Điểm báo ngày 07/11/2018

(CDC Hà Nam)

Điểm báo ngày 07/11/2018

Phẫu thuật thành công khôi u hơn 4kg trong bụng bà cụ 101 tuổi; Cảnh báo việc sử dụng thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc; Tranh luận về đào tạo nhân lực ngành y tế: Quy định trình độ tương đương sẽ không minh bạch và khó kiểm soát…

 

Chuyên gia Bộ Y tế đề nghị quy định văn bằng bác sĩ phải cao hơn cử nhân

Theo TS. Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế, trình độ, văn bằng của bác sĩ chuyên khoa sâu (chuyên khoa 1, 2, bác sĩ nội trú) chỉ quy định tương đương với trình độ cử nhân, thạc sĩ như hiện nay là không phù hợp.

Liên quan đến Luật Giáo dục đại học được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này, TS. Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế – thành viên Tổ tư vấn đổi mới của Bộ Y tế đã có những góp ý về một số quy định tại dự thảo luật từ góc độ của ngành y.

Theo TS. Nguyễn Minh Lợi, việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này có ý nghĩa rất lớn – đây là cơ hội lịch sử vì nếu không chúng ta sẽ làm chậm sự phát triển và hội nhập quốc tế thêm ít nhất là 10 năm nữa. Tuy nhiên, một số vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực y tế chưa thể hiện được tính nhất quán, đồng bộ trong dự thảo Luật, nhất là nội dung về trình độ và văn bằng giáo dục đại học.

Cụ thể, TS. Nguyễn Minh Lợi phân tích, để trở thành người bác sĩ hành nghề chuyên môn, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo 6 năm ở trường đại học, người học còn phải đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu và thường xuyên đào tạo cập nhật, phát triển nghề nghiệp, điều này khác hẳn với các chương trình đào tạo cử nhân thường chỉ học 4 năm đại học.

Hơn nữa, chương trình đào tạo, năng lực của chuyên khoa và chuyên khoa sâu (ở Việt Nam hiện nay là đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và bác sĩ nội trú) cũng khác hẳn chương trình và năng lực đầu ra của thạc sĩ, tiến sĩ.

“Do vậy, đối với những đối tượng này không thể hòa cùng với trình độ và văn bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Rất tiếc là điều này chưa được thể hiện trong Dự thảo Luật giáo dục đại học, nên cần thiết phải quy định về loại hình trình độ và văn bằng này trong dự thảo Luật” – TS Lợi nêu quan điểm.

Hiện tại, Luật giáo dục hiện hành của Việt Nam chỉ quy định các văn bằng được đào tạo gồm bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, không quy định trình độ và văn bằng chuyên sâu (trong y tế có chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và nội trú). Trong dự thảo Luật giáo dục đại học cũng không nói rõ về nội dung này.

“Câu hỏi đặt ra là các chương trình đào tạo bác sĩ, chuyên khoa, chuyên khoa sâu sau đào tạo bác sĩ thì là tương đương với chương trình đào tạo của trình độ nào? Quy định ở đâu? Các chương trình đào tạo này không thể tương đương với chương trình cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ vì đây là theo định hướng đào tạo chuyên sâu nên phải quy định trình độ cụ thể như các nước đã làm” – ông Lợi nêu quan điểm.

Từ những phân tích đó, vị chuyên gia thành viên Tổ tư vấn đổi mới của Bộ Y tế góp ý nên quy định văn bằng chuyên gia đối với một số ngành đào tạo theo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu.

“Tôi đề nghị cần ghi rõ trong Điều 6 dự thảo Luật là “Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học quy định tại Luật này bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, trình độ chuyên gia”, Điều 38 là “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, bằng chuyên gia”…” – TS Lợi nói. (An ninh Thủ đô, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 2: “Cần quy định đặc thù với văn bằng người làm nghề y”

 

Ngăn chặn không để tái diễn “tụ điểm” ma túy phức tạp gần Bệnh viện 09

“Xác định rõ khu vực Bệnh viện 09 là nơi phức tạp về ANTT, hàng ngày có hàng trăm người bệnh liên quan đến ma túy điều trị, uống thuốc Methadone, nên chỉ huy CAH Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết đảm bảo ANTT khu vực này” – Thượng tá Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Trưởng CAH Thanh Trì cho biết.

Bệnh viện 09 nằm trên địa bàn xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, là nơi điều trị bệnh nhân HIV/AIDS của TP Hà Nội. Hiện có khoảng 200 bệnh nhân thường xuyên đến đây uống thuốc methadone và hàng ngày đến lấy thuốc. Ngoài ra, nơi đây còn có 563 bệnh nhân điều trị ngoại trú (khám chữa bệnh định kỳ), cùng hàng chục bệnh nhân điều trị nội trú. Do bệnh nhân điều trị tại bệnh viện không bị quản lý đi lại, nên các đối tượng buôn bán ma túy đã lợi dụng tình hình này để trà trộn, rồi hoạt động mua bán trái phép ma túy dạng nhỏ lẻ bên ngoài bệnh viện. Phát hiện dấu hiệu vi phạm trên, CAH Thanh Trì đã báo cáo Giám đốc CATP Hà Nội xin xác lập chuyên án và phối với Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy – CATP tổ chức phương án triệt xóa, bắt giữ các đối tượng liên quan.

Thượng tá Nguyễn Trung Nghĩa – Phó Trưởng CAH Thanh Trì cho biết: “Đối tượng mua bán ma túy trong khu dân cư thường hoạt động theo quy luật và địa bàn nhất định, nên việc tập trung đấu tranh triệt phá không mấy phức tạp. Riêng địa bàn Bệnh viện 09, tội phạm lợi dụng bệnh viện là nơi cung cấp dịch vụ nhân đạo, không phải trại cai nghiện hay nơi giam giữ phạm nhân. Do vậy, bệnh nhân đến, đi liên tục và đây là yếu tố tiềm ẩn để tội phạm buôn bán chất ma túy lợi dụng hoạt động, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra của cơ quan công an”.

Theo chỉ huy CAH Thanh Trì, việc triệt xóa, bắt giữ nhóm đối tượng là bệnh nhân bán lẻ ma túy tại khu vực Bệnh viện 09 là biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động của loại tội phạm này. Đối tượng mua bán ma túy bị bắt giữ là Nguyễn Tiến Hải (38 tuổi), bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện 09, nhiễm HIV giai đoạn cuối, có nhiều tiền án, tiền sự. Khi bị bắt, Hải đang bán ma túy cho người có nhu cầu. Hải khai vì cần tiền tiêu xài và thỏa mãn cơn nghiện, nên đã bán ma túy tại đây. Lần lượt các đối tượng đồng bọn của Hải gồm Lò Văn Tước (38 tuổi), quê ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên; Đặng Văn Thuyến (40 tuổi), quê ở TP Thái Bình; Lý Tuấn Anh (31 tuổi), quê ở huyện Định Hóa, Thái Nguyên; Lương Văn Dũng (33 tuổi), quê ở huyện Thường Tín, Hà Nội và Nguyễn Hồng Cường (22 tuổi), quê ở huyện Văn Chấn, Yên Bái, đều bị bắt giữ và xử lý về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

“Trước đó, vào tháng 5-2018, CAH Thanh Trì đã phát hiện, quả tang Hoa Thái S. (SN 1980, trú tại quận Đống Đa) và Lê Thị D. (SN 1976, trú tại quận Hai Bà Trưng – Hà Nội) đang mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, các đối tượng trên đang ở trong tình trạng sức khỏe không đảm bảo, nên cơ quan chức năng buộc phải để các đối tượng điều trị tại bệnh viện” – Thượng tá Nguyễn Trung Nghĩa thông tin và cho biết những đợt truy quét tội phạm ma túy xung quanh Bệnh viện 09, bước đầu đã ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép chất ma túy tại “điểm nóng” này.

Ngay sau khi triệt xóa tụ điểm ma túy tại đây, CAH Thanh Trì đã tăng cường các biện pháp giữ gìn ANTT. Hàng ngày, CAH phân công một tổ công tác ứng trực 24/24h tại đây để phối hợp với bảo vệ bệnh viện đảm bảo ANTT. Cùng với đó, Ban chỉ huy CAH Thanh Trì phối hợp với bệnh viện lắp đặt thêm nhiều đầu camera ở những góc khuất để kiểm soát mọi hoạt động ra vào khu vực này.

“Riêng những khe thoáng tường rào xung quanh bệnh viện đã được CAH Thanh Trì đề xuất bệnh viện bịt kín bằng tấm tôn. Hiện tại, tình hình ANTT xung quanh khu vực Bệnh viện 09 đã ổn định. Về lâu dài, CAH tiếp tục triển khai các kế hoạch phối hợp với bệnh viện thực hiện công tác đảm bảo ANTT. Đồng thời, đề xuất Ban Giám đốc CATP kiến nghị với UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban – ngành chức năng tách điểm uống thuốc điều trị thay thế methadone tại Bệnh viện 09 thành nhiều điểm khác, nhằm giảm tải cho địa bàn” – Phó trưởng CAH Thanh Trì cho biết.

Sáng 31-10, có mặt tại Bệnh viện 09 ghi nhận tình hình hoạt động của bệnh nhân tại đây, chúng tôi được biết Đồn Công an Cầu Bươu, CAH Thanh Trì đã phân công CBCS ứng trực, sắp xếp lại nơi để xe của bệnh nhân riêng biệt, kiểm soát lối vào khu vực bệnh nhân điều trị nội trú và bệnh nhân đến uống thuốc.

Qua tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm 2018 đến nay, CAH Thanh Trì đã bắt giữ, xử lý hình sự 87 vụ với 104 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Riêng ở khu vực Bệnh viện 09, lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 49 vụ với 50 đối tượng mua bán, tàng trữ chất ma túy. Ngoài ra, CAH Thanh Trì còn phối hợp với các ban, ngành chức năng lập hồ sơ, chuyển Tòa án Nhân dân huyện ra quyết định đưa 22 trường hợp nghiện ma túy không có nơi ở cố định đi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện thành phố.

Trao đối với ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, chúng tôi được biết UBND huyện đã chỉ đạo CAH tăng cường tuần tra, kiểm soát hành chính quanh khu vực Bệnh viện 09, không để các đối tượng nghiện ma túy lợi dụng hoạt động buôn bán ma túy. Mặt khác, UBND huyện cũng yêu cầu Bệnh viện 09 thực hiện các biện pháp đóng cổng thường xuyên, kiểm soát chặt những người ra vào bệnh viện và rào tôn kín tường bao quanh bệnh viện… Cùng với đó, UBND huyện cũng yêu cầu UBND xã Tân Triều phối hợp với các đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động những người dân  ở khu vực xung quanh bệnh viện tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm. (An ninh Thủ đô, trang 14)

 

Cảnh báo việc sử dụng thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc

Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 6-11 cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho một người bệnh (gần 70 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau ngực, hôn mê, đặc biệt là nhiễm toan rất nặng.

Trước khi nhập viện người bệnh tự mua thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Thuốc này có dạng bào chế giống như thuốc y học cổ truyền, là những viên tròn màu xanh, vàng xám không nhãn mác, có tên gọi là tiểu đường hoàn. Mẫu thuốc xét nghiệm do người nhà cung cấp cho kết quả dương tính với chất Fenformin, một hoạt chất đã bị cấm từ 40 năm trước vì có nhiều tác dụng phụ, dễ gây biến chứng cho người bệnh.

Đáng chú ý, đây là ca bệnh thứ ba phải nhập viện cấp cứu do sử dụng thuốc giả y học cổ truyền có tên gọi tiểu đường hoàn để điều trị bệnh đái tháo đường, trong đó có hai trường hợp tử vong do không được cấp cứu kịp thời.

Do vậy các bác sĩ khuyến cáo, những người bệnh đái tháo đường không sử dụng thuốc giả y học cổ truyền nêu trên vì không rõ nguồn gốc, có chứa tân dược dễ gây biến chứng nguy hiểm. (Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Hai trường hợp tử vong sau khi sự dụng thuốc đông y trị tiểu đường không rõ nguồn gốc ”

 

Đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho các huyện khó khăn

Khóa 13 với 35 bác sĩ thuộc Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”, đã được khai giảng chiều 6-11 tại Trường đại học Y – Dược Hải Phòng.

35 bác sĩ trẻ được lựa chọn để tham gia khóa học này phù hợp các tiêu chuẩn đầu vào theo quy định của Bộ Y tế. Các bác sĩ này sẽ được đào tạo Chuyên khoa cấp I thuộc 10 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm, Nội, Ngoại, Nhi, Răng hàm mặt, Sản, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền tại Trường đại học Y – Dược Hải Phòng trong 24 tháng, trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác.

Trước khi trúng tuyển chuyên khoa cấp I, họ đã được tuyển dụng thành viên chức Bệnh viện đa khoa T.Ư Thái Nguyên và 13 huyện khó khăn thuộc các tỉnh: Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu và Thanh Hóa. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ trẻ sẽ công tác tại các huyện nghèo như đăng ký, thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn ba năm đối với bác sĩ nam và hai năm đối với bác sĩ nữ. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện nghèo đó. (Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Thêm 35 bác sĩ trẻ về huyện nghèo chăm sóc sức khỏe nhân dân”

 

Một người chết vì bệnh tay, chân, miệng

Sáng 6-11, +Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đác Lắc cho biết, vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng. Bệnh nhân là Đoàn Phạm Thiên An (SN 2016), ở tổ dân phố 14, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo, tỉnh Đác Lắc.

Theo người nhà bệnh nhân, ngày 29-10 vừa qua, bệnh nhân khởi bệnh với triệu chứng mệt mỏi, sốt cao liên tục, nôn ói nhiều… Đến ngày 31-10, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Ea H’leo khám bệnh và được chỉ định nhập viện điều trị. Do bệnh chuyển biến nặng, trưa ngày 1-11, bệnh nhân được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng môi kém hồng, tím toàn thân, có bỏng nước ở tay, chân, miệng, giật mình lúc khám. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị bệnh tay chân miệng độ IV, viêm phổi nặng, TD nhiễm trùng huyết, bệnh tiên lượng nặng, sau đó đã chuyển lên tuyến trên điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong trên đường chuyển viện. (Nhân dân, trang 5)

 

Tranh luận về đào tạo nhân lực ngành y tế: Quy định trình độ tương đương sẽ không minh bạch và khó kiểm soát

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV trong ngày 6-11. Tuy vậy, một số vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực y tế trong Dự thảo luật GDĐH vẫn chưa đạt được sự thống nhất, đồng thuận trong cách hiểu giữa hai Bộ, đặc biệt là từ phía Bộ Y tế.

Một số ý kiến từ Bộ Y tế cho rằng, dự thảo Luật GDĐH hiện chưa đề cập đến đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế, trong đó có nội dung rất quan trọng của Luật là về trình độ và văn bằng giáo dục đại học. Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) khẳng định, việc quy định tên văn bằng gắn với tên vị trí việc làm (bác sỹ, dược sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư…) trong hệ thống giáo dục quốc dân không phổ biến trên thế giới.

PV:  Bộ Y tế cho rằng, Dự thảo Luật GDĐH hiện chưa đề cập đến tính đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế, trong đó có nội dung rất quan trọng là trình độ và văn bằng GDĐH. Ý kiến của Ban soạn thảo về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Khi sửa Luật GDDH, tiếp thu ý kiến của Bộ Y tế, ở một số Dự thảo trước, Ban soạn thảo đã đưa vào nhiều quy định về nhân lực (bác sĩ, dược sĩ…) như Điều 6 (quy định về trình độ đào tạo), Điều 33 (mở ngành đào tạo), Điều 37 (Tổ chức đào tạo), Điều 38 (Cấp văn bằng chứng chỉ), Điều 45 (liên kết đào tạo)… và giao cho Chính phủ quy định chi tiết các vấn đề đó. Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các Đoàn ĐBQH, Ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, các trình độ của GDĐH chỉ nên là Cử nhân, ThS, tiến sĩ như hầu hết các nước khác.

Nếu quy định trình độ tương đương thì không minh bạch; khó có cơ chế kiểm soát. Nếu quá nhiều điều giao cho Chính phủ quy định sẽ làm rối và có thể làm giảm hiệu lực của văn bản Luật…Để văn bản Luật có tính liền mạch, ổn định, tránh tình trạng mỗi điều, mỗi vấn đề lại có quy định riêng bên cạnh, đồng thời giao cho Chính phủ quy định cụ thể về quy định riêng đó (như đề xuất trong một số văn bản của Bộ Y tế); để thuận lợi trong quá trình hướng dẫn, tra cứu, triển khai và áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam, Ban soạn thảo đã tổng hợp các vấn đề cần quy định riêng trong nội dung sửa Điều 73 và giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian đào tạo, chương trình đào tạo, điều kiện tổ chức đào tạo, quản lý đào tạo, trình độ tương đương, văn bằng, chứng chỉ.

Ngoài Điều 73 quy định tổng hợp về 8 vấn đề cần quy định riêng cho chương trình định hướng nghề nghiệp chuyên sâu phù hợp với lĩnh vực sức khoẻ và một số lĩnh vực khác, Dự thảo còn 3 điều có quy định riêng cho lĩnh vực sức khoẻ là Điều 33 (mở ngành đào tạo), Điều 37 (Tổ chức đào tạo), Điều 45 (liên kết đào tạo). Như vậy, có thể nói hầu hết các đề xuất của Bộ Y tế đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉ khác về kỹ thuật thể hiện trong Dự thảo mà thôi.

PV: Bộ y tế cho rằng, trong đào tạo y khoa là đào tạo song song theo cả 2 hướng hàn lâm và chuyên nghiệp, do vậy, nếu không quy định về trình độ cụ thể cho đối tượng đào tạo nhân lực này trong Luật, mà giao Chính phủ quy định về xác định chỉ tiêu, thời gian đào tạo… như ở Điều 73, sẽ chỉ làm rối hệ thống thêm mà không giải quyết được việc nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế. Quan điểm của bà như thế nào về ý kiến này?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Theo kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới thì việc quản lý tổ chức đào tạo, quy định trình độ nghề và cấp chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu thường thuộc thẩm quyền của hiệp hội nghề nghiệp hoặc của cơ quan quản lý chuyên môn.

Việc quy định tên văn bằng gắn với tên vị trí việc làm (bác sỹ, dược sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư…) trong hệ thống giáo dục quốc dân không phổ biến trên thế giới, chỉ gặp trong mô hình đào tạo của Liên xô và một số nuớc Đông Âu trước đây.

Tuy nhiên, trong chuơng trình đào tạo lấy văn bằng của một số nước có tích hợp dạy một số học phần kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu. Những người đã học chương trình đó để lấy văn bằng có thể đuợc miễn các học phần này khi tham gia các chương trình đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu.

Ban soạn thảo đã tham khảo Luật Giáo dục Đại học của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia Indonesia , Đức, Trung Quốc… thì chưa thấy có nước nào quy định về đào tạo bác sĩ chuyên khoa, bác sỹ nội trú trong Luật GDĐH.

Đồng thời, việc quy định như trong Dự thảo là phù hợp với phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại Quốc Hội ngày 27/10/2018 là việc đào tạo nhân lực y tế “Đi theo hai hệ, một hệ hàn lâm là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư là giảng dạy, nghiên cứu, còn hệ thực hành là bác sĩ chuyên khoa, rất quý giá trong thực hành. Hai hệ đó hoàn toàn khác nhau, không thể nói tương đương, không thể nói hệ này kém hệ kia mà mỗi hệ là một nghề, mặc dù chúng ta có thể gọi là bác sĩ.”

PV: Dự thảo đang quy định tiêu chuẩn giảng viên đại học tối thiểu là thạc sĩ, tiến sĩ. Trong khi đó, các bác sĩ công tác tại các bệnh viện chủ yếu là những người có bằng chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 hay nội trú có trình độ chuyên môn tay nghề rất giỏi và đang tham gia giảng dạy, vậy thì công nhận họ thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Quy định chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên không phải là vấn đề mới trong Dự thảo lần này mà đã có từ Luật GDĐH 2012. Khái niệm chuẩn giảng viên trong Luật GDĐH của hầu hết các nước đều đề cập đến là trình độ và văn bằng của các giảng viên giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học, theo hệ thống văn bằng giáo dục quốc gia.

Đa số các nước trong khu vực và trên thế giới còn quy định chuẩn giảng viên trong cơ sở GDĐH phải là tiến sĩ. Theo Luật hiện hành và tiếp nối theo Dự thảo, đối với người giảng dạy thực hành tại các cơ sở thực hành của khối ngành sức khoẻ có bằng chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 hay nội trú vẫn là giảng viên, nếu đáp ứng các quy định của Nghị định số 111/2017 của CP. Nếu đồng thời có bằng ThS trở lên thì giảng viên đó được tính hệ số 1,0. Nếu chưa có bằng ThS trở lên thì giảng viên đó được tính hệ số giảng viên thấp hơn.

PV: Xin cảm ơn bà! (Công an Nhân dân, trang 6)

 

Đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với Trường đại học Y dược Ca Mau

Ngày 6-11, UBND tỉnh Cà Mau cho biết đã phê duyệt danh mục dự án mời gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với Trường Đại học Y dược Cà Mau.

Theo đó, địa điểm xây dựng trường tại phường Tân Xuyên (TP Cà Mau) với diện tích 13ha, hiện trạng là đất sạch. Tổng vốn đầu tư tối thiểu 250 tỷ đồng. Quy mô dự kiến trong 10 năm, đào tạo khoảng 4.000 sinh viên. Mục tiêu đầu tư dự án là phát triển và vận hành theo mô hình quản trị đại học tiên tiến trên thế giới và hoạt động theo mô hình viện trường. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ y khoa nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học sức khỏe; đào tạo kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép thành lập Trường Đại học Y dược Cà Mau theo hình thức tư thục.Sau khi đồng ý chủ trương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau và các bộ, cơ quan có liên quan tổ chức thẩm định đề án thành lập Trường Đại học Y dược Cà Mau theo quy định của pháp luật. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

 

Cảnh báo thuốc ‘tiểu đường hoàn’ không nhãn mác chứa chất cấm

Ngày 6.11, bác sĩ (BS) Phạm Thế Thạch (Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, khoa vừa tiếp nhận bệnh nhân (BN) nam 70 tuổi (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau ngực, hôn mê, nhiễm toan rất nặng.

BN phải thở máy và lọc máu điều trị. Người nhà BN cho biết trước khi nhập viện, BN tự mua thuốc điều trị đái tháo đường, có dạng bào chế giống như thuốc y học cổ truyền là những viên tròn màu xanh, vàng xám không nhãn mác, có tên gọi là tiểu đường hoàn. Mẫu thuốc xét nghiệm do người nhà cung cấp cho kết quả dương tính với chất Phenformin.

Theo BS Thạch, trước đó tại khoa cũng tiếp nhận hai BN: 57 tuổi (sống tại Lạng Sơn, nhập viện đầu năm nay) và 66 tuổi (ở Hà Nội, nhập viện tháng 10 vừa qua), được chuyển đến cũng với các triệu chứng: đau ngực, đau bụng, sốc, suy đa tạng… và cả hai BN này đều đã sử dụng tiểu đường hoàn để điều trị đái tháo đường.

Hai BN này không qua khỏi do đến viện trong tình trạng quá nặng. “Cả 3 BN đều có chung các triệu chứng bệnh và bị nhiễm toan nhiễm độc a xít nặng, cùng dùng tiểu đường hoàn là những viên tròn không có nhãn mác, hạn sử dụng”, BS Thạch cho biết.

TS-BS Nguyễn Quang Bảy, Phụ trách Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, lưu ý Phenformin từng là hoạt chất của thuốc điều trị đái tháo đường nhưng đã bị cấm sử dụng từ 40 năm qua tại các quốc gia do biến chứng gây nhiễm toan a xít cho người bệnh.

“Các BN đái tháo đường không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc vì đã có các thuốc mạo danh thuốc y học cổ truyền có chứa tân dược gây biến chứng nguy hiểm cho người dùng. Mới đây Sở Y tế Hà Nội cũng đã có thông báo thu hồi thuốc trị tiểu đường có chứa hoạt chất Phenformin”, BS Bảy khuyến cáo. (Thanh niên, trang 5)

 

Đưa chất lượng phòng xét nghiệm vào tiêu chí đánh giá bệnh viện

Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được ban hành ngày 17-10-2018 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12-2018. Nghị định 146 vừa có thêm quy định bổ sung quỹ BHYT sẽ thanh toán trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) gửi mẫu bệnh phẩm, chuyển bệnh nhân đến cơ sở khác để thực hiện dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Trước thông tin liệu quy định này có dẫn tới việc lợi dụng để trục lợi quỹ BHYT, ông Vũ Trọng Khoa cho hay, Bộ Y tế đã ban hành tiêu chuẩn đánh giá xét nghiệm và danh mục xét nghiệm được liên thông để công nhận kết quả với ba lĩnh vực: huyết học, hóa sinh và vi sinh.

Việc chuyển mẫu bệnh phẩm đến cơ sở khác sẽ giúp người bệnh thuận lợi, được bảo đảm quyền lợi trong hưởng BHYT vì người bệnh được sử dụng xét nghiệm theo yêu cầu của chuyên môn.

Năm 2018, Bộ đang đánh giá chất lượng xét nghiệm của các bệnh viện hạng 1. Sau đó, Bộ sẽ công bố kết quả này để các bệnh viện có chất lượng xét nghiệm tương đương nhau có thể liên thông, bệnh viện ở mức thấp hơn phải sử dụng kết quả xét nghiệm ở bệnh viện ở mức cao hơn, giảm thiểu chi phí xét nghiệm trong thời gian tới. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Phẫu thuật thành công khôi u hơn 4kg trong bụng bà cụ 101 tuổi

Ngày 6–11, BS Trần Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Phụ sản (Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh) cho biết sau thời gian phẫu thuật và điều trị đến nay sức khỏe của bệnh nhân Phạm Thị Ch. (101 tuổi) trú tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, đang dần ổn định chờ ngày ra viện…

Trước đó bà Ch. gia đình đưa đi khám và phát hiện khối u lâu năm nhưng do khối u còn khá nhỏ, lại tuổi cao nên quyết định không phẫu thuật. Khoảng 1 tuần trở lại đây, phần bụng dưới chướng to bất thường, đau tức dữ dội nên phải nhập viện cấp cứu. Sau khi thăm khám và kết hợp làm các xét nghiệm cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có khối u buồng trứng kích thước lớn, chảy máu trong u.

Nhận định đây là bệnh nhân tuổi cao, nguy cơ xảy ra rủi ro trong và sau phẫu thuật cao nên các bác sĩ khoa Phụ sản đã trao đổi cặn kẽ với gia đình, đồng thời tiến hành hội chẩn liên khoa, tầm soát tất cả bệnh lý đi kèm và tiên lượng trước những nguy cơ xảy ra để có phương án phẫu thuật cắt bỏ khối u đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh. Quá trình khám phát hiện cụ Ch. có nền bệnh tăng huyết áp nên cần đặc biệt chú ý đến việc kiểm soát huyết áp trước và trong khi mổ.

Sau hơn 1 giờ nỗ lực của các phẫu thuật viên, ca mổ diễn ra thành công thuận lợi. Khối u buồng trứng khổng lồ nặng hơn 4kg trong bụng bệnh nhân đã được bóc tách, cắt bỏ và đưa ra ngoài. Sau phẫu thuật, sức khỏe cụ Ch. tiến triển tích cực. Bệnh nhân đã ăn uống bình thường, vận động và đi lại nhẹ nhàng chỉ sau 2 ngày. (Công an Nhân dân, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Khoa học & Đời sống, trang 2: “Cắt u buồng trứng hơn 4kg cho cụ bà 101 tuổi”

 

Bài viết liên quan

Vệ sinh răng miệng kém có thể gây ra ung thư phổi, ung thư đại tràng

admin

Điểm báo ngày 11/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 03/6/2021

CDC Hà Nam

Để lại bình luận