“Chìa khoá vàng” giúp trẻ tăng chiều cao tối đa

(CDC Hà Nam)

Cha mẹ nào cũng muốn con mình cao lớn, khỏe mạnh, thông minh. Ngoài yếu tố di truyền, các yếu tố về dinh dưỡng và vận động. Cha mẹ hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn phương pháp và thời điểm thích hợp để giúp con nâng tối đa tầm cao và trí tuệ.

 Quá trình phát triển chiều cao của trẻ qua các giai đoạn

Có ba giai đoạn cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao đó là thời kỳ bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn dậy thì.

Giai đoạn dậy thì (nữ từ 10 – 16 tuổi, nam từ 12 – 18 tuổi) cơ thể sẽ có 1 – 2 năm chiều cao tăng vọt từ 8 – 12cm mỗi năm nếu được nuôi dưỡng tốt. Sau dậy thì, sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. Giai đoạn tiếp theo cho đến 25 tuổi thì sức lớn rất chậm, chỉ tăng 1 – 2 cm hoặc hầu như không tăng. Cơ thể con người hết tuổi lớn với nữ là khoảng 23 tuổi và nam là 25 tuổi.

Những yếu tố quyết định tới chiều cao của trẻ

Chiều cao của một người phụ thuộc vào các yếu tố: di truyền (23%), dinh dưỡng (32%), sự rèn luyện thân thể (20%), yếu tố khác như môi trường xã hôi, bệnh tật, giấc ngủ… Về nguyên tắc, chiều cao sẽ phát triển tối đa khi có một thể trạng khỏe mạnh, dinh dưỡng hợp lý, tích cực rèn luyện thể thao, chế độ sinh hoạt khoa học. Việc chọn thời điểm tác động tích cực về dưỡng chất và thể thao là cực kỳ quan trọng, đó là những giai đoạn phát triển nhanh về chiều cao, đặc biệt là giai đoạn dậy thì.

Bí quyết giúp tuổi dậy thì vươn tới chiều cao lý tưởng

Ở giai đoạn dậy thì, chiều cao phát triển nhanh nhất. Do đó, để đạt được chiều cao lý tưởng khi trưởng thành, các bạn tuổi teen và phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, vận động, cần xây dựng lối sống lành mạnh.

Dinh dưỡng hợp lý giữa “chất và lượng”:

Ở giai đoạn này nam cần ít nhất 2500-2800 calo và nữ cần 2200 calo mỗi ngày để đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể. Cần uống sữa ít béo, ăn thịt nạc, cá, các loại hạt, trái cây tươi và rau quả.

Tăng cường vận động

Tập thể dục, hoạt động ngoài trời giúp cơ thể tuổi dậy thì phát triển tốt hơn. Lối sống ít vận động sẽ ức chế sự phát triển của cơ, xương, qua đó làm giảm chiều cao lẽ ra có thể đạt được. Một số môn thể thao tốt cho việc phát triển chiều cao như đu xà, bơi lội, bóng rổ, các bài tập kéo dài như rướn dài kiểu mèo, kiểu rắn hổ mang, bài tập kéo dài chân…

Ngủ đủ và đúng giờ

Ngủ đủ 8 giờ vào ban đêm cũng như ý thức việc nên đi ngủ sớm, dậy sớm sẽ tốt cho cơ thể rất nhiều. Ngủ đủ giấc và đúng giờ sẽ cho các em một giấc ngủ sâu và là yếu tố kích thích tăng trưởng được tuyến yên tiết ra, làm tăng thêm chiều cao và cân nặng.

Bổ sung các dưỡng chất cần thiết giúp tăng sức lớn

Trước tuổi dậy thì, xương phát triển mạnh về chiều dài, sau tuổi dậy thì xương phát triển về chiều dày. Xương cần được cung cấp đủ các dưỡng chất cấu thành gồm: Các chất khoáng (chiếm 70% trọng lương xương khô): Bao gồm Canxi, Magie, đồng, kẽm, Silic, Boron, Mangan…; Các chất hữu cơ: (chiếm 30% trọng lượng xương khô) là những glucosaminoglycan gồm chondroitin sulfat và acid hyaluronic kết hợp với protein. Các dưỡng chất cần cho sự hình thành chất hữu cơ của xương, ngoài các chất khoáng còn là Chondroitin sulfat, acid folic, và DHA.

Chìa khóa vàng dành cho tuổi dậy thì

DHA chiếm tỉ lệ rất cao trong chất xám (tạo ra sự thông minh) của não và trong võng mạc. DHA tạo ra độ nhạy của các neuron thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác. Vì vậy, bổ sung DHA còn giúp trẻ phát triển trí não và thị lực tốt hơn.

Vai trò của Vitamin D: Để xương phát triển tối đa về chiều dài và khỏe mạnh cần được bổ sung đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển kể trên. Đồng thời, bổ sung đầy đủ vitamin D giúp điều hòa hấp thu Canxi ở ruột. Thiếu vitamin D sẽ giảm hấp thu Canxi gây còi xương, chậm lớn ở trẻ đang phát triển.

CDC Hà Nam 

 

Bài viết liên quan

Hội chứng hậu COVID-19 – Làm gì để vượt qua?

Ngọc Nga

Làm thế nào để phòng tránh ung thư dạ dày?

Ngọc Nga

Top 10 thực phẩm giàu kẽm bạn nên ăn để tăng cường miễn dịch

CDC Hà Nam

Để lại bình luận