Làm chủ công nghệ giúp Việt Nam kiểm soát thành công Covid-19
Ngày 5-11, tại Hà Nội, Bộ TT-TT phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo “Chia sẻ ứng dụng khoa học công nghệ trong việc phòng chống và điều trị Covid-19” với sự tham gia của đại diện sứ quán nhiều nước và các tổ chức quốc tế, một số bộ ngành liên quan. Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ TT-TT Triệu Minh Long cho biết, thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là quốc gia chống dịch tốt, duy trì được cuộc sống sinh hoạt bình thường. Một trong những yếu tố giúp Việt Nam thành công nằm ở việc phát triển và ứng dụng các công nghệ mới vào công tác phòng chống và điều trị Covid-19. Tại Việt Nam, bên cạnh các biện pháp chuyên môn của ngành y tế thì chiến lược ứng dụng công nghệ vào việc kiểm soát, phòng chống và điều trị Covid-19 đã được đẩy mạnh. Trong đó phải kể đến: Bluezone, ứng dụng cảnh báo và truy vết khi có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19; ứng dụng thiết bị thở Oxy lưu lượng cao HFNC trong điều trị Covid-19; phát triển thành công bộ Kit xét nghiệm tìm người mắc Covid-19; phần mềm khai báo y tế NCOVI… Tối 5-11, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày cả nước ghi nhận thêm 1 ca mắc mới Covid-19 (thứ 1.207) là một phụ nữ Việt Nam từ Oman nhập cảnh về sân bay Nội Bài nên được cách ly ngay. Đến nay, cả nước tiếp tục trải qua 64 ngày không ghi nhận lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Cả nước đã có 1.069 bệnh nhân xuất viện (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Sản phụ 24 tuổi tử vong tại Bệnh viện Việt – Pháp
Sản phụ N.Q.P (24 tuổi, ờ Hà Nội) đã đến Bệnh viện Việt – Pháp vào ngày 1-11 để sinh con. Trong quá trình sinh nở, sản phụ P. đã mất máu khá nhiều. Các bác sĩ đã xử lý cầm máu và chuyển bệnh nhân sang khu chăm sóc tích cực, rồi tiến hành phẫu thuật nhưng đã không thể giữ được mạng sống cho sản phụ.
Ngày 5-11, liên quan tới ca tử vong của sản phụ N.Q.P (24 tuổi, ở Hà Nội) khi đến sinh con theo gói dịch vụ “Thai sản và sinh đẻ trọn gói” tại Bệnh viện Việt – Pháp (Hà Nội), Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Bệnh viện Việt – Pháp xác minh và báo cáo thông tin về sự cố y khoa xảy ra nêu trên tại bệnh viện. Đồng thời gửi báo cáo nhanh quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của bệnh viện đối với sản phụ P. về Bộ Y tế trong 9-11.
Bộ Y tế cũng đề nghị bệnh viện thành lập Hội đồng chuyên môn theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đánh giá quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp sản phụ P., sau đó thông báo kết luận của Hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và báo chí.
Cùng với đó, Bệnh viện Việt – Pháp cần xử lý nghiêm tập thể và cá nhân nếu phát hiện có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định. Trong khi đó, trả lời báo chí về trường hợp tử vong của sản phụ P., ông Jozef Alfons Peeters, Tổng Giám đốc Bệnh viện Việt – Pháp cho biết, sản phụ N.Q.P đã đến Bệnh viện Việt – Pháp vào ngày 1-11 để sinh con. Trong quá trình sinh nở, sản phụ đã mất máu khá nhiều. Các bác sĩ đã xử lý cầm máu và chuyển bệnh nhân sang khu chăm sóc tích cực, rồi tiến hành phẫu thuật cho sản phụ nhưng sản phụ đã tử vong vào ngày 4-11.
Nguyên nhân chính khiến sản phụ P. tử vong là mất máu quá nhiều và suy đa phủ tạng.
“Đây là một ca bệnh khó, các bác sĩ luôn cập nhật thông tin về tình hình của bệnh nhân ở khu chăm sóc tích cực. Bệnh viện vô cùng đáng tiếc về sự việc này và sẽ có báo cáo hoàn chỉnh để trình lên Bộ Y tế” – ông Jozef Alfons Peeters chia sẻ.
Trước những thông tin trên mạng xã hội cho rằng, sản phụ P. đã bị bác sĩ bỏ quên sau khi sinh con, không được chăm sóc, ông Jozef Alfons Peeters cho rằng không có chuyện đó vì sản phụ P. sinh thường nên mọi xét nghiệm đều được thực hiện theo tiêu chuẩn.
Đối với cháu bé sơ sinh con của sản phụ P. sức khoẻ ổn định, đang được chăm sóc, giám sát y tế chặt chẽ của các bác sĩ.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook lan truyền nhanh chóng thông tin về sự cố y khoa gây mất nhiều máu dẫn đến tử vong của sản phụ N.Q.P (ở Hà Nội) khi đến sinh con theo dịch vụ “Thai sản và sinh đẻ trọn gói” tại Bệnh viện Việt – Pháp. Thông tin này đã được nhiều người chia sẻ, bày tỏ thái độ tiếc thương đối sản phụ P., cũng như hoài nghi về chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Việt – Pháp (Hà Nội) (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Việt Nam ghi nhận 1.207 ca mắc Covid-19
Theo tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính từ 18h ngày 4-11 đến 18h ngày 5-11, nước ta ghi nhận 1 ca mắc mới là ca nhập cảnh, được cách ly ngay.
Ca bệnh 1.207 (BN 1.207): Nữ, 33 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 22-10, bệnh nhân từ Oman nhập cảnh tại sân bay Nội Bài trên chuyến bay QR976, được cách ly ngay tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bệnh nhân được lấy mẫu lần 2 ngày 3-11 và kết quả xét nghiệm ngày 4-11 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân đang được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.
Như vậy, đã 64 ngày liên tiếp (tính từ ngày 3-9 đến nay), nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 1.207 ca, trong đó có 691 ca lây nhiễm trong nước.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 15.137 người, trong đó có 196 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 13.959 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và số còn lại cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị – Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tính đến thời điểm hiện tại, nước ta đã điều trị khỏi cho 1.069 ca mắc Covid-19, ghi nhận 35 ca tử vong. Ngoài ra, trong số các ca bệnh còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế, 40 ca đã có kết quả xét nghiệm từ 1 đến 3 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2 (Hà Nội mới, trang 7).
Hà Nội ra quân kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19
Chiều 5-11, đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố do Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền làm Trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại quận Tây Hồ. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế quận Tây Hồ, quận đã thành lập 2 đội đáp ứng nhanh và 20 tổ điều tra, rà soát dịch tễ. Cùng với đó, quận đã tổ chức được hơn 460 lượt kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 tại các chung cư, cơ sở kinh doanh, nhà hàng, dịch vụ ăn uống… Kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 tại nhà hàng Sen Tây Hồ, khu căn hộ dịch vụ cao cấp Oakwood, chung cư Sunshine Riverside Tây Hồ, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, nhân viên tại đây đã nắm bắt được các biện pháp phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có nhân viên phục vụ không tuân thủ việc đeo khẩu trang phòng dịch.
Ông Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu cơ sở cần tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc “5K”: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4966/QĐ-UBND ngày 4-11-2020 về thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Theo quyết định, từ ngày 5-11 đến khi kết thúc dịch, các đoàn sẽ thường xuyên tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương (Hà Nội mới, trang 1).
Bộ Công an khám xét Bệnh viện Mắt TP.HCM
Ngày 5-11, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại BV Mắt TP.HCM.
Cơ quan điều tra cũng thực hiện việc khám xét theo thủ tục tố tụng hình sự tại Bệnh viện Mắt TP.HCM để điều tra vụ án. ơ quan điều tra thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến vụ án. Việc khám xét có sự kiểm sát của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, từ sáng sớm 4-11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với Viện kiểm sát có mặt tại Bệnh viện Mắt TP.HCM.
Tại đây, lực lượng công an lần lượt làm việc với ông Nguyễn Minh Khải – giám đốc Bệnh viện Mắt – cùng một số cá nhân và một số phòng ban liên quan. Tại phòng làm việc ông Khải, cơ quan điều tra thu giữ 1 thùng lớn tài liệu và cũng thu giữ nhiều thùng tài liệu tại các phòng ban khác.
Buổi làm việc kéo dài đến khoảng 13h30, ông Khải cùng số tài liệu này được đưa lên xe rời khỏi bệnh viện.
Ông Nguyễn Minh Khải sinh năm 1972, quê Bạc Liêu, là bác sĩ chuyên khoa II. Trước khi được điều động, bổ nhiệm làm giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM vào ngày 5-9-2017 thay PGS.TS Trần Anh Tuấn hết nhiệm kỳ, ông là phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi; trưởng khoa mắt, bác sĩ điều trị tại khoa mắt bán công kỹ thuật cao Bệnh viện Nguyễn Trãi.
Ngoài lùm xùm về tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn khi ông được bổ nhiệm làm giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, dư luận còn lùm xùm về việc tổ chức đấu thầu, cho rằng ông “ưu ái” cho một số công ty trong đấu thầu các lô vật liệu thay thế, vật liệu cấy ghép nhân tạo.
Tại đại hội Đảng bộ Bệnh viện Mắt lần thứ V vừa tổ chức, ông Khải tái đắc cử bí thư Đảng bộ bệnh viện nhiệm kỳ 2020-2025 (Tuổi trẻ, trang 4).