Điểm báo ngày 02/10/2019

(CDC Hà Nam)
 Nhiều lỗ hổng từ vụ thuốc ung thư giả; Bộ Y tế đào tạo kỹ năng quản lý, lãnh đạo ngành Y tế cho 1.270 học viên; Nỗ lực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện vì sự an toàn của người bệnh; Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Khó triển khai đồng loạt…

Nhiều lỗ hổng từ vụ thuốc ung thư giả

Kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án buôn bán thuốc ung thư giả H-Capita, HĐXX kiến nghị một loạt vấn đề liên quan đến quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc tại VN.

Chiều qua (1.10), TAND TP.HCM tuyên phạt các bị cáo về tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” gồm: Võ Mạnh Cường (41 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH TM hàng hải Quốc tế H&C) 20 năm tù; Nguyễn Minh Hùng (41 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma) 17 năm tù; Nguyễn Trí Nhật và Ngô Anh Quốc (cùng nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) lần lượt 12 và 11 năm tù; 8 bị cáo đồng phạm còn lại từ 3 năm tù treo đến 7 năm tù. Về phần dân sự, toàn bộ lô thuốc H-Capita sau khi nhập khẩu vào VN đã bị phát hiện, thu giữ nên thiệt hại thực tế của VN Pharma là hơn 6 tỉ đồng, HĐXX tuyên tịch thu sung công quỹ.

Rà soát tình trạng nâng khống giá thuốc

Đồng thời, thông qua vụ án này, HĐXX nhận định có hiện tượng các công ty kinh doanh, nhập khẩu dược phẩm nâng khống giá thuốc thông qua các hợp đồng nhập khẩu, sau đó nhận lại khoản tiền nâng khống thông qua các công ty, chuyển tiền từ nước ngoài về VN rồi sử dụng các khoản tiền này phục vụ cho việc cạnh tranh trong thị trường dược phẩm. Việc này làm giá thuốc nhập khẩu tại thị trường VN cao hơn so với thực tế, gây ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là những người lao động nghèo. Do đó, HĐXX đề nghị Bộ Y tế có biện pháp rà soát lại giá các loại thuốc, đặc biệt là các loại thuốc nhập khẩu trên thị trường để điều chỉnh giá thuốc cho phù hợp, đúng với giá trị, chất lượng thực sự của thuốc.

Ngày 18.9.2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thẩm định, xét duyệt, cấp phép và cho thông quan nhập khẩu đối với các thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Công ty Helix Canada và nhãn mác Công ty Health 2000 Canada
Đối với việc cấp giấy phép nhập khẩu thuốc, HĐXX đánh giá hiện vẫn còn một số lỗ hổng pháp lý, dễ dàng để các đối tượng xấu lợi dụng nhập khẩu, sản xuất thuốc kém chất lượng vào tiêu thụ tại thị trường VN; một số cán bộ, nhân viên hoạt động trong ngành y tế vẫn chưa chấp hành nghiêm quy định của Bộ Y tế ban hành mà mang tính đối phó, như việc hồ sơ kỹ thuật thuốc vẫn còn hiện tượng thuê viết trong khi việc này phải do nhà sản xuất thực hiện và tuân theo quy trình chặt chẽ. HĐXX đề nghị Cục Quản lý dược Bộ Y tế nhanh chóng rà soát lại các quy định cũng như quy trình trong việc cấp phép, khắc phục các lỗ hổng pháp lý để không còn tình trạng đã xảy ra như vụ án này trong tương lai. Điều tra hành vi làm lộ bí mật nhà nước
Về kiến nghị của Viện KSND TP.HCM (VKS) cho rằng cần điều tra, xác minh hành vi làm lộ bí mật nhà nước, HĐXX tuyên chuyển yêu cầu của VKS cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Trước đó, tại phiên tòa, đại diện VKS nêu trong quá trình điều tra, ông Ngô Nhật Phương (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) đã trực tiếp giao nộp cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an 10 tài liệu, có liên quan đến nội dung Công văn 77 của Bộ Y tế. Thời điểm đó, Công văn 77 chưa được giải mật và ông Phương có trình bày với cơ quan điều tra rằng những tài liệu này do quan hệ cá nhân mà có. Điều này cũng được ông Phương thừa nhận tại tòa. VKS cho rằng sự việc có dấu hiệu lộ bí mật nhà nước vì để cho cá nhân không có thẩm quyền có được thông tin mật của Bộ Y tế; vì vậy kiến nghị Bộ Công an điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến tài liệu mật của Bộ Y tế trong vụ án này.

HĐXX cũng tiếp tục kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Viện KSND tối cao nhanh chóng điều tra xử lý các phần tách ra của vụ án theo đúng quy định của pháp luật, bao gồm: làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan đến việc lập hồ sơ, cấp phép nhập khẩu các thuốc nhãn mác Health 2000 Canada; việc cấp số đăng ký lưu hành cho 7 loại thuốc; việc cấp phép nhập khẩu 3 thuốc nhãn mác Công ty Helix Canada và việc cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix Canada. Đối tượng cung cấp thuốc giả vẫn thường xuyên qua VN
Về nội dung vụ án thuốc ung thư giả, HĐXX nhận định quá trình điều tra và tại phiên tòa, phần lớn các bị cáo đều thừa nhận hành vi đúng như cáo trạng nêu. Dựa vào các chứng cứ khác trong hồ sơ, ý kiến của các bên liên quan, kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, HĐXX tuyên đủ cơ sở xác định từ giữa năm 2013 đến ngày 19.9.2014, Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng các bị cáo khác đã sử dụng các giấy tờ giả, hợp đồng giả, con dấu giả gồm: giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix Canada; dùng con dấu Công ty Helix Canada giả, đóng dấu vào hồ sơ nộp Cục Quản lý dược Bộ Y tế để cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita; làm giả hợp đồng mua bán, phụ lục với Công ty Austin Hồng Kông (đã hết hạn giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu thuốc tại VN từ ngày 6.10.2013), nhằm nâng khống giá trị lô thuốc H-Capita gấp nhiều lần, với mục đích bán giá cao ra thị trường thu lợi bất chính. Thực tế các bị cáo đã nhập khẩu trót lọt 9.300 hộp thuốc H-Capita về VN.

HĐXX cũng đánh giá lô thuốc H-Capita bị phát hiện kịp thời, ngăn không cho tiêu thụ ngoài thị trường là nằm ngoài ý muốn của các bị cáo. Việc các bị cáo có văn bản gửi Cục Quản lý dược và A83 Bộ Công an hỗ trợ là được thực hiện sau khi các cơ quan chức năng phát hiện ra vụ việc và đang tiến hành kiểm tra. Bên cạnh đó, HĐXX lập luận Võ Mạnh Cường có vai trò tích cực, quan trọng nhất trong vụ án, là chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Cường là người cung cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC) của thuốc H-Capita và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) để Hùng làm hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu tại Cục Quản lý dược. Hơn ai hết, Cường phải là người hiểu rõ nguồn gốc, chất lượng lô thuốc H-Capita vì ngay khi nhận thuốc từ đối tượng Raymundo, Cường đã tự tra cứu thông tin, mã vạch trên vỏ hộp và không xác định được cơ sở sản xuất thuốc, cũng như chính bị cáo là người gửi email cho VN Pharma để nói rằng mình đang kiểm tra nhà máy sản xuất thuốc tại Canada trong khi bị cáo hoàn toàn không thực hiện việc này. Ngoài ra, Cường còn thông đồng với Hùng làm giả hồ sơ, chứng từ nhập khẩu thuốc, thực hiện nâng khống giá thuốc.

Đối tượng Raymundo, HĐXX kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và Viện KSND tối cao cần làm rõ để xử lý triệt để vụ án, vì theo hồ sơ vụ án, đối tượng này từng thường xuyên qua lại VN.

H-Capita là thuốc giả

Về các lô thuốc H-Capita mà các bị cáo nhập khẩu là thuốc giả hay kém chất lượng, theo HĐXX, thuốc là một lĩnh vực đặc thù, do đó để đánh giá được nguồn gốc, chất lượng lô thuốc không thể dựa vào ý kiến hay quan điểm chủ quan mà phải dựa vào các kết quả kiểm nghiệm, giám định, trên cơ sở đối chiếu tham khảo các tài liệu khoa học, cũng như các quy định pháp luật liên quan thì mới có thể xác định được chính xác bản chất.

Do đó, về nguồn gốc lô thuốc, HĐXX phân tích quá trình điều tra, CQĐT đã xác định 9.300 hộp thuốc H-Capita do VN Pharma nhập khẩu không có nguồn gốc sản xuất tại Canada. Cụ thể, trên các thùng hàng thuốc có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore, phù hợp với văn bản trả lời ủy thác của Singapore; Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng – Bộ KH-CN xác định mã vạch, mã số in trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký bởi quốc gia nào; kết quả giám định năm 2015 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita và giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix Canada là giả. Cảnh sát Canada cũng trả lời địa chỉ Công ty Helix, do các bị cáo cung cấp, không phải là cơ sở kinh doanh của Helix và cơ quan chức năng Canada không cấp mã số giấy phép kinh doanh cho Công ty Helix.

Cục Quản lý dược trong quá trình điều tra có cung cấp các tài liệu về việc tiến hành xác minh, xác định được thuốc H-Capita có nguồn gốc từ Nhà máy Affy Parenterals của Ấn Độ sản xuất, sau đó được vận chuyển về Singapore rồi về VN. Như vậy, các bị cáo làm giả hồ sơ nhằm giả nguồn gốc xuất xứ của thuốc.

Về chất lượng của lô thuốc, theo HĐXX, căn cứ Kết luận giám định số 31 ngày 22.4.2015 của Hội đồng giám định Bộ Y tế, trả lời của Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, hồ sơ liên quan đến nguồn gốc thuốc của nhà máy Ấn Độ và quy định tại luật Dược 2005, Nghị định 185/2013 của Chính phủ… đều thể hiện, lô thuốc H-Capita tại thời điểm giám định chỉ đạt 4/6 chỉ tiêu đã đăng ký.

Từ những cơ sở trên, HĐXX khẳng định có đủ cơ sở xác định toàn bộ 9.300 hộp thuốc H-Capita là hàng giả về nguồn gốc, xuất xứ, giả về FSC và GMP, giả về các hợp đồng mua bán, giả về chứng từ nhập khẩu, giả hóa đơn thanh toán nâng khống giá mua cao hơn so với thực tế, lượng tạp chất không định danh và cảm quan không đạt tiêu chuẩn tại thời điểm giám định. Do đó, HĐXX đủ căn cứ xác định các bị cáo đã phạm vào tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Theo HĐXX, các bị cáo trong vụ án là những người có kiến thức, trình độ chuyên môn cao, hoạt động trong lĩnh vực đặc thù là thuốc chữa bệnh nhưng chỉ vì ham muốn lợi nhuận, thu lợi bất chính mà các bị cáo bất chấp pháp luật, đạo đức để thực hiện các hành vi gian dối, với thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm nhập khẩu lô thuốc H-Capita vào VN để tiêu thụ.

“Lô thuốc này có giá trị hơn 5 tỉ đồng, khi nhập khẩu, các bị cáo khai khống giá trị lô thuốc là 14 tỉ đồng. Hiện nay, toàn bộ lô thuốc H-Capita sau khi nhập về VN đã bị thu giữ nên thiệt hại thực tế của VN Pharma là hơn 6 tỉ đồng. Do đó Viện KSND tối cao truy tố theo khoản 4 điều 157 bộ luật Hình sự năm 1999 (tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, có khung hình phạt từ 20 năm trở lên – PV) là có cơ sở pháp luật”, HĐXX nhận định.

Nâng khống giá vì chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn ? 

Theo một chuyên gia về dược, hàng chục năm qua ngành dược VN vẫn không có thay đổi nhiều trong quản lý nhập khẩu, cấp số đăng ký, giá… thuốc, dẫn đến 2 lỗ hổng lớn.

Lỗ hổng thứ nhất là trong vấn đề nhập khẩu. Trong khi đa số các nước rất chú trọng việc xây dựng hàng rào kỹ thuật thuốc nhập khẩu và có nghiên cứu giới hạn số lượng nhập khẩu theo nhu cầu, nhất là những mặt hàng đã sản xuất trong nước; hoặc chí ít họ cũng tiến hành kiểm tra định kỳ nhà máy sản xuất, kiểm nghiệm sản phẩm mà chi phí do bên xuất khẩu đáp ứng… thì ở VN suốt nhiều năm qua hệ thống cấp số đăng ký nhập khẩu thuốc tại Cục Quản lý dược vẫn chưa có chiến lược định hướng rõ ràng về thuốc cần ưu tiên hoặc hạn chế nhập khẩu, từ đó chưa có các giải pháp cụ thể. Hậu quả là VN trở thành nơi mà đủ loại thuốc trên thế giới đổ xô về, số đăng ký tăng chóng mặt, hiện có trên 20.000 số đăng ký thuốc. Nếu thập niên 90 của thế kỷ trước khi chưa mở cửa, thuốc ngoại nhập chiếm số đăng ký nhiều nhất là của Pháp (các loại biệt dược gốc, thuốc phát minh), thì hơn mười năm trở lại đây, thuốc Ấn Độ được cấp số đăng ký nhiều nhất (đa số là thuốc generic – thuốc khai thác khi hết hạn bản quyền thuốc gốc). Ngoài ra còn các thuốc từ những quốc gia khá xa lạ, không tên tuổi trên thị trường dược phẩm quốc tế cũng vào VN. Khi có quá nhiều mặt hàng, không chỉ bóp chết sản xuất trong nước, mà còn dẫn đến mất kiểm soát chất lượng, tiêu cực trong cạnh tranh vì quá tải trong quy trình cấp số đăng ký dẫn đến cơ chế xin – cho, bôi trơn…

Cũng theo chuyên gia này, quy trình cấp số đăng ký, cấp phép nhập khẩu thuốc hiện nay thuần túy chỉ dựa trên giấy tờ nên không bảo đảm về chất lượng thuốc, các thuốc kém chất lượng, thậm chí thuốc giả vẫn có cơ hội lọt vào…

Lỗ hổng thứ hai là trong vấn đề giá. Doanh nghiệp kê khai bao nhiêu thì nhà nước biết bấy nhiêu, dù doanh nghiệp bán chỉ 50% giá kê khai nhưng vẫn còn lời rất cao, thậm chí vài trăm phần trăm. Vì sao? Vì tình trạng độc quyền nâng giá. Vì tình trạng mua bán lòng vòng giữa các công ty. Vì tình trạng chi hoa hồng cho bác sĩ kê đơn…”, vị chuyên gia này nói. (Thanh niên, trang 1; Tuổi trẻ, trang 1).

 

Bộ Y tế đào tạo kỹ năng quản lý, lãnh đạo ngành Y tế cho 1.270 học viên

Chiều ngày 30/9/2019 tại Trường đại học Y tế Công cộng, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Bế giảng khóa VII và khai giảng khóa IX – Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý Ngành Y tế Việt Nam. Đối tượng tham dự các khóa học bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm, cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Y tế; lãnh đạo đơn vị y tế dự phòng, CDC; Giám đốc/Phó Giám đốc Bệnh viện.

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương đã đến dự và giảng bài tại Lễ Khai giảng với chủ đề: “Một số quan điểm về lãnh đạo và quản lý; Đổi mới chính sách y tế ở Việt Nam”

Mục tiêu của khóa đào tạo là trang bị và cập nhật kiến thức về quản lý y tế, kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo quản lý ngành y tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành y tế. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng được ứng dụng các nguyên lý và phương pháp đào tạo dựa trên năng lực để trang bị cho học viên những kiến thức và các kỹ năng lãnh đạo, quản lý trong hệ thống y tế, chính sách, định hướng chiến lược phát triển ngành y tế, quản lý các nguồn lực, quản lý các hoạt động và cung cấp dịch vụ y tế. Để xây dựng Chương trình đào tạo này, Bộ Y tế giao cho Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với các chuyên gia trong nước và đặc biệt là các chuyên gia của Trường Đại học Y tế công cộng Rennes – Pháp để xây dựng 3 chương trình đào tạo bồi dưỡng về quản lý y tế cho cán bộ lãnh đạo, quản lý Ngành Y tế. Quá trình xây dựng các chương trình đào tạo này đã được thực hiện công phu, bài bản với nhiều lần hội thảo xin ý kiến góp ý của cán bộ quản lý y tế như lãnh đạo Vụ, Cục của Bộ Y tế, các Sở Y tế, các bệnh viện và các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước; đồng thời có sự tham vấn của các chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế. Chương trình đã được Bộ Y tế thẩm định vào tháng 8/2017 và cho phép triển khai từ năm 2018.

Với phương pháp đào tạo dựa trên năng lực, chương trình đào tạo được cấu trúc thành 4 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 học tập trung trên lớp kéo dài 3 tuần cung cấp kiến thức và kỹ năng tổng hợp, đồng thời thông qua thảo luận tình huống để cập nhật và nâng cao các năng lực cần thiết cho công tác lãnh đạo quản lý; Giai đoạn 2 đi tìm hiểu thực tế 1 tuần tại địa phương nhằm đối chiếu và so sánh kiến thức đã học với thực tiễn tại các cơ sở y tế; Giai đoạn 3 ứng dụng thực hành trong công tác lãnh đạo, quản lý tại cơ quan công tác của học viên trong 7 tuần; Giai đoạn 4 cập nhật và báo cáo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trong 1 tuần.

Giảng viên của khóa học là cán bộ lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan, các chuyên gia của các Bộ ngành để cập nhật, hướng dẫn học viên thực hiện các văn bản quản lý về y tế; đại diện một số tổ chức quốc tế được mời để chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế. Bên cạnh đó, các giảng viên của Trường Đại học Y tế Công cộng và Viện Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh cùng phối hợp giảng dạy, hệ thống hóa lý thuyết và các nguyên lý lãnh đạo, quản lý.

Đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức được 08 khóa đào tạo cho đối tượng lãnh đạo quản lý với tổng số 1270 học viên được đào tạo. Các học viên đã hoàn thành các nội dung lý thuyết và thảo luận trên lớp, đi thực tế tại các cơ sở y tế của tỉnh, thực hiện áp dụng tại cơ quan công tác và chia sẻ kết quả áp dụng với giảng viên và học viên toàn khóa. Khóa IX của chương trình sẽ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2019, gồm 01 lớp cho lãnh đạo các Vụ, Cục, văn phòng Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế; 02 lớp cho lãnh đạo bệnh viện.

Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về quản lý y tế cho cán bộ lãnh đạo quản lý Ngành Y tế là nhiệm vụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ngành Y tế, thực hiện tốt chủ trương đổi mới hệ thống y tế theo tinh thần nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết số 20 và 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có đổi mới về thể chế, bộ máy tổ chức, phương thức quản lý, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Ngành.

Đồng thời, với việc triển khai các khóa đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý Ngành Y tế, Bộ Y tế thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 18 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức./. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Nỗ lực kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện vì sự an toàn của người bệnh

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn bệnh viện cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế.

Ngày 30/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Khoa Gây mê hồi sức và hồi sức tích cực trong cơ sở khám chữa bệnh.

Phát biểu tại hội nghị, PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ Trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương nhấn mạnh: Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7%-19,1%.

“Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn BV cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín bệnh viện và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế. Đôi khi biến chứng của nhiễm khuẩn BV còn nặng hơn chính bệnh mà bệnh nhân mắc phải”- PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại.

Chính vì thế tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành Quy chế thành lập khoa chống nhiễm khuẩn tại Quy chế BV (1997) và Thông tư số 18/2009/TT-BYT Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng nhiều văn bản khác hướng dẫn về công tác này. Đồng thời, trong 83 tiêu chí về đánh giá chất lượng BV thì kiểm soát nhiễm khuẩn là một tiêu chí quan trọng.

Theo Bộ trưởng, đến nay công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn BV, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn BV và kháng kháng sinh, từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh BV, chủ động phòng chống bệnh dịch…

Mặc dù vậy, nhiễm khuẩn BV đang là vấn đề rất đáng quan ngại hiện nay. Nghiên cứu của BV Bệnh Nhiệt Đới Trung ương (2013), khảo sát tại khoa Hồi sức tích cực của 15 BV từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỷ lệ là 27,3%, tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và BV dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các BV tuyến trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn BV cao hơn và tác nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn BV. Đặc biệt các vi khuẩn gram âm kháng với nhiều loại kháng sinh đặc trị như kháng với nhóm carbapenem dao động từ 50% đến 75%.

“Tôi rất sốt ruột về vấn đề này, đi đến các BV tuyến trung ương hay BV tỉnh tôi đều dành sự quan tâm đến thăm, kiểm tra trực tiếp tại các Khoa Hồi sức, Khoa Gây mê hay đơn vị gây mê hồi sức. Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong cơ sở y tế, đặc biệt tại các khoa gây mê hồi sức và hồi sức tích cực vì liên quan mật thiết đến chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh”- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Việc đầu tư cho hoạt động kiêm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp và hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng thực trạng trên, trước hết là do một số người đứng đầu cơ sở y tế chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, do vậy việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động kiêm soát nhiễm khuẩn chưa phù hợp và hiệu quả. Chưa có chính sách thu hút, khuyến khích những người có tâm huyết, có chuyên môn làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Tiếp đến, nhân lực giám sát chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn thiếu ở hầu hết các BV. “Đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được đào tạo, do vậy chưa thực hiện được giám sát chủ động, liên tục các loại nhiễm khuẩn BV thường gặp và giám sát các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Nhân lực điều dưỡng thiếu, chưa thực hiện được chăm sóc toàn diện dẫn đến mỗi người bệnh phải có người nhà vào chăm sóc làm lan truyền vi sinh vật từ môi trường cộng đồng vào BV và ngược lại”- Bộ trưởng thẳng thắn nêu thực trạng.

Bên cạnh đó, nguồn lực cho kiểm soát nhiễm khuẩn còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại nhiều BV chưa được quan tâm đầu tư đúng quy định. Thiết kế BV, đặc biệt thiết kế tại khoa hồi sức tích cực, khoa gây mê hồi sức chưa bảo đảm về kiểm soát nhiễm khuẩn.

“Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn  tại các BV tập trung nhiều vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng vào công tác giám sát bao gồm giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát tỷ lệ nhiễm khuẩn BV – Đây mới là nhiệm vụ trọng tâm của kiểm soát nhiễm khuẩn  tại BV nhằm bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm bệnh cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, còn nguyên nhân khác nữa là chưa có chương trình đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn  hiệu quả trong các trường, do vậy các bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên y tế khác khi và làm việc tại các cơ sở y tế chưa có đủ kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn.

Nhân viên y tế trực tiếp điều trị và chăm sóc người bệnh phải được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn

Do đó, tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu thủ trưởng các đơn vị cam kết thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành. Song song với truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh.

Đồng thời thiết kế/cải tạo cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng ngừa cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn và bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn theo cơ cấu giá viện phí dành cho kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bố trí đủ nhân lực có năng lực chuyên môn, đã được đào tạo và có chứng chỉ về kiểm soát nhiễm khuẩn làm kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên trách. Bảo đảm nhân viên y tế trực tiếp điều trị và chăm sóc người bệnh phải được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn. Tăng cường nhân lực cho khoa hồi sức tích cực và khoa Gây mê hồi sức để bảo đảm chăm sóc toàn diện người bệnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu cần đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, Giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y  tế, sinh viên, học sinh, người bệnh và người nhà. Tăng cường giám sát vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh. Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cách ly theo đúng hướng dẫn chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn đã ban hành nhằm giảm thiểu tỷ lệ nhiễm khuẩn BV đến mức thấp nhất.

Thực hiện cải tiến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn góp phần bảo đảm cung cấp dịch vụ an toàn và chất lượng. Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV đúng quy định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt: Khó triển khai đồng loạt

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt mang đến nhiều lợi ích, giúp đơn giản hóa thủ tục cho người bệnh, giảm thời gian chờ đợi. Vì vậy, Bộ Y tế đang đẩy mạnh triển khai các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, trong đó yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn đô thị phải thực hiện phương thức thanh toán này trước ngày 31-12-2019. Thế nhưng, trên thực tế, ứng dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt khó triển khai đồng loạt.

Chủ yếu vẫn là… tiền mặt

Từ tháng 9-2018, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức đã áp dụng thí điểm giải pháp thanh toán viện phí bằng thẻ bảo lãnh viện phí tại Khoa Điều trị theo yêu cầu 1C. Sau 1 năm triển khai, đã có gần 7.000 người bệnh sử dụng thẻ bảo lãnh viện phí thay cho tiền mặt, chiếm hơn 40% số người bệnh đến khám. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, hình thức thanh toán này không chỉ giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi, mà còn giúp bệnh viện dễ dàng kiểm soát nguồn thu, giảm nhân lực kiểm đếm tiền mặt. Với bệnh nhân ở xa, thanh toán viện phí qua thẻ còn giúp họ quản lý tiền tốt hơn, không còn nỗi lo đánh rơi, hay bị trộm cắp…

Tiện lợi là vậy, song theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức vẫn chủ yếu chi trả viện phí bằng tiền mặt. Ngồi chờ thanh toán viện phí, chị Lương Thị Chung (ở tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, nhà cách bệnh viện khoảng 40km, việc phải mang một khoản tiền mặt tương đối lớn để thanh toán viện phí cũng rất bất tiện, nhưng chị đã quen với việc thanh toán tiền mặt mỗi khi vào bệnh viện. Còn anh Nguyễn Văn Nam (ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội), thay vì sử dụng dịch vụ thanh toán viện phí bằng thẻ bảo lãnh viện phí, anh lại xếp hàng chờ ở cây ATM để rút tiền nhằm thanh toán viện phí…

Từ năm 2013, Bạch Mai là bệnh viện đầu tiên ở khu vực miền Bắc áp dụng thanh toán viện phí qua thẻ, mà không dùng tiền mặt. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thẻ này có đầy đủ tính năng như thẻ ATM thông thường, có thể dùng để đăng ký khám bệnh, khám theo lịch hẹn qua website hoặc qua tổng đài điện thoại của bệnh viện. Việc thanh toán viện phí qua thẻ có nhiều cái lợi và sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai, song để thanh toán viện phí 100% qua thẻ, thì cần có lộ trình, chưa thể làm ngay được.

Mới đây, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cũng triển khai dịch vụ thanh toán viện phí bằng thẻ khám, chữa bệnh. Ông Bùi Vinh Quang, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho rằng, thẻ khám, chữa bệnh sẽ tích hợp thẻ ngân hàng với nhiều tính năng, tiện ích vượt trội như: Lưu trữ thông tin cá nhân, bệnh án của bệnh nhân; thanh toán viện phí; thanh toán tiền thuốc… Tuy nhiên, để cán bộ y tế, người bệnh thích ứng dần với những tiện ích trên, bệnh viện vẫn áp dụng song song hai hình thức thanh toán: Bằng tiền mặt và bằng thẻ.

Bộ Y tế đặt mục tiêu cho các bệnh viện trên địa bàn đô thị áp dụng thanh toán điện tử trước ngày 31-12-2019. Thế nhưng, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Thủ đô như: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện E… vẫn chưa áp dụng phương thức này. Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), mốc thời gian trên được đưa ra để các bệnh viện phấn đấu, nhưng khó có thể đạt được. Hiện tại, đã có hơn 30 bệnh viện trên cả nước triển khai phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, nhưng người dân đến khám, chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt vì nhiều lý do khác nhau.

Xây dựng quy trình thanh toán thuận tiện

Việt Nam hiện có hơn 70 ngân hàng cung cấp dịch vụ ứng dụng di động Mobile Banking (ngân hàng trên điện thoại di động) và 31 ví điện tử của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có thể tham gia cung cấp các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất đa dạng như: Thẻ sử dụng máy POS, ATM hoặc cài thẻ vào điện thoại để thanh toán; dùng điện thoại sử dụng ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử hoặc quét mã QR (Quick Response trên phiếu viện phí) để thanh toán.

Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, khi áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế sẽ tác động đến sự thay đổi quy trình nghiệp vụ khám, chữa bệnh thông thường. Để hạn chế gây xáo trộn, ảnh hưởng không tích cực, các cơ sở y tế phải xây dựng quy trình nghiệp vụ khám bệnh, chữa bệnh áp dụng giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và phổ biến cho các khoa, phòng, bộ phận liên quan. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp với các cơ sở y tế để bảo đảm hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm, dịch vụ thanh toán thông suốt, đa dạng các dịch vụ và phương thức thanh toán điện tử.

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt 6 chữ “S”, đó là: Sẵn sàng, sâu sắc và san sẻ. Về việc phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có cơ chế chi trả phí, các ngân hàng sẽ thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua chính sách hỗ trợ ban đầu với các cơ sở khám, chữa bệnh như miễn hoặc giảm phí dịch vụ thanh toán với các thanh toán viện phí… (Hà Nội mới, trang 5).

 

Tây Nguyên: Bệnh viện nghìn tỉ vừa hoạt động đã xuống cấp

Dự án BV Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục phát sinh hàng loạt bất cập, hư hỏng trong quá trình sử dụng. Mới đây, phía HĐND tỉnh Đắc Lắc đồng ý bố trí thêm 32 tỉ đồng để xây dựng mới một số hạng mục cấp bách. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các khiếm khuyết của BV vẫn liên tục xuất hiện … (Lao động, trang 7).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 28/9/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 27/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/2/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận