Chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi

(CDC Hà Nam)

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh lý tim mạch phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Bệnh thường diễn biến âm thầm nhưng để lại hậu quả rất nặng nề. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa, tử vong….

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ra THA, trong đó chế độ dinh dưỡng có liên quan mật thiết tới tỷ lệ mắc bệnh. Một chế độ ăn phù hợp cùng với lối sống lành mạnh sẽ là chìa khóa ngăn ngừa cũng như giảm thiểu các triệu chứng của bệnh.

Sau đây là một số gợi ý trong chế độ dinh dưỡng phòng chống bệnh THA:

Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên, vì vậy chỉ nên bổ sung thêm 5g muối tức là một thìa cà phê muối ăn/ngày là đủ. Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp.

Để làm giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh THA, ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, thì cũng cần hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn. Chú ý với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao.

Ăn đúng cách, đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm: đảm bảo trong bữa ăn phải cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm: nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và khoáng chất.

Chất bột đường: ăn đủ tùy theo nhu cầu hoạt động thể lực của từng người, không ăn quá nhiều chất bột đường sẽ dễ dẫn đến thừa cân, béo phì và đái tháo đường; nên dùng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nguyên hạt hoặc nhiều chất xơ như gạo lức, gạo giã, bánh mì đen, khoai lang, khoai mì, bắp…

Chất đạm: ăn ở mức vừa phải, nên ăn phối hợp cả đạm động vật và đạm thực vật. Đạm động vật nên ăn phối hợp và đa dạng các loại như: thịt (hạn chế thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu,…), cá (ăn thêm cá biển để cung cấp các loại khoáng chất như i-ốt, canxi, flour,…), tôm, cua, trứng, sữa,… Đạm thực vật có nhiều trong các loại đậu và hạt như: đậu xanh, đậu nành,…

Chất béo: ăn ở mức vừa phải, không nên ăn quá nhiều sẽ dễ dẫn đến tăng mỡ máu gây xơ vữa mạch và các rối loạn khác. Nên phối hợp giữa chất béo no và chất béo không no, chất béo từ động vật và thực vật. Chất béo no nên ăn hạn chế, tăng cường chất béo không no. Chất béo no có trong mỡ heo, mỡ bò, dầu dừa,…; chất béo không no có trong các loại dầu thực vật; dầu cá; các loại hạt như hạt óc chó, mè, đậu phộng,… Hạn chế ăn các loại da động vật, nội tạng (bao tử, ruột, tim, gan,…) vì chứa rất nhiều cholesterol.

Vitamin và chất khoáng: tăng cường ăn rau, củ, trái cây; ăn đa dạng nhiều loại khác nhau để đảm bảo cung cấp đủ 400g/người/ngày (kể cả ăn sống và nấu chín) giúp bổ sung vitamin, chất xơ và các chất khoáng cần thiết. Ngoài ra ăn nhiều rau củ quả còn chống táo bón, phòng ngừa thừa cân, béo phì.

Không hút thuốc lá, thuốc lào

Trong khói thuốc lá có chất nicotine, làm tăng huyết áp nhất thời kéo dài trong khoảng 30 phút sau hút, kể cả hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và bệnh động mạch ngoại biên.

Ở người hút thuốc lá, việc sử dụng thuốc điều trị huyết áp hoặc bệnh tim mạch thường kém tác dụng hơn so với người không hút thuốc. Do đó, trong tất cả các khuyến cáo điều trị bệnh tim mạch đều nhấn mạnh người bệnh phải ngưng hút thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.

Không lạm dụng rượu, bia

Nghiên cứu cho thấy, ở những cộng đồng có lượng tiêu thụ rượu bia cao thì tỷ lệ mắc tăng huyết áp cao hơn và tăng tình trạng kháng lại thuốc hạ huyết áp. Tuy nhiên, tác động tăng huyết áp của rượu thường là ngắn hạn, tức là khi ngưng rượu thì huyết áp giảm. Ngoài tác động trực tiếp nói trên, bản thân cồn cũng là một nguồn cung cấp năng lượng, làm gia tăng nguy cơ rối loạn lipid máu, đặc biệt tăng triglyceride máu, làm tăng xơ vữa mạch máu.

                                                                     Phan Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

KHUYẾN CÁO BỆNH MÙA ĐÔNG – XUÂN

Ngọc Nga

Khuyến cáo phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Ngọc Nga

Tăng huyết áp liên quan đến những bệnh gì?

Ngọc Nga