Điểm báo ngày 02/7/2020

(CDC Hà Nam)
Phòng chống dịch COVID-19: Chuyên gia quốc tế khuyến cáo việc mở cửa trở lại; Thêm một người nhiễm Covid-19 được công bố khỏi bệnh; Làm rõ vụ 1 người Indonesia “dương tính nhẹ” Covid-19; Thế giới ca ngợi mô hình chống dịch của Việt Nam; …

 

Thế giới ca ngợi mô hình chống dịch của Việt Nam

Theo tin nước ngoài và TTXVN, trang mạng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đăng bài viết ca ngợi thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Theo bài viết, Việt Nam đã sớm ban hành kế hoạch ứng phó cấp quốc gia và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh. Đây là điểm then chốt để phối hợp hành động và liên lạc giữa các bên liên quan ở các cấp chính quyền khác nhau. Các phương pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt từng bước được áp dụng. Những biện pháp ngăn chặn sớm và việc tận dụng các cơ sở công cộng, quân sự đã giúp Việt Nam tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, theo IMF, công khai và minh bạch là yếu tố rất quan trọng mang lại thành công cho Việt Nam.

* Ngày 30-6, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức trao tặng 3.500  khẩu trang do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất cho đại diện chính quyền thủ đô Oa-sinh-tơn, với mong muốn chung tay với chính quyền địa phương trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Bày tỏ sự cảm kích đối với quà tặng của Đại sứ quán Việt Nam, đại diện chính quyền thủ đô Oa-sinh-tơn cho biết sẽ sử dụng số khẩu trang hiệu quả; khẳng định sẵn sàng hợp tác và tạo điều kiện để Đại sứ quán Việt Nam tiếp tục hoạt động hiệu quả và phát huy vai trò cầu nối giữa Chính phủ và nhân dân hai nước.

* Ngày 30-6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp thảo luận về tình hình sáu tháng thực hiện Nghị quyết 2231 của HĐBA về việc ủng hộ thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện, mà I-ran ký với nhóm P5+1 năm 2015 (còn gọi JCPOA). Việt Nam khẳng định lập trường xuyên suốt ủng hộ giải trừ và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như ủng hộ Nghị quyết 2231 và JCPOA.

* Ngày 30-6, tại trụ sở LHQ ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), khóa họp lần thứ 44 của Hội đồng Nhân quyền LHQ đã khai mạc, với sự tham dự của đại diện 47 nước thành viên và hơn 100 nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Giơ-ne-vơ. Đại diện đoàn Việt Nam dự khóa họp khẳng định lại chính sách nhất quán thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người; nhấn mạnh ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng, quyền chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là những người dễ bị tổn thương trong xã hội; nêu bật kết quả của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, ổn định kinh tế – xã hội, cũng như hỗ trợ phục hồi sau đại dịch… (Nhân dân, trang 8),

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 10: “IMF ca ngợi mô hình chống dịch của Việt Nam”.

 

Thêm một người nhiễm Covid-19 được công bố khỏi bệnh

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, tính đến 18 giờ ngày 1-7, Việt Nam trải qua 76 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 12.960 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 96 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 11.940 người và 870 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Ngày 1-7, có thêm một người bệnh (người bệnh thứ 335) nhiễm Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh được công bố khỏi bệnh. Người bệnh sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Như vậy, tính đến thời điểm này Việt Nam đã chữa khỏi 336 người bệnh trên tổng số 355 người nhiễm Covid-19 (đạt tỷ lệ 94,6%). Trong tổng số người bệnh nhiễm Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, bốn người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính một lần với vi-rút SARS-CoV-2; bốn người bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính hai lần trở lên với vi-rút SARS-CoV-2. (Nhân dân, trang 8).

 

Làm rõ vụ 1 người Indonesia “dương tính nhẹ” Covid-19

Chiều 1.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã có báo cáo cho Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM về một trường hợp ‘dương tính yếu’ với Covid-19.

Theo đó, nam bệnh nhân (31 tuổi, quốc tịch Indonesia) nhập cảnh vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 11.3. Nam bệnh nhân cư ngụ tại TT Bến Cát, Bình Dương và làm việc tại một công ty ở H.Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Nam bệnh nhân muốn lấy giấy xác nhận không dương tính với Covid-19 để về nước nên ngày 30.6 đã cùng 1 đồng nghiệp lên TP.HCM, đến một phòng khám ở P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM.

Do phòng khám này không đủ điều kiện xét nghiệm Covid-19 nên phòng khám đã lấy mẫu và chuyển sang Bệnh viện FV vào sáng 30.6.

Theo báo cáo của Bệnh viện FV, đến 18 giờ cùng ngày (30.6), sau khi có kết quả xét nghiệm “dương tính yếu” với Covid-19, Bệnh viện FV đã trả kết quả cho phòng khám gởi mẫu, đồng thời thông tin cho HCDC và Sở Y tế TP.HCM. Mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới kiểm tra chéo theo quy định của Bộ Y tế.

Kết quả điều tra dịch tễ của HCDC cho biết khoảng 8 giờ ngày 30.6, nam bệnh nhân đến phòng khám ở Q.2 và rời phòng khám lúc 9 giờ 20 phút. Khoảng 10 giờ ngày 30.6, nam bệnh nhân cùng bạn vào cửa Tây chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) tham quan khoảng 20 phút, và đi thẳng về Bình Dương. Bệnh nhân có mang khẩu trang và không rõ tiếp xúc với ai.

Nam bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện tỉnh Bình Dương ngay trong đêm 30.6.

HCDC đã lập danh sách 4 nhân viên y tế của phòng khám có tiếp xúc trực tiếp với nam bệnh nhân (đã được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung).

6 nhân viên khác tại phòng khám không tiếp xúc trực tiếp đang được điều tra và cách ly phù hợp; 11 người khác đến khám cùng giờ cũng đang được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Các trường hợp tiếp xúc gần đã được cách ly tại nhà.

Nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết trong ngày 1.7, Viện Pasteur TP.HCM đã điều tra các yếu tố dịch tễ tại nơi nam bệnh nhân sinh sống, làm việc; tiến hành cách ly điều tra những người liên quan. Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm khẳng định nam bệnh nhân “có nhiễm Covid-19 hay không” sẽ có trong khuya nay 1.7.

Thông tin ban đầu cho biết, ca bệnh này virus đang ở ngưỡng có thể âm, có thể dương chưa rõ. Tuy nhiên, khả năng lây lan Covid-19 của nam bệnh nhân khó xảy ra. (Thanh niên, trang 5).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 9: “Rà soát, cách ly người có tiếp xúc bệnh nhân mắc Covid-19”; Tuổi trẻ, trang 15: “TP.HCM rà soát, cách ly người có tiếp xúc bệnh nhân mắc Covid-19”.

 

Thanh tra viên phản đối kết luận thanh tra

Cho rằng đoàn thanh tra tỉnh làm việc không đúng quy định, kết luận thanh tra có nhiều vi phạm pháp luật, một thanh tra viên gửi báo cáo đến Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phản đối kết luận thanh tra.

Ngày 1.7, nguồn tin PV Thanh Niên từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau xác nhận Văn phòng UBND tỉnh có mời ông Lê Đức Toàn, thanh tra viên thuộc Thanh tra tỉnh Cà Mau, đến làm việc vào ngày 26.6.

Theo tìm hiểu, ngày 22.6, ông Toàn có báo cáo gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng Đoàn thanh tra số 74 của Thanh tra tỉnh Cà Mau (thanh tra về quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn tháng 1.2014 – 9.2019; do ông Huỳnh Việt Ân, Phó chánh thanh tra tỉnh Cà Mau làm trưởng đoàn) có nhiều vi phạm trong quá trình thanh tra. Từ đó dẫn đến Kết luận thanh tra (KLTT) số 03/KL-TT ngày 25.5.2020 không đúng với thực tế khách quan, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo báo cáo của ông Toàn gửi UBND tỉnh Cà Mau, KLTT số 03/KL-TT xác định Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Cà Mau sai phạm, phải thu hồi số tiền 628 triệu đồng và kiểm điểm, rút kinh nghiệm một số cá nhân liên quan. Tuy nhiên, quá trình thanh tra tại đây, ông Toàn phát hiện số tiền sai phạm lên đến hàng chục tỉ đồng.

“Tôi là thành viên Đoàn thanh tra số 74, nhưng những ý kiến bảo lưu của tôi không được quan tâm đúng luật định, nên tôi báo cáo đến Chủ tịch UBND tỉnh”, ông Toàn nói.

Vấn đề thứ nhất mà ông Toàn báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh là việc nâng khống giá trang thiết bị y tế trong 3 đề án xã hội hóa, máy lọc thận, máy CT Scanner (chụp cắt lớp) từ năm 2014 – 2018.

Theo ông Toàn, BVĐK tỉnh Cà Mau đã không thực hiện đúng Thông tư 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế trong việc xác định giá trị tài sản liên doanh liên kết. Căn cứ vào hồ sơ tiếp cận để thanh tra, ông Toàn xác định số máy lọc thận, máy CT Scanner… trong 3 đề án bị nâng khống hơn 7 tỉ đồng. Trong đó, năm 2014 nâng khống giá 1 máy chụp phim CT Scanner 2,3 tỉ đồng; năm 2016 nâng giá 20 máy lọc thận tổng cộng 3,2 tỉ đồng và năm 2017 nâng khống giá 10 máy lọc thận tổng cộng 1,6 tỉ đồng.

Vấn đề thứ hai là BVĐK tỉnh Cà Mau áp dụng mức thu viện phí, chi phí người bệnh trái quy định, khiến bệnh nhân “mất oan” 11,9 tỉ đồng từ 2014 đến nay.

Ông Toàn cũng cho rằng có lợi ích nhóm trong quá trình cung cấp hóa chất, vật tư y tế ở BVĐK tỉnh Cà Mau. Cụ thể, nhà đầu tư lắp đặt máy lọc thận và độc quyền cung cấp hóa chất, vật tư y tế… không thông qua đấu thầu, với tổng số tiền thanh toán cho nhà đầu tư lên đến hơn 23 tỉ đồng. Trong đó có 2 mặt hàng thuốc Nacl 0,9% 500 ml và Heparin không nằm trong danh mục đấu thầu tập trung của Sở Y tế, và cũng không nằm trong danh mục thuốc đấu thầu của BV, nhưng BV đã mua đưa vào sử dụng cho bệnh nhân với số tiền hơn 4 tỉ đồng.

Ông Toàn cũng báo cáo việc có dấu hiệu thông thầu, lợi ích nhóm trong quá trình đấu thầu dịch lọc thận. Trong năm 2017, nhiều tháng liền, BVĐK tỉnh Cà Mau bỏ ngoài sổ sách kế toán những khoản doanh thu từ hệ thống máy X-quang (chụp phim), máy lọc thận, máy siêu âm.

Từ đó, ông Toàn kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho đối chất với Đoàn thanh tra 74, chuyển một số vụ việc sang cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Chánh thanh tra tỉnh nói gì?

Trả lời Thanh Niên, ông Huỳnh Quốc Hoàng, Chánh thanh tra tỉnh Cà Mau, xác nhận đang làm rõ báo cáo của ông Toàn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau theo chỉ đạo của tỉnh.

“Trước mắt, chúng tôi thông tin là phần lớn các vấn đề đồng chí Toàn báo cáo đã được Đoàn thanh tra 74 đề cập, thể hiện qua Kết luận số 3 của đoàn. Tuy nhiên, do đoàn hết thời gian thanh tra, trong khi một số vấn đề đó cần phải làm thêm nhiều việc mới kết luận được nên thanh tra tỉnh đã kiến nghị các cơ quan khác tiếp tục làm rõ, chứ không phải bỏ qua như báo cáo của đồng chí Toàn”, ông Hoàng nói. (Thanh niên, trang 5).

 

Nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu

TS. Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Chương trình Tiêm chủng Quốc gia, ngày 1/7 cho biết, gần đây bệnh bạch hầu có dấu hiệu tăng lên, nguy cơ dịch bùng phát trở lại nếu người dân không được tiêm vắc-xin đầy đủ.

Theo các chuyên gia dịch tễ, năm nay chắc chắn sẽ ghi nhận thêm các ca bệnh bạch hầu lẻ tẻ ở các địa phương, chứ không chỉ dừng lại ở con số mắc hiện nay. Hầu hết bệnh nhân là trẻ trên 10 tuổi và người lớn. TS. Thanh Huyền cho biết, điều tra kết quả tiêm chủng các trường hợp mắc bệnh bạch hầu cho thấy, hầu hết ca mắc là những người không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc-xin phòng bệnh, trong đó có trường hợp đã tiêm 3-4 mũi vẫn mắc bệnh. Lý do là các trường hợp này sau một thời gian, miễn dịch đã giảm xuống.

Trước tình hình bệnh có dấu hiệu đang tăng và dịch chuyển sang trẻ lớn và người lớn, từ năm 2019, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã có định hướng triển khai tiêm nhắc vắc-xin bạch hầu, vắc-xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ lớn và người lớn để mở rộng hàng rào miễn dịch cộng đồng. Hiện Việt Nam có vắc xin uốn ván – bạch hầu giảm liều (Td) phòng bệnh bạch hầu, tiêm cho trẻ lớn vào lúc 7 tuổi có thể giúp tăng đối tượng tiêm nhắc lại phòng bệnh.

Đánh giá tình hình bệnh bạch hầu ở tỉnh Kon Tum giai đoạn năm 2016-2017 cho thấy, gần 50% trường hợp từ 6- 25 tuổi không có miễn dịch phòng bệnh, thậm chí nhiều trẻ đã không còn miễn dịch.

Tuy nhiên, sau khi được tiêm 1 liều vắc-xin, 95,4% số trẻ này có miễn dịch, nghĩa là một nửa số đó đã an toàn với bệnh bạch hầu sau khi tiêm. Tình hình mắc bệnh gần đây tại một số địa phương, nhất là tỉnh Đắk Nông cho thấy, việc tiêm chủng cần phải được duy trì để mầm bệnh có thể tiềm ẩn trong người lớn sẽ không có cơ hội bùng phát, lây lan sang trẻ nhỏ.

Sẽ xử nghiêm cán bộ để dịch bệnh lan rộng

Ngày 30/6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, bà Trần Thị Nga, ký văn công văn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu. Công văn này yêu cầu UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Kon Tum huy động cả hệ thống chính trị, tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu.

Công văn trên nêu rõ, chủ tịch UBND các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để dịch bệnh lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Y tế Kon Tum chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue và bạch hầu trên địa bàn; phải nắm chắc các ổ dịch hiện có và mới phát sinh, sớm phát hiện các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, khoanh vùng. Đồng thời, Sở Y tế cần xây dựng và cung cấp tài liệu truyền thông phòng chống dịch cho các địa phương để nâng cao công tác tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thuốc, hóa chất, đồ bảo hộ… để điều trị kịp thời và đáp ứng các tình huống dịch bệnh.

Đến nay, Kon Tum có 9 bệnh nhân bạch hầu. Phóng viên các báo đài phản ảnh rất khó liên hệ làm việc với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum. Tại Đắk Nông, trả lời báo chí, một lãnh đạo Sở Y tế phát ngôn hàm ý rằng, dịch bệnh bùng phát có phần lỗi của người dân (đa số là đồng bào Mông) không đi tiêm chủng. (Tiền phong, trang 15).

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang  9: “Tiêm vaccine bạch hầu cho trẻ dưới 7 tuổi bị sót hoặc thiếu mũi”.

 

Việt Nam là một trong bốn quốc gia ở Đông Nam Á chưa ghi nhận ca tử vong do Covid-19

Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, từ 6h đến 18h ngày 1-7, nước ta không ghi nhận thêm ca nhiễm mới và có thêm bệnh nhân 335 (nam, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh. 76 ngày liên tiếp, Việt Nam không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 355 ca nhiễm Covid-19 tại nước ta có 336 người được điều trị khỏi (chiếm 94,6%). Các bệnh nhân còn lại đang điều trị ở các cơ sở y tế cơ bản có sức khỏe ổn định, trong đó có 4 ca âm tính lần một, 4 ca âm tính lần hai với vi rút SARS-CoV-2.

Tính đến 16h30 ngày 1-7, thế giới ghi nhận thêm 179.852 trường hợp mắc và 6.018 trường hợp tử vong do Covid-19. Như vậy, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 10,6 triệu trường hợp mắc Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 514.448 trường hợp tử vong.

Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số mắc cao nhất, với hơn 2,7 triệu trường hợp; 18 quốc gia khác có số mắc hơn 100.000 trường hợp, gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Peru, Chile, Italia, Iran, Mexico, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Saudi Arabia, Pháp, Bangladesh, Nam Phi, Canada; 47 quốc gia có số mắc trong khoảng 10.000 – 100.000 trường hợp; 65 quốc gia, vùng lãnh thổ có số mắc trong khoảng 1.000 – 10.000 trường hợp; 84 quốc gia, vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc.

Số trường hợp tử vong do Covid-19 tại Mỹ cũng cao nhất thế giới với 130.123 trường hợp, 8 quốc gia khác có hơn 10.000 trường hợp tử vong, gồm: Brazil, Anh, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Mexico, Ấn Độ, Iran; 28 quốc gia có số tử vong trong khoảng từ 1.000 – 10.000 trường hợp.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận số mắc và số tử vong cao nhất (57.770 trường hợp mắc và 2.934 trường hợp tử vong), 4 quốc gia chưa ghi nhận ca tử vong do dịch Covid-19, gồm: Việt Nam, Campuchia, Timo-Leste và Lào. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Giảm gánh nặng chi phí khi ốm đau, tai nạn khi tham gia bảo hiểm y tế

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, nhờ tham gia và có thẻ BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh, thậm chí có những người bệnh có chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng/đợt điều trị.

Diện bao phủ ngày càng được mở rộng

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%, từ năm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham gia BHYT.

Trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như: nhóm người lao động đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên đạt xấp xỉ 100% và trên 17,5 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Đánh giá về những con số khả quan trên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, ngành Bảo hiểm xã hội và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động đề xuất với Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng địa phương; Tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và quyết liệt chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp để người dân tham gia BHYT thuận lợi nhất…

Bên cạnh đó, quyền lợi của người tham gia BHYT cũng ngày một nâng cao, nếu như năm 2014, mới có 2.111 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH thì đến tháng 6 năm 2020 số cơ sở khám chữa bệnh BHYT là 2.571 cơ sở khám chữa bệnh.

Số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ BHYT cũng ngày càng tăng, từ 15,5 nghìn tỷ (tương đương 970 triệu USD) của năm 2009, tăng lên đến hơn 100 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD) của năm 2019.

Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi.

Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT trong năm lên đến hàng tỷ đồng.

Quản lý quỹ BHYT an toàn, hiệu quả

BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là một trong các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị – xã hội và phát triển kinh tế – xã hội.

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn để đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính khách quan; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia BHYT.

Từ năm 2018, BHXH Việt Nam đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT đến từng địa phương, đây là biện pháp góp phần tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh hầu hết các tỉnh bị bội chi quỹ khám chữa bệnh BHYT do điều chỉnh giá dịch vụ y tế  và mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.

Việc hướng dẫn các địa phương phân bổ và điều hành dự toán hàng năm cũng được chú trọng; đồng thời,thường xuyên theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện dự toán, tổng hợp dữ liệu giao dự toán khám chữa bệnh BHYT toàn quốc đến các cơ sở khám chữa bệnh nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2018, số thu từ đối tượng tham gia BHYT là 93.318 tỷ đồng; tổng số thu BHYT do với kế hoạch được giao đạt 105,8%. Tổng số chi khám chữa bệnh BHYT là 95.081 tỷ đồng bằng 104,3% so với dự toán Chính phủ giao.

Năm 2019, số thu (ước tính) từ đối tượng tham gia BHYT là 104.807 tỷ đồng; tổng số chi khám chữa bệnh BHYT ước là 104.443 tỷ đồng, ước tính vẫn đảm bảo cân đối thu – chi trong năm, không phải sử dụng đến nguồn quỹ dự phòng. (An ninh Thủ đô, trang 6).

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 4: “Người bệnh có chỉ định ghép tạng sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân”.

 

Phòng chống dịch COVID-19: Chuyên gia quốc tế khuyến cáo việc mở cửa trở lại

Tiếp tục nhấn mạnh thông điệp dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài, do đó các chuyên gia quốc tế khuyến cáo khi xem xét quyết định mở cửa đường biên giới hay nối lại các đường bay quốc tế, các nước cần phải hết sức thận trọng

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và một số tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới. Cuộc họp diễn ra chiều ngày 30/6.

Cũng tại cuộc họp đại diện WHO và các tổ chức quốc tế đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam thời gian qua, cũng như những nỗ lực của các nhà khoa học Việt Nam trong việc nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

Nhấn mạnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, hiện chưa có thuốc đặc trị căn bệnh này, các chuyên gia quốc tế đã trao đổi một số thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống COVID-19 trong thời gian tới. Tình hình nghiên cứu sản xuất vắc xin. Căn cứ để các quốc gia xem xét quyết định việc mở cửa trở lại đường biên giới và nối lại các chuyến bay quốc tế với một số quốc gia, vùng lãnh thổ đã kiểm soát được dịch bệnh.

Dịch bệnh COVID-19 đã gây sức ép rất lớn đến sức chịu đựng của nền kinh tế nhiều quốc gia cũng như trên thế giới, gần đây một số nước đã tính toán đến việc mở cửa trở lại đường biên giới, nối lại đường bay quốc tế để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 còn kéo dài, các chuyên gia khuyến cáo các nước hết sức cân nhắc khi xem xét, quyết định vấn đề này.

Tiếp tục nhấn mạnh thông điệp dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp và kéo dài, do đó các chuyên gia quốc tế khuyến cáo khi xem xét quyết định mở cửa đường biên giới hay nối lại các đường bay quốc tế, các nước cần phải hết sức thận trọng.

Đặc biệt, phải cân nhắc phản ứng của dân chúng (người dân trong nước có sẵn sàng chấp nhận rủi ro không?); năng lực ứng phó của hệ thống y tế; khả năng chịu đựng của nền kinh tế;… Các chuyên gia lưu ý phải đầu tư tối đa cho hệ thống y tế để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó; đồng thời cần có đối thoại song phương với quốc gia xem xét mở cửa trở lại biên giới và nối lại đường bay và nên xem xét mở cửa biên giới từ từ, từng bước, thận trọng;…

Về công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, ngành y tế Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, bởi đây là yếu tố then chốt để ngăn ngừa đại dịch; đồng thời cần tiếp tục làm tốt công tác truyền thông để công chúng sẵn sàng ứng phó với làn sóng mới;…

Đại diện các tổ chức quốc tế cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức phối hợp với Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19, mong muốn Việt Nam chia sẻ và hợp tác trong nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng ngừa virus SARS-CoV-2.

Đại diện WHO cho biết, hiện trên thế giới đã hình thành Liên minh nghiên cứu vắc xin, Liên minh này rất muốn mời Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất. Việc tham gia liên minh là điều kiện quan trọng để người dân có thể tiếp cận được vắc xin trong thời gian sớm nhất có thể (khoảng cuối năm 2021).

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết, Việt Nam có 2 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng, chống COVID-19. Hiện đã tiến hành thử nghiệm vắc xin trên chuột, chất lượng đạt được khá tốt, thời gian tới sẽ thử nghiệm trên linh trưởng và sau đó thử nghiệm trên người;…

Nhấn mạnh với tinh thần tự lực, thời gian qua Việt Nam không chỉ sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2, máy thở 100% “made in Vietnam” đã xuất khẩu đi nhiều nước,… Hiện Việt Nam đang tập trung nghiên cứu, sản xuất vắc xin, GS.TS Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn tiếp tục được WHO và các tổ chức quốc tế cùng hợp tác, chia sẻ để đẩy nhanh quá trình này. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 23/10/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 25/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 01/4/2019

CDC Hà Nam

Để lại bình luận