Điểm báo ngày 06/6/2019

(CDC Hà Nam)
 Tôn vinh người hiến máu; Quỹ BHYT: Chi trả gần 13 tỉ đồng tiền khám chữa bệnh của 1 bệnh nhân; Hà Tĩnh: 100% người có HIV/AIDS đã tham gia BHYT;

Tôn vinh người hiến máu

Như đã thành thông lệ, hơn 10 năm nay, cứ vào dịp Ngày Quốc tế người hiến máu (14-6), Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện lại tổ chức nhiều hoạt động nhằm tri ân, biểu dương, tôn vinh những tấm gương hiến máu và vận động hiến máu tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước.

Từ năm 2004, ngày 14-6 hằng năm được Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Truyền máu Quốc tế và Liên đoàn Quốc tế các tổ chức người hiến máu chọn là Ngày Quốc tế người hiến máu. Ngày này cũng là dịp để cộng đồng tưởng nhớ nhà bác học Ca Len-xtây-nơ – người đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO. Thông điệp của Ngày Quốc tế người hiến máu năm nay được lựa chọn là “Máu an toàn cho mọi người” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về máu an toàn, đồng thời kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe trên toàn thế giới tham gia hiến máu thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị của người bệnh cần máu ở cả các khu vực đô thị và vùng sâu, vùng xa.

Nhiều hoạt động ý nghĩa sẽ diễn ra trong chuỗi sự kiện tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm nay, trọng tâm là lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc. Trong danh sách 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm nay, bên cạnh những người đã hiến máu đến 60, 70 lần còn có những người hiến máu nằm trong nhóm máu hiếm, những người là thành viên Câu lạc bộ hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Dẫn đầu danh sách về số lần tham gia hiến máu, anh Nguyễn Trí Hiếu đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ lý do bén duyên với phong trào hiến máu rất tình cờ và xuất phát là “người trong cuộc”. Đó là năm 1994, mẹ anh Hiếu không may mắc bệnh, cần phải truyền máu để cấp cứu, nhưng do lượng máu dự trữ tại bệnh viện không có cho nên người mẹ không thể qua khỏi. Vì vậy khi phong trào hiến máu tình nguyện được phát động, anh Hiếu đã đăng ký tham gia từ ngày đầu. Sau 22 năm, anh Nguyễn Trí Hiếu đã 70 lần hiến máu, trong đó nhiều lần hiến máu cho những người cần truyền máu khẩn cấp. Có lần, anh Hiếu đang làm việc tại cơ quan thì được các bạn trong Câu lạc bộ ngân hàng máu sống gọi đi hiến máu cấp cứu cho cháu bé ở bệnh viện tim, anh vội vàng xin phép lãnh đạo cơ quan đến ngay. Nhờ đó, cháu bé đã qua cơn nguy kịch, giữ được sự sống. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hiếu không ngần ngại đưa ra mục tiêu đạt 100 lần hiến máu và thậm chí sẽ tham gia hiến đến khi nào có thể.

Anh Lâm Văn Vinh (đến từ TP Hồ Chí Minh) cũng đã có 40 lần trực tiếp hiến máu. Là thành viên nhóm máu hiếm, anh Vinh hiểu được giá trị của mỗi lần hiến máu cho nên khi nhận được điện thoại của trung tâm truyền máu hay các thành viên trong nhóm là anh đều cố gắng có mặt bất kể ngày đêm.

Sùng A Măng, hiện là cán bộ UBND xã Ma Thị Hồ (Mường Chà, Điện Biên) rất tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện từ ngày còn là sinh viên ở Hà Nội. Khi rời thành phố về quê sinh sống và làm việc, do khoảng cách địa lý khá xa so với khu vực trung tâm cho nên việc tham gia hiến máu tình nguyện của anh Măng cũng hạn chế hơn. Bù lại anh Sùng A Măng đi tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình cũng như người dân trên địa bàn hiểu về ý nghĩa và giá trị của việc tham gia hiến máu tình nguyện. Đến nay tất cả 12 anh, chị, em trong gia đình anh Măng luôn sẵn sàng tham gia hiến máu khi đủ điều kiện. “Khi tôi lấy vợ, cô ấy luôn là người động viên, ủng hộ, sẵn sàng đi hiến máu và cùng tôi đi vận động người dân đến tham gia hiến máu”, anh Sùng A Măng chia sẻ.

Huyện Mường Chà có hơn 90% số dân là đồng bào các dân tộc thiểu số và lực lượng tham gia hiến máu chủ yếu của huyện cũng là đồng bào dân tộc thiểu số. Họ suy nghĩ rất giản dị rằng hiến máu không có hại và cứu sống được người khác cho nên tham gia hiến máu rất nhiệt tình. Mỗi đợt huyện tổ chức hiến máu đều vui như đi hội vậy.

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện cho biết: Truyền máu là biện pháp điều trị có thể cứu sống người bệnh nhưng luôn tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro cho người bệnh, trong đó có nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh như HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai. Một trong những giải pháp quyết định và bền vững đó là xây dựng và duy trì được nguồn người hiến máu tình nguyện, thường xuyên. Đây là vấn đề của toàn cầu và Tổ chức Y tế thế giới đang hướng tới mục tiêu 100% đơn vị máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện và đạt tỷ lệ 2% dân số tham gia hiến máu vào năm 2020. Tại Việt Nam, năm 2018, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 1,6 triệu đơn vị máu 250 ml, trong đó 98,3% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, tương đương 1,68% dân số tham gia hiến máu, tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 42,5%. (Nhân dân, trang 5)

 

Quỹ BHYT: Chi trả gần 13 tỉ đồng tiền khám chữa bệnh của 1 bệnh nhân

Theo thống kê của Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế (BHYT) và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam), từ năm 2017 đến hết tháng 5/2019, bệnh nhân Phan Hữu N. (35 tuổi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã được quỹ BHYT chi trả số tiền điều trị bệnh lên tới gần 13 tỷ đồng.

Cụ thể, bệnh nhân Phan Hữu N. mắc bệnh “Thiếu yếu tố VIII di truyền” điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Năm 2017, tổng số tiền điều trị của bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán là hơn 4,5 tỷ đồng; năm 2018 trên 7 tỷ đồng và 5 tháng năm 2019 gần 1,4 tỷ đồng. Tổng số tiền điều trị được quỹ BHYT thanh toán từ năm 2017 đến tháng 5/2019 là hơn 12,9 tỷ đồng.

Anh Phan Hữu N. có mã số BHYT: BT286862162xxx, thuộc nhóm đối tượng khó khăn, hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, nên chính sách BHYT càng trở nên có giá trị và là chỗ dựa to lớn, tiếp sức cùng anh chống chọi với bệnh tật.

Ngoài anh N., từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều bệnh nhân cũng được quỹ BHYT thanh toán số tiền điều trị hàng tỷ đồng. Đơn cử: Bệnh nhân Đào Văn H. (Thái Nguyên 4,8 tỷ đồng); Quách Thị Hoài A. (Bình Định 2,6 tỷ đồng); Nguyễn Trường S. (TP Hồ Chí Minh 2,4 tỷ đồng); Bùi Văn T. (Hà Nam 1,8 tỷ đồng); Lê Văn Q. (Khánh Hoà 1,4 tỷ đồng) và Phan Khắc H. (Hà Nội 1,2 tỷ đồng)… (Lao đông, trang 4)

 

Hà Tĩnh: 100% người có HIV/AIDS đã tham gia BHYT

Trong thời gian qua, các cơ quan trong tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận đọng để những người nhiễm HIV/AIDS tích cực tham gia BHYT. Đến nay, 100% người có HIV/AIDS trên toàn tỉnh đã tham gia BHYT…  (Lao đông, trang 4)

 

TPHCM: ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT

UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thành phố chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên địa bàn thực hiện nghiêm việc chuyển dữ liệu chi phí KCB trong ngày lên Cổng thông tin giám định BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu BHXH thành phố thực hiện quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ BHYT năm 2019; thực hiện nghiêm quy định về tạm ứng và thanh toán chi phí KCB theo dữ liệu các cơ sở y tế gửi lên Cổng điện tử. Đồng thời, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng chi phí KCB BHYT năm 2018 cũng như đánh giá các yếu tố tăng, giảm chi KCB trong năm 2019 của thành phố và của từng cơ sở KCB… (Lao đông, trang 4).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 31/5/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/11/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận