Điểm báo ngày 07/4/2021

(CDC Hà Nam)
3 tháng liên thông khám chữa bệnh BHYT: Tỷ lệ bệnh nhân đa tuyến, trái tuyến đều tăng; Khẩn trương rà soát người được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19; Gia tăng trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nặng ở Đắk Lắk, 1 trường hợp tử vong; Tháng 10, sẽ có vắc-xin COVID-19 ‘made in Vietnam’?…

3 tháng liên thông khám chữa bệnh BHYT: Tỷ lệ bệnh nhân đa tuyến, trái tuyến đều tăng

Ngày 6-4, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, sau 3 tháng liên thông khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến tỉnh đã tác động không nhỏ đến tình hình KCB nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương trên địa bàn TP.

Cụ thể, dữ liệu KCB tại các bệnh viện TP và bệnh viện thuộc Bộ Y tế trên địa bàn cho thấy, tỷ lệ đa tuyến (người bệnh có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế khác chuyển đến hoặc tự đến và người bệnh đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế đó nhưng thẻ BHYT do BHXH tỉnh khác phát hành) đến ngoại tỉnh trái tuyến tăng 26% và tỷ lệ đa tuyến đến nội tỉnh trái tuyến tăng 20%.Số lượt khám ngoại trú tăng 0,05%, số lượt điều trị nội trú giảm 1,71% (tính cả các bệnh viện bộ, ngành). Số lượt khám, chữa bệnh BHYT có hiện tượng tăng cả tỷ lệ bệnh nhân đa tuyến đến nội tỉnh trái tuyến và đa tuyến đến ngoại tỉnh trái tuyến (tỷ lệ đa tuyến đến ngoại tỉnh trái tuyến tăng 20%, tỷ lệ đa tuyến đến nội tỉnh trái tuyến tăng 26%). Dữ liệu KCB của các bệnh viện TP trong quý 1-2021 cho thấy, xu thế người bệnh tham gia BHYT cư ngụ tại TP và các tỉnh khu vực phía Nam đến thẳng các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố để điều trị nội trú là tất yếu do được BHYT thanh toán 100% theo quy định mới. Do đó, bên cạnh việc các bệnh viện phải xây dựng tiêu chí nhập viện rõ ràng, việc chi tiêu hợp lý trong sử dụng thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thời gian nằm viện… càng có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo cân đối thu – chi trong hoạt động của bệnh viện. “Trong thời gian tới, Sở Y tế và BHXH TP sẽ tiếp tục đánh giá tình hình KCB BHYT tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố theo hàng quý, nhất là sự biến động số lượt đa tuyến đến nội tỉnh và ngoại tỉnh trái tuyến để kịp thời điều phối hợp lý dự toán chi KCB BHYT trên địa bàn thành phố”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Khẩn trương rà soát người được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19

Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước khẩn trương lập danh sách 10 nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm miễn phí vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca. Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước về việc rà soát, thống kê đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ và Thông báo số 47/TB-VPCP ngày 17/3/2021 của Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, số lượng từng nhóm phải gửi về Cục Y tế Dự phòng, các viện Pasteur khu vực trước ngày 15/4 để tổng hợp. Đây là cơ sở để Bộ Y tế xây dựng kế hoạch phân phối, triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong thời gian tới.

Trước đó, Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin phòng Covid-19 đến 13 tỉnh, thành phố và 21 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 và thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng này miễn phí đợt 1 từ ngày 8/3/2021 cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 được hơn 52.000 người tại 19 tỉnh, thành phố.

Mới đây, ngày 1/4 Việt Nam đã tiếp nhận nhận lô đầu tiên gồm 811.200 do COVAX Facillity thông qua UNICEF viện trợ cho Việt Nam. Dự kiến đến cuối tháng 5/2021 COVAX Facillity viện cho Việt Nam thêm gần 3,4 triệu liều vắc xin phòng Covid-19… (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Nhân dân, trang 8; Tiền phong, trang 2; An ninh Thủ đô, trang 4; Công an nhân dân, trang 1).

 

Gia tăng trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nặng ở Đắk Lắk, 1 trường hợp tử vong

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, tỉnh này đã có 250 trường hợp trẻ mắc tay chân miệng. Trong đó, xuất hiện nhiều trường hợp trẻ mắc tay chân miệng độ nặng, và đáng lo ngại là đã có một trường hợp trẻ tử vong do mắc bệnh tay chân miệng.

Theo đó, các ca bệnh tập trung nhiều ở TP Buôn Ma Thuột, Thị xã Buôn Hồ, huyện Buôn Đôn và huyện Cư M’gar. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận và điều trị cho 130 bệnh nhi mắc tay chân miệng. Những ngày qua, tại đây liên tục ghi nhận thêm các trường hợp trẻ mắc tay chân miệng. Hầu hết các trường hợp khi nhập viện đều có diễn biến nặng.

Khi mắc bệnh tay chân miệng, trẻ sẽ có các triệu chứng như loét, đau họng, phát ban, nổi bọng nước trên tay, bàn chân hoặc mông. Với các trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến não và để lại một số biến chứng cho trẻ như viêm màng não do vi rút, viêm não.

Hiện bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp và gia tăng ca bệnh tại Đắk Lắk. Trong đó có 1 cháu bé ở phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột đã tử vong. Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa. Do đó, để phòng tránh bệnh, người dân cần lưu ý ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng đúng cách.

Khi trẻ có dấu hiệu mắc tay chân miệng, thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng nguy hiểm./. (Tiền phong, trang 2).

 

Tháng 10, sẽ có vắc-xin COVID-19 ‘made in Vietnam’?

Đến thời điểm hiện tại, một số vắc-xin COVID-19 do Việt Nam nghiên cứu phát triển đã thử nghiệm trên người giai đoạn 2 và được kỳ vọng “về đích” vào đầu tháng 10/2021 để có thể tiêm cho người dân.

Cuộc đua “tứ mã” nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 hiện đang diễn ra tại 4 đơn vị trong nước, gồm: Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen (NANOGEN).

Sau khi tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19 Nano Covax của Nanogen ngày 26/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói sức khỏe của ông “vẫn bình thường”.

Theo ông Hồ Nhân, giám đốc Nanogen, hiện Nano Covax đang trong giai đoạn 2 thử nghiệm trên người với 560 tình nguyện viên và sẽ tiếp tục được thử nghiệm nhằm đánh giá tính an toàn, chú trọng hơn đến hiệu quả, sinh kháng thể.

Với tiến độ này, các chuyên gia kỳ vọng đến tháng 7/2021, vắc-xin Nano Covax được thông qua giai đoạn 3, có thể cấp phép tiêm thử nghiệm trên diện rộng hơn với khoảng 10.000 người.

Trong khi đó, một vắc-xin nội khác là Covivac của IVAC thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển đang được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Theo TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, dự án vắc-xin Covivac được tiến hành từ tháng 5/2020. “Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm”- ông Thái nói và cho biết, vắc-xin Covivac cũng đã thử tiền lâm sàng về độc tính, đáp ứng miễn dịch, hiệu quả bảo vệ trên động vật thí nghiệm ở trong và ngoài nước.

Đại diện VABIOTECH nói họ đã sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 1 vào giữa tháng 4/2021. Còn POLYVAC cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng. “Vắc-xin của VABIOTECH dựa trên công nghệ tái tổ hợp trên virus véc tơ theo hướng nghiên cứu khác với vắc-xin Nano Covax và Covivac nên có bước chậm hơn nhưng đến nay, các kết quả trong phòng thí nghiệm đều rất lạc quan”, đại diện VABIOTECH nói. “Ưu điểm của vắc-xin này là khi phát triển thành công thì có thể điều chỉnh rất nhanh nếu có biến thể mới của virus SARS-CoV-2”.

Rút ngắn thời gian liệu có an toàn?

Mặc dù yêu cầu các công ty sản xuất vắc-xin trong nước đẩy nhanh tiến độ nhưng theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, rút ngắn nhưng không bỏ qua bất cứ giai đoạn nào, đảm bảo các điều kiện khoa học.

Theo đó, để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19, các dự án nghiên cứu, phát triển vắc-xin COVID-19 trong nước được rút ngắn thời gian thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 từ 6 tháng xuống 3 tháng và tiếp tục rút ngắn thời gian vào giai đoạn 3 tới. Tìm hiểu của Tiền Phong, để rút ngắn thời gian, vắc-xin Nano Covax không triển khai tiền lâm sàng ở động vật tại nước ngoài như một số đơn vị mà triển khai luôn cận lâm sàng trên người.

Theo TS Nguyễn Ngô Quang – Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), các loại vắc-xin nói trên đều được triển khai trong tình trạng khẩn cấp nên Bộ Y tế tạo mọi điều kiện thúc đẩy tiến độ song song với tiêu chí đảm bảo an toàn. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của các vắc-xin nội đều rất tốt.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế, trong số này, Covivax hiện có lợi thế là thực hiện nghiên cứu đa trung tâm quốc tế, được đánh giá tiền lâm sàng ở 3 quốc gia là Việt Nam, Mỹ và Ấn Độ, kết quả đến thời điểm này có tính đồng nhất. Khi đánh giá tiền lâm sàng thử nghiệm, hiệu lực bảo vệ của vắc-xin Covivac khá tốt.

Bộ Y tế khuyến cáo, do chưa có trung tâm đủ điều kiện thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 trong nước nên để vắc-xin đảm bảo an toàn, cần phải trao đổi và thử nghiệm đa trung tâm quốc tế.

Theo bác sĩ Katherine O’Brien, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, dự kiến sẽ có hướng dẫn chính thức về thử nghiệm vắc-xin trên nguyên tắc so sánh với các vắc-xin đã được cấp phép để sử dụng chính thức. Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn cho quá trình thử nghiệm vắc-xin giai đoạn 3 của Việt Nam.

Như vậy, Covivax đã thực hiện nghiên cứu tiền lâm sàng ở các trung tâm quốc tế là Mỹ và Ấn Độ, những nơi đủ điều kiện thực hiện tiền lâm sàng trước khi được thử nghiệm trên người. Còn Nano Covax rút ngắn thời gian, bỏ bớt giai đoạn, chỉ thực hiện thử nghiệm vắc – xin trực tiếp trên người ở Việt Nam. Trong khi theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện nay, Việt Nam chưa có trung tâm nào đủ điều kiện thực hiện tiền lâm sàng vắc -xin COVID-19. Liệu Nano Covax đã đủ điều kiện thử nghiệm lâm sàng trên người hay chưa? (Tiền phong, trang 4).

 

Bộ Y tế yêu cầu giám đốc bệnh viện kiểm điểm

Sáng 5.4, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản yêu cầu ông Vương Văn Tịnh – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW I kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong vụ án bệnh nhân tâm thần tổ chức “bay lắc”, buôn bán ma túy xảy ra tại bệnh viện này. Tại văn bản số 2422/BYT-TCCB ban hành ngày 5.4, gửi ông Vương Văn Tịnh- Giám đốc BV Tâm thần TW I, Bộ Y tế cho biết: Ngày 1.4.2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án liên quan đến Nguyễn Xuân Quý, là bệnh nhân điều trị bắt buộc tại Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần TW I.

Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý đã có hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma túy tại Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần TW I và tự ý mang các vật liệu, dụng cụ để ngăn cải tạo buồng bệnh thành nơi sinh hoạt riêng với mục đích sử dụng và tàng trữ trái phép chất ma túy.

Hành vi vi phạm pháp luật trên xảy ra có sự tham gia và làm ngơ của một số cán bộ, viên chức, người lao động trong Bệnh viện.

Ngày 1.4.2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Quyết định số 1770/QĐ – BYT về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc BV Tâm thần TW I để làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành Bệnh viện khi để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.

Căn cứ theo Nghị định 112/2020/NĐ – CP ngày 18.9.2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Y tế đề nghị ông Vương Văn Tịnh trên cương vị là người đứng đầu đơn vị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nêu trên tại Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần TW I. Bộ Y tế đề nghị ông Vương Văn Tịnh gửi bản kiểm điểm về Bộ Y tế trước ngày 7.4.2021 để báo cáo Ban Cán sự Đảng xem xét, quyết định.

Trước đó, liên quan đến vụ việc này, ngay trong sáng 1.4, Bộ Y tế quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hợp tác với cơ quan điều tra đối với ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TW I.

Ngoài ra, Bộ Y tế chỉ đạo BV Tâm thần TW I tạm đình chỉ công tác chuyên môn để hợp tác với cơ quan điều tra đối với các cá nhân liên quan, bao gồm: Bác sĩ Đỗ Thị Lưu, trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền; điều dưỡng Tạ Thị Thêm, điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền, nơi trực tiếp điều trị cho Nguyễn Xuân Quý – người cầm đầu đường dây mua bán ma túy. (Pháp luật TP. HCM, trang 1).

 

Để toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện

Sau 21 năm triển khai Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4/2000 – 7/4/2021), phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành nét đẹp văn hóa, lan tỏa ý nghĩa nhân văn, được đông đảo người dân Thủ đô hưởng ứng. Để toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm gây dựng phong trào từ cơ sở, bắt đầu từ gia đình, dòng họ.

Hơn 2,8% dân số Thủ đô tham gia hiến máu

Trao đi giọt máu đào tại Ngày hội hiến máu tình nguyện quận Ba Đình, diễn ra sáng 4-4, chị Nông Thị Bích Hường, giáo viên Trường Mầm non Thành Công (quận Ba Đình) cho biết: “Đây là lần thứ 5 tôi hiến máu, cách lần thứ 4 chỉ hơn 3 tháng. Tôi sẽ thực hiện việc làm ý nghĩa này đến khi nào sức khỏe cho phép, với mong muốn góp phần cứu sống người bệnh”.

Cũng xuất phát từ tấm lòng nhân ái, sẻ chia, dịp này, chị Nguyễn Thị Nhung, xã Thọ An (huyện Đan Phượng) đi hiến máu lần đầu vào ngày 4-4. Sau khi hiến máu, chị Nhung chia sẻ: “Khi biết giọt máu của mình được tiếp vào cơ thể bệnh nhân, giúp họ tìm lại sự sống, phục hồi sức khỏe, cảm giác lo lắng đã chuyển thành niềm vui. Từ nay, tôi sẽ vận động người thân, bạn bè cùng tham gia hiến máu”.

Không chỉ những trường hợp nêu trên, phong trào hiến máu tình nguyện đã thu hút đông đảo người dân ở Thủ đô tham gia trong suốt thời gian qua. Theo đại diện Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng toàn thành phố vẫn tiếp nhận hơn 250.000 đơn vị máu, bằng gần 18% tổng lượng máu tiếp nhận trong năm 2020 của cả nước. Số người tham gia hiến máu đạt 2,8% dân số Thủ đô (tỷ lệ này của cả nước là gần 1,5%). Quý I-2021, số người tham gia hiến máu cũng như số lượng máu thu về tiếp tục tăng, với hơn 150.000 đơn vị máu, đạt 60% kế hoạch của cả năm.

Nguồn máu tiếp nhận từ phong trào hiến máu tình nguyện ở Hà Nội đã, đang phục vụ cho quá trình cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại nhiều cơ sở y tế, nhất là với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Anh Lò Văn Điu, đến từ huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La) đang chăm sóc con tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương xúc động cho biết: “Con trai tôi là Lò Duy Khương bị bệnh tan máu bẩm sinh, phải truyền máu từ năm 2011 đến nay. Nhờ có nguồn máu nhân đạo truyền vào cơ thể, sức khỏe của con tôi dần chuyển biến tích cực”.

Xây dựng phong trào từ cơ sở

Trên thực tế, số người tham gia hiến máu ở Hà Nội ngày càng tăng, song vẫn còn ít so với quy mô dân số. Người hiến máu chủ yếu là thanh niên, sinh viên, người lao động, cán bộ, công chức, viên chức của các trường học, cơ quan, đơn vị, mà chưa được đông đảo người dân trong cộng đồng tham gia. Điều đó lý giải vì sao, vào dịp nghỉ lễ, Tết, nghỉ hè, nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn máu phục vụ công tác cấp cứu và điều trị.

Nhằm khắc phục tình trạng này, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện từ thành phố tới cơ sở do các cấp Hội Chữ thập đỏ Hà Nội là cơ quan thường trực đã quan tâm gây dựng, triển khai phong trào từ cơ sở, bắt đầu từ gia đình, cộng đồng.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy Bùi Thị Lan Phương cho hay, phong trào hiến máu tình nguyện được quận triển khai thông qua nhiều sự kiện, chiến dịch. Công tác tuyên truyền được triển khai liên tục, tới từng cơ quan, đơn vị, vào từng ngõ, đến từng nhà, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa của phong trào. Nhờ đó, nhiều người dân trên địa bàn quận Cầu Giấy trở thành những tình nguyện viên tích cực. Chẳng hạn, chị Nguyễn Thị Hiếu, tổ dân phố 11, phường Trung Hòa vừa thuyết phục chồng là anh Trần Văn Vững cùng đi hiến máu tình nguyện hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện.

Với cách làm tương tự, trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Long Biên, huyện Gia Lâm và nhiều địa phương khác ở Thủ đô đã hình thành mô hình gia đình hiến máu, dòng họ hiến máu.

Chủ tịch họ Dương liên quận, huyện Long Biên – Gia Lâm Dương Dũng thông tin: “Việc tham gia hiến máu tình nguyện vừa góp phần thể hiện trách nhiệm với xã hội, vừa giáo dục lối sống nghĩa tình, thương người như thể thương thân cho các thành viên trong gia đình, dòng họ. Do đó, chúng tôi phát động con, em họ Dương tích cực tham gia hiến máu cứu người. Ngày 11-4 tới, gần 200 người họ Dương ở Long Biên, Gia Lâm sẽ đi hiến máu. Chúng tôi sẽ duy trì thường xuyên hoạt động này”.

Để phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng lan tỏa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, các cấp Hội Chữ thập đỏ Thủ đô sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền tải thông điệp “Hiến máu cứu người – Đừng ngại Covid-19” đến các tầng lớp nhân dân. Hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, tháng 4-2021, mạng lưới chữ thập đỏ phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều đợt vận động hiến máu tình nguyện trên cơ sở bảo đảm an toàn về phòng, chống dịch Covid-19. Phấn đấu trong năm 2021, toàn thành phố thu về khoảng 400.000 đơn vị máu, số người dân tham gia hiến máu đạt ít nhất 3% dân số Thủ đô. (Hà Nội mới, trang 5).

Bài viết liên quan

Bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế để mua vaccine tiêm chủng mở rộng

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 03/8/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 02/10/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận