Chuyển mùa xuân hè, người mỡ cao dễ gục ngã vì đột quỵ

(CDC Hà Nam)

Thời tiết thay đổi từ lạnh sang nắng nóng gay gắt đâu chỉ khiến người tiểu đường, tăng huyết áp “đứng ngồi không yên” vì lo sợ đột quỵ, mà ngay cả người mỡ máu cao cũng cần cẩn trọng với căn bệnh này.

 Giao mùa xuân hè, thời tiết nóng lạnh thất thường gây đột quỵ thế nào?

Những ngày gần đây thời tiết trở nên đỏng đảnh vì giao mùa, ban ngày nắng gay gắt, oi bức nhưng ban đêm có gió lạnh kèm theo những cơn mưa trái mùa. Mặc dù thời gian giao mùa chỉ xuất hiện vài tuần song nguy cơ đột quỵ luôn cận kề, nhất là với những người trên 50 tuổi, có bệnh lý mạn tính.

Khi nhắc đến đột quỵ, phần lớn những người mang trong mình bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch như rung nhĩ thường lo lắng hơn cả. Nhưng ít ai biết rằng ngay cả những người mắc rối loạn lipid máu (hay còn gọi là tăng mỡ máu, mỡ máu cao) cũng cần cảnh giác với căn bệnh “tử thần” này. Bởi trên những người bị rối loạn lipid máu, mỡ máu xấu sẽ lắng đọng trong thành mạch và sau một thời gian tạo nên những mảng xơ vữa gây cản trở dòng máu lưu thông trong thành mạch, làm giảm lượng máu đến nuôi các cơ quan. Vốn dĩ “lớp áo” trong của mạch máu não đã yếu, nay còn bị tác động từ thời tiết làm mảng xơ vữa bong ra tạo lập huyết khối làm tắc động mạch, dẫn đến đột quỵ.

Hơn nữa, việc hình thành các mảng xơ vữa còn khiến lòng động mạch của người tăng mỡ máu bị hẹp lại, thành mạch kém đàn hồi làm tăng sức đề kháng lên lòng mạch máu. Để cung cấp đầy đủ nhu cầu máu, cơ thể có những đáp ứng như: tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim, tăng hấp thu giữ nước trong cơ thể… dẫn đến tăng huyết áp. Và khi giao mùa, nhiệt độ tăng cao dễ làm nhịp tim tăng nhanh nên huyết áp cũng khó kiểm soát hơn. Nóng cũng khiến cơ thể phản ứng bằng cách giãn mạch, tăng xuất tiết mồ hôi để làm giảm thân nhiệt. Điều này lại làm cơ thể mất nước, giảm thể tích tuần hoàn, nếu không kịp thời uống bù đủ nước thì có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm hơn như trụy mạch, tuột huyết áp. Mặt khác, khi thể tích tuần hoàn giảm, huyết áp giảm theo, lượng máu nuôi mô tế bào giảm, có thể dễ dẫn đến đột quỵ thể nhồi máu não. Đó là chưa kể, với những người tăng mỡ máu thành mạch đã bị xơ cứng, không bền do mỡ máu bám vào nên không còn giãn được nữa, một cơn tăng huyết áp cũng dễ dàng đưa đến đột quỵ. Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh gan, thận, suy tuyến giáp, phụ nữ mãn kinh, người thường xuyên lo âu cũng có nguy cơ bị máu nhiễm mỡ rất cao.

Thực tế cho thấy căn bệnh này diễn biến khá lặng lẽ, khi có triệu chứng thường cảnh báo bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, có biến chứng và khó khắc phục. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, những người từ 40 đến 50 tuổi nên đi khám định kỳ, khoảng từ 3-6 tháng/ lần. Còn với những người trẻ hơn thì nên đi khám khi có những dấu hiệu bất thường do mình tăng cân hoặc giảm cân đột ngột, hay cảm thấy mệt mỏi, ăn ngủ không yên, để phát hiện và xử lý tăng mỡ máu kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm như đột quỵ.

Giảm mỡ máu + làm tan cục máu đông = ngăn ngừa đột quỵ

Bệnh tăng mỡ máu có thể phòng ngừa được bằng cách tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút/ngày; kiểm soát cân nặng và có chế độ ăn uống hợp lý. Nên ăn nhiều chất xơ như: rau, củ, quả, ăn nhiều cá và thịt trắng. Hạn chế các thức ăn có chứa chất béo và cholesterol như: bơ, thịt đỏ, mỡ động vật, dầu chiên nhiều lần, hải sản, lòng đỏ trứng (không ăn quá 3 quả/tuần và phải ăn cách ngày), nội tạng và da của các loại động vật. Giảm các thức ăn nhanh,hạn chế uống rượu, bia, các loại nước ngọt có gas, hút thuốc lá.

Theo Suckhoedoisong.vn

 

Bài viết liên quan

Những công dụng bất ngờ của hành trắng

Ngọc Nga

Vì sao trẻ nam không nên ‘hoạt động thể thao quá mức’ sau 3 ngày tiêm vaccine phòng COVID-19?

Ngọc Nga

3 trẻ tưởng quai bị hoá nhiễm vi khuẩn chết người

CDC Hà Nam

Để lại bình luận