Đã 60 ngày liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng
Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 6h đến 18h ngày 1-11, nước ta không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Như vậy, đã tròn 60 ngày liên tiếp (tính từ ngày 3-9 đến nay), nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.180 ca, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.689 người, trong đó có 176 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 13.233 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến thời điểm hiện tại, nước ta đã điều trị khỏi cho 1.063 ca mắc Covid-19, ghi nhận 35 ca tử vong.
Ngoài ra, trong số các ca bệnh còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, 17 ca đã có kết quả xét nghiệm từ 1 đến 3 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Đặc biệt, hiện tại, nước ta chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nặng (Hà Nội mới, trang 1).
Có thể “mở cửa bầu trời” tháng 11- 2020?
Bộ Y tế vừa đưa ra dự thảo hướng dẫn quy trình nhập cảnh và giám sát, cách ly y tế phòng chống COVID-19 để lấy ý kiến các địa phương, dự kiến văn bản ban hành chính thức vào tháng 11 này. Theo dự thảo hướng dẫn, người nhập cảnh sẽ tự chi trả toàn bộ chi phí cho các hoạt động đưa đón, cách ly tại khách sạn, phí xét nghiệm COVID-19. Riêng đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ ở Việt Nam trên 14 ngày được miễn thu phí xét nghiệm (trừ trường hợp yêu cầu cách ly tại khách sạn theo nguyện vọng).
Khi dự thảo này được ban hành, Việt Nam lại có thể mở cửa bầu trời sau khi đã tạm ngưng hồi cuối tháng 9 vừa qua.
3 nhóm hành khách, 3 cách thức cách ly
Người đi trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ (chuyến bay thương mại thông thường) nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia, khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh, với danh sách các quốc gia, khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ được quyết định bởi Thủ tướng, phó thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia ban hành, sẽ được chia thành 3 nhóm với các cách thức cách ly, xét nghiệm khác nhau.
Nhóm I là công dân Việt Nam và người nước ngoài là thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con) của công dân Việt Nam. Nhóm II là người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, chuyên gia và thân nhân (cha, mẹ, vợ, chồng, con), học sinh sinh viên quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam ở, lưu trú từ 14 ngày trở lên.
Nhóm III là người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới 14 ngày.
Ông Hoàng Minh Đức – phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết mỗi nhóm đối tượng nhập cảnh trên chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ như trên sẽ có quy trình cụ thể cho từng nhóm. Trong đó, số lần xét nghiệm COVID-19 của mỗi nhóm cũng sẽ phải thực hiện theo quy định.
Bao giờ bay quốc tế trở lại?
Tháng 9 vừa qua, người có nhu cầu về Việt Nam qua đường hàng không rất náo nức trước thông tin chuẩn bị mở cửa bầu trời (Việt Nam đã ngưng cho bay thương mại quốc tế từ cuối tháng 3-2020).
Theo đó, các chuyến bay từ Tokyo (Nhật), Seoul (Hàn Quốc), Quảng Châu (Trung Quốc) và Đài Loan sẽ mở lại từ 15-9, đến 22-9 thêm đường bay với Lào, Campuchia, sau đó sẽ thêm đường bay từ Thái Lan. Tuy nhiên chỉ sau 2 chuyến bay “thí điểm” đã bị ngưng, vì chưa có hướng dẫn quy trình nhập cảnh, giám sát và cách ly y tế đầy đủ. Nếu dự thảo hướng dẫn này được ban hành, các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ sẽ tiếp tục được triển khai từ tháng 11 tới.
Hiện còn rất nhiều quy trình, quy chế cần được làm rõ để khi bay thương mại quốc tế trở lại tránh rối loạn và từ đó tránh được nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân.
Nhiều nước đã cho bay thương mại bình thường trở lại, nhưng phải kèm theo những quy trình chuẩn về lấy mẫu, giám sát khi nhập cảnh, cách ly… Việt Nam chuẩn bị có quy trình này (dù rất chậm trễ so với nhu cầu của người dân, hãng vận chuyển…), để sớm nối lại giao thương và đời sống, trong điều kiện vừa chống dịch vừa phục vụ dân sinh và thương mại (Tuổi trẻ, trang 14).
Việt Nam đang thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 trên khỉ vàng
Ngày 1-11, liên quan tới việc nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam, ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), cho biết, vaccine Covid-19 của VABIOTECH nghiên cứu sản xuất bắt đầu được thử nghiệm trên khỉ vàng Macaca mulatta nuôi dưỡng trên Đảo Rều (Quảng Ninh). Theo đó, 12 con khỉ khỏe mạnh từ 3-5 tuổi, cân nặng hơn 3kg, được chọn để thực hiện thử nghiệm trong 2 đợt. Sau khi tiêm vaccine Covid-19, khỉ sẽ được theo dõi khoảng 3 tháng, sau đó tiếp tục lấy mẫu máu để làm các xét nghiệm. Trong khi đó, thông tin từ Học viện Quân y cho biết, dự kiến trong tháng 11 này, Việt Nam sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người tại Bệnh viện Quân y 103. Tuy nhiên, trước khi thử nghiệm, đơn vị cần đánh giá hiệu lực bảo vệ của vaccine trên động vật thí nghiệm (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Hai bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được ghép ruột thành công
Ngày 31.10, lãnh đạo Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) thông báo về 2 ca ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam do các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) thực hiện thành công với sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản. Hai ca phẫu thuật này được thực hiện hôm 27 – 28.10, trong đó bệnh nhân Lò Văn T. (26 tuổi, dân tộc Thái, ở Lai Châu) là trường hợp bị suy chức năng ruột do hội chứng ruột ngắn, phần ruột non còn lại trước ghép chỉ còn 20 cm. Bệnh nhân T. đã bị bệnh gan liên quan chức năng ruột (men gan tăng cao hơn 8 lần so với bình thường); nếu không ghép ruột, gan sẽ tổn thương, mất chức năng. Người hiến ruột ghép cho anh T. chính là mẹ bệnh nhân.
Ca ghép ruột ngay sau bệnh nhân T. được thực hiện ngày 28.10, là anh Nguyễn Văn D. (42 tuổi, kỹ sư máy tính, quê Hà Nội, sống tại TP.HCM).
Bệnh nhân D. có tiền sử phẫu thuật ổ bụng 5 lần điều trị viêm phúc mạc và đã phải cắt ruột khối lượng lớn từ tháng 5.2007, nên chiều dài ruột non còn lại chỉ khoảng 80 cm (ruột của người bình thường dài trung bình 5 – 6 m). Bệnh nhân D. đã bị suy ruột non không hồi phục do hội chứng ruột ngắn; sk suy kiệt; được ghép ruột từ em trai.
Sau ghép ruột, 2 bệnh nhân hiện có chỉ số sinh tồn ổn định, được theo dõi, điều trị tích cực. Các trường hợp hiến ruột được lấy 1 m ruột để ghép cho người nhận. Sau hiến ruột khoảng 1 tháng, các chức năng ruột và sinh hoạt của người hiến sẽ bình thường trở lại.
Theo GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, sau ghép ruột, các thầy thuốc đối mặt rất lớn với thải ghép, tình trạng nhiễm trùng, do đặc thù của chức năng ruột. Tuy nhiên, các y bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103 đã hoàn toàn làm chủ kỹ thuật.
Ông Quyết cho biết thêm, với thành công của 2 ca ghép ruột, Việt Nam là nước thứ 20 trên TG thực hiện và làm chủ được kỹ thuật này. Ghép ruột non được chỉ định cho các trường hợp bị mất chức năng ruột, teo ruột, do một số bệnh lý và bệnh bẩm sinh (Thanh niên, trang 15).