, những trẻ có vấn đề sức khỏe cần theo dõi, chăm sóc đặc biệt thì đợi đến khi trẻ có thể trạng tốt, cần tiến hành tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt.
Cha mẹ nên hỏi cán bộ y tế về các mũi tiêm vắc-xin trẻ đã được nhận sau khi sinh lưu giữ mẫu phiếu tiêm chủng để tiêm “đúng và đầy đủ theo lịch”.
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn
Ngay sau khi sinh, trẻ được đặt nằm trên ngực mẹ, da kề da, với sự hỗ trợ của nữ hộ sinh, mẹ hãy cố gắng cho con bú mẹ sớm.
Hỗ trợ bé tìm vú mẹ. Không cho trẻ bú bất cứ thứ nước gì trước khi bú mẹ, đồng thời không cho trẻ ăn sữa ngoài hoặc bất cứ đồ uống gì khác.
* Tư thế bú đúng:
– Đầu thẳng, không vẹo, không gập;
– Đỡ cả đầu, vai, thân trẻ;
– Để mặt trẻ đối diện với vú mẹ;
– Mũi trẻ trực diện với núm vú;
– Cằm trẻ chạm vào vú mẹ;
– Chạm núm vú vào miệng trẻ, trẻ há miệng đưa nhanh núm vú vào miệng trẻ, môi ngậm kín hết quầng vú;
– Trẻ mút mạnh, có quãng ngừng, mẹ có cảm giác dòng sữa ra khi trẻ bú.
* Bú không hiệu quả: Có tiếng mút “chụt chụt”, lồng ngực lõm vào, thở nhanh khi bú, cằn nhằn, nhả vú.
Chăm sóc rốn của trẻ sơ sinh
Trong vòng 10 ngày đầu tiên, gia đình cần chú ý chăm sóc vệ sinh rốn cho bé hàng ngày.
– Để dây rốn tự do, không băng kín;
– Giữ dây rốn sạch, không để nước tiểu, phân dính vào;
– Tắm sạch, lau khô;
– Để cuống rốn tự rụng. Nếu chân rốn ướt, hôi, có mủ sau khi chăm sóc theo hướng dẫn, cần có sự hỗ trợ của cán bộ y tế.
Tắm cho trẻ sơ sinh
Cha mẹ nên là người trực tiếp tắm cho trẻ sơ sinh để cảm nhận niềm hạnh phúc khi được chạm vào, đồng thời giúp con cảm nhận tình yêu thương của cha mẹ qua các hoạt động hàng ngày. Tắm bé sơ sinh không khó. Bạn lưu ý:
– Không tự tắm cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau sinh;
– Khi tắm, để phòng ấm, không có gió;
– Kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm (nóng, lạnh);
– Gội đầu, lau thật khô đầu trước;
– Rửa hai mắt, mặt, cổ, nách, cánh tay, người, chân;
– Lau khô bằng khăn mềm;
– Bế ôm trẻ sau khi tắm một lúc;
– Cho trẻ bú ngay để giữ ấm.
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển tốt về thể chất và trí tuệ. Hóc môn tăng trưởng chỉ tiết ra trong lúc trẻ ngủ và khi trẻ ngủ say. Ngủ đủ cũng là lúc não bộ phát triển tốt nhất.
Tuy nhiên, việc ngủ của trẻ em không đơn giản, mỗi trẻ lại có một thói quen ngủ khác nhau. Trẻ thì ngủ ngày, trẻ thức đêm, trẻ ngủ ít, trẻ ngủ nhiều, trẻ quấy khóc khi ngủ.
Trong những ngày đầu mới chào đời, giấc ngủ của trẻ sơ sinh trung bình từ 16-18 giờ mỗi ngày. Trẻ thường chỉ ngủ từng giấc ngắn, không phân biệt ngày đêm và không có giờ giấc nhất định. Cha mẹ cần biết, có hai kiểu ngủ của trẻ sơ sinh: ngủ giấc nông, giấc sâu.
Giấc ngủ nông là giấc ngủ ngắn, mi mắt trẻ khép hờ, đôi lúc có chớp nhẹ, miệng vẫn chóp chép, tay chân có thể cử động nhẹ. Chúng ta tưởng trẻ sắp thức giấc, kỳ thực trẻ vẫn đang ngủ.
Giấc ngủ sâu, là giấc ngủ say, không cử động bất kỳ bộ phận gì của cơ thể. Trẻ ngủ rất ngon.
Mỗi giấc ngủ của trẻ sơ sinh tối đa khoảng 4 giờ, sau đó tỉnh dậy để ăn, thay tã và khám phá thế giới xung quanh. Nếu trẻ khỏe và sinh đủ ngày đủ tháng, bạn không cần phải đánh thức con để cho bú. Chỉ riêng với trẻ sinh non, bác sĩ sẽ khuyên bạn cần cho trẻ bú thường xuyên hơn và có thể có thể cần đánh thức trẻ để cho bú nếu trẻ rơi vào trạng thái ngủ li bì, dài hơn 5 đến 6 giờ mỗi giấc ngủ.
Sau khi thức giấc, trẻ sơ sinh sẽ lại rơi vào giấc ngủ sau 40 phút. Thói quen này sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi trẻ 3 tháng tuổi. Về đêm trẻ sơ sinh thức dậy khoảng 1 đến 2 lần trong đêm để bú mẹ. Khoảng thời gian từ 10 giờ tối đến 1 giờ sáng là lúc trẻ ngủ rất say. Mẹ nên tranh thủ ngủ cùng lúc với trẻ để lấy lại sức.
Dấu hiệu bất thường của trẻ
Các dấu hiệu bất thường của bé thường diễn biến âm thầm, khó phát hiện nhưng biến chứng lại rất nặng nề và gây nguy hiểm cho bé. Nếu bé có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây cha mẹ cần đưa ngay bé tới cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tư vấn.
– Bỏ bú, khó bú là dấu hiệu đầu tiên;
– Bé mệt mỏi,li bì, kém đáp ứng;
– Vận động bất thường: run giật mắt môi, chân tay run, cử động không cân đối;
– Nhiệt độ bất thường: chân tay và bụng lạnh hoặc sốt cao trên 37,5 độ C;
– Thở bất thường: tím quanh môi, thở nhanh, rút lõm lồng ngực;
– Vàng da sớm ngày thứ 2 hoặc kéo dài 15 ngày không hết;
– Nhiễm trùng cuống rốn, chảy mủ, mùi hôi;
– Viêm da, nhiễm trùng mắt, chảy mủ.
Hồng Hạnh