Điểm báo ngày 02/3/2022

(CDC Hà Nam)
Phê duyệt tiêm vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi liều 0,2 ml; Chuyên gia chỉ rõ sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng test nhanh COVID-19 và thuốc điều trị

 

Phê duyệt tiêm vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi liều 0,2 ml

Bộ Y tế chính thức phê duyệt tiêm vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi với liều 0,2 mcg.
Ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký quyết định số 457/QĐ-BYT sửa đổi Điều 1 quyết định số 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19,

Quyết định 457 có hiệu lực kể từ ngày 1/3, bãi bỏ Quyết định số 4035/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo quyết định này, vaccine được phê duyệt có tên Comirnaty (tên khác: Pfizer BioNTech COVID-19 Vaccine).

Với quyết định này, người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid). Còn vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg.

Đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và hỗn dịch tiêm; còn  vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.

Đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên, vaccine Pfizer được đóng gói gồm 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 25 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều.

Còn vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi gồm: 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều.

Vaccine này do công ty Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ); BioNTech Manufacturing GmbH (Đức); Pharmacia and Upjohn Company LLC (Hoa Kỳ); Hospira Incorporated (Hoa Kỳ) sản xuất.

Trước đó, Chính phủ đồng ý mua gần 22 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5-12 tuổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thủ tục mua vaccine Pfizer tiêm cho trẻ em ở lứa tuổi này đến nay cơ bản đã hoàn tất. (Công an nhân dân, trang 1; Tiền phong, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Lao động, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Tuổi trẻ, trang 3)

 

Chuyên gia chỉ rõ sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng test nhanh COVID-19 và thuốc điều trị

Theo các chuyên gia, người dân không nên quá lo lắng dẫn tới việc ngày nào cũng mua kit test nhanh COVID-19 để xét nghiệm, cũng như mua thuốc điều trị tràn lan không theo chỉ định của bác sĩ.
Hiện nay số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao, quá lo lắng, một số người dân ngày nào cũng mua kit test nhanh COVID-19 để xét nghiệm hoặc không tin kết quả test nhanh lại làm xét nghiệm RT-PCR.

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm COVID-19, PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh – Giám đốc Trung tâm Y Học gia đình & Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Khi xét nghiệm test nhanh dương tính hay âm tính cũng không nhất thiết phải làm RT-PCR”.

1. Những sai lầm xung quanh test COVID-19
1.1 Lạm dụng test nhanh gây lãng phí
Có người quá lo lắng, sốt ruột, mua cùng lúc nhiều kit xét nghiệm nhanh về để ngày nào cũng tự test.

Các chuyên gia khẳng định việc này không cần thiết và gây lãng phí bởi, sau khi tiếp xúc với F0 phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, xét nghiệm ngay không có giá trị, ít nhất phải 3-4 ngày sau hãy test.

Nếu vừa tiếp xúc với nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng virus thấp… nếu test cũng không chính xác vì khả năng âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh. Nếu bạn không có triệu chứng thì có thể test vào ngày thứ 5 và ngày thứ 7 sau tiếp xúc F0.

Trong trường hợp gia đình có người mang thai, người mắc bệnh lý nền, nếu lo lắng quá thì trước hết cần tuân thủ biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và đợi đến ngày thứ 4 mới nên test, nếu âm tính thì ngày thứ 7 test lại để hoàn toàn yên tâm.

Còn các trường hợp khác chỉ cần nên test khi có các biểu hiện nghi ngờ như: chảy nước mũi, ho, sốt, đau nhức mình mẩy…

1.2 Vạch đậm chứng tỏ bệnh nặng
Trên kết quả test, vạch mờ hay đậm không nói lên được bệnh nặng, nhẹ, nhiều hay ít virus như nhiều người suy diễn. Ngoài ra, khi có xét nghiệm test nhanh dương tính, bạn cũng không nhất thiết phải làm xét nghiệm RT-PCR khẳng định.

1.3 Kết quả test nhanh âm tính là khỏi bệnh
Nhiều bạn đọc thắc mắc vậy test nhanh âm tính là khỏi bệnh đúng không? Các chuyên gia cho rằng điều này không chính xác.

Test nhanh âm tính chỉ có nghĩa là nguy cơ lây thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên. Do đó vẫn phải tiếp tục theo dõi. Ví dụ ngày thứ 5 test nhanh âm tính thì không được chủ quan mà vẫn phải theo dõi SpO2 đủ 10 ngày.

2. F0 điều trị tại nhà: Có thuốc đúng và uống đúng thời điểm
Theo các chuyên gia, với F0 điều trị tại nhà “có thuốc đúng và uống đúng thời điểm” mới là tốt chứ không phải thuốc gì cũng uống, cứ uống thuốc là tốt, là yên tâm.

Đối với thuốc chữa triệu chứng như paracetamol để hạ sốt, oresol bù điện giải cũng cần đọc hướng dẫn để dùng đúng liều lượng phù hợp với cân nặng, số tuổi của người bệnh. Oresol bù điện giải dùng cho bệnh nhân sốt cần pha đúng liều lượng.

Các thuốc có thể dùng ở cộng đồng, cần theo đúng khuyến cáo hoặc có ý kiến của nhân viên y tế. Ví dụ:

– Thuốc Corticoid được dùng khi bắt đầu có dấu hiệu tụt SpO2. Lý do cần đúng thời điểm:

Nếu dùng sớm quá lúc virus đang nhân chia nguy cơ gây bùng phát nặng hơn;
Dùng muộn quá (do chủ quan không theo dõi SpO2) thì lỡ thời cơ ngăn chặn tổn thương phổi tiến triển.
Sau khi dùng 01 liều, người bệnh cần vào viện để được các bác sĩ theo dõi và điều trị tiếp.
– Đối với thuốc molnupiravir có nguồn gốc tin cậy:

Thời điểm đúng là trước ngày thứ 5 của triệu chứng. Lưu ý là sau khi dùng thuốc nếu test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 rồi vẫn phải theo dõi đủ 10 ngày.
Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai, một số ý kiến khuyên nếu người bệnh là nam nữ trẻ tuổi cũng không nên dùng molnupiravir.
Các chuyên gia cho biết, nhiều thuốc đã được chứng minh không có tác dụng với COVID-19 và thậm chí có hại, trong đó phải kể đến là thuốc aspirin, hydroxychloroquine, ivermectin, azithromycin, “thuốc xanh đỏ” được cho là hàng xách tay từ Nga,…

3. Lời khuyên của thầy thuốc
Các bác sĩ khuyến cáo, trong bối cảnh dịch diễn biến như hiện nay, việc trang bị kiến thức cho cá nhân để tự quản lý và điều trị COVID-19 tại nhà là điều cần thiết.

Bênh cạnh việc uống thuốc đầy đủ và tập một số bài tập để cơ thể khỏe mạnh hơn thì việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho người bệnh là rất quan trọng. F0 điều trị tại nhà có thể tự điều trị nâng đỡ bằng cách nghỉ ngơi tại giường, phòng bệnh thông thoáng, vệ sinh mũi họng, giữ ấm, uống đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung vitamin, hạ sốt bằng paracetamol, tập thở, tư thế nằm sấp, theo dõi sát lâm sàng để xem bệnh có trở nặng hay không để được tư vấn bởi nhân viên y tế và cấp cứu kịp thời.

Liên quan đến việc điều trị cho F0 tại nhà, các phương tiện cần có khi cách ly gồm: Nhiệt kế, máy đo độ bão hòa oxy đầu ngón tay (SpO2), máy đo huyết áp.

Đặc biệt, F0 khi cách ly, điều trị tại nhà phải thực hiện tốt các các bước như:

Khai báo y tế, thực hiện nghiêm 5K;
Chấp hành nghiêm các quy định về thời gian cách ly y tế tại nhà;
Không dùng chung đồ dùng, vật dụng cá nhân;
Tự khử khuẩn nơi ở;
Để riêng rác vào thùng có nắp đậy, loại bỏ rác thải riêng.
F0 cần chủ động theo dõi sức khoẻ, triệu chứng sinh tồn (mạch, huyết áp (nếu có máy đo), nhịp thở, nhiệt độ, SpO2); các triệu chứng (mệt mỏi, ớn lạnh, ho, mất mùi, đỏ mắt, tiêu chảy)… (Sức khỏe & Đời sống, trang 14)

 

Bộ Y tế: Thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp

Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID
Bộ Y tế đã có Công văn 971/BYT-BH hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp.

Để thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị (Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các Bộ, ngành) chuẩn bị kế hoạch và nguồn lực để triển khai tiếp đón, tổ chức khám chữa bệnh cho người bệnh có CCCD gắn chíp tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNEID. Theo đó, Bộ Y tế hướng dẫn như sau:

Cơ sở khám chữa bệnh thông báo công khai cho người bệnh biết và triển khai tiếp đón người bệnh khi đi KCB BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (chỉ áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp).

Đối với người bệnh tham gia BHYT đã được cấp CCCD có gắn chíp
Trường hợp khi kiểm tra CCCD (quét mã QR code) hoặc qua ứng dụng VNEID đã có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT thì cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin về BHYT và tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành.

Thông tin cho người bệnh biết để đi khám, chữa bệnh BHYT kể từ lần sau bằng CCCD gắn chíp hoặc bằng ứng dụng VNEID.

Trường hợp khi kiểm tra thông tin nhưng không có thông tin hợp lệ về tham gia BHYT cần giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa thể thực hiện được.

Thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).

Đối với người bệnh tham gia BHYT chưa được cấp CCCD có gắn chíp
Thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh).

Bộ Y tế cũng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương nghiên cứu, tổ chức thực hiện theo đúng hướng dẫn tạm thời tại công văn này và cũng sẽ thống nhất với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm có tài liệu hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật hoặc hàm API (nếu có), để các đơn vị thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.  (Sức khỏe & Đời sống, trang 9)

 

Cách phân biệt ‘dương tính giả’ khi tự làm test nhanh COVID-19 tại nhà

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, điều quan trọng khi thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 là bạn phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và lựa chọn loại test nhanh được cấp phép bởi các cơ quan y tế.
Test nhanh COVID-19 hiện là phương pháp xét nghiệm dễ thực hiện và nhanh nhất để phát hiện liệu bạn có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không, từ đó đưa ra những xử trí để tránh lây lan cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế đôi khi test nhanh COVID-19 có thể gây ra kết quả dương tính giả.
Thông thường, khi test nhanh nếu hiển thị cả 2 vạch bên cạnh chữ C và chữ T thì đó là dương tính, còn nếu chỉ hiển thị 1 vạch bên cạnh chữ C, thì là âm tính. Trong nhiều trường hợp, vạch chữ T hiển thị mờ nhạt, không rõ ràng, điều này khó để xác định kết quả chính xác hay không.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, điều quan trọng khi thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 là bạn phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và lựa chọn loại test nhanh được cấp phép bởi các cơ quan y tế.

Người dùng kit test cần chú ý đến khung thời gian đọc kết quả. Thời gian đọc xét nghiệm có thể khác nhau giữa các loại kit xét nghiệm nhanh. Cần đọc kết quả xét nghiệm trong khung thời gian quy định của bộ kit test bạn sử dụng, nếu hai vạch xuất hiện sau khung thời gian đó, rất có thể là dương tính giả.

Ngoài ra, còn có các yếu tố khác gây tác động đến kết quả dương tính giả bao gồm: vị trí lấy mẫu, điều kiện bảo quản mẫu bệnh phẩm, thời gian từ lúc bệnh khởi phát đến khi lấy mẫu, người bệnh có triệu chứng hay không triệu chứng và nồng độ virus trong mẫu bệnh phẩm ảnh hưởng đến độ nhạy của xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19.

4 việc cần làm để tránh dương tính giả khi test nhanh COVID-19:

Để giảm nguy cơ dương tính giả, bạn cần phải làm những điều sau trước khi thực hiện test nhanh COVID-19:

1. Rửa tay thật sạch

2. Xì mũi, tránh để mũi có quá nhiều dịch mũi

3. Tránh ăn hoặc uống một thời gian ngắn trước đó

4. Làm đúng theo hướng dẫn được ghi trên bao bì của bộ test nhanh. (Sức khỏe & đời sống, trang 2,  2/3)

Một số trường hợp tái dương tính sau khi đã khỏi COVID-19, chuyên gia khuyến cáo gì?
Việc tái nhiễm COVID-19 với người vừa mắc COVID-19 là hoàn toàn có thể xảy ra, do vậy người dân không nên chủ quan khi vừa khỏi bệnh.

Khả năng tái nhiễm COVID-19 sau khi vừa khỏi bệnh như thế nào?

Rất nhiều người sau khi mắc COVID-19 thì chủ quan cho rằng mình có kháng thể cực mạnh, lại đã tiêm 3 mũi vaccine nên không lo bị tái nhiễm trong ít nhất 3-6 tháng. Tuy nhiên, trong thực tế có không ít trường hợp mắc COVID-19 điều trị khỏi, trong vòng hơn 1 tháng lại tiếp tục bị tái nhiễm lần 2. Điển hình như trường hợp của chị L.A, 29 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội.

Theo chia sẻ của chị L.A, lần đầu chị mắc COVID-19 là trước Tết Nguyên đán, sau đó phải điều trị và cách ly tại nhà 7 ngày thì khỏi. Dù khỏi bệnh trước Tết nhưng để giữ cho mình và mọi người xung quanh, chị A không đi chơi, chúc Tết ở đâu.

Hết kỳ nghỉ lễ, chị đến cơ quan làm, khi đó cơ quan “nổ” khá nhiều ca dương tính. Do mới mắc COVID-19 nên chị cũng yên tâm, thậm chí có lúc tự tin đi ra ngoài ăn uống vì nghĩ bản thân tiêm 3 mũi vaccine, lại mới mắc COVID-19 nên kháng thể sẽ rất mạnh.

Sau 2 tuần đi làm, chị L.A thấy người hơi mệt, sốt nhưng không bị mất vị giác như lần trước. Nghĩ rằng đó là biểu hiện của hậu COVID-19 nên chị đi khám. Tại bệnh viện, qua test nhanh chị phát hiện tiếp tục bị dương tính. “Lúc đầu tôi không tin, đi test lại thì vẫn 2 vạch, hỏi bác sĩ thì được lý giải hoàn toàn có khả năng tái dương tính. Cũng may là lần sau không nặng như lần trước, chỉ hơi ho một chút và 4 ngày đã âm tính. Do vậy, mọi người đừng chủ quan vì mắc COVID-19 rồi hoàn toàn vẫn có thể bị lại”, chị L.A chia sẻ.

Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học – Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết, trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 thường gặp ở những người từng mắc một biến chủng này, ví dụ như Delta sau đó là nhiễm biến chủng mới như Omicron. Đối với những người đã nhiễm biến thể Omicron rồi thì rất khó và hiếm xảy ra nhiễm lại cùng một biến chủng trong thời gian ngắn.

Bản thân là người bị tái nhiễm 2 biến chủng virus khác nhau, tiến sĩ Lê Minh đánh giá giữa chủng Delta và Omicron sẽ có những đặc điểm khác nhau, đó là: Người nhiễm biến chủng Delta rất nhiều người bị mất mùi (5-6 ngày sau phát bệnh sẽ mất mùi). Do vậy, trong một chuỗi lây nhiễm từ nhau không ai mất mùi thì rất có thể 80-90% là nhiễm Omicron.

Đối với việc một số trường hợp mắc COVID-19 trong vòng 1 tháng đã tái nhiễm, theo tiến sĩ Minh thì điều này rất khó xảy ra trên cùng một biến chủng bởi sau một tháng mắc COVID-19, hệ miễn dịch đang ở trạng thái đủ khả năng bảo vệ. Tuy nhiên, không loại trừ vì có những người hệ miễn dịch yếu thì các virus khác hoặc biến thể mới có thể xâm nhập được.

“Sau khi mắc biến chủng Omicron, kháng thể được tạo ra thường không cao bằng sau khi mắc biến chủng Delta, nên dù chúng ta còn kháng thể nhưng khả năng chống chịu của cơ thể đã suy giảm, khả năng tái nhiễm vẫn có thể xảy ra trong một tháng, nhất là người có hệ miễn dịch yếu. Đó là lý do mọi người tuyệt đối không chủ quan. Thông thường nguy cơ tái nhiễm sau khoảng 3 tháng sẽ cao hơn”, tiến sĩ Lê Minh phân tích.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, việc tái nhiễm COVID-19 trong một thời gian ngắn sau khi mắc là hoàn toàn có thể xảy ra vì người bệnh có thể nhiễm hai biến chủng khác nhau.

Dù vậy, bác sĩ Khanh cho rằng mọi người không nên quá hoang mang, lo lắng vì khi tái nhiễm dù là biến thể mới nhưng đa phần sẽ nhẹ hơn so với mắc lần đầu, nhất là người đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19.

“Với những người chưa tiêm vaccine, hoặc sức khỏe yếu, miễn dịch yếu sẽ dễ bị tái nhiễm COVID-19 hơn so với những người khác. Khi nhiễm hoàn toàn có nguy cơ trở nặng”, bác sĩ Khanh cho hay.

Cần chuẩn bị và làm gì khi trở thành F0?

Theo thống kê, với người tiêm đủ vaccine tỷ lệ chuyển nặng không cao, tuy nhiên tuyệt đối không được chủ quan. BS Bùi Nghĩa Thịnh – Phòng khám Gia đình TP HCM cho biết, ngoài những khuyến cáo dành cho F0 mà Bộ Y tế đã đưa ra, người dân khi thành F0 cần bình tĩnh, chuẩn bị dụng cụ và tâm thế để phục vụ cho việc tự điều trị của mình.

Theo bác sĩ Thịnh, có 2 thứ F0 cần phải có khi điều trị tại nhà đó là máy đo SpO2 và nhiệt kế. Ngoài ra, nếu chuẩn bị được máy đo huyết áp thì càng tốt. “Đặc điểm của SARS-CoV-2 làm giảm oxy máu mà bệnh nhân không hề biết. Hiện tượng này còn gọi là thiếu oxy âm thầm.

Dù bị thiếu oxy máu nhưng bệnh nhân vẫn cảm thấy bình thường cho nên người bệnh thường không theo dõi. Tới thời điểm lượng oxy trong máu hạ thấp tới mức kiệt quệ khiến cho bệnh nhân ngã gục xuống và tử vong do thiếu oxy”, bác sĩ Thịnh cảnh báo.

Do vậy, một người mắc Covid-19 không thể dựa vào cảm giác của mình để biết được có bị thiếu oxy trong máu hay không? Điều trị Covid-19 tại nhà bắt buộc phải có máy đo SpO2.

Đối với nhiệt kế thì nhất thiết cần phải có để theo dõi nhiệt độ thay đổi của cơ thể. Với máy đo huyết áp có thì tốt, không có cũng không sao.

Ngoài các dụng cụ trên, khi điều trị ở nhà, F0 cần phải ghi lại toàn bộ thông tin ngày khởi phát để cung cấp cho bác sĩ khi cần. Ngoài ra, không nên tự điều trị tại nhà theo những hướng dẫn trên mạng mà cần liên hệ với Trung tâm y tế phường, xã nơi mình sinh sống để được hỗ trợ khi cần thiết. Việc cung cấp thông tin còn có ý nghĩa cho dịch tễ giúp cho chính quyền đánh giá tình hình dịch chính xác. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8)

 

Hà Nội huy động bệnh viện tư, bác sĩ nghỉ hưu tham gia chống dịch

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh tại phiên họp giao ban ngày 27-2.
Về nhiệm vụ thời gian tới, để triển khai hiệu quả chủ trương, chỉ đạo của trung ương, các kết luận, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thủ đô đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo đã ban hành.

Theo đó, yêu cầu Sở Y tế TP chủ trì phối hợp với các quận, huyện, thị xã, các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn thống nhất triển khai để bảo đảm dành 50% số giường điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên địa bàn trong tình huống số ca nhiễm tiếp tục tăng cao.

“Các quận, huyện, thị xã phát huy mạnh mẽ phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường vai trò người đứng đầu chính quyền các cấp, huy động thêm các đoàn thể chính trị – xã hội tại cơ sở, lực lượng thanh niên, phụ nữ… để kịp thời bổ sung thành phần các tổ COVID-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ quản lý và điều trị F0 tại nhà, là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở và phù hợp với tình hình của địa phương”, thông báo Văn phòng UBND TP Hà Nội ghi rõ.

Tổ chức phân công các lực lượng phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ thêm để giảm bớt áp lực cho lực lượng y tế cơ sở; tập trung vào công tác chuyên môn, quản lý, tư vấn, điều trị những người nguy cơ cao, phụ nữ có thai và trẻ em chưa được tiêm vắc xin.

Riêng những địa bàn có mật độ dân cư đông, Văn phòng UBND TP Hà Nội yêu cầu cần đánh giá ngay khả năng đáp ứng tư vấn, chăm sóc người nhiễm COVID-19 của mỗi cán bộ, nhân viên y tế.

Có biện pháp huy động thêm lực lượng tình nguyện, bác sĩ đã nghỉ hưu, các cơ sở y tế ngoài công lập cùng tham gia, bảo đảm người dân được đáp ứng y tế sớm nhất, kịp thời chuyển tầng và hạn chế tối đa các ca chuyển nặng.

“Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP giao giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Thông tin – truyền thông và các đơn vị liên quan thành lập tổ công tác liên ngành của Ban chỉ đạo TP là đầu mối thường xuyên nắm bắt thông tin, khó khăn, vướng mắc của các địa phương đến cấp cơ sở”, thông báo nêu rõ.

Về việc cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5 và 6 thuộc 18 huyện, thị xã chuyển học trực tiếp sang học trực tuyến, UBND TP giao Sở Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế khẩn trương cập nhật chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống dịch. (Tuổi trẻ, trang 3,  2/3)

 

Hà Nội tăng cường huy động các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia chống dịch Covid-19

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ngày 28-2 ban hành Thông báo số 72/TB-VP kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố tại phiên họp giao ban ngày 27-2.

Về nhiệm vụ thời gian tới, để triển khai hiệu quả chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, các kết luận, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo đã ban hành và một số nội dung cụ thể.

Trong đó, Sở Y tế chủ trì phối hợp với các quận, huyện, thị xã phối hợp các bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn thống nhất triển khai để bảo đảm dành 50% số giường điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên địa bàn trong tình huống số ca nhiễm tiếp tục tăng cao.

Các quận, huyện, thị xã phát huy mạnh mẽ phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường vai trò người đứng đầu chính quyền các cấp, huy động thêm các đoàn thể chính trị – xã hội tại cơ sở, lực lượng thanh niên, phụ nữ… để kịp thời bổ sung thành phần các tổ Covid-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ quản lý và điều trị F0 tại nhà là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở và phù hợp với tình hình của địa phương.

Tổ chức tập huấn quy trình tư vấn, chia sẻ kiến thức phòng, chống dịch bệnh, các dấu hiệu, triệu chứng, đầu mối liên hệ, tư vấn, chăm sóc, kịp thời phối hợp cán bộ y tế xử lý các tình huống phát sinh.

Đồng thời, chia sẻ, học hỏi các mô hình hay của các đơn vị, tổ chức phân công các lực lượng phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ thêm để giảm bớt áp lực cho lực lượng y tế cơ sở tập trung vào công tác chuyên môn, quản lý, tư vấn, điều trị các đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ có thai và trẻ em chưa được tiêm vắc xin.

Tại những địa bàn có mật độ dân cư đông, cần đánh giá ngay khả năng đáp ứng tư vấn, chăm sóc người nhiễm Covid-19 của mỗi cán bộ, nhân viên y tế; có biện pháp huy động thêm lực lượng tình nguyện, bác sĩ đã nghỉ hưu, các cơ sở y tế ngoài công lập cùng tham gia, bảo đảm người dân được đáp ứng y tế sớm nhất, kịp thời chuyển tầng và hạn chế tối đa các ca chuyển nặng.

Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và các đơn vị liên quan thành lập Tổ công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo thành phố là đầu mối thường xuyên nắm bắt thông tin, khó khăn, vướng mắc của các địa phương đến cấp cơ sở.

Về việc cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5 và 6 thuộc 18 huyện, thị xã chuyển trạng thái học trực tiếp sang học trực tuyến, UBND thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế khẩn trương cập nhật chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. (Hà Nội mới, trang 1; An ninh thủ đô, trang 3).

Quản Trọng Đoàn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 30/5/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/4/2019

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 23/5/2022

CDC Hà Nam