Để đau đầu nhức mắt không còn đáng sợ

(CDC Hà Nam)
Đau đầu là tình trạng thường gặp, xảy ra ở hầu hết các lứa tuổi, có nhiều hình thái đau đầu. Nhưng khi gặp chứng đau đầu kèm theo nhức mắt thì thật khó chịu. Vậy nguyên nhân của bệnh này là do đâu, có thể loại bỏ bằng cách nào?

Đau đầu được định nghĩa là chứng đau vùng đầu, gáy-cổ, mặt-hốc mắt. Đau có thể gặp một bên hoặc hai bên, cố định hoặc lan tỏa, khác nhau bởi cường độ đau (nhẹ-vừa-nặng), tính chất đau (nhói điện giật, bó thắt, âm ỉ, dữ dội, đau như mạch đập…), diễn biến (thành cơn, liên tục, nặng dần), khởi phát (đột ngột, từ từ) và các triệu chứng kèm theo (vận động, thăng bằng, thị lực, thính lực…).

Đau đầu được phân loại thành 3 nhóm chính (theo phân loại quốc tế về đau đầu)

Đau đầu nguyên phát: Đau đầu Migraine, đau đầu căng cơ, đau đầu cụm và chứng đau đầu liên quan dây V, đau đầu do các yếu tố gắng sức (ho, tình dục) …

Đau đầu thứ phát: Là hậu quả của bệnh lý khác như tai mũi họng, răng hàm mặt, chấn thương (sọ, cột sống cổ), nhiễm trùng, bệnh lý mạch máu nội sọ-cột sống cổ, nguyên nhân nội sọ không do mạch máu (tăng huyết áp, u, giảm ALNS…), lạm dụng thuốc và hóa chất,…

Đau đầu khác liên quan thần kinh sọ não và trung ương: Đau dây thần kinh số V.

Khi bị đau đầu kèm nhức mắt tăng dần về cường độ và tần suất thì phải đi khám ngay.

Khi bị đau đầu kèm nhức mắt tăng dần về cường độ và tần suất thì phải đi khám ngay.

Đau đầu kèm theo nhức mắt do đâu?

Tình trạng đau đầu kèm theo nhức mắt bao gồm: có thể đau quanh hố mắt, đau mặt vùng quanh mắt, đau đầu kèm theo đau nhức hố mắt, đau đầu kèm theo triệu chứng về mắt (như giảm thị lực, đỏ mắt, chảy nước mắt…) hay đau đầu lan đến hố mắt,…

Đa số các trường hợp là đau đầu nguyên phát. Đau đầu Migraine với tính chất nửa đầu mức độ vừa và nặng bao gồm vùng hố mắt có tính chất mạch đập, đau tăng khi vận động, tái phát nhiều lần, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, buồn nôn hoặc nôn trong cơn đau. Bệnh nhân bị nhiễm virus cấp như ở bệnh cảnh cúm, á cúm, sốt virus, sốt xuất huyết cũng có triệu chứng đau đầu, cảm giác đau sâu trong mắt, cảm giác như nhồi nén vào hốc mắt. Người bệnh tâm căn suy nhược luôn có than phiền đau đầu kèm theo nhức mỏi mắt và mất ngủ. Đau dây thần kinh số V nhánh I nguyên phát với tính chất đau tự phát đột ngột, dữ dội, như điện giật, thành cơn kéo dài vài giây đến vài chục giây kèm theo đỏ mắt, chảy nước mắt…

Đau đầu kèm theo đau nhức quanh hố mắt thứ phát như: Đau đầu khi thay đổi thời tiết, đau chủ yếu ở vùng trán gần mắt, đau tăng khi hít hoặc khịt mũi, kèm xuất tiết mũi họng và sốt phải nghĩ đến bệnh lý xoang. Một số hội chứng khác của chuyên khoa tai mũi họng và răng hàm mặt gây những cơn đau đột ngột, khá dữ dội không những gây đau cho hàm mặt mà còn cả ở hốc mắt.

Đau đầu kèm theo nhức mắt/đau hố mắt có giảm thị lực gặp trong viêm thị thần kinh, glocom. Đau đầu kèm theo đau nhức mắt có lồi mắt, giảm thị lực, liệt vận nhãn… gặp trong bệnh rò động tĩnh mạch xoang hang. Đau đầu dữ dội kèm theo nôn, giảm thị lực, sợ ánh sáng, rối loạn ý thức gặp trong tăng áp lực nội sọ.

Đau đầu vùng thái dương kịch phát kèm theo giảm/mất thị lực, kết mạc phù nề, động mạch thái dương to, nổi rõ, sờ thấy mạch đập gặp trong bệnh Horton (viêm động mạch thái dương).

Đau dây thần kinh số V do xung đột mạch máu – thần kinh, u dây V cũng là bệnh hay gặp trên thực tế…

Dấu hiệu đau đầu nhức mắt cần đi khám ngay

Đa phần mọi người đều chịu đựng cơn đau đầu và dùng các thuốc giảm đau thông thường. Tuy nhiên cần phân biệt dấu hiệu đau để đi khám khi cần thiết. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ khai thác kỹ triệu chứng: tiền sử, khởi phát, diễn tiến, tính chất đau và các dấu hiệu kèm theo cũng như bệnh lý sẵn có của người bệnh. Các cơn đau đầu kèm theo đau/nhức hố mắt xảy ra với tần suất ít, mức độ nhẹ thường không phải là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng. Nguyên nhân hay gặp là do làm việc với máy tính quá lâu, nghỉ ngơi không hợp lý, căng thẳng tâm lý.

Một số những triệu chứng được coi là nghiêm trọng, bệnh nhân cần được thăm khám y tế ngay lập tức và tìm nguyên nhân gồm: Đau đầu mức độ vừa và nặng. Đau tăng dần về cường độ và tần suất. Đau đầu, đau/nhức hố mắt kèm theo: Sốt; Giảm/mất thị lực; Buồn nôn/nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động; Lồi mắt; Liệt vận nhãn; Đau tăng khi nhai, vận động; Rối loạn ý thức/rối loạn tâm lý hành vi…

Tùy theo bệnh cảnh, bệnh nhân sẽ được tầm soát nguyên nhân bằng các kỹ thuật chuyên sâu như Xét nghiệm máu, CT sọ não, MRI sọ não, chụp mạch, siêu âm, ghi điện thế kích thích thị giác…

BS. Thanh Vân

Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Cảnh giác với tai nạn về điện mùa mưa bão

admin

Hội chứng kém hấp thu: Nguyên nhân và cách khắc phục

Ngọc Nga

Các khuyến cáo quan trọng về sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị COVID-19

Ngọc Nga

Để lại bình luận