TPHCM ghi nhận ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng: Khẩn trương truy vết, kiểm soát lây nhiễm
Chiều 30-11, sau khi nhận thông tin có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 lây nhiễm từ người cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan, kết nối đầu cầu Sở Y tế TPHCM, để chỉ đạo triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch nhằm khoanh vùng và kiểm soát lây nhiễm với trường hợp này.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, ca dương tính mới phát hiện được công bố chiều nay (bệnh nhân 1.347) có liên quan trực tiếp tới bệnh nhân 1.342 (nam tiếp viên hàng không, trường hợp đã công bố chiều 29-11).
Trước đó, trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý (số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM) từ ngày 14 đến ngày 18-11, bệnh nhân 1.342 có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác (bệnh nhân 1.325). Sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân 1.342 được về cách ly tại nhà trọ trên đường Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM.
Trong quá trình cách ly, bệnh nhân này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm: mẹ đẻ và hai người bạn (một nam, một nữ). Trong đó, người bạn nam (32 tuổi, trú tại phường 3, quận 6, TPHCM) có tới sống cùng.
Ngày 28-11, bệnh nhân 1.342 được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ngay lập tức, 3 trường hợp tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân 1.342 đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, người bạn nam cho kết quả dương tính (bệnh nhân 1.347).
Theo kết quả điều tra dịch tễ ban đầu của bệnh nhân 1.347, trong thời gian từ ngày 18 đến ngày 25, bệnh nhân 1.347 đã đi dạy tại Trung tâm Anh ngữ KEY English (đường Nguyễn Bá Tuyển, phường 12, quận Tân Bình) và chi nhánh khác ở quận 10; tới quán café và quán karaoke.
Tổng số tiếp xúc gần (F1) theo điều tra ban đầu là 38 (đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm); trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) là 154 (trong đó có 62 người ở quận Tân Bình và 92 người ở quận 10).
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện ngành y tế đang tiếp tục khẩn trương truy vết, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp liên quan đến các ca bệnh.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Sở Y tế TPHCM khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 của các ca bệnh trên; thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp này.
Đồng thời, thông báo khẩn với người dân đã từng đến những địa điểm mà bệnh nhân có mặt (như nơi dạy học, quán cafe, quán karaoke) cần liên hệ ngay cơ quan y tế gần nhất. Đồng thời, tiến hành phong toả tạm thời các địa điểm mà bệnh nhân đã đến và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng.
Tất cả nhân viên phục vụ tại các địa điểm cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân (như quán café, karaoke) đều phải lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu cách ly tại nhà. Tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM cần nâng cao mức cảnh giác, tăng cường các biện pháp sàng lọc với tất cả trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở y tế theo quy định. Bộ Y tế, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, yêu cầu Vietnam Airlines tuân thủ các quy định về cách ly tại các cơ sở mà Vietnam Airlines đã đăng ký.
Cũng trong ngày 30-11, Bộ Y tế, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, ra công điện khẩn gửi các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và Ngoại giao; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường giám sát, quản lý người nhập cảnh, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới đang có diễn biến phức tạp (Sài gòn giải phóng, trang 7).
Phòng chống HIV: PrEP – “phao cứu sinh”
Việt Nam đang đối mặt sự gia tăng tỷ lệ dương tính với HIV của nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Trong bối cảnh đó, PrEP – thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV ra đời, được xem như biện pháp hữu hiệu. Thực tế trong 3 năm triển khai, PrEP đã mang đến những tín hiệu lạc quan.
Ngăn ngừa đến 98% nguy cơ lây nhiễm
Hơn 6 tháng nay, anh Lương Công Lý (24 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) biết đến và sử dụng PrEP như một biện pháp phòng ngừa nguy cơ nhiễm HIV cho mình. Có bạn tình là nam giới, trước đó, Lý luôn nơm nớp lo sợ mình có thể bị nhiễm HIV.
“Dù khá kỹ trong phòng ngừa nhưng mình vẫn rất lo. Gần đây, mình được bạn bè giới thiệu và biết đến PrEP, và quả thật là yên tâm hơn hẳn, bởi thông tin mình được biết PrEP có thể phòng ngừa đến 98% nguy cơ lây nhiễm”, anh Lý chia sẻ.
Cũng biết đến PrEP thông qua các hoạt động trong cộng đồng những người đồng tính, Trần Nguyễn Đăng Khoa (25 tuổi, ngụ quận 9) lựa chọn uống PrEP mỗi ngày để bảo vệ bản thân. Dù biết đến PrEP chỉ mới 3 tháng, nhưng Khoa hoàn toàn hài lòng với hiệu quả mà PrEP mang lại. Khoa chia sẻ: “Ban đầu mình có hơi nghi ngại, lo lắng về những tác dụng phụ của thuốc, nhưng sau khi sử dụng mình không bị buồn nôn hay đau đầu như khuyến cáo, cũng không ảnh hưởng đến công việc khiến mình cảm thấy khá thoải mái”.
Đây chỉ là 2 trong hàng ngàn trường hợp biết đến và sử dụng PrEP như một liệu pháp phòng chống lây nhiễm HIV hiệu quả trong cộng đồng những người đồng tính nam (MSM) tại TPHCM. Dù mới chỉ được cấp phép cung cấp PrEP từ tháng 9-2020 nhưng sau hơn 2 tháng, Phòng khám cộng đồng Alocare (quận Thủ Đức) đã có 240 khách hàng sử dụng biện pháp phòng ngừa này.
Anh Nguyễn Minh Thuận, Giám đốc Phòng khám Alocare, cho biết, ban đầu nhiều bạn trong cộng đồng MSM vẫn còn e ngại với PrEP, nhưng sau khi được tư vấn kỹ càng thì ngày càng có nhiều người tin tưởng, lựa chọn PrEP và đã có những phản hồi tích cực về PrEP. “Nếu như có nguồn thuốc hỗ trợ ổn định, lâu dài, tôi tin chắc rằng đây sẽ là vũ khí lợi hại ngăn ngừa HIV lây lan trong cộng đồng”, anh Nguyễn Minh Thuận nhìn nhận.
Tiếp tục mở rộng
Đánh giá về hiệu quả của PrEP, PGS-TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), nhìn nhận, PrEP giúp giảm 95%-98% khả năng lây nhiễm HIV.
Cụ thể, một nghiên cứu cho thấy, trong 10.000 trường hợp sử dụng PrEP chỉ có 8 người dương tính với HIV, trong khi nếu không được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, số lượng người nhiễm mới khoảng 700 người. Do đó, hiện nay, PrEP được coi là phương pháp hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng và được Bộ Y tế đưa vào tài liệu “Hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS” từ tháng 12-2017.
Những đối tượng được khuyến cáo sử dụng PrEP là những người có nguy cơ lây nhiễm cao như nam giới quan hệ tình dục đồng tính, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm, các cặp dị nhiễm (tức là có 1 người vợ hoặc 1 người chồng bị nhiễm HIV). Đặc biệt, phương pháp này an toàn với hầu hết người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Chỉ khoảng 10% người sử dụng gặp tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu… nhưng thường nhẹ và chấm dứt sau 1-2 tuần.
PrEP chống chỉ định với người đã nhiễm HIV, bởi có khả năng gây nguy cơ kháng thuốc cao, người nghi ngờ nhiễm HIV cấp tính và người có chức năng thận không bình thường. PrEP cũng là thuốc có chứa Tenofovir, do đó chống chỉ định với những người dị ứng với thành phần này. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, trước khi cấp phát PrEP cho bất kỳ ai, các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
PGS-TS Phan Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, đánh giá, sự tham gia của khu vực tư nhân và các phòng khám cộng đồng trong việc tư vấn, cung cấp PrEP cùng các dịch vụ liên quan là thành công lớn của chương trình. 72% khách hàng sử dụng PrEP thông qua các phòng khám tư nhân, phòng khám cộng đồng này.
Là một trong những phòng khám cộng đồng tại TPHCM được tiếp cận với PrEP đầu tiên vào tháng 10-2017, sau 3 năm, tại hệ thống 7 phòng khám GLINK trên toàn quốc đã có 3.500 khách hàng đăng ký sử dụng PrEP thường xuyên, trong đó có đến 92% là nam quan hệ tình dục đồng giới.
Để có lượng khách hàng đông đảo này, bác sĩ Lư Trọng Tín, Phòng khám GLINK, chia sẻ, phòng khám đã triển khai nhiều cách thức như đa dạng các kênh truyền thông từ trực tiếp đến trực tuyến, phát triển mạng lưới cộng tác viên tiếp cận, hỗ trợ khách hàng, triển khai thêm nhiều mô hình mới, đặc biệt là cung cấp PrEP lưu động và các dịch vụ theo gói như xét nghiệm HIV, điều trị ARV, dự phòng PrEP…
Tuy nhiên, PGS-TS Phan Thị Thu Hương nhìn nhận, hiện nay việc tiếp cận PrEP ở các vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ phối hợp với các bên liên quan mở rộng cung cấp dịch vụ này bằng nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tài chính cho chương trình, lãnh đạo cục sẽ đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ chi trả PrEP thông qua BHYT, cũng như vận động các nguồn lực xã hội khác nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thuốc ổn định, lâu dài, tăng tiếp cận với người có nguy cơ cao lây nhiễm và có nhu cầu sử dụng PrEP. Dự kiến, đến cuối năm 2021 sẽ có khoảng gần 30.000 khách hàng sử dụng PrEP thường xuyên, như một biện pháp bảo vệ khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV (Sài gòn giải phóng, trang 4).
Thêm một bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt
Bệnh viện Răng hàm mặt Sài Gòn vừa chính thức đi vào hoạt động tại số 1256 Võ Văn Kiệt, phường 10, quận 5, TPHCM.
Đây là bệnh viện chuyên khoa về răng hàm mặt tư nhân đầu tiên tại TPHCM. Trước đó, TP chỉ có 2 cơ sở chuyên khoa công lập theo chuẩn mô hình bệnh viện là Bệnh viện chuyên khoa Răng hàm mặt (RHM) Trung ương và Bệnh viện chuyên khoa Răng hàm mặt TPHCM.
Bệnh viện Răng hàm mặt Sài Gòn được đầu tư với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, diện tích 1.380 m2 được chia thành 7 tầng. Bệnh viện có 5 chuyên khoa với đội ngũ 68 bác sĩ và y tá. Bệnh viện có sức chứa khoảng 21 bệnh nhân lưu trú và có khả năng khám và điều trị cho 200 bệnh nhân mỗi ngày.
Về phạm vi dịch vụ, ngoài các dịch vụ thẩm mỹ và điều trị phổ biến tại các cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt như niềng răng, nhổ răng khôn, bọc sứ… bệnh viện còn có các dịch vụ điều trị chuyên môn cao theo quy định dành riêng cho chuẩn bệnh viện như: cấy ghép implant toàn hàm không giới hạn – (các phòng khám nha khoa chỉ được tối đa 2 implant), nâng xoang hở (trong cấy ghép implant), gây mê tiền phẫu thuật, phẫu thuật hàm, cấp cứu (Sài gòn giải phóng, trang 4).
Ca lây COVID-19 từ người cách ly: Khẩn cấp khoanh vùng, kiểm soát lây nhiễm
Chiều 30/11, sau khi nhận thông tin có ca dương tính lây nhiễm từ người cách ly, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long triệu tập cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan, kết nối đầu cầu Sở Y tế TPHCM, để chỉ đạo triển khai khẩn cấp tất cả biện pháp phòng chống dịch nhằm khoanh vùng, kiểm soát lây nhiễm với trường hợp này.
Ca dương tính được công bố chiều 30/11 (bệnh nhân số 1347) có liên quan trực tiếp tới bệnh nhân số 1342 (công bố chiều 29/11). Trước đó, trong thời gian cách ly tại khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý (số 115 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM) từ ngày 14-18/11, bệnh nhân số 1342 có tiếp xúc với đồng nghiệp trên chuyến bay khác (bệnh nhân số 1325).
Sau khi xét nghiệm 2 lần cho kết quả âm tính, bệnh nhân 1342 được về cách ly tại nhà trọ (P305, lầu 3, số 50 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình). Trong quá trình cách ly, bệnh nhân này có tiếp xúc trực tiếp với 3 người, gồm mẹ đẻ và hai người bạn (một nam, một nữ). Trong đó, người bạn nam (sinh năm 1988, trú tại phường 3, quận 6, TP HCM) có tới sống cùng.
Ngày 28/11, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3, cho kết quả dương tính. Ngay lập tức, 3 trường hợp tiếp xúc trực tiếp được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Trong đó, người bạn nam (bệnh nhân 1347) cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Theo kết quả điều tra dịch tễ ban đầu của bệnh nhân số 1347, từ 18-25/11, anh này đi dạy tại Trung tâm Anh ngữ KEY English (59 Nguyễn Bá Tuyển, phường 12, quận Tân Bình) và chi nhánh khác ở quận 10, TPHCM, tới quán cà phê và quán karaoke. Tổng số tiếp xúc gần (F1) theo điều tra ban đầu là 38 và đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Số trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) là 154, gồm 62 người ở quận Tân Bình và 92 người ở quận 10. Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đang tiếp tục khẩn trương truy vết, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp liên quan ca bệnh. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế TPHCM khẩn trương truy vết tất cả các trường hợp F1, F2 của các ca bệnh trên; thực hiện biện pháp cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp này.
Bộ trưởng yêu cầu Sở Y tế TPHCM thông báo khẩn với người dân từng đến những địa điểm mà bệnh nhân có mặt (nơi dạy học, quán cà phê, quán karaoke) cần liên hệ ngay cơ quan y tế gần nhất. Phong toả tạm thời các địa điểm mà bệnh nhân đã đến và thực hiện biện pháp tiêu độc khử trùng; tất cả nhân viên phục vụ tại các địa điểm cung cấp dịch vụ cho bệnh nhân (như quán cà phê, karaoke) đều phải lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu cách ly tại nhà.
Các cơ sở y tế tăng cường biện pháp sàng lọc
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế ở TPHCM nâng cao mức cảnh giác, tăng cường các biện pháp sàng lọc với tất cả trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở y tế theo quy định. Bộ Y tế – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu Vietnam Airlines tuân thủ các quy định về cách ly tại các cơ sở mà Vietnam Airlines đã đăng ký.
UBND TPHCM và TP Hà Nội, nơi có địa điểm Vietnam Airlines đăng ký cách ly, kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình cách ly và không để tình trạng lây nhiễm trong khu cách ly. Với các trường hợp cách ly tại nhà, Bộ Y tế đề nghị chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt chính quyền cơ sở, tuân thủ chặt chẽ việc giám sát, theo dõi việc cách ly tại nhà.
Ngày 30/11, Bộ Y tế ra công điện khẩn gửi các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và Ngoại giao; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường giám sát, quản lý người nhập cảnh, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trong khu vực và trên thế giới đang có diễn biến phức tạp (Tiền phong, trang 6).
Bộ Y tế quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành 20 loại thuốc tại Việt Nam
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam đối với 20 thuốc. Hầu hết các thuốc này do các công ty dược nước ngoài sản xuất. Lý do thu hồi là các cơ sở đăng ký thuốc tự nguyện đề nghị thu hồi giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Cụ thể:
Thuốc viên nén Telmotens (Telmisartan 80mg), cơ sở sản xuất là Alembic Pharmaceuticals Limited (India).
Thuốc viên nén bao phi Co-Alvoprel (Irbesartan 150mg, Hydrochlorothiazid 12,5mg) và thuốc viên nén bao phim Co-Alvoprel (Irbesartan 300mg, Hydrochlorothiazid 25mg), cơ sở sản xuất là Genepharm S.A (Hy Lạp).
Thuốc viên nén bao phim Alvostat (Rosuvastatin Calcium 10,4mg, Rosuvastatin 10mg) và viên nén bao phim Alvostat (Rosuvastatin Calcium 20,8mg, Rosuvastatin 20mg), cơ sở sản xuất là Zaklad Farmaceutyczny Adamed Pharma S.A (Ba Lan).
Thuốc nước dùng ngoài Lactacyd FH (mỗi 100ml chứa Acid lactic 1g, Lactoserum atomisat 0,9g), cơ sở sản xuất là Công ty cổ phần Dược phẩm Sanofi-Synthelabo Việt Nam.
Bột đông khô HIBERIX (Polysaccharide vỏ của Haemophilus influenzae (PRP) 10mcg PRP cộng hợp với biến độc tố uốn ván (TT) 25mcg), cơ sở sản xuất là GlaxoSmithKline Biological S.A (Bỉ).
Viên nén bao đường Gesdonyl (Ethinylestradiol 30mcg, Gestodene 75mcg), cơ sở sản xuất là Haupt Pharma Munster GmbH (Đức).
Dung dịch đậm đặc để pha dung dịch tiêm truyền Moliavex (Paclitaxel 6mg/ml), dung dịch đậm đặc để pha dung dịch tiêm truyền Moliavex (Paclitaxel 6mg/ml ) và dung dịch đậm đặc để pha dung dịch tiêm truyền Moliavex (Paclitaxel 6mg/ml), cơ sở sản xuất là Corden Pharma Latina (Italy). Viên nén nhai Singulair (Montelukast dưới dạng Montelukast natri 10mg), cơ sở sản xuất là Merck Sharp & Dohme Ltd (Anh).
Viên nén phân tán trong miệng Remeron Soltab (Mirtazapine dưới dạng Mirtazapine bao có chứa 24% hoạt chất 30mg), cơ sở sản xuất là Anesta LLC (Mỹ). Viên nén bao phim Januvia 25mg (Sitagliptin dưới dạng Sitagliptin phosphat monohydrat 25mg), cơ sở sản xuất là Merck Sharp & Dohme Ltd (Anh). Cốm uống Singulair (Montelukast dưới dạng Montelukast natri 4mg), cơ sở sản xuất là Patheon Manufacturing Services LLC (Mỹ).
Viên nang mềm Adalat 10mg (Nifedipin 10mg), cơ sở sản xuất là Catalent Germany Eberbach GmbH (Đức).
Viên nén bao Climen (viên trắng chứa Micronised Estradiol valerate 2mg, viên hồng chứa Micronised Estradiol valerate 2mg, Micronised cyproterone acetate 1mg), cơ sở sản xuất là Delpharm Lille SAS (Pháp).
Viên nén bao phim Angeliq (Estradiol 1mg, Drospirenone 2mg), cơ sở sản xuất là Bayer Weimar GmbH und Co. KG (Đức).
Bột đông khô pha tiêm Enbrel (Etanercept 25mg), cơ sở sản xuất là Boehringer Ingelheim Pharma GmbH & Co. KG (Đức).
Dung dịch đậm đặc pha dung dịch tiêm truyền Anzatax 300mg/50ml (Paclitaxel 300 mg/50ml), cơ sở sản xuất là Hospira Australia Pty Ltd (Australia).
Quyết định của Cục Quản lý dược cũng nêu rõ, thuốc trong nước được sản xuất trước ngày quyết định này có hiệu lực, thuốc nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam hoặc thuốc nước ngoài nhập khẩu trong trường hợp được giao hàng tại cảng đi của nước xuất khẩu trước ngày quyết định này có hiệu lực, được phép lưu hành đến hết hạn dùng của thuốc. Cơ sở đăng ký thuốc, sản xuất thuốc phải có trách nhiệm theo dõi và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc trong quá trình lưu hành (An ninh thủ đô, trang 7).