Những điểm mới về BHYT áp dụng từ tháng 12/2018
Chiều 31/10, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin về Nghị định số 146/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết, có một số điểm mới cần lưu ý như bổ sung một số đối tượng tham gia BHYT; quy định tham gia theo hộ gia đình; bỏ quy định giao quỹ khám, chữa bệnh (KCB) cho cơ sở KCB (kể cả trạm y tế xã) thay vào đó là giao tổng mức thanh toán; sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể về thanh toán chi phí KCB; quy định cụ thể hơn về Hợp đồng KCB BHYT…
Ở Nghị định 146 sắp có hiệu lực từ 1/12 tới, trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện, nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ khi thẻ hết hạn. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian đang điều trị tại cơ sở KCB. Ngoài ra, Nghị định mới có quy định việc liên quan đến xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Theo đó, hiện nay cơ sở khám chữa bệnh nào thực hiện dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm thì được BHYT thanh toán, nhưng quy định này sẽ khó cho những nơi có thể điều trị được nhưng lại thiếu hoặc không đảm bảo kỹ thuật, máy móc, cơ sở vật chất để xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh (chụp Xquang, Pet CT, MRI…) (Tiền phong, trang 6).
Báo động trẻ hóa bệnh nhân tiểu đường type 2
Bệnh viện Nội tiết T.Ư mới tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.M, (22 tuổi) bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) type 2. Đây là bệnh thường xuất hiện ở tuổi trung niên nhưng hiện nay đang dần trẻ hóa.
Theo lời kể của bệnh nhân, mặc dù mỗi bữa chỉ ăn 1 bát cơm nhưng vẫn bị béo phì từ nhỏ đến giờ. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Nội tiết người lớn cho biết đây là một trường hợp ít gặp tại bệnh viện khi bệnh nhân mắc ĐTĐ type 2 lúc tuổi còn rất trẻ. Bệnh nhân mắc bệnh là do thể trạng béo phì, chế độ ăn giàu glucid, chất béo, ít vận động. Bệnh đã tiến triển trong một thời gian dài với những biểu hiện khát nước, uống nhiều, đi tiểu nhiều.
Tình trạng béo phì, kết hợp với một số yếu tố di truyền hoặc ngoại cảnh như stress, thức ăn có nhiều chất oxi hóa, chất bảo quản, chất độc sẽ dẫn tới ĐTĐ type 2 với biểu hiện điển hình là tăng đường huyết kèm theo nhiều biến chứng khác về tim mạch, gan và thận.
ĐTĐ type 2 vốn thường gặp ở người lớn do liên quan đến yếu tố ăn uống, béo phì, tăng huyết áp, lười vận động không tiêu hao năng lượng… Tuy nhiên hiện nay, ĐTĐ type 2 đang có xu hướng trẻ hóa. Bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, hiện nay tỷ lệ mắc ĐTĐ ngày càng tăng và biểu hiện tăng thấy rất rõ ở tuổi trưởng thành. Trẻ em chủ yếu mắc ĐTĐ type 1, còn một tỷ lệ nhỏ là type 2. Từ năm 2013 tới nay, con số ĐTĐ type 1 tăng lên 3 – 4 lần so với trước, còn ở type 2 cũng bắt đầu tăng ở trẻ em vì tỷ lệ mắc béo phì quá nhiều. Cá biệt là nhóm bệnh ĐTĐ sơ sinh (mắc trước 6 tháng tuổi). Thậm chí, người bệnh dưới 13 tuổi mắc ĐTĐ là chuyện bình thường và khá phổ biến. Ngoài ra, một số trẻ nhỏ mắc bệnh do có lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học khi hàng ngày dành quá nhiều thời gian ngồi xem tivi, điện thoại, máy tính…
Trong khi đó, việc điều trị bệnh cho trẻ ĐTĐ type 2 không hề đơn giản. Thông thường, người mắc ĐTĐ type 2 ngoài dùng thuốc còn phải tuân theo một chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt. Nhưng với trẻ, nhất là những trẻ đang độ tuổi phát triển, không thể bắt trẻ kiêng khem quá mức. Hơn thế nữa, với trẻ, việc tạo lập một ý thức về bệnh không dễ.
Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh không đúng sẽ gây ra những biến chứng nhất định, trong đó có hạ đường huyết. Do não trẻ em cần được cung cấp đường hằng định, nên khi hạ đường huyết sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến não, làm giảm sự phát triển của não. Kết quả làm giảm trí thông minh và giảm thị lực nếu tình trạng hạ đường huyết kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên (Tiền phong, trang 6).
Bộ trưởng Y tế: Có tình trạng dược sĩ cho thuê bằng mở nhà thuốc ở nhiều nơi
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, đúng là thực tiễn có tình trạng nhiều dược sĩ cho thuê bằng để mở nhà thuốc, thậm chí 1 bằng dược sĩ nhưng cho thuê để mở nhà thuốc ở nhiều nơi khác nhau… Tiếp tục phiên chất vấn tại Quốc hội sáng nay, 31-10, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) đã chất vấn người đứng đầu ngành y tế về tình trạng cho thuê bằng dược sĩ để mở nhà thuốc tràn lan tại nhiều nơi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn bởi kinh doanh thuốc là loại hình liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người.
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay đã có Luật Dược, các nghị định, thông tư quy định khá chi tiết về việc mở kinh doanh các nhà thuốc, quầy thuốc.
Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, trong đó, muốn mở nhà thuốc, quầy thuốc thì bắt buộc phải có dược sĩ đứng tên, chịu trách nhiệm chuyên môn. Một bằng dược sĩ chỉ được đứng tên để mở quầy thuốc, nhà thuốc ở một nơi và dược sĩ đứng tên phải chịu trách nhiệm về hoạt động của quầy thuốc, nhà thuốc đó.
“Tuy nhiên, trong thực tiễn có tình trạng nhiều dược sĩ cho thuê bằng để mở nhà thuốc, cá nhân dược sĩ không có mặt, không đứng ở nhà thuốc đó. Thậm chí, có dược sĩ cho thuê bằng để mở nhà thuốc ở nhiều nơi khác nhau trong một tỉnh.
Vấn đề này đã được quy định mức xử phạt tại Nghị định 116 về xử phạt hành chính, mức xử phạt khá nặng, ngoài ra còn có biện pháp phạt bổ sung là tước giấy phép hoạt động của nhà thuốc, quầy thuốc đó” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Về trách nhiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế địa phương, UBND các cấp đều có lực lượng thanh tra, kiểm tra để kiểm tra, phát hiện các vi phạm này.
Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nên chủ trương là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường hậu kiểm là chính. Vì thế, ngành y tế, các địa phương cũng tăng cường các đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc.
Với câu hỏi chất vấn về vấn đề bán thuốc kháng sinh tùy tiện không theo đơn tại các nhà thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đây là vấn đề mà Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, có hẳn một đề án về bán thuốc theo kê đơn.
Đề án này đã nhấn mạnh đến việc nối mạng liên thông giữa các nhà thuốc, quầy thuốc đến các cơ quan quản lý, nhằm công khai minh bạch nguồn gốc xuất xứ thuốc, giá cả, bán thuốc theo kê đơn.
Đề án này đang được thí điểm ở 4 tỉnh, đang nhân lên thực hiện tại 16 tỉnh, sau đó sẽ sơ kết và nhân rộng ra toàn quốc (An ninh thủ đô, trang 2).
Hiệu quả của mô hình kết hợp quân dân y: Góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội
Mô hình kết hợp quân dân y (KHQDY) là một đặc trưng của ngành y tế Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho nhân dân và lực lượng vũ trang. Những kết quả nổi bật mang lại cho thấy cần thiết phải tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này. |
Miền núi, biên giới, hải đảo là những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội gặp nhiều khó khăn… trong đó, công tác y tế cũng còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực của các cơ sở y tế vừa thiếu, vừa yếu; trang thiết bị không đầy đủ, đồng bộ; cơ sở hạ tầng xuống cấp… nhiều trạm y tế xã chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Nhằm khắc phục những khó khăn đó, cùng với cố gắng của ngành y tế, chính quyền địa phương, chương trình KHQDY đã tích cực tham gia củng cố y tế cơ sở, tạo nên mạng lưới khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh rộng khắp, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội, tham gia xóa đói giảm nghèo và làm cơ sở cho việc xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.
Trong mười năm qua, dự án KHQDY đã nâng cao năng lực hoạt động cho 529 trạm y tế xã, trong đó, 410 trạm thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nổi bật như Bộ đội Biên phòng các địa phương đã thành lập, đầu tư xây dựng 152 phòng khám quân dân y tại các đồn biên phòng đóng quân dọc tuyến biên giới. Các phòng khám thật sự là “cánh tay nối dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản của đồng bào. Ngoài công tác khám chữa bệnh, quân y bộ đội biên phòng còn tham gia triển khai các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống lao, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản…); tham gia vận động bà con xây dựng nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục lạc hậu, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, dân số – kế hoạch hóa gia đình… Đến nay, 38 bệnh xá quân y đóng quân ở vùng biên giới, biển, đảo được cơ quan chức năng đổi tên thành bệnh xá quân dân y, có chức năng khám, chữa bệnh cho quân và dân trong khu vực. Hơn 60% số bệnh xá quân dân y được sửa chữa nâng cấp nhà trạm, bổ sung trang thiết bị y tế, đào tạo nhân lực nhằm nâng cao khả năng về chuyên môn trong khám, điều trị cho nhân dân. Nổi bật là các bệnh xá quân dân y của các đoàn kinh tế quốc phòng 338 (Quân khu 1), 379 và 313 (Quân khu 2), 337 và 92 (Quân khu 4), Trung đoàn 719 và 720 (Binh đoàn 16), Đoàn 959 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp); Bệnh xá quân dân y các đảo Thổ Chu, Bạch Long Vĩ… Nhằm bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng biển, đảo, Ban Quân dân y cấp Bộ đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”. Theo đề án, 100% cư dân trên các đảo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; đối với những huyện đảo có diện tích phù hợp, không đầu tư các trạm y tế xã để tránh đầu tư dàn trải mà tập trung toàn bộ lực lượng chuyên môn y tế tham gia khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế quân dân y. Trong thời gian qua, các huyện đảo: Bạch Long Vĩ, Phú Quý, Thổ Chu, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ để từng bước thực hiện có hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên đảo, ngư dân khai thác cá trên biển. Quá trình triển khai cho thấy KHQDY là giải pháp hiệu quả đáp ứng kịp thời các tình huống đột xuất về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; tham gia khắc phục hậu quả về mặt y tế trong thiên tai, thảm họa. Bên cạnh huy động nhân lực, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất thì việc phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, từng đơn vị để tham gia phòng chống dịch được chủ động hơn. Tại các địa phương, các cơ sở y tế dự phòng của y tế nhân dân có mối quan hệ chặt chẽ với các lực lượng y học dự phòng của quân đội trong giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống và dập tắt dịch. Hệ thống các phòng khám quân dân y do Bộ đội Biên phòng quản lý, cũng là hệ thống giám sát dịch bệnh dọc biên giới có hiệu quả, có khả năng phát hiện sớm nguy cơ dịch. Ngoài tham gia khám, điều trị, phòng chống dịch bênh, KHQDY là một giải pháp tích cực, hiệu quả, góp phần thực hiện nhiệm vụ dân vận của Đảng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm quốc phòng – an ninh. Việc khám, chữa bệnh của các đơn vị KHQDY luôn được gắn liền với công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nắm diễn biến tư tưởng của bà con để phản ánh kịp thời với cấp có thẩm quyền. Nhiều nơi thông qua việc tiếp cận với nhân dân còn phát hiện kịp thời những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch xúi giục bà con, những đường dây buôn lậu, buôn bán ma túy… để báo cáo với chính quyền địa phương có biện pháp kịp thời ngăn chặn. Các việc làm thiết thực đó đã góp phần giữ bình yên khu vực trọng điểm quốc phòng an ninh, khu vực biên giới, góp phần tích cực trong việc giữ dân, giữ đất, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới. Kết hợp quân dân y đã góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững biên giới với nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Các trạm y tế quân dân y tại khu vực biên giới không những bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang, mà còn tham gia khám, chữa bệnh cho người dân nước bạn; tiêu biểu là phòng khám quân dân y khu vực cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), phòng khám quân dân y Ba Thu (Long An), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp) (Nhân dân, trang 5). |
Hiệu quả của mô hình kết hợp quân dân y: Sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng quân y hải quân
Sau ba năm, với sự hỗ trợ toàn diện của Bệnh viện Bạch Mai, lực lượng quân y hải quân đã có bước phát triển vượt bậc. Thành công của mô hình hợp tác này mở ra cơ hội cũng như hướng hợp tác nâng cao trình độ chuyên môn cho các đơn vị thuộc lực lượng quân y. |
PGS,TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Chương trình hợp tác, hỗ trợ nâng cao năng lực quân y hải quân được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân và Bệnh viện Bạch Mai ký kết đã mở ra cơ hội phát triển năng lực chuyên môn lực lượng quân y Hải quân nhân dân Việt Nam. Qua ba năm triển khai, chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có những hoạt động lần đầu được triển khai tại các đơn vị quân y hải quân. Hơn 10 nghìn cán bộ, chiến sĩ hải quân được thụ hưởng trực tiếp thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, khám sức khỏe, truyền thông giáo dục sức khỏe. Hơn 2.000 lượt cán bộ quân y thuộc 52 đơn vị quân y hải quân được nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý qua các khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật…
Các thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển giao thành công 585 kỹ thuật chuyên môn thiết yếu và chuyên sâu thuộc 29 chuyên ngành gồm: cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo… góp phần quan trọng cho việc phát triển chuyên môn kỹ thuật của lực lượng quân y hải quân. Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức 15 khóa đào tạo (lớp tập huấn), cập nhật chuyên môn kỹ thuật và quản lý cho 715 học viên và sáu hội thảo chuyên ngành; đào tạo kỹ thuật cấp cứu ban đầu đặc thù y học hải quân cho 274 y sĩ, bác sĩ của các vùng hải quân; chuẩn hóa lại các kỹ thuật cấp cứu cơ bản cho lực lượng quân y hải quân. Viện Y học Hải quân được tham gia hệ thống trực tuyến cùng Bệnh viện Bạch Mai. Hai bên đã triển khai thành công 67 buổi hội chẩn, đào tạo trực tuyến thuộc 18 chuyên ngành cho 802 lượt bác sĩ của Viện Y học Hải quân. Qua hệ thống trực tuyến, Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ kinh nghiệm về lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị bệnh với hơn 250 ca bệnh phức tạp. Từ tháng 3-2016, đơn vị Thận nhân tạo tại Viện Y học Hải quân đã bắt đầu triển khai kỹ thuật lọc máu (chạy thận nhân tạo), hiện đang duy trì chạy thận nhân tạo thường quy cho 20 người bệnh. Sau hơn một năm triển khai, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu của Viện Y học Hải quân với sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân ngoại trú tăng từ 100 đến 300 bệnh nhân/ngày. Nhiều kỹ thuật mới thuộc các chuyên ngành: hồi sức cấp cứu, tim mạch, tiêu hóa, thận tiết niệu, cơ xương khớp, nội tiết, hô hấp, răng hàm mặt, tai mũi họng, phục hồi chức năng, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm… được các thầy thuốc hải quân ứng dụng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng khám, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh xá Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân đã tiếp nhận thành công kỹ thuật nội soi dạ dày, đại tràng, đưa kỹ thuật này thành hoạt động khám, chữa bệnh thường quy của đơn vị. Bệnh xá phối hợp Bệnh viện Bạch Mai tổ chức được hai đợt nội soi dạ dày, đại tràng bằng phương pháp gây mê cho 335 lượt cán bộ chiến sĩ hải quân… Nhờ đó, tất cả các thủy thủ tàu ngầm được giám định sức khỏe tại Bệnh xá Lữ đoàn mà không phải cơ động ra Bệnh viện Quân y 87 (cách xa đơn vị 60 km) (Nhân dân, trang 5). |