Xương ở lòng bàn tay là xương đốt bàn tay. Mỗi xương đốt bàn tay sẽ nối với xương đốt ngón tay. Những xương đốt ngón tay nhỏ sắp xếp nối tiếp nhau, tạo thành xương ngón tay. Các khớp ngón tay ở bàn tay (khớp bàn ngón tay) được tạo thành bởi sự kết nối giữa xương đốt ngón tay và xương đốt bàn tay. Khớp bàn ngón tay cử động như bản lề cho phép mỗi người dễ dàng gập ngón tay lại hoặc duỗi thẳng ngón tay ra.
3 xương đốt ngón tay ở mỗi ngón tay nối với nhau bởi 2 khớp, được gọi là khớp liên đốt ngón tay. Khớp gần với khớp bàn tay nhất được gọi là khớp liên đốt gần. Khớp nằm gần đầu ngón tay gọi là khớp liên đốt xa. Riêng ngón cái chỉ có một khớp liên đốt giữa 2 xương đốt ngón cái. Các khớp này cũng hoạt động như khớp bản lề khi gập, duỗi ngón tay.
Các khớp ngón tay được bao phủ bên ngoài bởi lớp sụn khớp, có màu trắng và độ cứng như cao su. Sụn khớp có chức năng hấp thu các va chạm, tạo một bề mặt trơn láng để thuận lợi cho khớp chuyển động.
Thoái hóa khớp ngón tay
Viêm thoái hoá khớp ngón tay do đâu?
Viêm thoái hoá khớp ngón tay (VTHKNT) thường xảy ra cùng với lão hóa.
Các chấn thương trước đó như bong gân nặng, gãy xương hoặc tổn thương khớp ngón tay có thể tác động tới sụn khớp, làm thay đổi hoạt động của khớp. Khi chấn thương làm khớp thay đổi cách sắp xếp và chuyển động, lực sẽ đè ép lên bề mặt sụn khớp, sau thời gian sẽ phá hủy sụn khớp. Vì sụn khớp không thể tự phục hồi tốt, tổn thương sẽ ngày càng nặng hơn và xuất hiện các triệu chứng VTHKNT.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc VTHKNT: VTHKNT thường xảy ra ở nữ giới, trên 40 tuổi, người béo phì, người thường làm công việc có hoạt động tạo áp lực lên ngón tay, các trường hợp mắc một số tình trạng di truyền như dây chằng khớp lỏng, các khớp bị biến dạng, người đang có các bệnh làm thay đổi cấu trúc và chức năng bình thường của sụn khớp như viêm khớp dạng thấp…
Triệu chứng của VTHKNT
Đau khớp ngón tay: Là triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất. Cơn đau có thể xảy ra ở gốc ngón tay khi nắm, cầm một vật nào đó hoặc dùng lực ngón tay. Lúc đầu, cơn đau chỉ xuất hiện khi bệnh nhân bắt đầu một hoạt động cầm, nắm đồ vật. Khi người bệnh hoạt động, cơn đau sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, sau khi nghỉ ngơi vài phút, cơn đau và cứng khớp sẽ tăng lên. Khi bị viêm thoái hoá khớp nặng hơn, cơn đau khớp ngón tay sẽ xuất hiện ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi.
Sưng khớp liên đốt: Các khớp liên đốt gần bị to mặt sau, sưng và đau, tạo thành các nốt Bouchard. Các khớp liên đốt xa cũng có thể bị sưng to.
Biến dạng ngón tay: Khi bệnh VTHKNT tiến triển, ngón tay thường biến dạng. Các khớp bàn ngón tay bắt đầu hướng về một bên (về phía ngón út) – là hiện tượng lệch về phía xương trụ, có thể gây yếu tay và đau, gây khó khăn trong việc sử dụng bàn tay trong những hoạt động thường ngày.
Biến dạng khớp liên đốt: Khớp liên đốt ngón tay bắt đầu gập hoặc duỗi quá mức, tạo thành các biến dạng đặc trưng. Biến dạng cổ thiên nga là tình trạng các khớp liên đốt gần bị lỏng và duỗi quá mức, trong khi đó khớp liên đốt xa bị gập lại. Biến dạng boutonniere xuất hiện khi khớp liên đốt gần bị gập và khớp liên đốt xa duỗi ra.
Ngoài ra VTHKNT còn biểu hiện các triệu chứng khác như: sưng, cứng, ấm và đau ở gốc ngón tay; giảm sức mạnh khi cầm, nắm đồ đạc; giảm phạm vi chuyển động tay; khớp tại gốc ngón tay to ra hoặc nhìn thấy cục xương.
Có thể xảy ra ở bất kỳ ngón tay nào?
VTHKNT là bệnh lý khá thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh có thể gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân trong sinh hoạt hằng ngày do đau và biến dạng khớp.
VTHKNT có thể xảy ra ở bất kỳ ngón tay nào trên bàn tay. Đây là tình trạng sụn nằm ở đầu các xương hình thành khớp ngón tay bị mòn đi hoặc thoái hóa, thường diễn ra từ từ trong nhiều năm. Với VTHKNT, các sụn bao phủ đầu xương bị giảm chất lượng, bề mặt trơn nhẵn của nó bị sần sùi. Khi các xương chà xát với nhau sẽ dẫn đến ma sát và tổn thương khớp. Các tổn thương khớp có thể dẫn đến sự tăng trưởng của các xương mới dọc theo 2 bên xương hiện có (gai xương) hoặc có thể tạo ra khối gồ trên khớp ngón tay.
Khi có dấu hiệu viêm, người bệnh nên đi khám chuyên khoa khớp để được điều trị sớm nhất.
BS. Hồng Hạnh