Một năm học mới sắp bắt đầu, đây cũng là thời điểm chuyển mùa, thời tiết oi bức khiến trẻ dễ mắc một số bệnh như cảm sốt, nhiễm siêu vi, tay chân miệng, sốt phát ban…
Theo các chuyên gia về nhi khoa, năm nào cũng vậy, thời điểm các bé trở lại trường học, cũng là thời điểm thời tiết oi bức khiến các bé thường dễ mắc các bệnh về hô hấp như viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm kết mạc, tiêu hoá như tiêu chảy cấp, ngộ độc thực phẩm và các bệnh sốt siêu vi,… Ngoài ra, các bé rất dễ lây nhiễm từ môi trường hay từ các bạn cùng lớp.
Để phòng tránh những bệnh này, BS Nguyễn Hiền – Bệnh viện Nhi Đồng 2 đưa ra khuyến cáo sau:
1.Tiêm ngừa đầy đủ: tất cả những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc xin sẵn có, giúp trẻ có kháng thể chống lại các bệnh.
2. Bổ sung vitamin C vào chế độ ăn để nâng cao sức đề kháng cho bé vào mùa nắng và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
3. Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt: bàn tay là nơi chứa rất nhiều loại vi khuẩn do đó rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.
Các cô giáo hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách. |
4. Tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo cho bé ngay sau đi học về để loại bỏ bụi bẩn cũng như vi khuẩn có thể ảnh hưởng đến bé.
5. Hàng ngày nên nhỏ mắt, nhỏ mũi cho trẻ vài lần bằng dung dịch nước muối loãng Natri Clorid 0,9% để làm sạch mũi, mắt mỗi khi trẻ ra đường có nguy cơ hít phải bụi bẩn, tiếp xúc chất gây ô nhiễm.
Ngoài ra, khi bé có biểu hiện mắc bệnh hoặc nghi ngờ cha mẹ cần đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là biểu hiện của bệnh nguy hiểm hay gặp ở các bé như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Dấu hiệu trẻ bị sốt xuất huyết, cần đưa đến bác sĩ ngay: Sốt cao đột ngột, đau đầu (thường đau sau hố mắt), mệt mỏi, đau cơ, khớp, buồn nôn và nôn. chảy máu cam, chân răng…
Bệnh tay chân miệng, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, biểu hiện: loét họng, thường kèm theo chảy nước miếng nhiều, bỏ ăn hoặc bỏ bú; sẩn hồng ban là những chấm đỏ trên đầu có thể có bóng nước thường nổi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối và vùng mông.
Nên làm khi trẻ bị ốm: – Bệnh gì cũng cần đưa trẻ khám và điều trị chuyên khoa, không tự mua thuốc điều trị để tránh biến chứng. – Trẻ ốm sốt vẫn cần lau rửa, tắm giặt, vệ sinh mũi họng… hàng ngày. – Nếu trời đột ngột nắng nóng, dạy trẻ không ra ngoài khi trời nắng gắt. – Ngày mưa đi học về, giục trẻ rửa ráy thay quần áo để tránh bị cảm lạnh, nhiễm bệnh ngoài da. – Chú ý tới giấc ngủ sâu sẽ khiến trẻ khỏe mạnh hơn, tăng sức đề kháng. – Dạy trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. – Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, thoáng mát. Tăng cường diệt muỗi, diệt bọ gậy. Không nên: – Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn nhanh, thức ăn để lâu. Không uống nhiều nước đá, ăn thực phẩm quá lạnh. – Không để quạt điện, máy lạnh xối thẳng vào người, nhất là sau khi tắm, đi ngoài đường đầy mồ hôi về… vì dễ bị cảm lạnh. – Tránh để trẻ tiếp xúc nơi khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh, cách ly trẻ với người bệnh để tránh bị lây. |
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)