Có thể nói, những kết quả đạt được quan trọng bước đầu, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao những ngày qua của Việt Nam trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 chính là sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với tinh thần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn quyên góp ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19
QUYẾT LIỆT CHỐNG “GIẶC DỊCH”, “KHÔNG ĐỂ MỘT AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU”
Ca nhiễm virus Corona chủng mới gây dịch Covid-19 đầu tiên xuất tại Trung Quốc. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng ca Covid-19 đầu tiên tại Trung Quốc được ghi nhận vào ngày 8/12/2019 (dựa vào số liệu do các nước cung cấp). Từ Vũ Hán, Trung Quốc, Covid-19 lây lan với tốc độ nhanh chóng, buộc nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh và tác động từ dịch bệnh đến nhịp sống, việc làm, tình hình kinh tế, xã hội đã làm ảnh hưởng sâu sắc tới mỗi người dân và sự bình yên của mỗi quốc gia.
Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện vào tối 23/1/2020 khi Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận 2 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam. 2 bệnh nhân là 2 cha con; trong đó, người cha là Li Ding (66 tuổi) và con là Li Zichao (28 tuổi). Đây là bệnh nhân Covid-19 số 1 và số 2 tại Việt Nam.
Đảng và Nhà nước luôn xác định sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội của đất nước. Vì thế, trước diễn tiến của dịch bệnh, trên tinh thần coi trọng sức khỏe con người, sẵn sàng và chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân và giảm thiểu tối đa sự lây lan của dịch, ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona/Covid-19 gây ra; trong đó yêu cầu trước mắt phải thành lập Đội phản ứng nhanh, Bộ Y tế hằng ngày có trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng về tình hình dịch bệnh. Tiếp đó, trong các cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quyết liệt và nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/1/2020; Điện của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 7/3/2020; Chỉ thị số 05/CT-TTg, 06/CT-TTg, 10/CT-TTg, 11/CT-TTg; Công điện số 121/CĐ-TTg, 156/CĐ-TTg và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để cùng chung sức, đồng lòng chuẩn bị và sẵn sàng “chống dịch như chống giặc”, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của nhân dân…
Thực tế cho thấy, cuộc chiến đấu với “giặc dịch” diễn ra ngày càng quyết liệt trong bối cảnh Covid-19 đã trở thành “đại dịch toàn cầu” theo công bố ngày 11/3/2020 của WHO. Việc tuyên bố dịch bệnh Covid-19 thành đại dịch cho thấy thông điệp rõ ràng của WHO là cả thế giới cần phải nỗ lực và chung tay, góp sức vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 với mức độ quan tâm cần thiết nhất. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng thông qua Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11/3/2020, nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Tiếp đó, ngày 17/3/2020, để tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước tập trung phòng chống dịch; đồng thời, có thêm nguồn lực để tăng cường các biện pháp phòng, chữa bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Lời kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm tích cực tham gia ủng hộ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19; đồng thời phát động động “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”.
Ngay từ những ngày đầu, việc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác giám sát y tế, cách ly y tế, điều trị và khoanh vùng dập dịch của Việt Nam theo nguyên tắc “4 tại chỗ” đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch, nhanh chóng xác minh nguồn lây để kịp thời phong tỏa, dập dịch. Đồng thời, việc các cấp ủy, chính quyền, các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương đối xử đầy tinh thần trách nhiệm và nhân văn với những bệnh nhân và những người được yêu cầu cách ly, giám sát sức khỏe theo quyết sách của Chính phủ; trong đó, mọi chi phí cho việc cách ly, phong tỏa, xét nghiệm, chữa trị của mỗi người,v.v.. đều do Chính phủ gánh vác đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tin tưởng.
Những thành tựu đạt được quan trọng bước đầu, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao của Việt Nam trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 chính là kết quả sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với tinh thần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị. Đó là việc đề cao kỷ cương, trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia; là việc xác định rõ chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, không run sợ, không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19, để “không để một ai bị bỏ lại phía sau” của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, đó cũng là việc triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan, với các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn, cách ly triệt để, chăm sóc và điều trị tốt, phát hiện sớm và truyền thông hiệu quả, nhất là việc nâng cao tinh thần cảnh giác và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân… Tất cả đã tạo thuận lợi cho việc kiểm soát từng bước tình trạng lây nhiễm, khoanh vùng, dập dịch trong cộng đồng…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona chủ trì cuộc họp với các chuyên gia y tế về diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19
PHÁT HUY SỨC MẠNH TINH THẦN YÊU NƯỚC, TRUYỀN THỐNG NHÂN ÁI, ĐOÀN KÊT
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng đến 158 quốc gia với khoảng 170.000 người nhiễm bệnh, trên 6.500 người đã tử vong và Việt Nam đã có ca nhiễm thứ 66 (đã chữa khỏi 16 ca, chưa có bệnh nhân nào tử vong), chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân…Hơn bao giờ hết, càng khó khăn thử thách, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sẻ chia, bao dung, nhân ái, sống có nghĩa, có tình mang đậm bản sắc văn hóa Việt lại càng tỏa sáng.
Có thể thấy, trải qua những thăng trầm của lịch sử, hiển hiện trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai và cả dịch bệnh, những phẩm chất đạo đức truyền thống cao quý của người Việt luôn được phát huy, bổ sung phù hợp với xu thế của thời đại đã không chỉ góp phần chiến thắng ngoại xâm, vượt qua thiên tai, dịch bệnh mà còn khẳng định và làm sâu sắc hơn bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam trong quá trình giao lưu, tiếp biến, làm giàu hơn cho văn hóa dân tộc. Trong hành trình đó, tinh thần yêu nước, tính khoan dung, lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm về giống nòi, về cộng đồng, về dân tộc của mỗi cá nhân cũng như của cả cộng đồng trong mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau không chỉ góp phần làm nên sức mạnh cố kết, đẩy lùi thiên tai, dịch bệnh, chiến thắng địch họa mà còn tạo ra những điều kiện để giáo dục, bồi dưỡng nhân cách đạo đức cho con người, hướng tới xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định và phát triển bền vững “theo những nguyên lý: cùng một giống nòi thì phải có nghĩa vụ thương yêu nhau, đùm bọc nhau; nếu đoàn kết sẽ có sức mạnh”[1]. Đó chính là giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc được sinh dưỡng, bồi đắp trong chính đau thương, mất mát qua các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, trong cuộc sống lam lũ của người dân đất Việt phải thường xuyên đối diện với những thách thức, khó khăn từ thiên tai và cả dịch bệnh. Những giá trị đạo đức nhân văn này đã thấm sâu trong các quan hệ từ trong gia đình đến xóm làng, cộng đồng xã hội, mà một trong những nội dung đã trở thành nhân sinh quan chung trong cuộc sống người dân Việt, đó chính là chữ “tình”, là tình người, là đối xử với nhau phải có tình có nghĩa, thể hiện ở những hành động nhân văn “nhường cơm, xẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” trong cơn hoạn nạn…
Lòng yêu thương, sự khoan dung, độ lượng và sống có nghĩa tình, vị tha… biểu hiện trong sự tương trợ, giúp đỡ nhau trong đời sống hằng ngày, cũng đồng thời thể hiện thành những quy chuẩn trong các quyết sách của Đảng, Nhà nước. Giữa đại dịch Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, đơn vị, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị cả về vật chất và tinh thần. Giữa đại dịch, nhiều người dân dù không giàu có vẫn sẵn lòng nhường cơm sẻ áo, chia lại số khẩu trang ít ỏi của mình cho người khác hoặc dùng tiền của mình mua khẩu trang khan hiếm, phát miễn phí cho đồng bào; trong đó, có cả những cháu bé đã dùng tiền mừng tuổi của mình để mua sắm khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn tặng mọi người…
Ngày 10/2, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan tiến hành đưa 30 công dân Việt Nam từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc về nước. Đó là những sinh viên và người thân, khách du lịch Việt Nam ở Vũ Hán và nhiều thành phố lân cận thuộc tỉnh Hồ Bắc (đã ở trong tình trạng bị phong tỏa từ ngày 24/1).
Giữa hoạn nạn mới hiểu lòng nhau, giữa hoạn nạn, có bao ngân hàng, doanh nghiệp ủng hộ tiền để tham gia công tác phòng, chống dịch; có nhà khoa học sáng chế ra dung dịch sát khuẩn và tặng hàng nghìn chai cho người dân phòng virus corona/Covid-19. Giữa hoạn nạn, có biết bao người dân nhiệt tâm, vô tư tham gia giải cứu dưa hấu, thanh long cho bà con nông dân mà không hề toan tính, vụ lợi; có nhiều nhà hảo tâm, văn nghệ sĩ chủ động đứng ra quyên góp, chia sẻ với cộng đồng, thể hiện trách nhiệm xã hội của tập thể và cá nhân. Những hành động đẹp, những việc làm đầy ý nghĩa giữa đại dịch Covid-19 của những tập thể và cá nhân nói trên đã bổ sung và làm phong phú hơn, sinh động hơn các phong trào có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong xã hội như: “Gây quỹ vì người nghèo”, “Hiến máu nhân đạo”, “Vòng tay nhân ái”, “Nối vòng tay lớn”, cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai… Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì đó là những việc làm đầy ý nghĩa và những việc làm có ý nghĩa đó “không phải do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định mà tất cả đều là xuất phát từ trái tim” – Trái tim người Việt Nam yêu nước, thương nòi, đầy tình yêu thương con người hiển hiện trong những thời điểm khó khăn nhất, gai góc nhất, thể hiện sinh động bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, làm rạng rỡ bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam, trở thành một giá trị cao đẹp được lưu truyền như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”; “đoàn kết là then chốt của thành công”…
Giữa đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tinh thần “thương người như thể thương thân”, đoàn kết dân tộc bền chặt càng được phát huy cao độ trong cộng đồng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà đã vượt ra ngoài biên giới. Trong lịch sử, Việt Nam đã từng gửi nhiều chuyến hàng và tiền để giúp đỡ nước bạn gặp khó khăn khi bị động đất, sóng thần tàn phá khốc liệt ở châu Á, ở Mỹ… Gần đây nhất, ngày 9/2/2020, Việt Nam đã trao cho đại sứ Trung Quốc Hùng Ba số vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay và khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD. Đây là trang thiết bị, vật tư y tế của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc; thể hiện tình cảm đoàn kết anh em, sự quan tâm, mong muốn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tiếp nối truyền thống tốt đẹp giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước để sẻ chia phần nào những khó khăn mà Trung Quốc đang gặp phải do dịch bệnh gây ra. Nhân dịp này, Hội chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã vận động các tổ chức cá nhân, quyên góp hỗ trợ nhân dân Trung Quốc số vật tư y tế trị giá 100.000 USD, một phần trong số vật tư này sẽ được chuyển trước tới Vũ Hán để phục vụ công tác chống dịch… Trước đó, chính máy bay đưa 30 công dân Việt Nam từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc về nước cũng đã vận chuyển trang thiết bị, vật tư y tế của Chính phủ và nhân dân cùng Hội chữ thập đỏ Việt Nam tặng Chính phủ và nhân dân Trung Quốc; đồng thời, đưa giúp 11 công dân Trung Quốc về Vũ Hán…
NỖ LỰC VÀ QUYẾT TÂM PHÒNG, CHỐNG, ĐẨY LÙI DỊCH BỆNH
Việt Nam bước sang giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Đây là giai đoạn khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan rộng và trở thành đại dịch. Vì thế, để ngăn chặn dịch lây lan, hạn chế tối đa các ca tử vong do dịch bệnh, hơn bao giờ hết, cần nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để quyết liệt chống đại dịch Covid-19 như sau:
Một là, Ban chỉ đạo quốc gia (duy trì họp 2 ngày/lần và định kỳ 2 lần/tuần báo cáo thường trực Chính phủ) và các cấp ủy, chính quyền, các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan từ Trung ương đến các địa phương nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác phòng, chống dịch Covid-19 để nỗ lực và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Càng khó khăn càng phải quyết tâm, cố gắng tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu tối đa các tác hại do dịch bệnh gây ra, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch xảy ra trên diện rộng, bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”; giám sát chặt chẽ việc cách ly tại gia đình, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện thật tốt công tác điều trị, bảo đảm bất cứ ai bị nhiễm Covid-19 cũng được chữa khỏi.
Hai là, tiếp tục rà soát và hoàn thiện các hướng dẫn, đảm bảo chính xác, đơn giản, dễ hiểu, giúp người dân hiểu rõ về dịch bệnh, những việc cần làm, những việc không được làm để chống dịch và ngăn chặn sự lây lan của dịch. Đi liền cùng đó là thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người (như tại siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng…) và tuân thủ, thực hiện việc cách ly y tế theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế toàn dân, coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi người dân góp sức vào cuộc chiến chống dịch bệnh. Mỗi thông tin khai báo chính xác và kịp thời sẽ giúp giảm bớt thời gian rà soát, khoanh vùng, giúp điều trị kịp thời cho người bệnh. Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác.
Ba là, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, mạng interrnet, áp phích, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục… để không chỉ tuyên truyền, cổ động giúp mỗi người dân được biết và cập nhật thông tin về dịch bệnh; về cách phòng, chống dịch cũng như được hướng dẫn cách xử lý tình huống để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng khi ở nhà cũng như khi ra ngoài đường, khi tham gia giao thông công cộng cũng như đến chỗ đông người, vào nhà hàng, siêu thị, ở công sở, nhà máy… Xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp đưa tin thất thiệt, gây hoang mang trong nhân dân về những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống, ngăn chăn dịch, liên quan đến người bệnh cũng như các đối tượng tranh thủ đầu cơ, tích trữ, thậm chí sản xuất hàng giả nhằm thu lợi bất chính…
Bốn là, tăng cường các biện pháp ngăn chặn, khuyến cáo người Việt Nam hạn chế tối đa người Việt Nam đi ra nước ngoài hoặc qua nước đã có người nhiễm Covid-19; chỉ thực sự đi khi cần thiết và nhất là phải được trang bị đầy đủ kiến thức để đảm bảo trước lúc đi, khi ở nước ngoài, khi về Việt Nam phải được đảm bảo an toàn. Chủ động ngăn chặn người nhiễm Covid-19 ở các nước có dịch vào Việt Nam qua đường hàng không, đường biển, biên giới trên bộ và thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh vào Việt Nam; đặc biệt kiểm tra chi tiết, nghiêm túc tờ khai y tế, khuyến cáo, yêu cầu hành khách khai báo y tế điện tử trước khi đến Việt Nam; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh tại các cửa khẩu, biên giới…
Năm là, các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 1771/VPCP-KTTH ngày 7/3/2020 của Văn phòng Chính phủ. Theo đó, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan, các địa phương phải bảo đảm cung cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, giữ ổn định thị trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập, xử lý phù hợp kiến nghị của các trường quốc tế theo quy định. Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Y tế tạm thời chưa cho nhập cảnh đối với khách du lịch, thăm thân, du học, việc riêng là người nước ngoài đến từ hoặc đã đi qua các nước thuộc khu vực Schengen, Vương quốc Anh và Bắc Ireland trong vòng 14 ngày trước ngày dự kiến đến Việt Nam. Việc tạm dừng này có hiệu lực 30 ngày kể từ 12h00 ngày 15/3/2020 và không áp dụng với người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ…
Từ 00g ngày 18/3/2020, Chính phủ yêu cầu tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian 30 ngày để phòng và chống Covid-19…