Chế độ ăn cho người bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12

(CDC Hà Nam)

Vitamin B12 là một trong những yếu tố quan trọng đối với quá trình tạo tế bào hồng cầu và biệt hóa nguyên bào hồng cầu. Nếu thiếu hụt vitamin B12 sẽ dẫn đến thiếu máu do lượng hồng cầu tạo ra không đủ. Chế độ ăn đúng cách có thể giúp người bệnh bổ sung vitamin này, hạn chế tình trạng thiếu máu.

  1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12

Thiếu máu do thiếu vitamin B 12 gây thiếu oxy trong máu và các mô, dẫn đến việc các hệ cơ quan trong cơ thể có thể hoạt động bất thường. Bên cạnh đó, thiếu oxy sẽ khiến bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, yếu ớt; thiếu máu khiến bệnh nhân nhìn có vẻ xanh xao.

Nếu tình trạng thiếu hụt vitamin B 12 kéo dài, hậu quả không chỉ đơn giản là thiếu máu mà còn có thể gây hại cho tim, não, dây thần kinh, xương, phổi và các cơ quan khác trong cơ thể. Ở phụ nữ có thai bị thiếu vitamin B9 và B12 có nguy cơ sinh con bị dị tật ống thần kinh bẩm sinh.

Thiếu máu do thiếu vitamin B12 có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Hơn nữa cơ thể không thể tự sản xuất được vitamin B12 mà được cung cấp từ chế độ dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung. Vì vậy, cách ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vitamin B12 hiệu quả là cải thiện chế độ ăn uống mỗi ngày đảm bảo cân đối và hợp lý. Trường hợp xuất hiện triệu chứng nghi ngờ thiếu máu do thiếu vitamin B12 thì cần phải đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, điều trị sớm.

Nguồn thực phẩm bổ sung vitamin B 12 tốt nhất cho cơ thể bao gồm các sản phẩm động vật như thịt, gan, cá, sữa, phô mai, trứng, ngũ cốc…

Đối với những người bị thiếu vitamin B12 cần điều chỉnh chế độ ăn uống và có thể phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Đối tượng có nguy cơ dễ bị thiếu vitamin B12 trong chế độ ăn uống như những người ăn chay nên cố gắng ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm tươi chưa qua chế biến và nên bổ sung vitamin B12 theo hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng.

  1. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12

Ngoài việc tuân thủ theo chỉ định điều trị thiếu máu do thiếu vitamin B12 của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Đây là cách an toàn và hiệu quả để cải thiện vấn đề thiếu hụt vitamin B12.

Thực phẩm giàu sắt

Trong bữa ăn hàng ngày cần bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt. Thực phẩm có nguồn gốc động vật có hàm lượng sắt cao nhất như: thịt bò, thịt gà, gan động vật, trứng, ngao, sò, hàu, sữa…

Thực phẩm thực vật chứa sắt bao gồm: các loại đậu, đậu lăng, đậu phụ, khoai tây, hạt điều, các loại rau có lá màu xanh đậm, ngũ cốc nhiều cám, trái cây khô…

Tuy nhiên, chất sắt trong thực phẩm có nguồn gốc động vật (thường được gọi là sắt heme) là dạng sắt tốt nhất, vì nó được cơ thể dễ dàng hấp thụ. Còn sắt chủ yếu có trong thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như ngũ cốc và rau (sắt không phải heme) được hấp thụ kém hiệu quả hơn nhiều so với sắt heme.

Ngoài ra cần tăng cường ăn rau xanh và các loại quả tươi giàu vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn. Lưu ý không nên uống nước trà đặc quá gần bữa ăn, chỉ nên uống cách sau bữa ăn từ 2 giờ trở đi vì chất tanin trong trà sẽ hạn chế việc hấp thụ sắt.

Thực phẩm giàu vitamin C

Không chỉ giúp tăng cường miễn dịch, vitamin C còn được chứng minh là giúp tăng cường hấp thụ sắt. Nó thu giữ sắt không phải heme và lưu trữ ở dạng cơ thể dễ hấp thụ hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy, uống vitamin C trong bữa ăn làm tăng khả năng hấp thụ sắt lên 67%.

Do đó, khi uống viên sắt hoặc ăn các thực phẩm giàu sắt, nên ăn các thực phẩm giàu vitamin C để giúp tăng cường hấp thu sắt như: trái cây họ cam quýt, rau lá xanh đậm, ớt chuông, dưa, dâu tây, chuối, xoài…

Đối với người ăn chay (một trong những đối tượng có nguy cơ cao thiếu sắt), việc hấp thụ sắt có thể được tối ưu hóa bằng cách cách tăng cường các loại rau quả chứa nhiều vitamin C trong bữa ăn hàng ngày.

Thực phẩm giàu kẽm

Những nghiên cứu gần đây đã chứng minh thiếu máu dinh dưỡng không đơn thuần là thiếu sắt mà thường thiếu cùng các vi chất khác, điển hình là kẽm. Chính vì vậy, để giúp giúp dự phòng nguy cơ thiếu máu, ngoài đảm bảo đủ lượng sắt nên bổ sung đủ kẽm trong bữa ăn hằng ngày.

Thực phẩm giàu kẽm bao gồm: thịt đỏ, thịt lợn nạc, thịt gia cầm, lòng đỏ trứng, hàu, sò, cua, cà rốt, đậu nành, giá đỗ, đậu Hà Lan…

Một số trường hợp cần được điều trị nguyên nhân gây thiếu máu. Nhưng tăng mức vitamin B12 là điều quan trọng vì kéo dài tình trạng thiếu máu quá lâu, nó có thể làm hỏng tim, não, dây thần kinh, xương và các cơ quan khác. Bác sĩ sẽ tư vấn bổ sung vitamin B12 trong trường hợp cần thiết. Nếu cơ thể có rất ít vitamin này, bác sĩ có thể chỉ định vitamin B12 liều cao. Lưu ý, tuyệt đối không tự ý bổ sung vitamin B12.

  1. Những món ăn cho người bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12

Các loại thịt

Các loại thịt như: Thịt bò, thịt gà, thịt lợn, thịt cừu… rất giàu chất sắt cơ thể dễ hấp thụ. Lưu ý, mặc dù thịt đỏ là một nguồn cung cấp chất sắt dồi dào nhưng nó chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, chúng ta không nên ăn quá nhiều mà cần kết hợp với các thực phẩm giàu sắt khác.

Hải sản

Nhiều loại hải sản rất giàu chất sắt như: cá ngừ, cá thu, cá mòi, tôm, hàu, sò… giàu chất sắt tương tự như thịt.

Gan động vật

Gan động vật là thực phẩm chứa nhiều sắt, đặc biệt là gan lợn, gan bò. Tuy nhiên, do chúng chứa hàm lượng cholesterolcao, chúng ta nên ăn lượng vừa phải kết hợp thực phẩm giàu sắt khác.

Đậu phụ

Đậu phụ là một loại thực phẩm thực vật giàu dinh dưỡng, đặc biệt là canxi, magie, phốt pho, vitamin B, sắt. Trong 126g đậu phụ có thể cung cấp 3,4mg sắt. Đây là món ăn lý tưởng rất phù hợp để cung cấp sắt và các vi chất khác cho những người ăn chay.

Hạt dẻ cười

Các loại hạt cũng là nguồn cung cấp folate dồi dào giúp cải thiện sự hấp thụ sắt. Đặc biệt, hạt dẻ cười là một món ăn nhẹ giàu chất sắt nhưng không chứa nhiều calo như các loại hạt khác.

Hạt dẻ cười rất giàu các chất dinh dưỡng có lợi như: protein, chất xơ, vitamin A, vitamin C, canxi, sắt. Nó cũng là một trong những loại hạt giàu chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe.

Rau có lá màu xanh đậm

Nhóm rau tươi có màu xanh đậm là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất quan trọng cho cơ thể như: chất xơ, vitamin A, C, K, canxi, sắt, ví dụ như bông cải xanh, cải ngọt, cải xoăn… Những loại rau này cũng chứa vitamin C, giúp cơ thể hấp thụ chất sắt từ chế độ ăn uống.

Trái cây họ cam quýt

Người bệnh thiếu máu do thiếu sắt nên ăn các loại trái cây giàu vitamin C để giúp hấp thụ sắt tốt hơn. Trái cây có hàm lượng vitamin C cao nhất bao gồm trái cây họ cam quýt, chanh, bưởi…

Thanh Huyền(tổng hợp)

Bài viết liên quan

Một số lời khuyên cho sức khỏe tuổi già

Ngọc Nga

Tăng mỡ máu ở người cao tuổi

Ngọc Nga

Nguyên nhân nào khiến bạn bỗng dưng tăng cân?

CDC Hà Nam