Điểm báo ngày 01/6/2020

(CDC Hà Nam)
5 đối tượng hành hung bác sĩ ở Hải Dương lĩnh án tù; Phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ: Nâng tầm vóc, trí tuệ người Việt; Đồ uống giải nhiệt, dưỡng da: Coi chừng tiền mất tật mang…

 

45 ngày Việt Nam không phát hiện lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) cho biết ngày 31.5, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới.

Đã 45 ngày Việt Nam không phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. 279 bệnh nhân (BN) trong số 328 ca mắc Covid-19 ghi nhận tại Việt Nam đã được chữa khỏi.

BCĐ đánh giá, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào trong nước là rất lớn do Việt Nam vẫn đón các chuyên gia đến làm việc; đưa người Việt Nam ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch về nước.

BCĐ yêu cầu các địa phương phải tiếp tục quản lý chặt chẽ các thành viên tổ bay quốc tế. Bộ Y tế cử các đội phản ứng nhanh kiểm tra các khách sạn đang được sử dụng để tổ chức cách ly tổ bay, phi hành đoàn quốc tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).

BCĐ thống nhất chưa mở cửa đón du khách quốc tế vào Việt Nam, chỉ khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế khi đáp ứng đủ điều kiện và trước tiên chỉ xem xét đón khách đến từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh.

Theo BCĐ, hầu hết 49 BN đang điều trị tại các cơ sở y tế đang có sức khỏe ổn định. BN 328 (bé trai 1 tuổi, từ Nga về Việt Nam hôm 13.5) hiện khỏe mạnh, ăn uống bình thường, không sốt, không ho, không khó thở, tuy nhiên có đi ngoài phân lỏng 2 – 3 lần/ngày. Mẹ của BN này có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2.

* Sức cơ tay của phi công người Anh nhiễm Covid-19 hồi phục 3/5.

Ngày 31.5, tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết phi công người Anh nhiễm Covid-19 (BN 91) được chẩn đoán mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển giai đoạn tăng sinh xơ hóa, viêm phổi do vi khuẩn Burkholderia cenocepacia, tổn thương thận cấp đang hồi phục – u thượng thận trái (chưa rõ bản chất).

Hiện BN 91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, sức cơ tay 3/5, sức cơ chân 1/5, cơ hoành phải có hoạt động nhưng còn yếu, mạch và huyết áp bình thường, còn thở máy và chạy ECMO (kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể), được ngưng lọc máu từ ngày 27.5. Các chuyên gia nội tiết và tiết niệu đề nghị làm lại các xét nghiệm khi tình trạng BN ổn để chẩn đoán bản chất khối u thượng thận.

Các bác sĩ tiên lượng, BN 91 còn nặng dù đã giảm được các thông số ECMO do sức cơ toàn thân còn yếu, đặc biệt các cơ hô hấp và nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị. (Thanh niên, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 9: “45 ngày cả nước không có lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng”; Hà Nội mới, trang 7: “46 ngày liên tiếp Việt Nam không có ca nhiễm mới Covid-19 trong cộng đồng”.

 

Số người mắc Covid-19 vẫn tăng mạnh

Theo Worldometers.info, đến chiều 31-5, thế giới có hơn 6,1 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 371 nghìn người chết, song đã có hơn 2,7 triệu người được chữa khỏi. Ấn Độ ghi nhận số người mắc mới cao kỷ lục, với 8.380 ca chỉ trong một ngày; số người chết vì Covid-19 vượt 5.180 ca.

* Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo, ngày 30-5, Trung Quốc đại lục không có thêm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, cũng không có thêm ca tử vong nào, song có thêm hai ca nhiễm nhập cảnh.

* Hàn Quốc ghi nhận thêm một ca tử vong vì Covid-19; thêm 27 ca dương tính, nâng tổng số bệnh nhân lên 11.468 người, song đã có 10.405 người bình phục.

* Thái Lan ghi nhận thêm bốn ca nhiễm nhập cảnh và không có thêm ca tử vong nào. Giới chức Thái Lan cho biết, số ca lây nhiễm trong nước đã chậm lại trong vòng hai tuần qua.

* Hãng hàng không quốc gia Philippines (PAL) lên kế hoạch khôi phục một số chuyến bay nội địa và quốc tế từ ngày 1-6, song chủ yếu là các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Manila. PAL cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn mới về vận tải hàng không.

* Bộ Ngoại giao Singapore thông báo nước này và Trung Quốc đã nhất trí về việc mở “làn nhanh” từ đầu tháng 6, phục vụ nhu cầu đi lại thiết yếu, vì mục đích kinh doanh và công vụ.

* Malaysia bắt đầu gỡ bỏ giới hạn thời gian hoạt động của hệ thống máy rút tiền tự động (ATM). Từ hôm 19-4, Malaysia áp dụng khung thời gian hoạt động của ATM từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, nhằm hạn chế người dân ra ngoài vào ban đêm.

* Nhằm hỗ trợ người nước ngoài tại Nhật Bản, một nhóm sinh viên ở Tokyo xây dựng trang thông tin điện tử covid19-tagengo.com, với 13 ngôn ngữ. Trong đó, ngoài kiến thức về phòng, chống dịch, còn có thông tin về chính sách di trú, hỗ trợ tài chính…

* Thủ tướng Israel B.Netanyahu cảnh báo nguy cơ đặt phong tỏa trở lại, nếu người dân không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Israel xác nhận thêm hơn 100 ca dương tính với Covid-19 trong dịp cuối tuần.

* Bộ Thương mại Iraq cho biết, hiện chỉ còn 190 nghìn tấn gạo trong kho dự trữ để cung cấp cho chương trình phân phối lương thực của nước này, trong khi chương trình này mỗi năm cần tới 1,25 triệu tấn gạo. Chính phủ kêu gọi hỗ trợ, trong bối cảnh kinh tế Iraq gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

* Với 9.268 ca mắc mới, lần đầu kể từ ngày 23-5, Nga ghi nhận số ca dương tính với Covid-19 hằng ngày vượt mức 9.000 trường hợp. Bộ Y tế Nga thông báo, các nhà khoa học nước này sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin phòng Covid-19 trong hai tuần tới.

* Belarus ghi nhận thêm 894 trường hợp mắc Covid-19, đưa nước này vào danh sách các nước châu Âu có số ca bệnh nhiều nhất trong hai tuần qua. Đến ngày 30-5, Belarus đã thực hiện hơn 526 nghìn xét nghiệm Covid-19.

* Ukraine có thêm 468 trường hợp dương tính với Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân lên 23.672 người; thêm 12 ca tử vong.

* Trong khi đó, Liên hiệp châu Âu (EU) kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định chấm dứt quan hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO). EU nhấn mạnh, WHO cần tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt các nỗ lực quốc tế ứng phó đại dịch.

* Thổ Nhĩ Kỳ thông báo mở lại các chuyến bay nội địa. Các chuyến bay đầu tiên được nối lại từ Istanbul; các đường bay khác sẽ dần được khôi phục.

* Chỉ dẫn trong sắc lệnh của Chính phủ Italy vừa công bố cho biết, từ ngày 3-6, công dân các nước khu vực Schengen và Anh tới Italy không bắt buộc phải cách ly 14 ngày. Với công dân các nước châu Âu ngoài Schengen, quy định này áp dụng từ ngày 15-6 tới.

* Bộ Tài chính Anh xác nhận, Chính phủ Anh chi trả 80% tiền lương cho người lao động bị mất việc tạm thời, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 10-2020. Doanh nghiệp được phép cho người lao động bán thời gian làm việc trở lại từ tháng 7.

* Hy Lạp xác nhận mở cửa các sân bay đón khách quốc tế từ ngày 15-6 tới, tiến hành xét nghiệm Covid-19 đối với người khởi hành từ những sân bay mà Cơ quan An toàn hàng không EU (EASA) khuyến cáo là có nguy cơ lây nhiễm cao. Nếu có kết quả dương tính, bệnh nhân cách ly trong 14 ngày.

* Nhóm các trường đại học hàng đầu tại Australia đề xuất chính phủ nước này dần cho phép sinh viên quốc tế trở lại nhập học. Trước mắt, áp dụng thí điểm với một số lượng nhỏ sinh viên có kết quả âm tính với Covid-19.

* Rwanda ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid-19, là một lái xe 65 tuổi, trở về từ một nước láng giềng. Hiện Rwanda có 359 ca mắc Covid-19. (Nhân dân, trang 8).

 

Phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ: Nâng tầm vóc, trí tuệ người Việt

Thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” để lại những hậu quả khôn lường, không chỉ đối với sự phát triển mà còn ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của trẻ. Chính vì vậy, Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6) hằng năm còn được chọn là Ngày Vi chất dinh dưỡng, nhằm đẩy mạnh phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ, giúp nâng cao tầm vóc và trí tuệ người Việt Nam.

Thiếu chất nào cũng nguy hiểm…

Tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng của trẻ luôn là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thu Hằng (ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) chia sẻ: “Hằng ngày, ngoài bữa chính, bé trai 2 tuổi nhà tôi còn uống thêm sữa, ăn váng sữa, hoa quả, bánh dinh dưỡng… Dù vậy, bé vẫn bị còi, khiến tôi rất lo lắng”.

Theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) Trương Tuyết Mai, trong khi thịt, cá, cơm, cháo, rau, trái cây là những thực phẩm cha mẹ có thể nhìn rõ và định lượng được qua khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ, thì vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E, K…) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, đồng…) là thứ không nhìn thấy, khó định lượng. Chính vì vậy, ngay cả trẻ em ở thành phố có điều kiện sống tốt hơn trẻ ở nông thôn cũng bị thiếu vitamin, khoáng chất, nhất là canxi, sắt, kẽm, vitamin D.

Qua kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13%; 69,4% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm, 45% trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi thiếu máu. Thiếu vitamin và khoáng chất đều ảnh hưởng đến sức khỏe, chiều cao, xương, miễn dịch của trẻ. Đặc biệt, thiếu vitamin A, thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng, hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng…

Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Trần Quang Trung cho biết, theo kết quả điều tra tại 15 quận, huyện trên địa bàn thành phố trong năm 2019, tỷ lệ suy dinh dưỡng nói chung ở trẻ là 7,8%, trong đó suy dinh dưỡng cấp tính từ 4% đến 6%. Nguyên nhân là bữa ăn của trẻ nghèo nàn về dưỡng chất, khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng kém do bệnh lý đường tiêu hóa, nhiều trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, không bú đủ sữa mẹ…

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Lâm cho rằng, qua nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ bị hụt ít nhất 10cm chiều cao ở giai đoạn trưởng thành. Ngoài ra, các trẻ suy dinh dưỡng thường không đủ thể lực để tham gia các hoạt động thể chất, học tập. Thậm chí, rào cản nhận thức, tiếp thu kém, thể chất không khỏe mạnh của trẻ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động khi trưởng thành.

Chiến lược giảm tỷ lệ thấp còi

Do tác động của lối sống hiện đại, nhiều bậc cha mẹ thường không đủ điều kiện chăm sóc con từ bé, vì họ quan niệm khi con lớn có thể chăm sóc “bù”. Tuy nhiên, đây là quan điểm hết sức sai lầm. Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Trương Tuyết Mai cho biết, đầu tư vào dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời là sự đầu tư tốt nhất. Nếu trong khoảng thời gian này, trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ. Chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ phụ thuộc vào từng mốc giai đoạn, cụ thể là bà mẹ mang thai (270 ngày), nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung (365 ngày – nuôi con năm thứ nhất) và chế độ ăn của trẻ từ 1 đến 2 tuổi (365 ngày – nuôi con năm thứ hai).

Ông Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ thiếu dinh dưỡng (suy dinh dưỡng) hoặc thừa cân, béo phì, các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành, nhất là bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường… Mặc dù sữa mẹ có nhiều lợi ích cho trẻ, nhưng không phải bà mẹ nào cũng biết và thực hiện. Ngoài ra, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời điểm cho trẻ ăn bổ sung (ăn dặm) là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày). Bữa ăn bổ sung của trẻ phải cân đối các chất dinh dưỡng thiết yếu, gồm: Nhóm đường bột (65-70%), nhóm chất đạm (12-14%), chất béo (18-20%). Không những vậy, trẻ cần được ăn đủ rau và hoa quả (cung cấp các vitamin, chất khoáng và xơ)… Nếu khẩu phần ăn của trẻ quá nhiều chất đạm có thể khiến hệ tiêu hóa non nớt phải làm việc mệt mỏi, dễ rối loạn tiêu hóa, gây suy dinh dưỡng cấp tính.

Ngoài việc bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ và bà mẹ sau sinh, trong Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay, tại 63 tỉnh, thành phố sẽ tiến hành sàng lọc trẻ suy dinh dưỡng cấp tính. Theo bà Trương Tuyết Mai, Viện sẽ đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho việc điều trị trẻ suy dinh dưỡng nặng cấp tính. Đây được xem như một can thiệp chiến lược để giảm tỷ lệ thấp còi và tử vong ở trẻ em, từ đó cải thiện trí tuệ, tầm vóc và sự phát triển của nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Đồ uống giải nhiệt, dưỡng da: Coi chừng tiền mất tật mang

Tại TPHCM, nước bổ sung điện giải, bù nhiệt, chè dưỡng nhan giữ dáng đẹp da giá từ 10.000-20.000 đồng/chai trở thành thức uống “hot” trong mùa hè.

Gần đây, chè “dưỡng nhan tuyết yến” xuất hiện trên nhiều tiệm nước vỉa hè tại TPHCM. Đường Điện Biên Phủ (Q.3), một quầy xe bán xôi di động giới thiệu chè dưỡng nhan tuyết yến giá chỉ 20.000 đồng/chai. “Nguyên liệu “hiếm có khó kiếm” như tuyết yến, nhựa đào, táo đỏ, hạt chia, nấm tuyết… Nếu thêm đông trùng hạ thảo, giá 35.000-40.000 đồng/chai. Chè tuyết yến đắt hàng lắm, có hôm tôi bán cả trăm chai”, người bán nói.

Mù mờ chất lượng

Tại chợ Đông y trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5) có đầy rẫy nguyên liệu nấu các loại chè. Nhân viên tiệm H.K nhanh nhẹn giới thiệu bịch đựng nhựa đào, tuyết yến là các cục nhựa lổn nhổn, đủ loại vàng sậm, vàng nhạt. Bao bì sản phẩm chi chít in bằng chữ Trung Quốc. Người bán dựa vào hình vẽ trên bao bì để phân biệt nguyên liệu.

Loại chè dưỡng nhan này cũng đang “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội. Một tài khoản  bán hàng livestream “Nguyên liệu toàn các loại thảo dược bổ dưỡng, ngoài thành phần chính là tuyết yến, nhựa đào, tuyết liên tử… còn có nhụy hoa nghệ tây (saffron) rất đắt tiền… Giá chỉ 120.000-160.000 đồng/phần 300g. Mỗi phần nấu được 12-15 chai. Mua 10 phần tặng 1 phần”. Phía dưới, hàng trăm bình luận khen sản phẩm ngon – bổ – rẻ, mua bán, đặt hàng xôm tụ.

Trời nóng, các loại sản phẩm “bù nước, bù nhiệt” đa dạng từ siro, trà, nước khoáng, viên sủi, nước ion… hàng nội – ngoại đều đắt hàng. Cửa hàng online Mẹ và Bé giới thiệu nước điện giải Hàn Quốc thành phần nho, nước đường, chất làm ngọt… được pha theo tỷ lệ nhất định để giúp cân bằng lượng nước cho bé khi bị sốt, tiêu chảy hay khi hoạt động nhiều đổ mồ hôi. “Đây là hàng chính hãng, giá từ 85.000 đồng/chai 125ml. Bình thường các loại sản phẩm bù nước khá khó uống, nhưng với sản phẩm này có vị nho, táo, sữa chua… trẻ em rất thích” – người bán tư vấn.

Coi chừng “bổ ngửa”

Trao đổi với báo Tiền Phong, BS Dương Thị Kim Loan, trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Thống Nhất cho biết, khi dùng các loại nước giải nhiệt, chúng ta cần quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, xem thử có đường hay không. Nhất là những trẻ thừa cân béo phì, đây chính là nguồn năng lượng khiến trẻ dư cân mà phụ huynh không kiểm soát.

Lượng điện giải trong công thức nước bù đòi hỏi phụ huynh phải nắm rõ con mình ăn uống đủ nhu cầu hay chưa, không nên tùy tiện cho bé sử dụng các sản phẩm điện giải. Tốt nhất nên hỏi chuyên gia dinh dưỡng. “Bù quá nhiều nước dẫn đến tình trạng ngộ độc nước. Việc thừa nước khiến tế bào bị trương nước, ức chế hệ thần kinh trung ương có thể dẫn đến hôn mê hoặc làm thận quá tải, gây ảnh hưởng chức năng thận” – BS Loan khuyến cáo.

Đối với  các sản phẩm chè dưỡng nhan tuyết yến toàn “kỳ hoa dị thảo” giá bèo, BS Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên Khoa Y học cổ truyền (ĐH Y dược TPHCM) cho rằng, với các nguyên liệu có nguồn gốc và chất lượng không rõ ràng, đóng gói sơ sài, không nhãn mác dễ tiềm ẩn nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm. (Tiền phong, trang 10).

 

Nam Phi công đã tỉnh, nhiễm trùng phổi khó điều trị

Tối 31/5, Bộ Y tế cho biết bệnh nhân nam phi công người Anh đã ngưng lọc máu, chức năng thận khá hơn. Tuy nhiên tiên lượng còn nặng dù đã giảm được các thông số ECMO do sức cơ toàn thân còn yếu, đặc biệt các cơ hô hấp và nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị.

Tính đến chiều 31/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 7 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và 22 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2.

Về tình hình sức khoẻ của nam phi công người Anh (bệnh nhân 91) đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Tiểu Ban Điều tri cho biết, phổi bệnh nhân cải thiện, thông khí phổi lên đến 40%, có thể  xoay đầu, các chỉ số nhiễm khuẩn giảm.

Tuy nhiên tiên lượng còn nặng dù đã giảm được các thông số ECMO do sức cơ toàn thân còn yếu, đặc biệt các cơ hô hấp và nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị, đã thay kháng sinh theo biên bản hội chẩn Tiểu ban điều trị,

Đánh giá sơ bộ: hiện bệnh nhân tỉnh, có phản xạ ho mạnh hơn và sức cơ tăng, chi trên tăng 3/5, chi dưới 1/5, cơ hoành phải bắt đầu hoạt động yếu.

Để duy trì oxy máu SpO2 90-95%, lưu lượng máu ECMO hiện là 3,7 lít/phút, đang giảm dần số lít oxy vào máy ECMO còn 2,5 lít/phút và nồng độ oxy (FiO2) vào máy ECMO còn 50%.

Bác sĩ đã ngưng lọc máu từ ngày 27/5, có cho furosemide để duy trì lượng nước tiểu, chức năng thận khá hơn, BUN không tăng, creatinin tăng nhẹ so với trước đó.

Về viêm phổi do Burkholderia cenocepacia, kết quả cấy đờm của bệnh nhân ra 2 chủng Burkholderia cenocepacia, theo ý kiến hội chẩn với Ban chỉ đạo đã đổi kháng sinh ceftazidim sang ceftazidim/avibactam, xét nghiệm procalcitonin và bạch cầu đã giảm, nhưng vẫn còn đờm mủ.

Bệnh nhân hiện được nuôi ăn qua đường tiêu hoá, vật lý trị liệu 2 lần/ngày

Liên quan đến sức khoẻ của bệnh nhân 328, được thông báo sáng ngày 30/5 là một bé trai 1 tuổi (bay từ Liên bang Nga về Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN0062 vào ngày 13/5), hiện bé được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Hải Dương cho biết việc điều trị cho bé được thực hiện theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Các y bác sĩ theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ.

Hiện bé khỏe mạnh, ăn uống bình thường, không sốt, không ho, không khó thở, tuy nhiên có đi ngoài phân lỏng 2-3 lần/ngày. Mẹ bệnh nhi có kết quả âm tính, được mặc trang phục bảo hộ cẩn thận để chăm sóc con. (Tiền phong, trang 15).

 

CNN ca ngợi thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Hãng tin CNN của Mỹ vừa có bài viết ca ngợi thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Bài viết nhấn mạnh một loạt các biện pháp hiệu quả mà Chính phủ Việt Nam thực hiện đã đem lại thành công, đặc biệt là cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong nào.

Những con số “khó tin nhưng là sự thật”

Mở đầu bài viết, CNN cho biết, khi thế giới đang nhìn sang châu Á để lấy những ví dụ thành công trong việc kiểm soát Covid-19, nhiều lời khen và sự chú ý được dành cho Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc). Nhưng, có một câu chuyện thành công đã bị bỏ qua – đó là Việt Nam.

Quốc gia với dân số 97 triệu người chưa ghi nhận bất kỳ ca tử vong nào liên quan tới Covid-19 và tới nay chỉ có 328 trường hợp nhiễm bệnh cho dù Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc và mỗi năm có hàng triệu khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh.

Kết quả này càng đáng ghi nhận khi Việt Nam chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp với hệ thống y tế kém phát triển hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, Việt Nam chỉ có 8 bác sỹ trên 10.000 người dân, tỷ lệ chỉ bằng 1/3 ở Hàn Quốc.

Sau 3 tuần thực hiện phong tỏa trên toàn quốc, Việt Nam đã dỡ bỏ các quy định giãn cách xã hội vào cuối tháng 4. Tại Việt Nam, trong vòng 40 ngày qua đã không phát hiện ca nhiễm nào trong cộng đồng. Các doanh nghiệp và trường học đã mở cửa trở lại và cuộc sống đang dần trở lại bình thường.

Theo CNN, một số ý kiến hoài nghi cho rằng các số liệu này “quá tốt để có thể tin được”. Tuy nhiên, bác sĩ Guy Thwaites chuyên về các bệnh truyền nhiễm tại một trong các bệnh viện chính được Chính phủ Việt Nam chỉ định để điều trị bệnh nhân Covid-19, cho rằng các con số này khớp với tình hình thực tế.

“Tôi tới bệnh viện hàng ngày và tôi biết rằng chưa có ca tử vong nào”- Bác sĩ Thwaites, người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford ở thành phố Hồ Chí Minh khẳng định. Theo bác sĩ Thwaites: “Nếu có lây nhiễm trong cộng đồng không được kiểm soát hoặc không được báo cáo thì chúng ta sẽ thấy rõ các ca trong bệnh viện, bệnh nhân có thể bị viêm nhiễm ở vùng ngực hoặc không được chẩn đoán – điều này chưa từng xảy ra”.

Vậy Việt Nam đã làm thế nào để kiểm soát được đại dịch này? Câu trả lời, theo các chuyên gia y tế cộng đồng, đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ việc Chính phủ có sự phản ứng sớm và nhanh chóng nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, cho tới công tác truy tìm những trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, việc thực hiện cách ly và công tác truyền thông mạnh mẽ.

Hành động sớm

Việt Nam bắt đầu chuẩn bị cho bùng phát dịch bệnh nhiều tuần trước khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Khi giới chức Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều cho rằng chưa có “chứng cứ rõ ràng” về lây nhiễm từ người sang người, Việt Nam đã có những hành động sớm.

Chuyên gia Thwaites cho biết tốc độ ứng phó chính là nguyên nhân của sự thành công của Việt Nam. “Các hành động của Việt Nam từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2 được thực hiện sớm hơn rất nhiều so với nhiều nước khác. Và điều đó rất có ích để giúp Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh”- bác sĩ Thwaites nhấn mạnh. Các hành động sớm mang tính quyết định đã giảm lây nhiễm cộng đồng một cách hiệu quả và giúp Việt Nam kiểm soát số ca nhiễm bệnh ở con số 16 tới ngày 13-2. Trong vòng 3 tuần, không có thêm các ca nhiễm mới cho tới làn sóng thứ 2 vào tháng 3 khi những công dân Việt Nam trở về nước từ nước ngoài.

Nhà chức trách Việt Nam đã truy tìm những người từng tiếp xúc với các bệnh nhân được xác nhận và yêu cầu cách ly bắt buộc trong vòng 2 tuần. Nỗ lực truy tìm các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh của Việt Nam cẩn trọng tới mức không chỉ truy tìm những người tiếp xúc trực tiếp mà thậm chí cả những trường hợp tiếp xúc gián tiếp với người nhiễm bệnh. Bác sĩ Thwaites cho rằng “Đó là một trong những yếu tố đặc biệt của cách ứng phó của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng không có nước nào thực hiện được các biện pháp cách ly tới mức như vậy”

Công tác truyền thông công cộng hiệu quả

Ngay từ ban đầu, Chính phủ Việt Nam đã tuyên truyền rõ ràng, minh bạch cho người dân về dịch bệnh. Các trang web, đường dây nóng và các ứng dụng điện thoại di động được thành lập để cập nhật cho người dân về diễn biến mới nhất của dịch bệnh cũng như đưa ra các khuyến cáo y tế. Bộ Y tế Việt Nam cũng thường xuyên gửi những khuyến cáo tới người dân thông qua hệ thống tin nhắn qua điện thoại.

Bộ máy truyền thông lớn của Việt Nam cũng đã được huy động, nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh trên hệ thống loa phát thanh, áp phích đường phố, báo chí và mạng xã hội. Bác sỹ Thwaites cho biết kinh nghiệm dày dặn của Việt Nam trong việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm như SARS từ 2002-2003 và sau đó là cúm gia cầm đã giúp Chính phủ và người dân chuẩn bị tốt hơn đối với đại dịch Covid-19.

Bác sỹ Thwaites nói: “Người dân Việt Nam chú ý tới các bệnh truyền nhiễm nhiều hơn so với ở các nước giàu có hơn hoặc các nước không thường chứng kiến các bệnh truyền nhiễm như châu Âu, Anh và Mỹ. Người dân Việt Nam hiểu rằng những điều này cần phải được quan tâm nghiêm túc và tuân thủ chỉ dẫn từ Chính phủ về các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm lan rộng”. (An ninh Thủ đô, trang 20).

Cùng chủ đề Công an Nhân dân, trang 2: “Truyền thông quốc tế khẳng định thành công nổi bật của Việt Nam trong chống dịch Covid-19”.

 

243 bà bầu về từ Đài Loan về nước sinh con

Tỉnh Quảng Nam vừa tiếp nhận hơn 340 công dân Việt Nam tại Đài Loan về nước, trong đó có 243 phụ nữ mang thai, tất cả được đưa vào khu cách ly tập trung.

Trước đó chiều 29-5, 343 công dân Việt Nam từ Đài Loan về sân bay Đà Nẵng và được đưa vào cách ly tập trung tại Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), trong số này có 243 phụ nữ mang thai, có người sắp sinh con.

Được biết những người trở về đợt này đa số là lao động phổ thông tại một số tỉnh ở nước ta sang làm việc tại Đài Loan. Một số học tập, đi du lịch, đi thăm người thân bị “mắc kẹt” nhiều tháng tại nước này do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Hai – giám đốc Sở Y tế Quảng Nam – cho biết đây là chủ trương của Chính phủ đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.

Đợt này những người được đưa về thuộc nhóm có nguyện vọng về nước ưu tiên là phụ nữ, người già, trẻ em, trong đó có phụ nữ mang thai.

Theo ông Hai, “phần lớn họ là những lao động có hoàn cảnh khó khăn, việc đưa những phụ nữ mang thai này về nước và lo toàn bộ chi phí đi máy bay, ăn ở, chăm sóc sức khỏe tại khu cách ly là một chủ trương hết sức nhân văn của Chính phủ ta.”

Ông Hai khẳng định trong số những phụ nữ mang thai được tiếp nhận đợt này thì không có ai là cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan mà toàn bộ là những lao động qua Đài Loan làm việc, cuộc sống khó khăn, họ đều có địa chỉ thường trú ở Việt Nam.

Theo thống kê, 243 phụ nữ này có 10 người mang thai được 8 tháng, trong đó có một phụ nữ dự kiến đầu tháng 6-2020 sinh con.

Các bà bầu này được lực lượng y tế kiểm tra sức khỏe kỹ càng mỗi ngày, ngành cũng chuẩn bị một khu cách ly tại trung tâm y tế huyện Thăng Bình, có đội ngũ bác sĩ, y tế để sẵn sàng việc sinh con của họ.

Ông Hai cũng cho biết tất cả những người vào khu cách ly đợt này đã được lấy mẫu xét nghiệm, đang chờ kết quả.

Tại khu cách ly tập trung, một số người cho biết trong thời gian qua cuộc sống của họ ở Đài Loan hết sức khó khăn bởi chi phí đắt đỏ, nhiều thai phụ bị mất việc làm, không có bảo hiểm nên việc sinh hoạt, chăm lo cho sức khỏe gặp nhiều trở ngại.

Khi được đón trở về quê hương, mọi người đều phấn khởi, gửi lời cảm ơn đến Chính phủ, nhà nước ta vì đã quan tâm, bố trí chuyến bay đưa họ về nước, được đưa vào khu cách ly tập trung, nhà nước lo toàn bộ chi phí. (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Sức khỏe nam phi công người Anh cải thiện thần kỳ

Đến nay đã sang ngày thứ 46 Việt Nam không có ca mắc COVID-19 ở cộng đồng, tuy nhiên vẫn ghi nhận một số ca bệnh mới mắc đều là ca bệnh nhập cảnh từ nước ngoài được cách ly ngay không có khả năng lây lan ra cộng đồng.

Trong khi đó, thế giới ghi nhận hơn 6 triệu người mắc COVID-19, số tử vong là hơn 367 nghìn người. Trước thực tế này, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị không được chủ quan, cần tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, cách ly tổ bay và thống nhất chưa mở cửa đón du khách quốc tế vào Việt Nam.

Về tình hình sức khỏe bệnh nhân nặng nhất – nam phi công người Anh (bệnh nhân 91) đang điều trị tại BV Chợ Rẫy, Tiểu ban Điều trị cho biết, hiện phổi bệnh nhân cải thiện thêm một phần, thông khí phổi đã tăng lên 40% (trước đó là 30% – 20% – 10%). Bệnh nhân vẫn tiên lượng còn nặng vì lưu lượng ECMO còn cao (dù đang giảm dần các thông số) và nhiễm trùng phổi với chủng vi khuẩn rất khó điều trị.

Tại buổi hội chẩn quốc gia về tình hình sức khỏe của bệnh nhân này cuối tuần qua, GS.TS. Ngô Quý Châu – Chủ tịch Hội Hô hấp, quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý BV Bạch Mai đề nghị BV Chợ Rẫy xem xét sử dụng loại thuốc mới trong điều trị nấm cho bệnh nhân, đồng thời thay đổi bằng thuốc tiêm cho người bệnh. Đặc biệt bệnh nhân 91 được quan tâm đặc biệt đến dinh dưỡng để cải thiện cơ hô hấp, cơ hoành… Dự buổi hội chẩn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng thống nhất với đề nghị này và cho rằng cần quan tâm đến chức năng gan, thận của bệnh nhân.

Nếu nhìn lại một số thời điểm thập tử nhất sinh của bệnh nhân người Anh này khi phổi gần như đông đặc (chỉ còn 10% – 20% – 30% và hiện tăng lên 40% hoạt động) thì kết quả đạt được đến nay đó là một kỳ tích. Thông tin từ BV Chợ Rẫy cho biết, từ bên trong phòng hồi sức cấp cứu bệnh nhân bắt đầu có những hình ảnh lạc quan về sức khỏe, có các phản ứng biểu cảm khi bác sĩ trò chuyện. Bệnh nhân đã có thể tiếp nhận từng thìa dinh dưỡng được các bác sĩ đút, có thể cử động ngón tay, bàn chân, mấp máy môi, nhấp nháy mắt và ông đã rơi nước mắt khi các bác sĩ, điều dưỡng hỏi thăm.

Ca bệnh nhập cảnh mới nhất được công bố sáng 30/5 là bé trai 1 tuổi, trở về từ nước ngoài trên chuyến bay VN0062 ngày 13/5 và được cách ly ngay khi nhập cảnh. Hiện bé được cách ly và điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Hải Dương, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Hải Dương cho biết việc điều trị cho bé được thực hiện theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Các y bác sĩ theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ.

Hiện bé khỏe mạnh, ăn uống bình thường, không sốt, không ho, không khó thở, tuy nhiên có đi ngoài phân lỏng 2-3 lần/ngày. Mẹ bệnh nhi có kết quả âm tính, được mặc trang phục bảo hộ cẩn thận để chăm sóc con.

Trước đó, trẻ được cách ly ngay tại Trung đoàn 125, Cộng Hòa, Chí Linh, tỉnh Hải Dương và lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả âm tính. Ngày 28/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm lần 4 và cho kết quả dương tính. Ngày 29/5, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, cũng theo ông Hải, hai trường hợp khác mắc COVID-19 điều trị tại bệnh viện cũng đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Nếu có thêm một xét nghiệm âm tính nữa, dự kiến bệnh viện sẽ công bố khỏi bệnh hai bệnh nhân này.

Cũng theo thông tin từ Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này đã có 279/328 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được chữa khỏi (chiếm tổng số 85% ca bệnh COVID-19 ở nước ta). 49 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 8 BV tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định.

Tính đến chiều ngày 31/5, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế, hiện có 7 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 và 22 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với SARS-CoV-2. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

5 đối tượng hành hung bác sĩ ở Hải Dương lĩnh án tù

Tòa án nhân dân huyện Bình Giang (Hải Dương) vừa xét xử sơ thẩm vụ hành hung bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện Bình Giang hồi tháng 3/2020. 5 bị cáo đã phải lĩnh mức án thích đáng.

5 bị cáo gồm: Ngô Nguyên Minh, Phạm Thế Vũ (cùng sinh năm 1998, ở thị trấn Kẻ Sặt), Vũ Quang Tú (sinh năm 1999, ở xã Bình Minh), Vũ Đình Cường (sinh năm 1999, ở xã Vĩnh Hồng, đều ở huyện Bình Giang) và Nguyễn Việt Hinh (sinh năm 1998, ở xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) bị truy tố vì tội cố ý gây thương tích.

Theo cáo trạng, trưa ngày 18/3/2020, Ngô Nguyên Minh, Phạm Thế Vũ, Vũ Đình Cường, Nguyễn Việt Hinh, Vũ Xuân Phương và Phạm Đức Hùng (ở thôn Lương Ngọc, xã Thúc Kháng) cùng ăn cơm tại nhà Vũ Quang Tú. Khoảng 15h30, khi ăn xong cả nhóm rủ nhau đi hát karaoke ở xã Thái Học cùng huyện. Trên đường đi, do Hùng bị ngã nên Tú, Minh đưa vào Trung tâm Y tế huyện Bình Giang. Tại đây, Tú, Minh được các bác sĩ Lê Ngọc Sơn (sinh năm 1993), Vũ Thành Đạt (sinh năm 1990) đang đứng ở ngoài hành lang chỉ vào khu vực thăm khám.

Tú đưa Hùng vào phòng khám còn Minh đi sau và cho rằng bác sĩ Đạt hướng dẫn không tận tình liền mắng chửi. Sau một lúc hai bên lời qua tiếng lại, Minh đấm bác sĩ Đạt nhưng không trúng. Thấy vậy, bác sĩ Sơn vào can thì bị Minh đấm 2 phát vào mặt và 2 người cùng đánh nhau. Tú đang ở phòng khám lao ra cùng Minh đánh bác sĩ Sơn. Sau đó, Tú gọi đồng bọn tìm anh Sơn để đánh. Khi bác sĩ Sơn đang ở phòng thay đồ, Minh xông vào túm áo, đấm, còn Tú cầm gậy gỗ vụt vào mặt, vào lưng. Hinh, Cường cầm vợt cầu lông đánh bác sĩ Sơn. Sau đó, Vũ lao vào đấm, Minh lấy ghế inox đập vào vai bác sĩ Sơn.

Bác sĩ Sơn được đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và bị tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 13%.

Vụ án xảy ra gây bức xúc trong dư luận về sự côn đồ, coi thường pháp luật của nhóm đối tượng trên. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đã chỉ đạo, yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương điều tra làm rõ, xử lý nghiêm nhóm côn đồ này.

Hội đồng xét xử lần lượt tuyên phạt: Ngô Nguyên Minh 39 tháng tù, Vũ Quang Tú 45 tháng tù, Vũ Đình Cường 36 tháng tù, Nguyễn Việt Hinh 30 tháng tù và Phạm Thế Vũ 25 tháng tù.

Trước đó, ngày 14/4, gia đình các đối tượng đã tự nguyện bồi thường bác sĩ Sơn 100 triệu đồng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 28/6/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 26/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 11/2/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận