Thêm 14 người mắc Covid-19 sau khi nhập cảnh
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, ngày 6-7, có thêm 14 người bệnh (người bệnh thứ 356, 357, 358, 359, 360, 361, 362, 363, 364, 365, 366, 367, 368, 369) mắc Covid-19 từ nước ngoài trở về, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không lây ra cộng đồng.
Ngày 3-7, những người này từ Băng-la-đét về sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh và được cách ly tập trung. Hiện, 14 người bệnh được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 6-7, Việt Nam có tổng cộng 229 ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh được cách ly ngay, đã qua 81 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cho biết, ngày 6-7, có thêm hai người bệnh (thứ 329, 91) được công bố khỏi bệnh. Đáng chú ý, người bệnh thứ 91 (nam, phi công người Anh) điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy có thể ra viện và không cần cách ly. Tuy nhiên, người bệnh tiếp tục ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị phục hồi chức năng vận động để có thể về nước ngày 12-7. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Tiền phong, trang 6: “Thêm 14 ca mắc Covid-19, nam phi công Anh khỏi bệnh”; Thanh niên, trang 3: “14 bệnh nhân Covid-19 mới đều từ nước ngoài về”; Tuổi trẻ, trang 3: “TP.HCM cách ly trường hợp nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc”; Hà Nội mới, trang 7: “Việt Nam đã ghi nhận 369 ca mắc Covid-19”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Thêm 14 ca từ Bangladesh trở về mắc Covid-19, Việt Nam có 369 ca”
Số ca nhiễm Covid-19 tăng tại châu Á
Theo TTXVN và tin nước ngoài, số ca mắc Covid-19 tăng mạnh ở nhiều nơi tại châu Á, trong đó Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và đứng đầu châu lục về tổng số ca nhiễm. Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ xác nhận số ca bệnh trong ngày cao nhất từ trước tới nay, với 23.932 ca dương tính trong 24 giờ, đưa tổng số bệnh nhân tại Ấn Độ lên gần 700.000 trường hợp.
Theo TTXVN và tin nước ngoài, số ca mắc Covid-19 tăng mạnh ở nhiều nơi tại châu Á, trong đó Ấn Độ hiện đứng thứ ba thế giới và đứng đầu châu lục về tổng số ca nhiễm. Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ xác nhận số ca bệnh trong ngày cao nhất từ trước tới nay, với 23.932 ca dương tính trong 24 giờ, đưa tổng số bệnh nhân tại Ấn Độ lên gần 700.000 trường hợp.
* Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu cho biết, I-xra-en đang trong “tình trạng khẩn cấp” do số ca Covid-19 tăng nhanh trở lại, khi có thêm 755 ca nhiễm trong một ngày, nâng tổng số ca bệnh lên gần 30.000 người. Giới chức y tế I-ran cũng cho biết, 163 người chết vì Covid-19 trong 24 giờ tại nước này, con số cao nhất trong ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.
* Ca-dắc-xtan triển khai đợt hai các biện pháp hạn chế trên toàn quốc, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng sau khi nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế. Theo đó, các trung tâm thương mại, phòng tập thể hình, bể bơi, cơ sở làm đẹp… buộc đóng cửa trong hai tuần. Hoạt động đi lại giữa các thành phố và các chuyến bay đưa công dân ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài trở về được duy trì.
* Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc ở mức dưới 50 người, giảm so với ba ngày liên tiếp trước đó. Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, khu vực Xơ-un và vùng phụ cận đã xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, cảnh báo Hàn Quốc cần chuẩn bị cho cuộc chiến chống dịch kéo dài.
* Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo, bốn ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục, trong đó có một ca lây nhiễm trong nước, ở thủ đô Bắc Kinh.
* Chính quyền thủ đô Tô-ki-ô của Nhật Bản ngày 6-7 xác nhận có thêm 102 ca nhiễm. Đây là ngày thứ năm liên tiếp Tô-ki-ô ghi nhận số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 100 người, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại thành phố này tăng lên 6.867 người.
* Bộ Y tế In-đô-nê-xi-a cùng ngày thông báo có thêm 1.209 ca nhiễm và 70 trường hợp chết, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại quốc gia Đông-Nam Á này lên 64.958 ca và 3.241 người chết. Phi-li-pin có 2.079 ca nhiễm mới và thêm sáu người chết vì Covid-19.
* Cảnh sát Hoàng gia Thái-lan xúc tiến thành lập lực lượng đặc nhiệm mang tên “Đơn vị Điều tra Covid-19”. Trong bối cảnh quốc gia Đông-Nam Á chuẩn bị mở cửa không phận trở lại, đơn vị này có nhiệm vụ truy dấu khách du lịch hoặc công dân Thái-lan về nước mà nhiễm bệnh.
* A-rập Xê-út ban hành hướng dẫn y tế nhằm ngăn chặn dịch trong mùa lễ hành hương về Thánh địa Méc-ca. Theo đó, những người hành hương phải giữ khoảng cách 1,5 mét với nhau và bắt buộc đeo khẩu trang khi hành lễ.
* Ngày 6-7, Thủ hiến bang Vích-to-ri-a của Ô-xtrây-li-a thông báo, hoạt động đi lại giữa bang này và bang Niu Xao Uên tạm ngừng từ ngày 7-7, do đợt bùng phát dịch mới ở bang Vích-to-ri-a. Lần gần đây nhất, hai bang “đóng biên giới” năm 1919 do dịch cúm.
* Dịch bệnh tại châu Âu tiếp tục xu thế “hạ nhiệt”, tạo điều kiện cho các nước nới lỏng hạn chế và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế. Là một trong những nước có tỷ lệ dịch lây lan thấp nhất châu Âu, Ai-len thông báo nới lỏng quy định, theo đó, những người đến từ các nước trong danh sách có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp được miễn thực hiện tự cách ly trong 14 ngày.
* Trong khi đó, nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai lại đe dọa Tây Ban Nha. Chính quyền vùng Ga-li-xi-a ra lệnh phong tỏa thành phố La Ma-ri-na với 70.000 dân, sau khi có hơn 100 ca mắc mới.
* Đến chiều 6-7, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ là hơn 2,9 triệu người. Đáng chú ý, trong những ngày đầu tháng 7, 15 bang của Mỹ ghi nhận số ca mắc mới trong ngày ở mức cao nhất kể từ khi bùng dịch, trong đó Phlo-ri-đa có tới ba ngày liên tiếp vượt ngưỡng 10.000 ca nhiễm trong ngày.
* Mỹ la-tinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh tại Bra-xin và Mê-hi-cô. Bra-xin là nước có số ca mắc và chết vì Covid-19 cao thứ hai thế giới; Mê-hi-cô vượt Pháp, trở thành quốc gia có số người chết vì Covid-19 cao thứ năm thế giới.
* Tại Ca-na-đa, giới khoa học dự báo làn sóng lây nhiễm thứ hai diễn ra vào cuối năm nay ở nước này. Theo kết quả một khảo sát, khoảng hai phần ba số người được hỏi ủng hộ Ca-na-đa đóng cửa trở lại doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực không thiết yếu, nếu số ca mắc mới tăng.
* Bộ Quốc phòng Nam Phi triển khai thêm lực lượng quân y tới các địa phương có dịch. 10.800 ca dương tính Covid-19 được phát hiện trong 24 giờ tại Nam Phi và là tỷ lệ ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này hôm 5-3.
* Trong khi đó, Ai Cập ghi nhận số bệnh nhân Covid-19 bình phục theo ngày cao nhất từ trước đến nay, với 623 trường hợp, nâng tổng số bệnh nhân được chữa khỏi lên 20.726 người. Ngày 5-7, nước này ghi nhận thêm 1.218 ca bệnh mới, mức tăng theo ngày thấp nhất kể từ hôm 19-6.
* Gần 240 nhà khoa học từ 32 quốc gia kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận việc vi-rút SARS-CoV-2 gây Covid-19 lây truyền qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ trong không khí là yếu tố quan trọng khiến căn bệnh này lây lan. Trước đó, WHO tuyên bố, vi-rút này lây lan chủ yếu qua những giọt lớn thoát ra từ đường hô hấp của bệnh nhân do ho, hắt hơi hoặc khi giao tiếp và rơi xuống các bề mặt. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 8: “Dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên thế giới: Diến biến đáng lo ngại”.
Cấp cứu 1 ngư dân nguy kịch khi đang đánh bắt trên biển
Ngày 6/7, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II Đà Nẵng (Danang MRCC) cho biết vừa cấp cứu thành công một ngư dân bị viêm ruột thừa cấp, nguy kịch trên biển.
Theo đó, khoảng 5h15 sáng 6/7, tàu Đna 90415 TS do ông Nguyễn Nhật (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) làm thuyền trưởng đang đánh bắt trên vùng biển Thừa Thiên Huế. Lúc đó, thuyền viên Nguyễn Văn Bên (SN 1965, trú TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) xuất hiện các triệu chứng đau bụng phải dữ dội, bí tiểu.
Thuyền trưởng đã nhanh chóng liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II Đà Nẵng yêu cầu hỗ trợ. Thời điểm đó, tàu đang ở vị trí 16047’N – 108030’E, cách Đà Nẵng 48 hải lý về hướng Đông Bắc.
Nhận được thông tin, Danang MRCC đã lập tức yêu cầu thuyền trưởng Nhật dừng đánh bắt, khẩn trương chạy về đất liền. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm cấp cứu y tế Đà Nẵng tư vấn y tế từ xa, hướng dẫn thuyền viên chăm sóc y tế và sơ cứu cho bệnh nhận.
Bệnh nhân Bên được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm ruột thừa cấp, cần được tiếp cận y tế sớm để đảm bảo an toàn tính mạng. Trước tình hình đó, đến hơn 6h, Danang MRCC đã điều động tàu SAR 412 đến cấp cứu cho thuyền viên tàu ĐNa 90415 TS. Trên tàu có 1 ê kíp bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115.
Gần 2 tiếng sau, tàu SAR 412 mới tiếp cận được tàu ĐNa 90415. Lúc này, bệnh nhân Bên đang trong tình trạng hết sức nguy kịch: bụng chướng, nôn mửa, sốt cao sức khỏe suy yếu vì phải chịu đựng cơn đau dữ dội liên tục.
Bệnh nhân được lực lượng cứu nạn hàng hải cấp cứu để ổn định tình trạng bệnh và chuyển sang tàu SAR 412 di chuyển về đất liền. Đến 10h45, tàu SAR 412 đã đưa bệnh nhân đến Đà Nẵng và bàn giao cho Trung tâm cấp cứu 115 tiếp nhận và chuyển đến bệnh viện địa phương điều trị. Hiện, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch. (Tiền phong, trang 2).
Dịch bạch hầu ở Tây Nguyên lan rộng
Tình hình bệnh bạch hầu tại các tỉnh Tây Nguyên đang diễn biến phức tạp với sự ghi nhận các ca mắc, ổ dịch mới ngoài địa bàn đã khoanh vùng.
Có 59 ca mắc bạch hầu
Tại Đắk Nông, theo số liệu cập nhật của ngành y tế, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có 5 ổ dịch bạch hầu với 25 ca dương tính (11 ca ở Krông Nô, 12 ca ở Đắk G’long, 2 ca ở Đắk G’lấp). Ổ dịch xuất hiện mới được ghi nhận tại xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) với 2 trường hợp bệnh nhi Đ.K (SN 2003) và Đ.M.K (SN 2013) nhập viện lần lượt vào các ngày 30/6, ngày 5/7, với triệu chứng sốt, ho, đau họng… nghi bạch hầu.
Các ổ dịch cũ ở 2 huyện Krông Nô và Đắk Glong, cũng phát hiện thêm một số ca dương tính với bạch hầu sau khi mở rộng điều tra, giám sát, theo dõi, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Cụ thể phát hiện 4 ca tại thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú (huyện Krông Nô) 2 ca tại ổ dịch cũ thôn 12, xã Quảng Hòa, (huyện Đắk Glong). Như vậy trong 836 mẫu bệnh phẩm ngành y tế đã lấy để xét nghiệm, có 25 mẫu dương tính, hơn 700 mẫu âm tính, còn lại đang chờ kết quả. Hiện có 19 ca đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên; Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông và Trung tâm Y tế huyện Krông Nô.
Tại tỉnh Gia Lai, tính đến chiều 6/7 có 12 ca nhiễm bạch hầu. Ca nhiễm đầu tiên là bệnh nhi V. (dân tộc Ba Na, 4 tuổi, làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa) tử vong lúc 2h30 sáng 5/7 do bạch hầu thanh quản ác tính tổn thương đa cơ quan.
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, ngay khi phát hiện ca bệnh trên, ngành y tế đã gửi 24 mẫu bệnh của các trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhi V. đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Ngành y tế Gia Lai đã cho người dân tại xã Hải Yang uống thuốc phòng dịch và tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng; ngành giáo dục cũng cho học sinh trên địa bàn xã Hải Yang nghỉ học 1 tuần bắt đầu từ ngày 6/7 để chống dịch. Ông Hải cho biết thêm, việc tiêm vắc xin bạch hầu trên địa bàn chỉ đạt hiệu quả khoảng 92%. Tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào thiểu số vẫn chưa thực hiện tốt công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu, thường né tránh vì chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dịch này.
Từ đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận rải rác 22 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy. Riêng từ ngày 27/6 đến ngày 2/7, ngành y tế ghi nhận 14 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Diên Bình (Đắk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (Sa Thầy), các trường hợp này đều là đồng bào thiểu số.
Tiêm vắc-xin cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, thành
Ngày 6/7, TS. Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết từ nay đến quý 4 sẽ tiêm vắc-xin phòng bạch hầu cho trẻ 7 tuổi hoặc đang học lớp 2 tại 35 tỉnh thành.
Trước mắt, những tỉnh có ổ dịch cần tập trung dập dịch trước để tránh lây lan ra cộng đồng. 35 tỉnh triển khai tiêm vắc-xin ngừa bạch hầu gồm một số địa phương đang xuất hiện bệnh bạch hầu từ đầu năm gồm Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai, TPHCM. Các tỉnh khác trong nhóm tổ chức tiêm phòng là Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long.
Trẻ được tiêm miễn phí một liều vắc-xin bạch hầu tại các trạm y tế xã, phường. Những trẻ đã tiêm vắc-xin chứa thành phần bạch hầu, uốn ván trong thời gian một tháng tính đến ngày tiêm chủng, trẻ đang sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính… tạm hoãn tiêm.
Trước tình trạng dịch bạch hầu có dấu hiệu lây lan tại nhiều tỉnh hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu. Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh; cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
Xác định nhóm đối tượng trong độ tuổi có nguy cơ, tổ chức tiêm vắc-xin phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, tiêm đầy đủ tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế. (Tiền phong, trang 6).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 1: “Tây Nguyên đối phó khẩn cấp với dịch bạch hầu”; An ninh Thủ đô, trang 8: “Phát hiện 33 trẻ mắc bạch hầu ở Tây Nguyên: Kiểm soát ổ dịch, cách ly người bệnh, không để bùng phát”; Công an Nhân dân, trang 1: “Bệnh bạch hầu bùng phát ở Kon Tum, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng dịch”; Gia đình & Xã hội, trang 3: “Bộ Y tế: Kon Tum cần cách ly ngay ca mắc bạch hầu”; Nông thôn Ngày nay, trang 3: “Cách ly một làng Gia Lai để phòng dịch bạch hầu” ; Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Khẩn trương khoanh vùng, quyết liêt dập dịch bạch hầu ở Tây Nguyên”.
Tác dụng bảo vệ của vắc xin bạch hầu giảm dần
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền ở mọi lứa tuổi. Người lớn, trẻ lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh.
Theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Bộ Y tế, từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2020, ghi nhận xu hướng tăng nhẹ số ca mắc bạch hầu và một vài ổ dịch bạch hầu quy mô nhỏ tại một số địa phương, như: Đắk Nông, Gia Lai và Quảng Ngãi. Trên thực tế, hơn 70% các trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong những năm gần đây xuất hiện ở trẻ lớn và người lớn.
Chưa thể khống chế ca mắc mới
Lý giải về nguyên nhân xuất hiện các ổ dịch mới tại Tây nguyên (mới đây nhất là tại Gia Lai) và chưa thể khống chế ca mắc mới dù đã qua 6 tháng kể từ khi xuất hiện ổ dịch tại Tây nguyên, PGS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết: “Những trường hợp không tiêm vắc xin hoặc tiêm chủng chưa đủ số mũi phòng bệnh cơ bản sẽ không có hoặc không có đủ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, trở thành đối tượng yếu thế nhất trong cộng đồng khi có dịch xảy ra”.
Theo PGS Hồng, trên thực tế, chỉ 85 – 90% những người đã tiêm đủ số mũi vắc xin có thể sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bạch hầu. Tùy theo đặc tính của từng cơ thể, 10 – 15% còn lại vẫn không có hoặc không tạo đủ miễn dịch bảo vệ. Mặt khác, miễn dịch do vắc xin bạch hầu tạo ra tồn tại trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ giảm dần theo thời gian. Ở những nhóm trẻ lớn hoặc người lớn, có thể gặp trường hợp miễn dịch giảm xuống dưới ngưỡng bảo vệ.
“Chính vì vậy, qua thời gian, việc tích lũy những đối tượng chưa tiêm chủng đầy đủ sẽ tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Việc thực hiện các hoạt động tiêm chủng bổ sung cho nhóm trẻ lớn là cần thiết để củng cố miễn dịch, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh quay trở lại”, PGS Dương Thị Hồng đánh giá.
Nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương khác
Trả lời Thanh Niên về đánh giá nguy cơ xuất hiện bạch hầu, PGS Hồng cho hay: “Không chỉ Tây nguyên mà tại các địa phương có nhiều đối tượng cảm nhiễm với bạch hầu đều có nguy cơ xuất hiện bệnh”.
PGS Hồng lưu ý: “Đặc biệt là các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi mà việc tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng còn nhiều khó khăn do giao thông đi lại, tập quán sinh hoạt, bất đồng về ngôn ngữ… còn nhiều bà con chưa hiểu được lợi ích và sự cần thiết phải đưa con đi tiêm chủng để phòng bệnh cho con em”.
PGS Hồng cũng chia sẻ, mặc dù để có thể đưa vắc xin đến được với các điểm tiêm chủng ngoài trạm rất xa xôi, cán bộ y tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng không phải bà con nào cũng sẵn sàng cho con họ tiêm chủng. Vì vậy, công tác vận động, truyền thông là rất quan trọng để người dân hiểu và đưa con đi tiêm chủng đủ mũi, đúng lịch. Ngoài ra, cũng cần có thời gian để vắc xin và các biện pháp chống dịch phát huy hiệu quả. (Thanh niên, trang 2).
Bệnh nhân phi công người Anh được công bố khỏi bệnh
Căn cứ kết luận hội chẩn quốc gia ngày 3-7, bệnh nhân số 91 được chính thức công bố khỏi bệnh COVID-19, có thể ra viện và không cần cách ly.
Trong ngày 6-7, có 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm bệnh nhân số 329 (22 tuổi, nam, quốc tịch Việt Nam) tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi và bệnh nhân số 91 (43 tuổi, nam, phi công người Anh) tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bệnh nhân người Anh, dù vậy, vẫn tiếp tục ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị phục hồi chức năng vận động để có thể hồi hương trên chuyến bay thương mại ngày 12-7.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chiều 6-7 cho biết Việt Nam đã ghi nhận thêm 14 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Cả nước hiện có 12.291 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly, theo dõi sức khỏe, trong đó 120 người được cách ly tập trung tại bệnh viện, 11.754 người được cách ly tập trung tại cơ sở khác và 417 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến thời điểm này, Việt Nam có 342/369 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 được công bố khỏi bệnh, chiếm 92,7%. Không có trường hợp nào tử vong do COVID-19. (Tuổi trẻ, trang 14).
Cùng chủ đề báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Nam phi công người Anh được công bố khỏi bệnh Covid-19”; Lao động, trang 7: “Công bố bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Việt Nam đã khỏi bệnh”.
Người lính quân y trên hành trình y tế thông minh
Trước đòi hỏi ngày càng cao của công tác khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc tốt sức khỏe bộ đội và nhân dân, thời gian qua, các bệnh viện quân y khu vực phía Nam đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn, trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trên địa bàn đóng quân.
Đột phá trong khám chữa bệnh
Bệnh viện Quân y 7B (Cục Hậu cần Quân khu 7) những năm qua tập trung đẩy mạnh bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo và đào tạo lại. Hàng năm, bệnh viện cử hàng chục bác sĩ, nhân viên y tế đi đào tạo tại các học viện, tham gia thực tập ở các bệnh viện lớn trong và ngoài quân đội để tích lũy kinh nghiệm, lĩnh hội kỹ thuật mới. Nhờ vậy, bệnh viện đã thực hiện được các kỹ thuật khó trong điều trị nội, ngoại khoa…
BS-CKI Đinh Sỹ Hòa, Trưởng khoa Ngoại chung, Bệnh viện Quân y 7B kể, cách đây không lâu, bệnh viện đã cấp cứu kịp thời một trường hợp bệnh nhân nữ bị vỡ thai ngoài tử cung. Bệnh nhân H.T.T.U. (39 tuổi) bị đau dữ dội vùng bụng bên phải, nhập viện trong tình trạng da, niêm mạc nhợt, vã mồ hôi, huyết áp tụt, chướng bụng, đi không vững. Các bác sĩ tiến hành nội soi kiểm tra tổn thương bên trong và phát hiện bệnh nhân bị mất khoảng 2 lít máu, túi thai làm tổ ở eo vòi tử cung bị vỡ. Đây là vị trí rất khó để xử trí trong chuyên môn. Hội đồng chuyên môn quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Bệnh nhân H.T.T.U. thoát “lưỡi hái tử thần” trong gang tấc.
Một trường hợp khác, bệnh nhân nếu đến trễ 30 phút thì nguy cơ tử vong rất cao. Đó là bệnh nhân nam (18 tuổi) bị đau bụng 3 ngày, vì lầm tưởng bị viêm dạ dày nên ráng chịu đau, không đi khám bệnh. Nhập viện cấp cứu, bác sĩ tiến hành nội soi thì phát hiện ruột thừa của bệnh nhân H. đã hoại tử, chuyển màu đen, quai ruột, mạc nối bao bọc chỗ ruột thừa viêm thành một khối. Sau 2 giờ tiến hành phẫu thuật, cắt khâu chỗ ruột thừa bị hoại tử, bệnh nhân qua cơn nguy hiểm.
Bồi dưỡng y thuật, nâng cao y đức luôn là mục tiêu của các bệnh viện quân y, nhất là tuyến cơ sở. Đây là đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn và nhu cầu của người bệnh. Quán triệt tinh thần đó, mô hình “CLB điều dưỡng” của Bệnh viện Quân y 7A đã đem lại sự thay đổi căn bản, thiết thực trong phục vụ người bệnh. “Đây là một trong những phương pháp thiết thực bồi dưỡng chuyên môn, tay nghề và trang bị kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ, nhân viên y tế được bệnh viện duy trì đều đặn 2 năm qua và được nhân rộng ra các bệnh viện tuyến Quân khu 7”, Đại tá, TS-BS Lê Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Quân y 7A, nhấn mạnh.
Cải tiến, sáng tạo, ứng dụng mới
Với mục tiêu hướng đến xây dựng bệnh viện thông minh, Bệnh viện Quân Dân y miền Đông (Cục Hậu cần Quân khu 7) đã nghiên cứu, chế tạo thành công hàng loạt mô hình, thiết bị kỹ thuật, đóng góp trực tiếp vào hoạt động chuyên môn. Điển hình như: Ki ốt đăng ký khám bệnh thông minh; ứng dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; hệ thống kiểm soát ra vào phòng bệnh… Các mô hình, sáng kiến này góp phần hỗ trợ thiết thực cho hoạt động KCB, tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian chờ đợi cho người bệnh. Trong 5 năm qua, số người đến KCB tại bệnh viện đạt trên 1,4 triệu lượt.
Mới đây, Bệnh viện Quân Dân y miền Đông đưa vào hoạt động khu Khám bệnh chất lượng cao hiện đại, khang trang, trong đó có phòng khám tầm soát công nghệ cao với ứng dụng máy tầm soát Oligocheck; phòng khám nội soi dạ dày – đại tràng… “Đây là phương pháp ứng dụng bước sóng vật lý quang phổ đo chỉ số khoáng chất và hóa chất trong cơ thể, tầm soát sức khỏe nhưng không xâm lấn, không phải lấy máu để hóa nghiệm, không dùng thiết bị y khoa tác động vào con người để phân tích và cho ra kết quả”, Đại tá – BS Trịnh Ngọc Chí, Trưởng khu Khám bệnh chất lượng cao, Bệnh viện Quân Dân y miền Đông, cho biết.
Bệnh viện Quân y 4 (Cục Hậu cần, Quân đoàn 4) cũng tích cực triển khai ứng dụng phần mềm quản lý KCB. Hiện tại, bệnh viện đang sử dụng phần mềm Hospisoft được chuyển giao từ Bệnh viện Quân Dân y miền Đông với nhiều tiện ích quản lý và trích xuất dữ liệu. Thời gian qua, phần mềm này giúp bệnh viện quản lý chặt chẽ bệnh nhân trong KCB; đặc biệt là việc hướng dẫn thông tin cho người bệnh đến đăng ký KCB, rút ngắn thời gian chờ đợi xuống còn 1/10 so với trước. Mới đây, bệnh viện còn đưa vào sử dụng máy chụp X-quang kỹ thuật số và xe chụp X-quang kỹ thuật số lưu động phục vụ khám sức khỏe định kỳ của người lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM…
Những mô hình, cách làm sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB, tuyến bệnh viện quân y khu vực phía Nam ngày càng tạo dựng được niềm tin yêu từ người bệnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế
Chính phủ vừa ra Nghị quyết về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Nghị quyết nêu, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải nghiêm túc thực hiện. Việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế phải gắn với nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Hiện nay, biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế hưởng lương từ ngân sách nhà nước chiếm trên 85% tổng biên chế viên chế do Chính phủ quản lý. Việc bố trí viên chức phải bảo đảm định mức giáo viên/lớp, học sinh/lớp, viên chức y tế/giường bệnh, viên chức y tế/dân số.
Tuy nhiên, các định mức này hiện nay chưa phân biệt giữa các vùng đô thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và đều được ban hành trước khi Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW) nên đến nay không còn phù hợp với thực tiễn. Việc thực hiện xã hội hóa hoạt động giáo dục mầm non, phổ thông và y tế còn chậm.
Do vậy, mặc dù Chính phủ đã bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 tỉnh có mức tăng dân số cơ học cao và 5 tỉnh Tây Nguyên nhưng vẫn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp giáo dục và y tế. Thực hiện chủ trương “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân thì phải có viên chức y tế”, trong khi chưa kịp sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đồng thời, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19-NQ/TW, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết số 8/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW.
Đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao; đồng thời, đơn vị phải tăng mức trích lập vào quỹ phúc lợi đủ để giải quyết chế độ, chính sách cho số hợp đồng lao động này khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Không kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn quá 12 tháng đối với giáo viên, viên chức
Đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế để kịp thời thay cho số giáo viên và viên chức y tế nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế) và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).
Hằng năm, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải tổ chức tuyển dụng để thay thế cho số giáo viên và viên chức y tế còn thiếu, bảo đảm đủ số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao. Không để kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn quá 12 tháng đối với vị trí việc làm là giáo viên và viên chức.
Đối với cấp học mầm non, tiểu học tại các địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, phải bảo đảm bố trí đủ biên chế giáo viên dạy 2 buổi/ngày theo quy định. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).