Tập trung kéo giảm số ca tử vong do Covid-19
Cùng với việc tăng về số ca mắc, trong khoảng một tháng nay, số người chết liên quan Covid-19 cũng liên tục tăng. Chiều 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc họp trực tuyến với ngành y tế 10 tỉnh, thành phố đang có số ca mắc Covid-19 và chết cao để thống nhất các biện pháp hạn chế, tiến tới giảm tử vong.
Một tuần nay, mỗi ngày số ca tử vong do Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mặc dù giảm nhiều so với giai đoạn cao điểm hồi tháng 8, nhưng đang có xu hướng tăng trở lại, tập trung ở nhóm người có bệnh lý nền, người hơn 50 tuổi.
Quá tải tầng điều trị bệnh nhân có triệu chứng nặng
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Qua khảo sát gần đây đối với 151 trường hợp tử vong do Covid-19, thì trong đó có 18 ca mắc bệnh nền. Theo thống kê, hơn 75% số trường hợp này chưa tiêm mũi vắc-xin nào hoặc chưa tiêm đủ hai mũi. Có nhiều yếu tố liên quan việc không tiêm như do chống chỉ định hoặc người lớn tuổi không có điều kiện hoặc ngại tiếp cận vắc-xin. Các trường hợp này khi mắc Covid-19 thì khả năng tử vong sẽ cao hơn. Đối với trường hợp tiêm đủ hai mũi vắc-xin vẫn tử vong, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai lý giải, thời gian qua, mặc dù độ phủ vắc-xin của thành phố rất rộng, tuy nhiên khi số F0 tăng thì có từ 15 đến 20% diễn tiến nặng, trong đó hầu hết là người cao tuổi, người có bệnh nền. Trong số những người có diễn tiến nặng thì có khoảng 5% chuyển biến rất nặng.
Hiện Cần Thơ đã tiêm tổng số 1.866.174 liều vắc-xin, trong đó có 1.020.152 mũi 1 và 846.022 mũi 2, tỷ lệ tương ứng 96,9% và 89,2% người hơn 18 tuổi. Mặc dù tỷ lệ phủ vắc-xin khá cao, nhưng số ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng trong hai tuần qua đã gây áp lực và quá tải cho hệ thống y tế của thành phố. Hiện nay, Cần Thơ có 9.994 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà (tầng 1), có 2.625 bệnh nhân điều trị tại tầng 2 và 298 bệnh nhân điều trị tại tầng 3, gần như không còn khả năng tiếp nhận bệnh nhân mới. “Trong số các bệnh nhân nặng, nguy kịch đang điều trị có 100 bệnh nhân thở oxy qua mặt nạ, 20 bệnh nhân thở HFNC, 4 bệnh nhân thở máy không xâm lấn và 25 bệnh nhân thở máy xâm lấn”, Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Phạm Phú Trường Giang cho biết.
Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ tại quận Ô Môn, đơn vị “chuyên” điều trị bệnh nhân Covid-19 qua bốn đợt dịch bệnh, hiện cũng không còn giường trống. Bệnh viện này có 150 giường điều trị Covid-19, nhưng đã tiếp nhận 151 bệnh nhân, hiện không thể tiếp nhận thêm.
Bệnh nhân Trần Hoàng Nhi, nhà số 178, đường 26/3, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ hiện là F0 điều trị tại nhà. Tuy nhiên, người nhà anh Nhi đã nhiều lần thông báo, liên hệ với cơ quan chức năng và cán bộ y tế địa phương nhưng suốt nhiều ngày không có bất kỳ cán bộ y tế nào đến hướng dẫn hỗ trợ điều trị, cách ly tại nhà. “Gia đình tôi rất lo lắng vì không biết ứng phó ra sao, trong khi ở phường chỉ giao cho cái biển “Nhà đang cách ly y tế, điều trị Covid” cho người nhà về tự treo trước cửa, gia đình phải tự đi mua thuốc điều trị chứ phường không cấp thuốc. Sau khi phản ánh lên lãnh đạo quận Ô Môn thì có hai người xuống hỏi xem đã mua được thuốc gì, xem qua loa rồi về. Đến tối 29/11, chồng tôi trở nặng thì mới có lực lượng y tế đến đưa đi điều trị tại bệnh viện”, vợ anh Nhi cho biết.
Tại tỉnh Đồng Tháp, trong một tuần gần đây đã ghi nhận 30 ca tử vong do Covid-19. Đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho bệnh nhân, khi toàn tỉnh có đến gần 140 ca nhiễm Covid-19 nặng và rất nặng đang được điều trị tầng 3 là tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc và Bệnh viện Phổi Đồng Tháp. “Với đà tăng số ca nhiễm như hiện nay thì thời gian tới, có thể sẽ thiếu hụt nhân lực y tế để điều trị những ca nặng và rất nặng, dẫn đến tỷ lệ tử vong còn tăng hơn nữa”, bác sĩ Tạ Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cảnh báo. Về nguyên nhân số ca tử vong tăng cao, bác sĩ Tạ Tùng Lâm cho biết, có tình trạng nhiều người dân không khai báo khi có dấu hiệu mắc Covid-19. Đến khi có triệu chứng nặng thì mới đến các cơ sở y tế, qua xét nghiệm sàng lọc trước khi vào điều trị bệnh mới phát hiện F0. Một nguyên nhân khác là có tình trạng nhân viên y tế tuyến xã khi tiếp nhận bệnh nhân để đưa vào khu cách ly tạm thời đã không thực hiện phân loại kỹ. Do đó, có những trường hợp giấu bớt bệnh để được ở lại điều trị tại nhà, ở lại điểm cách ly tuyến xã, dễ dẫn đến bệnh nhân tử vong, dù được đưa đi điều trị hồi sức tích cực một thời gian.
Chiến thuật “đánh chặn từ xa”
Để giảm số ca mắc Covid-19 cũng như tỷ lệ tử vong, TP Hồ Chí Minh thực hiện chiến thuật “đánh chặn từ xa”. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: Để đạt mục tiêu hạn chế số ca nặng, ngành y tế xác định chăm sóc sớm F0 ngay từ khi mới phát hiện là việc quan trọng nhất. Chiến thuật của thành phố là y tế địa phương quản lý chặt F0, tiếp cận trong vòng 24 giờ, đánh giá tình hình, có biện pháp hỗ trợ kịp thời như phát các túi thuốc. Sau đó, F0 được chăm sóc đầy đủ, phù hợp tình trạng riêng. Nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà, người bệnh được đưa vào khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Ngành y tế tăng cường sử dụng túi thuốc C (kháng vi-rút) giúp người bệnh sớm âm tính, giảm nguy cơ trở nặng và tử vong. Đại diện Sở Y tế cho biết: Sở có công văn trình Bộ Y tế xin 100 nghìn túi thuốc C để cấp cho F0 đang cách ly, điều trị. “Nguyên tắc giảm tử vong là giảm F0, giảm trường hợp nhập viện. Muốn được như vậy thì người dân phải nâng cao ý thức cộng đồng là thực hiện 5K và tiêm vắc-xin. Người đã tiêm đủ hai liều vắc-xin cũng không nên lơ là, vẫn phải thực hiện nghiêm 5K”-bà Huỳnh Mai nhấn mạnh.
Cần Thơ đang tổ chức thêm nhiều bệnh viện dã chiến, tăng cường điều trị tích cực tầng 3. Đặc biệt là triển khai cho uống thuốc kháng vi-rút Molnupiravir trong những ngày tới thì việc điều trị sẽ cải thiện hơn, giảm nguy cơ tử vong xuống mức thấp nhất. Để giảm áp lực cho hệ thống y tế trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP Cần Thơ đã có văn bản hướng dẫn tạm thời về việc phân tầng điều trị. Trong đó, tầng 1 do các trạm y tế lưu động và trạm y tế quản lý và điều trị F0 tại nhà; tầng 2 tại các bệnh viện trên địa bàn có 2.750 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 không đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà, F0 đang quản lý tại nhà có diễn biến vượt khả năng chuyên môn của trạm y tế; tầng 3 có 350 giường điều trị các bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch, bệnh nhân có bệnh lý nền…
Trước thực trạng nhân viên y tế tuyến xã khi tiếp nhận bệnh nhân để đưa vào khu cách ly tạm thời đã không thực hiện phân loại kỹ, từ ngày 30/11, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã cho kiểm tra lại hai đầu (cả đơn vị chuyển và nhận bệnh nhân) để tiếp tục phân loại, sắp xếp F0 cho hợp lý, từ đó sẽ điều chỉnh được tính hiệu quả trong phân tầng điều trị F0, giảm được số ca nguy cơ tử vong do phát hiện bệnh chậm. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Lê Quốc Phong yêu cầu Tiểu ban điều trị và các đơn vị cơ sở phải theo dõi kịp thời các F0 tại các khu tiếp nhận một cách đầy đủ trách nhiệm, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót thông tin, dẫn tới xử lý chậm tình huống. Các cơ sở điều trị phải bảo đảm cơ chế kiểm tra, theo dõi việc thăm khám bệnh nhân. Nếu các F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ đột ngột chuyển nặng mà không theo dõi kịp thời thì không chỉ người già bệnh nền mà người trẻ cũng tử vong. Do đó, việc phân tầng điều trị, không có nghĩa là buông lỏng khâu theo dõi sức khỏe của nhóm F0 đang nằm trong tầng điều trị, dù là bệnh nhân không có triệu chứng.
Để giảm tử vong do Covid-19, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, các địa phương cần rà soát, rút kinh nghiệm và khắc phục những bất cập trong tổ chức, quản lý, điều hành thu dung, điều trị người bệnh Covid-19. Rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 trên địa bàn, tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị ở các tuyến; cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị phòng hộ cá nhân cho các bệnh viện; sẵn sàng đủ oxy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện tầng 1, 2, 3. Thực hiện đầy đủ việc “phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” ngay từ tổ Covid cộng đồng, trạm y tế đến các sở thu dung, điều trị. Các cơ sở thu dung, điều trị phân loại nguy cơ người nhiễm Covid-19 ngay từ khi nhập viện, đồng thời đánh giá mức độ lâm sàng, tiến triển bệnh để phân luồng người bệnh vào các khoa, buồng bệnh phù hợp. Cập nhật và áp dụng các hướng dẫn điều trị; tăng cường theo dõi chặt chẽ tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng… bố trí mỗi bệnh viện có ít nhất “hai tầng điều trị” để thuận tiện điều trị và chuyển tầng nội viện…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các địa phương rà soát tiêm vét vắc-xin phòng Covid-19 ngay cho những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ hai mũi vắc-xin, nhất là người hơn 50 tuổi và người có bệnh nền. Đồng thời có kế hoạch và chuẩn bị tiêm mũi ba vắc-xin phòng Covid-19. Quá trình điều trị tại các bệnh viện, kể cả điều trị tại nhà cũng cần kết hợp tốt ba yếu tố: Thuốc, tinh thần, chăm sóc dinh dưỡng. Các địa phương đang có số mắc cao, nhất là những tỉnh có số dân đông cần chuẩn bị tốt công tác hậu cần, trang thiết bị, thậm chí chuẩn bị cả các trung tâm điều trị quy mô lớn để sẵn sàng ứng phó khi số người mắc Covid-19 phải nhập viện tăng cao. Hiện số ca mắc Covid-19 nặng ở mức cao (5,8% tổng số ca đang điều trị), cho nên Phó Thủ tướng lưu ý, việc điều trị cần thực hiện sớm, hiệu quả từ tầng dưới vì càng lên tầng trên càng khó khăn. (Nhân dân, trang 8)
Trạm y tế lưu động ở Hà Nội đã sẵn sàng
Bảo đảm phương châm “bốn tại chỗ”, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, TP Hà Nội đã thành lập hàng trăm trạm y tế lưu động và sẵn sàng đi vào hoạt động khi có yêu cầu.
Bà Lê Thị A. (54 tuổi), sinh sống tại tòa nhà B1 số 18 phường Trung Liệt (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đến Trạm Y tế lưu động số 1-phường Trung Liệt khám bệnh với các triệu chứng như: ho, rát họng và đến thời kỳ lấy thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp. Sau khi tiếp nhận thông tin người bệnh, các y, bác sĩ tại Trạm Y tế lưu động kiểm tra thân nhiệt, khai thác thông tin người bệnh; làm xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên; thăm khám người bệnh, tư vấn sức khỏe, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt… Đây là tình huống giả định vừa được các y, bác sĩ của Trạm Y tế lưu động số 1-phường Trung Liệt (quận Đống Đa, TP Hà Nội) thực hành tại buổi diễn tập mô hình Trạm Y tế lưu động do Trung tâm Y tế quận Đống Đa tổ chức.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Đống Đa Nguyễn Đức Tuấn, trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố và quận Đống Đa diễn biến phức tạp, nếu số người mắc bệnh vượt khả năng thu dung của các cơ sở điều trị và cơ sở cách ly tập trung, việc điều trị, cách ly F0 thể nhẹ tại nhà nhằm giảm tải cho cơ sở y tế là giải pháp cần thiết. Theo phương án triển khai của quận Đống Đa, Trạm Y tế lưu động số 1-phường Trung Liệt là một trong 21 trạm y tế lưu động của quận được thành lập thời gian qua. Hiện Trạm Y tế lưu động số 1-phường Trung Liệt có năm nhân viên, gồm: một bác sĩ, ba điều dưỡng và một dược sĩ. Trạm Y tế lưu động sẽ thực hiện năm nhiệm vụ chính là: Quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và cộng đồng; xét nghiệm; tiêm vắc-xin phòng Covid-19; truyền thông công tác phòng, chống dịch; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác…
Sau buổi diễn tập, bên cạnh việc thống nhất mô hình hoạt động đối với 21 trạm y tế lưu động trên địa bàn, đây cũng là dịp để các đơn vị y tế trao đổi, chia sẻ công tác tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại khu vực mình phụ trách.
Cũng như quận Đống Đa, các quận Ba Đình, Thanh Xuân, huyện Đông Anh, Thanh Trì… đã lập các trạm y tế lưu động. Mỗi trạm bố trí ít nhất năm nhân viên y tế, có quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể; được trang bị đầy đủ các trang thiết bị và phòng, khu vực làm việc riêng biệt như: Bàn đón tiếp người bệnh, khu vực xét nghiệm Covid-19, khu vực cấp cứu, khu vực khám bệnh, phòng cách ly tạm thời, phòng trực, phòng nghỉ ngơi của nhân viên y tế. Đáng chú ý, huyện Đông Anh không chỉ thành lập các trạm y tế tại xã, mà còn thiết lập được các trạm y tế lưu động trong Khu công nghiệp Thăng Long và tại các cụm công nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, đến nay tất cả các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch, phương án chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị thực hiện mô hình trạm y tế lưu động. Dự kiến sẽ có 508 trạm y tế lưu động tại các xã, phường và 20 trạm tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế diễn biến trên địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan chuẩn bị các điều kiện về địa điểm, nhân lực, trang thiết bị và thuốc… để sẵn sàng lập thêm các trạm y tế lưu động.
Tuy nhiên, để trạm y tế lưu động hoạt động hiệu quả, nhất là đáp ứng kịp thời trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các trạm y tế lưu động cần có niêm yết lịch trực, đường dây nóng, có biển hiệu, biển chỉ dẫn đặt ở nơi dễ nhìn; xây dựng quy chế làm việc, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất bao gồm nơi trực, nơi tiếp đón, khám và tư vấn, nơi theo dõi, khu vệ sinh, điện nước. Đối với nguồn nhân lực, mỗi trạm y tế lưu động cần bố trí năm nhân viên y tế trong đó có một cán bộ y tế nắm rõ địa bàn, còn các cán bộ y tế khác huy động thêm từ các bệnh viện, cơ sở y tế ngoài công lập.
Về trang thiết bị và thuốc cần phải bảo đảm đáp ứng trang thiết bị thiết yếu cho phòng, chống dịch Covid-19 và trang thiết bị khám, chữa bệnh thông thường và các danh mục thuốc theo quy định. Đặc biệt các trạm y tế lưu động cần phải trang bị đầy đủ bình ôxy sẵn sàng khi có bệnh nhân… Qua đó, không chỉ giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế ngay tại nơi mình cư trú, mà còn góp phần giảm gánh nặng cho cơ sở điều trị Covid-19 tuyến trên. (Nhân dân, trang 5)
Chuẩn bị triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19
Ngày 1/12, Bộ Y tế có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Cục Y tế (Bộ Công an); Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Theo đó, tiêm liều bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vắc-xin); người suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV; người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng… Loại vắc-xin tiêm cùng loại với liều cơ bản hoặc vắc-xin mRNA. Về khoảng cách, tiêm một mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vắc-xin.
Tiêm liều nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên người có bệnh nền; người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế. Loại vắc-xin nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc-xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vắc-xin khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vắc-xin mRNA.
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vắc-xin của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vắc-xin mRNA hoặc vắc-xin véc-tơ vi-rút (vắc-xin AstraZeneca). Tiêm một mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung. Bộ Y tế yêu cầu y tế các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12/2021 căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc-xin…
Chiều cùng ngày, Tổ chức y tế thế giới và UNICEF có thông tin báo chí về gia hạn sử dụng của vắc-xin phòng Covid-19 Pfizer. Theo đó, đối với mỗi loại vắc-xin, các nhà sản xuất đều thực hiện những nghiên cứu trong thời gian thực tế để đưa ra quyết định về hạn sử dụng. Vắc-xin Pfizer sau khi được phê duyệt khẩn cấp, nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu độ ổn định theo Hướng dẫn đối với thuốc mới cũng như sản phẩm sinh học, nghiên cứu được tiến hành trên các dải nhiệt độ bảo quản khác nhau.
Kết quả cho thấy, vắc-xin có độ ổn định, bảo đảm chất lượng, hạn dùng đến 9 tháng, thậm chí dài hơn kể từ ngày sản xuất khi được bảo quản ở -90°C đến -60°C. Sau khi có đủ cơ sở dữ liệu về hạn sử dụng trong vòng chín tháng, nhà sản xuất đã nộp hồ sơ phê duyệt tăng hạn sử dụng lên 9 tháng. Vào các ngày 22/8, 10/9 và 20/9/2021 các Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) đã thông qua hạn sử dụng của vắc-xin Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng. Tổ chức Y tế thế giới có thư gửi UNICEF thông báo về việc tăng hạn sử dụng vắc-xin Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng. Việc gia hạn sử dụng này được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Các quốc gia trên thế giới vẫn giữ nguyên nhãn trên lọ vắc-xin theo hạn sử dụng của nhà sản xuất và chỉ có thông báo riêng về tăng hạn sử dụng của vắc-xin từ 6 lên 9 tháng…
Trong quá trình vận chuyển vắc-xin từ nhà sản xuất đến Việt Nam, vắc-xin luôn được bảo quản ở nhiệt độ -90°C đến -60°C bằng các thiết bị chuyên dụng của nhà sản xuất. Vắc-xin có thể được bảo quản trong buồng lạnh, tủ lạnh dương từ +2ºC đến +8ºC tối đa 1 tháng (31 ngày). Tất cả các lô vắc-xin trước khi sử dụng tại Việt Nam đều được Viện Kiểm định Quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế đánh giá chất lượng và cấp giấy phép xuất xưởng. Do vậy, việc tăng thời hạn vắc-xin thêm 3 tháng hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng vắc-xin.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc gia hạn vắc-xin Pfizer thực hiện theo thông lệ của quốc tế, Việt Nam không tự động gia hạn. Mọi vắc-xin về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới và bảo đảm chất lượng khi sử dụng cho người dân. Trong thời gian từ 1/12 đến 31/12/2021, Bộ Y tế dự kiến tiếp nhận khoảng 63,5 triệu liều vắc-xin trong đó có hơn 40 triệu liều vắc-xin Pfizer để tiêm cho người trên 18 tuổi và trẻ em, bảo đảm bao phủ đủ mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.
Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, hiện nay hệ thống dây chuyền lạnh của Chương trình tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc-xin Covid-19.
Thống kê của Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến chiều 1/12, cả nước đã tiêm hơn 123,5 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Có 57 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin cho hơn 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 26 tỉnh đạt tỷ lệ hơn 95%. Có 37 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 từ 12 đến 17 tuổi. Đến nay, các địa phương đã tiêm được 3.939.823 liều vắc-xin, trong đó có 3.193.502 liều mũi một và 746.321 liều mũi hai. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin là 35,0% và tỷ lệ bao phủ đủ hai liều là 8,2% số trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
Ngày 1/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.508 ca nhiễm mới, gồm hai ca nhập cảnh và 14.506 ca trong nước tại 60 tỉnh, thành phố. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao so với ngày trước đó là Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau… Trong ngày có 2.704 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 196 ca tử vong tại 20 tỉnh, thành phố.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhất là việc xuất hiện các chùm ca bệnh ở một số địa phương, thành phố Hải Phòng đã ban hành các công văn hỏa tốc về nâng cấp phòng, chống dịch tại huyện Tiên Lãng và quận Hồng Bàng. Theo đó, nâng cấp độ dịch lên cấp độ 4 (vùng đỏ) đối với hai xã Tiên Thắng và Vinh Quang của huyện Tiên Lãng, đưa số xã của địa phương này có dịch cấp độ 4 là bốn xã.
Đồng thời, toàn huyện Tiên Lãng trở thành địa phương có dịch cấp độ 3 (mầu cam). Quận Hồng Bàng cũng có 2 phường Thượng Lý và Sở Dầu được xác định là địa phương có dịch cấp độ 3 (vùng cam). UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tương ứng nhằm sớm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và điều trị kịp thời các ca mắc mới phát sinh. (Nhân dân trang 5)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 5: “Tháng 12, triển khai tiêm mũi vắc xin thứ 3”; Thanh niên, trang 4: “Triển khai tiêm vắc xin Covid-19 mũi bổ xung cho người bệnh nền”.
Giám sát điều trị đến từng bệnh nhân
Trong những ngày qua, số ca mắc và tử vong do COVID-19 có dấu hiệu gia tăng, ngày 1/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bệnh viện trung ương và 10 địa phương phía Nam về công tác điều trị, giảm tử vong.
Nhiều nguyên nhân
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết cả nước có 101.405 ca theo dõi và điều trị tại nhà; hơn 99.000 ca điều trị tại các bệnh viện. Số ca nặng, nguy kịch cần thở ô xy là 4.056 ca (chiếm 4%) tổng số bệnh nhân đang điều trị; 1.014 ca thở máy. Hiện có 25.448 ca tử vong tại 46 tỉnh, thành phố, trong đó, TPHCM cao nhất với 18.046 ca (71%).
Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh cho biết có 8 nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên. Cụ thể, trong thời gian đầu của đợt dịch lần này, số ca mắc mới tăng nhanh, đột ngột gây quá tải hệ thống bệnh viện; trong khi đó, biến chủng Delta lây lan nhanh, tỉ lệ nhập viện, tăng nặng cao hơn biến chủng trước. Đối với việc quản lí F0 tại nhà, một số trường hợp tự phát hiện nhưng không báo cơ sở y tế hoặc báo cáo nhưng chưa được can thiệp kịp thời; phân loại nguy cơ chưa sát theo hướng dẫn.
Bên cạnh khó khăn về nhân lực, đặc biệt ở tầng 2, 3 do các lực lượng hỗ trợ các địa phương đã rút về, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết: “Một số địa phương điều phối chuyển viện, chuyển tầng còn lúng túng, không theo sát nguy cơ và gây quá tải hệ thống bệnh viện. Một số trường hợp sử dụng thuốc tại nhà chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế như dùng thuốc chống đông, chống viêm quá sớm.
Bên cạnh đó, việc quản lí phân loại nguy cơ F0 tại cơ sở cách li tập trung còn chưa được phát hiện kịp thời, dẫn đến các ca chuyển nặng. Năng lực hồi sức ở các bệnh viện tuyến tỉnh còn hạn chế, cần thời gian để nâng cao năng lực, trong khi đó, còn bỏ sót xử trí bệnh nền; chưa chú trọng đúng mức chẩn đoán điều trị bội nhiễm (nhiễm nấm, vi khuẩn đa kháng)”.
“Bộ Y tế khẩn trương phân bổ thuốc điều trị, nhất là thuốc kháng virus cho các địa phương; hoàn thiện quy trình điều trị tại nhà, trong đó có cơ chế giám sát y tế đến từng bệnh nhân, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm. Dứt khoát không để bệnh nhân ở nhà mà không được thăm khám từ xa. Phải kết hợp với chăm sóc trên thực địa”.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Sở Y tế nhận định, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn chủ yếu tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh lí nền (tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận, ung thư, tim mạch…) hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nhiễm khuẩn trong bệnh viện; công tác phát hiện sớm và quản lí ca bệnh ngoài cộng đồng còn nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, chưa theo sát từng ca bệnh, phân nhóm nguy cơ hiệu quả, bảo đảm tiếp cận ô xy y tế…
Thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp để giảm ca tử vong
Để khắc phục tình trạng nói trên đại diện Bộ Y tế đề xuất tiếp tục cập nhật hướng dẫn điều trị, nâng độ tuổi nguy cơ cao trên 50 tuổi (tỷ lệ tử vong 84%), điều chỉnh phân tầng hợp lí. Các sở y tế tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lí F0 tại cộng đồng; tăng cường đội y tế lưu động; xây dựng cơ chế tài chính cho hoạt động theo dõi F0 tại cộng đồng. Cùng với đó, các bệnh viện thực hiện đánh giá, phân loại nguy cơ và theo dõi sát bệnh nhân ngay từ khi nhập viện; tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng cao; rà soát kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường, thông khí nhân tạo, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm tử vong.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho rằng, để giảm tỉ lệ tử vong cần tập trung tiêm vắc xin cho người cao tuổi; xây dựng mô hình điểm về y tế cộng đồng gồm tư vấn tâm lí, dinh dưỡng, tập luyện cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.
Với kinh nghiệm điều trị nhiều ca bệnh nặng, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư nhấn mạnh việc kiểm soát sớm người bệnh từ những tầng điều trị ban đầu có ý nghĩa quan trọng để xử trí sớm, giảm tử vong. Các địa phương cần thiết lập nhóm điều phối, nắm tình hình dịch, giường bệnh, nhân lực, vật tư y tế để khắc phục tình trạng thiếu hụt, quá tải cục bộ ở từng cơ sở y tế; bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhân viên y tế làm nhiệm vụ vận chuyển cấp cứu ca bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số ca mắc, số ca tử vong sẽ tăng lên trong thời gian tới. Do đó, tư lệnh ngành đề nghị rà soát, đánh giá lại tất cả các công đoạn, trong đó, phải thực hiện ngay phân loại bệnh nhân giữa các tuyến, các tầng điều trị để có cách thức điều trị phù hợp; quản lí điều trị F0 tại nhà chắc chắn; tăng cường nhân lực điều trị COVID-19; rà soát năng lực hồi sức tích cực, đảm bảo hệ thống ô xy lỏng cao áp; theo dõi, giám sát, chăm sóc tốt cho các bệnh nhân.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương bảo đảm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ an toàn cho đội ngũ nhân viên y tế cũng như chế độ, chính sách. Trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, bên cạnh thuốc điều trị, cần hết sức lưu ý đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng, động viên, chăm sóc về tinh thần. Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở, trung tâm điều trị đủ lớn, nhiều tầng trong tình huống ca bệnh tăng lên để khắc phục bất cập trong công tác chuyển tuyến giữa các bệnh viện khác nhau. (Tiền phong, trang 4)
Bộ trưởng Bộ Y tế: Gia hạn vắc xin phòng COVID-19 theo thông lệ quốc tế
Liên quan việc Bộ Y tế đồng ý với đề nghị gia hạn 2 lô vắc xin Pfizer thêm 3 tháng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, việc gia hạn vắc xin Pfizer thực hiện theo thông lệ của quốc tế, Việt Nam không tự động gia hạn.
Quy trình khắt khe, có thể tăng hạn đến 24 tháng
Tư lệnh ngành cho biết thêm mọi vắc xin về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đảm bảo chất lượng khi sử dụng cho người dân. Đồng thời trước khi sử dụng tại Việt Nam đều được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đánh giá chất lượng và cấp giấy phép xuất xưởng.
Theo Bộ Y tế việc gia hạn sử dụng này được kiểm định khắt khe và đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả, áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả các nhóm đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Từ thời điểm Cục Quản lí thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và EMA phê duyệt, các lô vắc xin Pfizer đã sản xuất trước đây có hạn sử dụng 6 tháng thì tự động tăng hạn dùng lên 9 tháng. “Các quốc gia trên thế giới vẫn giữ nguyên nhãn trên lọ vắc xin theo hạn sử dụng của nhà sản xuất và chỉ có thông báo riêng về tăng hạn sử dụng của vắc xin lên 9 tháng. Trong thời gian tới, Nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu và nếu đảm bảo ổn định, chất lượng, Nhà sản xuất sẽ nộp hồ sơ cho các cơ quan thẩm quyền để tăng hạn sử dụng của vắc xin đến 12, 18 hoặc 24 tháng”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam cho biết, lọ vắc xin Pfizer có hạn sử dụng là 9 tháng khi được bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất ở nhiệt độ từ -900C đến -600C; lọ vắc xin đã được rã đông có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 20C đến 80C trong tối đa một tháng (31 ngày). Hiện nay, hệ thống dây chuyền lạnh của chương trình tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc xin COVID-19.
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đối với mỗi loại vắc xin, các nhà sản xuất đều thực hiện những nghiên cứu trong thời gian thực tế để đưa ra quyết định về hạn sử dụng. “Vắc xin Pfizer sau khi được phê duyệt khẩn cấp, nhà xuất tiếp tục nghiên cứu độ ổn định theo Hướng dẫn đối với thuốc mới cũng như sản phẩm sinh học, nghiên cứu được tiến hành trên các dải nhiệt độ bảo quản khác nhau, kết quả cho thấy vắc xin đã có độ ổn định, đảm bảo chất lượng, hạn dùng đến 9 tháng, thậm chí dài hơn kể từ ngày sản xuất khi được bảo quản ở -900C đến -600C. Sau khi đã đủ cơ sở dữ liệu về hạn sử dụng trong vòng 9 tháng, nhà sản xuất đã nộp hồ sơ phê duyệt tăng hạn sử dụng lên 9 tháng”, GS Lân cho biết.
Theo thông tin từ Cục Quản lí dược (Bộ Y tế), ngày 22/8/2021, Cơ quan quản lí dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và ngày 10/9/2021 Cơ quan quản lí dược châu Âu (EMA) đã thông qua hạn sử dụng của vắc xin Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng. Ngày 20/9/2021, WHO cũng đã có thư gửi UNICEF thông báo về việc tăng hạn sử dụng vắc xin Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng.
Ngài Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết các cơ quan quản lí vắc xin quốc gia đã cập nhật các điều kiện phê duyệt sau khi xem xét các bằng chứng và dữ liệu khoa học mới do nhà sản xuất cung cấp, gồm có: mở rộng nhóm tuổi tiêm từ 12 tuổi trở lên và tăng hạn sử dụng từ 6 tháng lên 9 tháng. Vào tháng 8 vừa qua WHO đã phê duyệt các điều kiện cập nhật này, bao gồm việc tăng hạn sử dụng lên 9 tháng áp dụng với tất cả vắc xin Pfizer đã được sản xuất trước thời điểm tháng 8/2021. (Tiền phong, trang 4)
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 6: “Bộ Y tế bác bỏ thông tin nhập 02 lô vaccine “cận date” và tự động gia hạn sử dụng”
Hải Phòng nâng cấp độ phòng dịch tại nhiều xã, huyện
Ngày 1/12, TP Hải Phòng tiếp tục ghi nhận hàng chục ca dương tính SARS-CoV-2 tại quận Hồng Bàng và huyện Tiên Lãng. Thành phố cảng đã nâng cấp độ phòng dịch đối với nhiều xã, huyện trên địa bàn.
Thêm 41 ca liên quan công trường xây dựng
Sáng 1/12, thông tin từ BCĐ Phòng chống COVID-19 quận Hồng Bàng, địa phương này vừa ghi nhận thêm 41 ca dương tính SARS-CoV-2, đa số có yếu tố dịch tễ liên quan ổ dịch tại công trường xây dựng cao ốc của Tập đoàn Hoàng Huy.
Trong 5 ngày gần đây, quận Hồng Bàng đã ghi nhận tổng số 150 ca mắc COVID-19 tại phường Thượng Lý và Sở Dầu. UBND thành phố Hải Phòng nhận định, các ca bệnh ở quận Hồng Bàng nằm trong vùng đông dân cư, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch diện rộng.
Do đó, BCĐ Phòng chống COVID-19 thành phố yêu cầu nâng cấp độ dịch lên cấp độ 3 (vùng cam) đối với phường Thượng Lý và Sở Dầu và áp dụng cấp độ 2 đối với toàn quận Hồng Bàng kể từ trưa 1/12.
Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị và người dân tại 2 phường Thượng Lý, Sở Dầu (quận Hồng Bàng) thực hiện 5K. Khi đi đến vùng cấp độ 1, 2 (vùng xanh, vùng vàng) ngoài địa phận quận phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19. Không được đi đến vùng cấp độ 4 (vùng đỏ), khu vực phong tỏa, cách ly.
Ngừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: trò chơi điện tử, bi-a, làm đẹp, bán hàng rong, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đông người.
Cơ sở lưu trú, quán cắt tóc, gội đầu, trung tâm thương mại, chợ đầu mối…. hạn chế 50% công suất, số lượng người tham gia. Nhà hàng, quán ăn chỉ được phép bán mang về. Các đám hỷ, đám hiếu, liên hoan… không tập trung quá 20 người trong cùng thời điểm.
Đối với toàn quận Hồng Bàng, hạn chế tiếp khách tại cơ quan, đơn vị. Giảm quy mô, cấp độ các hoạt động văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị hoặc thay đổi hình thức tổ chức. Hạn chế tập trung đông người tập luyện thể dục thể thao ngoài trời, trong nhà, các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo. Nhà hàng quán ăn hoạt động 50% công suất, đảm bảo giãn cách.
Huyện Tiên Lãng: Tạm dừng, hạn chế nhiều hoạt động
BCĐ Phòng chống COVID-19 thành phố Hải Phòng cũng cho biết, ổ dịch tại huyện Tiên Lãng có diễn biến phức tạp. Đến nay, huyện này đã có 295 ca dương tính SARS-CoV-2, xuất hiện ở hầu hết các xã, thị trấn, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát diện rộng.
TP Hải Phòng nâng mức độ dịch lên cấp độ 4 (vùng đỏ) đối với xã Tiên Thắng và Vinh Quang, tiếp tục duy trì cấp độ 4 với xã Toàn Thắng và Tiên Minh. Toàn huyện áp dụng cấp độ 3 (vùng cam) kể từ ngày 1/12.
Tại 4 xã vùng đỏ, yêu cầu huyện Tiên Lãng thành lập các chốt kiểm soát tại các thôn, tổ dân phố. Ngừng hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, cưới, hỏi, cơ sở lưu trú, du lịch, lễ hội, xe khách… Không tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời. Người dân ở 4 xã vùng đỏ đến các địa phương khác phải có xét nghiệm âm tính.
Toàn huyện Tiên Lãng, giảm 50% công suất hoạt động trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, chợ đầu mối, tiểu thương… Ngừng hoạt động cơ sở kinh doanh như: trò chơi điện tử, cắt tóc gội đầu, làm đẹp, hoạt động tôn giáo đông người…
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP Hải Phòng thông tin, ngày 30/11 địa phương ghi nhận thêm 114 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, liên quan ổ dịch tại huyện Tiên Lãng (99 ca). Quận Hồng Bàng (7 ca) đều là F1 tại ổ dịch công trường xây dựng thuộc Tập đoàn Hoàng Huy.
Ngoài ra, các huyện Vĩnh Bảo, An Dương, An Lão, Thủy Nguyên, quận Hải An, Hồng Bàng và Lê Chân đều ghi nhận thêm bệnh nhân. (Tiền phong, trang 5)
Xử lý nghiêm vi phạm quy định phòng, chống dịch
Những ngày qua, Hà Nội phát sinh nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây. Mặc dù vậy, ghi nhận ngày 1-12, vẫn có rất nhiều người dân không tuân thủ “5K” tại nơi công cộng. Chính quyền các địa phương cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng như hiện nay.
Nhiều người dân không chấp hành “5K”
Tại ngõ 54 đường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm), 3 quán trà đá mở cạnh nhau, bán cả ngày đêm, khách đông ngồi sát nhau, không thực hiện “5K”.
Vào buổi tối hằng ngày, tại khu vực đầu đường Cầu Diễn xuất hiện một số hàng ngô nướng, bán trà đá cũng tập trung đông khách hàng và không thực hiện giãn cách. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Phú Diễn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, UBND phường đã cử 3 tổ công tác thường xuyên tuần tra, nhắc nhở các hàng quán thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, phải quét mã QR, thực hiện “5K”… nhất là tại nơi công cộng. Các tổ công tác đã nhắc nhở 53 trường hợp bán trà đá phải đóng cửa trước 21h hằng ngày.
“Về việc các quán trà đá và quán ngô nướng bán hàng không thực hiện giãn cách như Báo nêu, các tổ công tác đã kiểm tra và nhắc nhở ngay, nếu còn tiếp tục vi phạm, UBND phường sẽ xử phạt nghiêm theo quy định” – ông Nguyễn Ngọc Lương cho biết.
Tại các tuyến phố Thanh Đàm, Nguyễn Khoái, Đại Đồng thuộc địa bàn phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai), ngày 1-12, có nhiều cửa hàng ăn uống, kinh doanh diện tích nhỏ, người mua bán khó bảo đảm khoảng cách an toàn phòng dịch. Vẫn còn một số cửa hàng chưa thực hiện đúng quy định “5K” như chưa có nước sát khuẩn tay cho khách trước khi vào ăn uống, nhiều người “quên” quét mã QR. Tại đường Nguyễn Khoái còn tồn tại một chợ “cóc”, người dân chen nhau mua bán, để xe tràn xuống lòng đường. Tại khu vực họp chợ không có bất cứ biển báo hay băng rôn nào tuyên truyền phòng, chống dịch.
Phóng viên đã liên hệ với lãnh đạo phường Thanh Trì, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Thị Ánh Tuyết cho biết, phường sẽ kiểm tra, xử lý ngay vi phạm.
Khảo sát trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, từ sáng sớm, các quán ăn đã đông người ra vào. Nhiều trường hợp còn cho cả trẻ nhỏ đi cùng, không đeo khẩu trang. Do mật độ người ra vào các cơ sở kinh doanh trên phố Võ Thị Sáu, Lê Đại Hành, Triệu Việt Vương, Trần Nhân Tông… quá lớn nên hầu như việc quét mã QR, chỉ nhận 50% khách… không được thực hiện. Tương tự, tại các quán ăn, cà phê trên phố Tô Hiến Thành, Triệu Việt Vương (phường Nguyễn Du), tình trạng hàng quán nhận kín chỗ vẫn diễn ra, nhưng không hề thấy sự kiểm tra, nhắc nhở của lực lượng chức năng.
Thiếu tá Trần Quang Hùng, Phó Trưởng Công an phường Nguyễn Du cho biết, để giám sát việc chấp hành phòng dịch, hằng ngày từ 20h, công an và lực lượng phòng, chống dịch phường kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh đóng cửa đúng giờ. Công an phường đã thành lập 2 tổ công tác duy trì kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu 100% cơ sở ăn, uống phải thực hiện nhắc khách quét mã QR và kiên quyết xử lý nếu phát hiện quán nhận quá 50% số khách theo quy định.
Khu vực giáp ranh giữa phường Ngã Tư Sở, Thịnh Quang (quận Đống Đa) và Thượng Đình (quận Thanh Xuân) trở thành điểm nóng về trật tư đô thị và phòng chống dịch. Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở Hoàng Mạnh Dũng cho biết, “chợ cóc” trên phố Cầu Mới đã tồn tại nhiều năm nay, là điểm phức tạp dễ lây lan dịch bệnh. Do vậy, hằng ngày UBND phường bố trí 2 cán bộ công an cùng lực lượng dân phòng trực để xử lý vi phạm và tuyên truyền phòng, chống dịch nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, người dân lại tái vi phạm.
Chị Nguyễn Thanh Hà, ở đường Láng cho biết, việc tập trung đông người họp chợ diễn ra sáng sớm, đề nghị chính quyền các phường xử phạt nặng để đủ sức răn đe.
Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Lê Đình Sơn, việc quét mã QR nhiều nơi không được thực hiện nghiêm, nguyên nhân là do người dân còn chủ quan, cho rằng đã tiêm vắc xin thì không có gì đáng ngại. Bên cạnh đó, lực lượng phòng, chống dịch địa phương mỏng, không đủ để giám sát, kiểm tra liên tục.
“Những ngày qua, trên địa bàn phát sinh nhiều ca F0 nên chính quyền địa phương huy động toàn bộ hệ thống chính trị, người dân tham gia phòng, chống dịch. UBND phường sẽ tiến hành xử phạt nghiêm khi phát hiện các vi phạm tập trung đông người, không thực hiện 5K…” – ông Lê Đình Sơn cho biết.
Liên quan đến các vi phạm xung quanh hồ Hoàn Kiếm,Trung tá Dương Bảo Thạch, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông và trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, đơn vị đã thu giữ nhiều hàng hóa, chủ yếu là hoa quả, bàn ghế của nhiều hộ kinh doanh vi phạm tại khu vực đầu phố Hàng Đào, Hàng Gai… Bên cạnh đó, Công an quận cũng liên tục nhắc nhở, xử lý vi phạm, giải tán đám đông tập trung học nhảy tại vườn hoa phường Lý Thái Tổ.
Quận Nam Từ Liêm hiện nay vẫn còn nhiều ổ dịch, số ca bệnh đang tăng nhanh. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, một bộ phận người dân còn chủ quan với các biện pháp phòng dịch. Dự báo tình hình dịch sẽ tiếp tục phức tạp trong thời gian tới, nguy cơ các phường sẽ có thêm nhiều ca dương tính mới. Do vậy, UBND quận đã thành lập 10 tổ phản ứng nhanh và các phường thành lập 27 tổ phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh cao hơn.
Tại các xã Tân Lập, Hạ Mỗ, Hồng Hà… huyện Đan Phượng, phóng viên nhận thấy, công tác phòng, chống dịch được chuẩn bị và triển khai quyết liệt. Tuy vậy, cũng đã xuất hiện nhiều trường hợp chủ quan trong công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt, cuối năm là thời điểm ở các làng quê khu vực nông thôn tổ chức rất nhiều sự kiện tập trung đông người như đám giỗ, sang cát, cưới hỏi. Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Chính quyền địa phương sẽ tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục để các gia đình thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. (Hà Nội mới, trang 7)
Hà Nội tiếp tục ghi nhận số ca dương tính kỷ lục với 469 ca/ngày
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 30-11 đến 18h ngày 1-12, trên địa bàn ghi nhận 469 ca dương tính, trong đó có 202 ca tại cộng đồng, 178 ca tại khu cách ly và 89 ca tại khu phong tỏa. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, Hà Nội ghi nhận số ca mắc kỷ lục hơn 400 ca/ngày. Trước đó, ngày 30-11, Hà Nội có 468 ca nhiễm mới.
469 bệnh nhân được phân bố tại 160 xã, phường, thị trấn thuộc 26/30 quận, huyện: Đống Đa (53), Bắc Từ Liêm (45), Hai Bà Trưng (42), Nam Từ Liêm (41), Ba Đình (29), Mê Linh (26), Hà Đông (26), Long Biên (25), Mỹ Đức (21), Đan Phượng (21), Thanh Trì (20), Đông Anh (17), Chương Mỹ (17), Hoàng Mai (15), Thanh Oai (14), Tây Hồ (10), Quốc Oai (9), Cầu Giấy (7), Gia Lâm (7), Hoàn Kiếm (6), Phú Xuyên (5), Hoài Đức (4), Thanh Xuân (3), Sơn Tây (3), Phúc Thọ (2), Thường Tín (1).
Riêng 202 ca cộng đồng được phân bố tại 97 xã, phường thuộc 24/30 quận, huyện: Bắc Từ Liêm (26), Đống Đa (24), Ba Đình (16), Mê Linh (14), Nam Từ Liêm (12), Hai Bà Trưng (12), Đan Phượng (11), Thanh Trì (11), Chương Mỹ (10), Hoàng Mai (10), Quốc Oai (8), Thanh Oai (7), Tây Hồ (6), Gia Lâm (6), Long Biên (5), Hoàn Kiếm (5), Đông Anh (4), Hà Đông (4), Mỹ Đức (3), Sơn Tây (3), Thanh Xuân (2), Hoài Đức (1), Phúc Thọ (1), Phú Xuyên (1).
Riêng số ca nhiễm mới trong cộng đồng được ghi nhận trong 24 giờ qua tập trung ở phường Đội Cấn, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình); phường Xuân Đỉnh, phường Cổ Nhuế 2, phường Cổ Nhuế 1, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); phường Quang Trung, phường Ô Chợ Dừa, phường Phương Liên, phường Hàng Bột (quận Đống Đa); phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy); xã Tân Lập (huyện Đan Phượng), thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ); thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm); phường Thanh Nhàn, phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng); phường Hàng Bài, phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm)…
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4 đến nay) là 11.066 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 4.439 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.627 ca. (Hà Nội mới, trang 7)
Các phương án đón học sinh đi học trở lại
Hôm qua 1.12, UBND TP.HCM đã quyết định thời gian cho học sinh đi học trực tiếp trở lại sau thời gian ngừng đến trường, học trực tuyến vì dịch Covid-19.
Học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12 đi học từ ngày 13.12
Theo đó, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo từng giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn từ ngày 13 – 25.12 (2 tuần), các trường tổ chức dạy học trực tiếp với tất cả học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12. Trong đó, từ tuần thứ 2 sẽ áp dụng cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Riêng học sinh từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT của xã Thạnh An (H.Cần Giờ) học trực tiếp từ ngày 13.12.
Để thực hiện giai đoạn đầu theo thời gian nói trên thì trước ngày 5.12, các trường tổ chức họp phụ huynh, ngày 8.12 tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Ngày 10.12, các trường tổ chức sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường học trực tiếp.
Giai đoạn từ ngày 27.12 trở đi, Sở GD-ĐT tổng kết, rút kinh nghiệm 2 tuần dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Căn cứ kết quả này và tình hình dịch Covid-19, Sở GD-ĐT phối hợp Sở Y tế tham mưu UBND TP xem xét và quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn TP từ ngày 3.1.2022.
Trường xây dựng kế hoạch dạy học trước ngày 3.12
UBND TP yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng và hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án phòng chống dịch tại cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại và được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra, thẩm định các nội dung trước ngày 3.12.
Ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại, trường không tổ chức các hoạt động học tập, chỉ tổ chức kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn hướng dẫn cho học sinh các biện pháp tự phòng ngừa và triển khai giờ học, kế hoạch học tập, kế hoạch phòng chống dịch bệnh của nhà trường. Tổ chức thực hiện lệch ca, lệch giờ, tăng cường giám sát nhằm đảm bảo việc giãn cách trước giờ học, giờ chơi và giờ tan trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức), cho biết gần như 100% học sinh đã hoàn tất việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 và sẵn sàng tâm thế để trở lại trường. Nữ hiệu trưởng này chỉ ra rằng, thời điểm học sinh đi học trở lại là đủ thời gian sau 14 ngày hoàn tất tiêm vắc xin mũi 2, cũng là thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào bài kiểm tra học kỳ 1, bài kiểm tra quan trọng của học sinh lớp 12.
Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình), cho biết qua thăm dò thì học sinh lớp 12 khá hào hứng trước thông tin trở lại trường học vào giữa tháng 12. Tuy nhiên, còn một số phụ huynh tỏ ra dè dặt, lo lắng nên nhà trường thấy việc chuẩn bị cần phải kỹ lưỡng để tạo sự đồng thuận và an tâm nhất đối với phụ huynh.
Không cho ngừng học một cách cực đoan
Để chuẩn bị cho kế hoạch học sinh trở lại trường, ông Lê Xuân Nguyên, Hiệu phó Trường THPT Ngô Quyền (Q.7), thông tin nhà trường xây dựng kịch bản cụ thể và phân công chi tiết đến từng thành viên của Ban giám hiệu, bộ phận y tế, lực lượng Đoàn thanh niên, lực lượng giáo viên, nhân viên… Mục tiêu lớn nhất là sự an toàn của học sinh, trong đó cũng phải nhìn nhận khi đã cho học sinh đến trường thì phải tính đến tình huống xuất hiện F0. Tuy nhiên không vì F0 mà cách ly hay cho học sinh nghỉ học một cách cực đoan mà phải bình tĩnh, tuân theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức) xây dựng phương án tách lớp, chia thành 2 phòng ở những tuần đầu tiên để thăm dò và điều chỉnh phương án cho phù hợp ở những tuần tiếp theo. Khi lớp học xuất hiện F0 hoặc người cùng nhà với học sinh nhiễm bệnh thì học sinh đó sẽ ngừng đến trường, tùy theo tình hình sức khỏe, giáo viên gửi tài liệu hoặc dạy trực tuyến hỗ trợ. Tương tự, ông Hoàng Sơn Hải cũng cho biết tính toán chia mỗi lớp thành 2.
Ông Ngô Lập Thu, Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng (Q.10), nhấn mạnh nhà trường dự báo các tình huống khi học sinh đi học trở lại, có một học sinh F0, hay học sinh của một vài lớp rơi vào tình huống này thì sẽ căn cứ vào đánh giá của y tế để đưa ra phương án cách ly học sinh cụ thể chứ không mặc định cho cả lớp ngừng đến trường đồng loạt.
Vì sao học sinh lớp 1 đến trường học trực tiếp trước ?
Trước thông tin học sinh khối lớp 1 cũng được ưu tiên cho đi học trong đợt đầu tiên, vào ngày 13.12, nhiều phụ huynh không khỏi thắc mắc vì đây là học sinh nhỏ tuổi, chưa tiêm vắc xin.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết đây là kế hoạch thí điểm cho học sinh đi học trở lại ở cả 3 cấp học. Trong đó ở bậc tiểu học, TP.HCM ưu tiên cho học sinh lớp 1 đi học trước, vì đây là khối học sinh mới chuyển từ bậc mầm non lên, các em chưa được đến trường ngày nào và việc học trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn nhất so với các khối còn lại khi bắt đầu các bài học vỡ lòng. Do vậy, đây là nhóm học sinh được ưu tiên tiếp cận với chương trình giáo dục trực tiếp để các em sớm được đến trường, gặp thầy cô, bạn bè.
“Học sinh buộc phải học trực tuyến trong điều kiện bắt buộc vì dịch bệnh, nhưng với lớp 1 – lứa tuổi còn cần giáo viên cầm tay chỉ việc thì việc đến trường là tốt nhất”, ông Dương Trí Dũng chia sẻ.
Trước thắc mắc học sinh lớp 1 chưa được tiêm vắc xin, liệu có an toàn khi để các em trở lại trường học, ông Dương Trí Dũng cho biết về vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh đi học lại, Sở Y tế TP.HCM sẽ có hướng dẫn thêm. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng được trang bị nhân viên, thiết bị y tế và các quy trình khác. Trong đó, vắc xin chỉ là một trong các điều kiện đảm bảo an toàn. Những học sinh chưa tiêm thì vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho các em trở lại trường. (Thanh niên, trang 2)
Cùng chủ đề Báo Gia đình & Xã hội, trang 12: “Hà Nội: Đảm bảo an toàn sức khỏe học sinh khi đến trường học trực tiếp”; Sài Gòn giải phóng, trang 1: “TPHCM: Thí điểm dạy học trực tiếp đối với học sinh các lớp 1,9 và 12”
Qua giám sát, TP.HCM chưa phát hiện biến chủng Omicron
Ngày 1.12, tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính từ tháng 5 – 11.2021, có 408 bộ gien của SARS-CoV-2 từ mẫu bệnh phẩm của các ca bệnh trên địa bàn TP.HCM đã được giải mã.
Các phân tích về di truyền cho thấy biến chủng gây dịch thuộc biến chủng Delta. Đây cũng là biến chủng được phát hiện từ các ca bệnh liên quan chung cư Sunview Town (TP.Thủ Đức) và chùm ca bệnh của điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng tháng 5.2021. Cho đến nay kết quả giải mã các chủng vi rút tại TP.HCM chưa ghi nhận sự hiện diện của biến chủng Omicron.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc giám sát phát hiện các biến chủng SARS-CoV-2 hiện là công cụ quan trọng không thể thiếu trong công cuộc chống đại dịch Covid-19 toàn cầu. Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và OUCRU phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC) tiếp tục giám sát và giải mã nhanh các biến chủng lưu hành trên địa bàn, đặc biệt kịp thời phát hiện sự xuất hiện của các biến chủng quan ngại như biến chủng Omicron từ các ca bệnh trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM đang xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực giám sát sự lưu hành các chủng vi rút gây bệnh của HCDC, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực giải mã gien để sẵn sàng ứng phó với những thách thức tiềm tàng của dịch bệnh Covid-19 cũng như của các bệnh nhiễm trùng mới nổi trong tương lai.
Cùng ngày, Sở Y tế cho biết đã có công văn khẩn gửi UBND TP.HCM, Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM kiến nghị tiếp tục hỗ trợ lực lượng y tế thuộc Bộ Quốc phòng tham gia trạm y tế lưu động trên địa bàn TP.HCM đến hết ngày 31.12.2021. Theo đó, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM đề xuất Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ duy trì hoạt động 85 trạm y tế lưu động với số lượng 153 nhân viên y tế trên địa bàn TP.HCM đến hết tháng 12.2021.
Tính đến ngày 29.11.2021 vẫn còn một số quận, huyện có số ca F0 đang cách ly tại nhà ở mức tương đối cao, tập trung ở 8 quận, huyện: Q.12 (6.327 ca F0), H.Hóc Môn (8.147 ca F0), TP.Thủ Đức (20.522 ca F0), H.Bình Chánh (7.166 ca F0), Q.Gò Vấp (3.973 ca F0), Q.Bình Tân (4.210 ca F0), Q.Tân Phú (4.829 ca F0), H.Nhà Bè (1.181 ca F0). (Thanh niên, trang 4)
Không để bệnh nhân Covid-19 ở nhà mà không được thăm khám từ xa
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh không để bệnh nhân Covid-19 ở nhà mà không được thăm khám từ xa và phải kết hợp với chăm sóc trên thực địa.
Chiều qua (1.12), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bệnh viện T.Ư và 10 địa phương (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang…) về công tác điều trị, giảm tử vong do dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết so với thế giới, tỷ lệ ca tử vong/mắc công bố của Việt Nam là 2%, tương đương trung bình của thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong của Việt Nam đứng thứ 9/49; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á…
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị đánh giá lại tất cả các khâu, trong đó các cơ sở thực hiện ngay phân loại bệnh nhân; quản lý điều trị F0 tại nhà chắc chắn; tăng cường nhân lực điều trị Covid-19; rà soát năng lực hồi sức tích cực, bảo đảm hệ thống ô xy y tế; theo dõi, giám sát, chăm sóc các bệnh nhân…
Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương bảo đảm đầy đủ trang thiết bị bảo hộ an toàn, chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế, nhất là khi dịch bệnh còn kéo dài, nhiều người đã làm việc không ngừng tại các cơ sở điều trị ròng rã hàng tháng liền. Trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, bên cạnh thuốc điều trị, ông Đam nhấn mạnh cần hết sức lưu ý đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng, động viên, chăm sóc về tinh thần. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phân bổ thuốc điều trị, nhất là thuốc kháng vi rút cho các địa phương; hoàn thiện quy trình điều trị tại nhà, trong đó có cơ chế giám sát y tế đến từng bệnh nhân, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc kháng đông, kháng viêm. Ông Đam nhấn mạnh không để bệnh nhân ở nhà mà không được thăm khám từ xa và phải kết hợp với chăm sóc trên thực địa. Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở, trung tâm điều trị đủ lớn, nhiều tầng trong tình huống ca bệnh tăng lên để khắc phục bất cập trong chuyển tuyến giữa các bệnh viện khác nhau. Bộ Y tế lên kế hoạch tiêm mũi thứ 3; khẩn trương tham khảo ý kiến của các chuyên gia, tổ chức y tế quốc tế về khoảng thời gian tiêm giữa mũi 2 và mũi 3. (Thanh niên, trang 4)
Xử lý đối tượng đưa tin sai sự thật trên Facebook
Ngày 29/11, Công an huyện Nông Cống, Thanh Hóa đã triệu tập chị N.T.D., SN 1989, thường trú tại thôn Ngọc Chẩm, xã Thăng Long, huyện Nông Cống lên cơ quan Công an để điều tra, làm rõ hành vi “cung cấp thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang nhân dân”.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện Nông Cống đã phát hiện trên tài khoản Facebook Phuong Dung Nguyen có đăng tải thông tin không đúng sự thật về sự cố xảy ra sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Công ty TNHH giày Kim Việt. Tiến hành triệu tập chủ nhân của tài khoản facebook nói trên lên làm việc, N.T.D. khai nhận: “Khi đi chợ nghe nhiều người đồn thổi về việc có nhiều người chết do tiêm vaccine phòng COVID–19 tại Công ty Kim Việt, mặc dù chưa xác minh cụ thể và không biết rõ tình hình sự việc như thế nào, nhưng tối 25/11, khi thấy có một bạn trên mạng facebook hỏi về tình hình sự việc, tôi đã chia sẻ những thông tin không đúng về tình hình thực tế khiến nhiều người lo lắng”.
Sau khi được phân tích và giải thích về hành vi vi phạm của mình, N.T.D. đã tự nguyện gỡ bỏ bài viết và cam kết không đăng tải, chia sẻ các thông tin tương tự. Công an huyện Nông Cống hiện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với N.T.D về hành vi: “Cung cấp thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang nhân dân”. (Công an Nhân dân, trang 5)
Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo: Chuẩn bị vaccine, thuốc điều trị và biện pháp phù hợp với biến chủng Omicron
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 8749/VPCP-KGVX ngày 30/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 do biến chủng Omicron trên thế giới và dự báo tình hình dịch COVID-19 trong nước, để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế:
Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Chỉ đạo các địa phương, nhất là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa bàn, địa phương có diễn biến dịch phức tạp và chủ động triển khai các biện pháp phù hợp điều trị sớm các trường hợp nhiễm mới để hạn chế trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, đơn vị khẩn trương nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị COVID-19; thúc đẩy thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước.
Trước đó, tối 29/11, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8706/VPCP-KGVX ngày 29/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.
Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).